CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 44: Dùng trí tuệ của cổ thánh tiên hiền để giáo dục, chăm sóc và thấu hiểu con trẻ.
Ngày 08 tháng 11 năm 2010
Kính chào Pháp sư, quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Hôm kia và hôm qua, mấy vị đồng nhân chúng tôi cùng nhau tới Tịnh Tông Học Hội Ipoh Perak tham gia hai ngày quan hệ hữu nghị Tịnh Tông Học Hội toàn quốc Malaysia. Mọi người đem những kinh nghiệm quý báu trong công tác hoằng pháp lợi sinh trong hai năm nay, cùng nhau trao đổi học tập, cùng nhau giao lưu. Đây là nhân duyên vô cùng thù thắng hiếm có, bởi vì có tiếp thu sở trường, ưu điểm của người khác thì chúng ta sẽ hộ niệm đại chúng càng tốt hơn, càng làm tốt hơn nhân duyên hoằng pháp lợi sinh này. Phật môn thường nói phải tinh tấn, công việc hộ pháp cũng phải làm hết sức mình, làm cho thập toàn thập mỹ. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói “trung hiếu hữu đễ”, lòng “trung” này, đối người đối sự đối vật đều phải tận tâm tận lực mà đối đãi, mà làm tốt.
Hơn nữa Tịnh Tông Học Hội Tân Thành chúng ta còn nói rằng, để làm tốt trường học từ A tới Z thì phải nên tập hợp sức lực của mọi người, không phân ta người mà thành tựu những nhân duyên này. Không phân ta người thì sẽ hòa, có thể thật sự xây dựng đoàn thể “lục hòa kính”. Tục ngữ nói là “phân công không phân nhà”, đôi bên độc lập, giúp đỡ lẫn nhau, bên nào có chuyện thì chúng ta phải tận tâm tận lực như trong nhà chính mình có chuyện vậy. Có một vị Pháp sư Trung Quốc, ngài đi chủ pháp ở Thái Bình Di-đà Sơn, ngài thấy khu vực đó làm Phật thất, có mười mấy vị Hội trưởng Tịnh Tông Học Hội cùng nhau qua đó tùy hỉ hỗ trợ, đây đều là những điềm báo rất cát tường. Tất nhiên chúng ta tin là sư phụ thượng nhân biết được tình hình này sẽ đặc biệt vui mừng. Giống như anh chị em thân ái, cha mẹ là người hoan hỉ nhất. Chúng ta là những đệ tử có thể đồng tâm hiệp lực, làm cho tốt công tác hoằng hộ chánh pháp thì sư phụ sẽ là người an lòng nhất.
Y giáo phụng hành là sự cúng dường đệ nhất. Sư phụ bảo chúng ta xây dựng “lục hòa kính”, cắm vững ba cái gốc, chúng ta liền chân thật nghe lời, chúng ta thâm nhập học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì mới có thể thật sự cắm chắc cơ sở đức hạnh của chúng ta, khi chung sống với mọi người mới có thể tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ-tát, chứ không phải tùy thuận tập khí phiền não của bản thân chúng ta.
Trước đây tôi có nói với mọi người là, “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (thương xót con côi, cứu giúp quả phụ, kính già, thương trẻ). Nhất là chúng ta nói tới từ “hoài” trong “hoài ấu”, điều rất quan trọng là phải bảo vệ tốt các em nhỏ, hộ niệm tốt thế hệ sau. Điều này không chỉ là dưỡng dục các em trưởng thành khỏe mạnh mà còn phải giáo dục tốt nhân cách của các em, huệ mạng của các em. Nhưng muốn giáo dục tốt nhân cách của các em thì phải dùng trí huệ của cổ thánh tiên hiền mà giáo dục các em, hơn nữa còn phải dùng đúng phương pháp để giáo dục các em. “Thế hữu chân giáo thuật, tư hữu chân nhân tài”, thật sự có nội dung và phương pháp dạy học đúng đắn thì mới có thể sanh ra nhân tài tốt. “Giáo thuật chi đoan, tự lư hạng thủy”, phương pháp giáo dục tốt chính là truyền thừa phương pháp tư thục mấy ngàn năm nay, đó là phương pháp “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (phương pháp giáo dục quý ở chỗ tinh chuyên). “Nhân tài chi đoan, tự đồng tử thủy”, phải dạy các con từ nhỏ, tổ tiên của chúng ta rất có trí huệ, từ thai giáo đã bắt đầu dạy rồi.
