CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 40: Đời này muốn được thành tựu, trước tiên hãy sửa thói nóng tính.
Ngày 01 tháng 11 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục coi kinh văn “chánh kỷ hóa nhân” (sửa mình cho chánh đáng mới cảm hóa được người khác). Chúng ta tiếp thu giáo huấn của thánh nhân tam giáo Nho Đạo Thích, tức là phải noi gương đức hạnh của họ, noi gương giá trị nhân sinh của họ. Cho nên “đạo của Khổng Mạnh, nhân nghĩa mà thôi”, chúng ta giữ tâm nhân nghĩa, đời này phải có thể thật sự làm lợi ích cho mọi người. Đạo Đức Kinh của Đạo gia cũng nói: “Thánh nhân khéo giáo hóa người nên không có ai vô ích; khéo lợi dụng vật nên không có vật vô ích”; “thánh nhân không có thành kiến, lấy tâm thiên hạ làm tâm mình”. Nhà Phật nói: “Từ bi là gốc, phương tiện là cửa”. Chúng ta học Nho, học Đạo, học Phật, trước hết là phải có một cái tâm làm lợi cho chúng sanh, cái này là động lực căn bản của việc tu thân hành đạo của một người, phải từ bi, phải bác ái.
Cho nên người tu hành trước tiên phải phát nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, “người xưa mong muốn làm tỏ đức sáng trong thiên hạ”, điều này đều là mục tiêu rộng lớn. Đã có mục tiêu rồi, làm sao để đạt được mục tiêu đây? Nho gia nói đến “cách vật”, nói “khắc kỷ phục lễ”, thực ra có hàm nghĩa “chánh kỷ” bên trong đó. Nhà Phật nói “dứt trừ tham sân si”, có tham sân si thì cái tâm này sẽ không chánh, hành vi sẽ bị lệch lạc. Cho nên, phải làm sao để thực hiện mục tiêu rộng lớn đây? Vẫn phải bắt đầu từ tu dưỡng tự thân, nhất là điều phục tập khí.
Tu hành thường nói tu từ căn bản, căn bản tức là khởi tâm động niệm. Trước hết phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải buông bỏ cái tâm tham này. Cho nên tu học trong Phật môn chỉ là nhìn thấu buông