Chúng ta cảm nhận được những đồng tu Malaysia này họ đều vô cùng chân thật nghe lời, thực hành những lý niệm giáo huấn quan trọng của sư phụ. Chúng ta tin là hệ thống các trường học này, nhân duyên này ở Malaysia có thể sẽ chín muồi rất nhanh chóng. Chúng ta cũng hy vọng nhân duyên này chín muồi rồi sẽ cố gắng tích lũy kinh nghiệm, có thể cung cấp cho đồng tu có tâm khắp các nơi, cùng nhau tới giao lưu, cùng nhau tới trao đổi học tập. Bây giờ có rất nhiều việc không thể đợi được, phải mau mau đi làm, tích cực mà làm. Chúng ta xem, vì không có phương pháp, nội dung giáo dục tốt nên bây giờ chuyện phổ biến nghiêm trọng nhất khắp thế giới là gì? Thanh thiếu niên, vấn đề giáo dục thế hệ sau, đức hạnh của thanh thiếu niên xuống dốc trầm trọng, vì nội dung dạy sai rồi, phương pháp dạy sai rồi. Cái sai chủ yếu nhất trong nội dung là gốc ngọn điên đảo rồi, “gốc” là đức hạnh, “ngọn” là tri thức kĩ năng, quý vị làm ngược lại, không có cái gốc, cho nên hành vi của con trẻ đã bị lệch lạc khá là nghiêm trọng.
Sự “hoài ấu” này, trong Vựng Biên đã kể về vài trường hợp tiêu biểu của thánh hiền nhân trong lịch sử. Tiên sinh Nguyên Đức Tú thời Đường, lúc ông còn nhỏ thì khá là nghèo khổ, anh trai của ông qua đời từ rất sớm. Hơn nữa, còn để lại một cháu trai mới đầy một tháng tuổi. Đứa bé còn nhỏ như vậy, không lâu sau, chị dâu của ông cũng qua đời, để lại một đứa con nhỏ dại như thế, không có người có thể cho bú mớm, không có người có thể nuôi em. Nguyên Đức Tú ngày đêm than khóc, ẵm em bé mồ côi này, hơn nữa em bé đói bụng rồi cứ kêu khóc mãi, ông không có cách nào đành tự mình cho em bé này bú sữa. Trải qua khoảng mười ngày, lão tổ tiên nói “chí thành cảm thông” là sự thật. Mười ngày sau đó ông đã thật sự có sữa cho đứa cháu này bú. Những câu chuyện này trong lịch sử khiến chúng ta cảm nhận được, nếu như chúng ta không có những cảm ứng này, chủ yếu vẫn là sự thành tâm của chúng ta không chí thành bằng cổ thánh tiên hiền. Ông đã nuôi dưỡng đứa cháu này lớn lên.
Công án này khiến chúng ta cảm nhận được tấm lòng “hoài ấu”, chăm sóc cô nhi của ông đã tương ứng với đức hiếu sanh của thượng đế. Hơn nữa tấm lòng này của ông là tâm hiếu đễ thật sự, anh trai ông chỉ còn lại một giọt máu này, ông làm như vậy quả thật là khiến anh trai ông, thậm chí cha mẹ, tổ tiên của ông an lòng, an ủi linh hồn của họ trên trời cao. Cho nên Khổng Tử nói “trẻ nhỏ được chăm sóc”, Mạnh Tử nhấn mạnh “kính cha mẹ người như cha mẹ ta, thương con cháu người như con cháu ta”. Chúng ta nhận ân đức giáo huấn sâu sắc của cổ thánh tiên hiền thì càng phải nên y chiếu theo giáo huấn của họ mà làm. Chúng ta thân làm trưởng bối, bậc tôn trưởng, nhất định phải chăm sóc, thấu hiểu vãn bối cho tốt.
Còn có một quan viên tên là Lưu Di, khu vực của ông gặp năm mất mùa, lão bá tánh không có cơm ăn, có người thậm chí còn vứt bỏ con cái của mình, khiến các em chết đói. Ông nhìn thấy tình hình này, người xưa đọc sách thánh hiền, “học nhi ưu tắc sĩ”, họ học hành rất là giỏi, sau đó đi làm quan, dùng giáo huấn của cổ thánh tiên hiền để trị lý, thương yêu nhân dân. Khi ông nhìn thấy tình hình này đã khẩn trương tìm đủ mọi cách để cải thiện. Lúc đó ông là quan viên trong triều Tống, ông đã mau chóng công bố tin tức, thu nhận về hết những cô nhi này, còn đăng đăng kí rõ ràng là sẽ chăm sóc các em. Sau đó còn lập kho lương Quảng Huệ, đây là một đơn vị công ích, cung cấp lúa gạo giúp những gia đình nghèo khổ có đủ cơm ăn, để họ không vứt bỏ những em bé này nữa. Nhờ có những biện pháp này của ông mà số cô nhi được cứu sống vô cùng nhiều, đây đúng là vị quan phụ mẫu.
Câu chuyện này cũng nhắc nhở người làm quan chúng ta, hoặc là những người làm công tác giáo dục. Tại sao điều này có liên quan tới công tác giáo dục? Mỗi quan viên, xin hỏi họ đã học qua tiểu học chưa? Có học qua trung học chưa? Rồi. Nếu như những giáo viên tiểu học, trung học của họ đem những hành vi tiêu biểu nhân từ của những người làm quan này kể cho họ nghe thì họ từ nhỏ đã rất khâm phục, cảm động. Sau này nhân duyên chín muồi, họ có phước báo đi làm quan thì họ sẽ dùng tâm trạng này để chăm sóc nhân dân, vì họ đã được trồng những hạt giống thiện này rồi. Cho nên người làm công tác giáo dục, các ngành các nghề trong xã hội có vấn đề gì thì chúng ta đều có một phần trách nhiệm, bởi vì chúng ta đã từng dạy những người này. Tam Tự Kinh đã nói rất rõ ràng là “dạy không nghiêm, lỗi của thầy”, điều này khó tránh khỏi trách nhiệm.
Xã hội bây giờ có một số tình hình phát sinh, ví dụ tình trạng sinh viên nhảy lầu là rất nghiêm trọng. Phải tìm hiểu tâm lý của sinh viên đã xảy ra vấn đề gì. Một lão bá tánh có chuyện thì tâm của quan phụ mẫu cũng đau buồn, lo lắng giống như con cái của chính mình có chuyện vậy. Như vậy mới là thật sự kế thừa tấm lòng từ bi của người làm quan trong lịch sử. Có người hỏi một quan viên làm trong ngành giáo dục: “Ông thấy bây giờ sinh viên đại học nhảy lầu nhiều như vậy, phải làm sao?” Câu trả lời của quan viên này khiến chúng ta hết sức thảng thốt: “Tỉ lệ % nhảy lầu này của chúng ta còn thấp hơn tỉ lệ % của nước Mỹ”. Trong lúc này đâu phải là lúc để so tỉ lệ %! Trong lúc này là phải đồng cảm thấu hiểu, là lúc người đói là mình đói. Có một em nhảy lầu như vậy thì có thể cả gia đình, gia tộc của em, cuộc đời của những trưởng bối của em đều đau thương tột cùng. Cho nên chúng ta không được để những thứ tri thức như vậy làm cho trái tim nhân từ của chúng ta bị chướng ngại mất, đi so cái tỉ lệ % đó, mình còn thấp hơn họ, mình khá lắm rồi. Nếu đồng cảm thấu hiểu thì tuyệt đối không nhìn sự việc như vậy, tuyệt đối không nói những lời như vậy. Cho nên không thể làm quan làm tới mức lương tâm bị lu mờ đi mất, đều chai sạn hết, vậy là không tốt.
Trong Vựng Biên có kể câu chuyện của một quan viên, tiên sinh Dương Chứ thời Minh, tấm lòng ông hết sức nhân hậu. Ông có mua một con lừa, là phương tiện đi lại của ông khi lên triều. Mua lừa nghĩa là ông rất tiết kiệm, ông không mua ngựa. Nhìn tác phong của thánh hiền nhân thì hãy nhìn vào những điểm này. Tại sao? Ông làm tới Lễ bộ Thượng thư, tức Bộ trưởng Giáo dục mà vẫn tiết kiệm như vậy. Một đại thần tiết kiệm thì sẽ dẫn dắt phong khí cả nước. Chúng tôi cũng có quen một đồng tu, anh bố thí vô cùng rộng rãi, tận tâm tận lực, rất nhiều đồng tu Tịnh tông đều tán thán hết lời, còn chính anh ăn mặc hết sức giản dị, đi chiếc xe chắc cũng đi được hơn mười năm rồi. Số tiền một lần anh bố thí có thể có giá trị bằng một chiếc xe nhưng anh vẫn luôn không nỡ xài tiền, chỗ nào có nhu cầu thì anh liền mau đi bố thí. Thật ra mà nói, những đồng tu như vậy đều là Phật Bồ-tát thị hiện cho chúng ta xem, chúng ta phải biết nhìn, biết học.
Tiên sinh Dương Chứ hằng ngày cỡi con lừa đó lên triều. Hàng xóm của ông có một người tuổi cũng khá cao, về già sanh được đứa con, điều này là không dễ vì có thể là chỉ sanh được một đứa con trai như vậy thôi. Sau đó ông lo ngại, bởi vì lừa hay kêu, sợ lừa kêu làm giật mình em bé này, ông đem con lừa này bán đi, sau đó tự mình đi bộ lên triều. Chúng ta xem, ông đã làm quan lớn, rất có đặc quyền, người làm quan vốn dĩ cho rằng việc gì cũng phải đem lại sự tiện nghi, tiện ích cho họ, thậm chí cũng có khả năng là việc cậy thế bắt nạt người cũng sẽ xuất hiện. Nhưng ông đã làm quan lớn như vậy, không bị những danh văn lợi dưỡng bên ngoài làm cho ô nhiễm mà vẫn giữ gìn được cái tâm đồng cảm thấu hiểu, cái tâm “thấy người được, như mình được; thấy người mất, như mình mất”. Người ta khó khăn lắm có được một đứa con này, nhất định phải cùng nhau bảo hộ cho tốt em bé này, cho nên bản thân ông đã đi bộ lên triều.
Mộ tổ của gia đình ông có người hầu của ông trông coi, một hôm người hầu này vội vàng chạy về nhà, nói với ông: “Chủ nhân, bia của ngôi mộ tổ chúng ta bị một đứa nhỏ xô ngã rồi!”. Lúc đó ý nghĩ tiếp theo của ông là hỏi: “Em bé đó có bị thương không?”. Đây là sự tu dưỡng rất không đơn giản. Người hầu này nói rằng không có bị thương, ông nói: “Vậy thì tốt quá, may mắn quá”. Ông còn đích thân tìm tới nhà người nông dân hỏi thăm tình hình em bé đó, sau đó dặn dò nhà nông dân này trông coi em bé cho tốt, không thể để em bị thương. Từ hai câu chuyện nhỏ này chúng ta nhìn thấy được tiên sinh Dương Chứ vô cùng thương yêu con trẻ, cho nên về sau ông được làm tới chức quan lớn như vậy, đều có quan hệ rất trực tiếp tới âm đức từ sự tích lũy của tấm lòng yêu thương của ông.
“Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” là những điều giúp chúng ta không ngừng tăng trưởng tâm từ bi. Tu hành trong nhà Phật thì “từ bi là gốc, phương tiện là cửa”, học Phật tức là học tấm lòng của Phật, dụng tâm của Phật. Phật Bồ-tát là đại từ đại bi đối với tất cả chúng sanh. Những điều chúng ta vừa thảo luận là sự quan tâm đối với những người có cuộc đời gặp nhiều khổ nạn.
Tiếp theo giáo huấn của Thái Thượng là: “Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”. Tâm từ bi mở rộng tới các sanh mạng nhỏ. “Côn trùng”, chữ “côn” có nghĩa là nhiều, nó bao gồm tất cả kiến giun trùng bọ ở trong đó. “Thảo mộc” là thực vật, ngay cả thực vật cũng thương yêu, cũng có tâm từ bi, cũng không nhẫn tâm sát hại, “do bất khả thương”.
Nhà Phật nói, giới là gốc của Bồ đề, giới là gốc của đạo, có thể trì giới mới có thể thành tựu đạo nghiệp. Trong Ngũ Giới căn bản thì điều thứ nhất là không sát sanh, không sát sanh nói về mặt ý nghĩa còn bao gồm không não hại chúng sanh, không não hại côn trùng, cũng không não hại thực vật.
Trong Vựng Biên đã có nhắc tới, trên thực tế, những con kiến giun trùng bọ này đều có linh tri, chúng đều có Phật tánh. Với người thông thường không học Phật, quý vị nói với họ côn trùng có linh tánh, có Phật tánh, họ có tin theo không? Họ không dễ gì tin theo. Nhưng chúng ta đã tiếp thu giáo huấn của Đức Phật, chúng ta hiểu rõ chân tướng này rồi, lĩnh hội được rồi thì phải y theo đạo lý này mà đối đãi với tất cả chúng sanh. Nhất là chúng ta đã học pháp môn niệm Phật, sư phụ đã giới thiệu cho chúng ta A-di-đà Phật là người thầy tốt nhất trong cả vũ trụ, là quang trung cực tôn, Phật trung chi vương. Chúng ta học A-di-đà Phật nên học thế nào? Học lòng đại từ đại bi của ngài. Chúng ta xem 48 đại nguyện của A-di-đà Phật, có câu là “hữu tình chưa độ khiến được độ, kẻ đã độ rồi khiến thành Phật”. Tất cả những loài kiến giun trùng bọ “trong ba đường ác, sanh về cõi của ta, thọ pháp của ta, đều thành A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề”, đối với chúng sanh thập pháp giới ngài đều luôn từ ái, ngài nắm tất cả cơ hội khiến chúng sanh chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh.
Vậy chúng ta bây giờ làm sao noi gương A-di-đà Phật? Nhìn thấy côn trùng, tôi thấy rất nhiều đồng tu thường cho cá ăn, sau đó cũng niệm tam quy y cho chúng, tức là nắm chắc nhân duyên với những chúng sanh này, bố thí pháp cho chúng. Mọi người thử nghĩ xem, những con cá này cảm nhận được không? Thành tắc linh, thành tắc cảm thông, quý vị rất chân thành, chúng có thể cảm nhận được. Chúng ta nếu như có kinh nghiệm đi phóng sanh rồi, quý vị đem thả những sanh mạng này đi, phóng sanh rùa là thấy rất rõ ràng, trong quá trình chúng bơi đi, chúng nhiều lần quay đầu lại, đó đều là đang cảm ơn ân cứu mạng, sao có thể nói chúng không có linh tánh cho được? Rất nhiều lúc phóng sanh xong, mấy con cá cứ ở đó nhảy lên, chúng và chúng ta giao tiếp có khó khăn, chỉ có thể dùng những hành vi này để thể hiện tình cảm cảm kích của chúng.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói rất là hay, “những loài có linh tri, đều cùng một thể với ta”, đây là chân tướng sự thật. “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một pháp thân”, chỉ cần có Phật tánh, cùng chúng ta đều là một thể, chúng ta đều phải thương yêu. Tiên sinh Liễu Phàm nói: “Huống hồ ta chưa thể tu được đức cao, khiến chúng trọng ta, thân cận ta, há lại ngày đêm hại mạng chúng, khiến chúng thù ta oán ta đến vô cùng sao?”. Người học Phật rồi, phải nên kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, bản thân mình cố gắng thương yêu chúng, khiến chúng từ bản thân chúng ta nhìn thấy Bồ-tát đạo, nhìn thấy tấm gương của đệ tử Phật, khiến chúng tôn trọng, khiến chúng tin tưởng, tiếp theo là muốn học Phật, đây là bổn phận của chúng ta. Chúng ta không làm tròn bổn phận này, lại đi tổn hại người, sát hại động vật, kết oán thù với chúng. Bởi vì chúng có linh tri, chúng đều biết cảm ơn thì chúng cũng biết oán hận. Chúng ta sát hại chúng, oán hận của chúng sẽ rất khó tiêu trừ thì oan oan tương báo sẽ không bao giờ chấm dứt. Đạo lý này hiểu rõ rồi, hãy kết thiện duyên, kết pháp duyên với tất cả sanh mạng, tuyệt đối không kết ác duyên nữa.
Đại sư Ấn Quang là Tổ sư của chúng ta, là tấm gương tốt, có đức hạnh. Ngài sống trong một căn phòng, trong đó có côn trùng, thị giả của ngài muốn dọn sạch chúng đi. Đại sư nói: “Không cần đâu, không cần đâu, đừng làm chúng nó hoảng sợ, có những thứ đó là do ta tu hành vẫn chưa đủ”. Kết quả ngài ở không lâu sau, côn trùng toàn bộ đều chuyển nhà đi, nghĩa là chúng có linh tri, nghĩa là Ấn Tổ đã “cung tu chí đức”, khiến những sanh mạng này hết sức tôn trọng Đại sư. Ngày nay trong phòng của chúng ta có côn trùng, đó có thể là Phật Bồ-tát biến hiện ra, tại sao vậy? Nhắc nhở chúng ta: Công phu còn kém rất nhiều. Nếu như càng ngày càng nhiều, thì chúng ta phải sám hối nghiệp chướng. Tình hình càng ngày càng kém thì chắc chắn là bản thân chúng ta có vấn đề rồi, “làm việc không thông, xét lại chính mình”, luôn luôn trưởng dưỡng tâm hổ thẹn, luôn luôn sanh khởi tâm từ bi.
Côn trùng thật sự có Phật tính. Tôi có một lần sống ở trên núi, lúc đó tôi đang dạy học ở một trường bên núi. Lúc đó cũng đã nghe sư phụ giảng kinh rồi, nghe xong giáo huấn của sư phụ giảng rồi thì không thể tái phạm lỗi. Tại sao? Vãng sanh Tây phương mang nghiệp cũ, không mang nghiệp mới. Sau khi hiểu lý rồi mà còn phạm, gọi là biết rõ nhưng cố phạm thì tội càng thêm nặng, sư phụ nói không thể đập muỗi khi bị chúng cắn, quý vị cúng dường chúng là được rồi. Cho nên có một lần tôi bị một con muối cắn, tôi đã không kinh động chúng. Trong 48 lời nguyện có nói: “Nếu có chúng sanh thấy quang minh tôi, soi chiếu khắp thân, đều được an lạc”. Cho nên chúng ta liền quán tưởng, mình phải mau mau niệm Phật, hy vọng Phật quang chiếu đến nó, xem thử nó có thức tỉnh thiện duyên trong đời quá khứ không? Có thể nó trước đây là người niệm Phật, nhất thời mê hoặc, nên đi làm muỗi, quý vị làm sao biết được căn tánh quá khứ của nó. Mau mau niệm Phật gia trì cho nó, dùng Phật hiệu, hy vọng quang minh của A-di-đà Phật chiếu đến nó. Nó hút máu chắc cũng được năm sáu phút, sau cùng cũng ăn no rồi, nó bay lên cao đậu lại trên bức tường trong phòng. Nó hoan hỉ, tôi cũng rất hoan hỉ, làm được một lần cúng dường.
Qua hai ngày sau, nó vẫn cứ đậu ở đó bất động, tôi thấy thật kì lạ, nó ăn no quá nên bay không nổi sao? Tôi liền qua đó xem thử. Tôi vẫy vẫy tay bên cạnh, nó không phản ứng. Tôi động một cái mới biết nó đã ra đi rồi, tôi cũng không biết nó đã ra đi vào lúc nào. Sau khi ra đi, nó vẫn đậu trên bức tường đó, không động đậy. Nhưng rốt cuộc nó đi đâu, tôi cũng không biết, cho nên đời này tôi phải nắm chắc chắn phần đi Tây phương thì mới có thể điều tra được nó đã đi đâu. Nói không chừng đến lúc tôi lâm chung, lúc đó Bồ-tát Tây phương tới rước, đột nhiên tôi nhìn thấy, ồ thì ra nó đã đi Tây phương rồi, mau đến kết pháp duyên này với chúng ta.
Tất nhiên, học Phật pháp phải học đâu dùng đó, ngày nay quý vị muốn cúng dường con muỗi, đó là một yêu cầu của chúng ta đối với bản thân. Không thể nào người ta tới làm khách trong nhà quý vị, bị muỗi cắn đến nỗi không ngủ được, quý vị còn nói với người ta: “Anh cứ xem như cúng dường là được rồi”. Đó là càng học càng ngớ ngẩn, học rồi não hại chúng sanh, học tới nỗi ngay cả những thái độ căn bản làm người cũng không nhạy cảm. Người ta tới nhà quý vị chơi thì quý vị phải để họ thoải mái, phải mau mau mắc màn lên. “Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người”. Tất cả những đạo lý này, hãy dùng để yêu cầu bản thân mình, còn đối với khách khứa, đối với người khác thì phải vô cùng thấu hiểu, nhất là khi người ta vẫn chưa hiểu được những đạo lý này, quý vị yêu cầu họ, như vậy là hà khắc. Người tu hành nếu như càng tu càng không thể thấu hiểu người khác, vậy là biến thành thích làm thầy người, đã rớt vào trong một cái cạm bẫy khác rồi.
Sáng nay xin trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật.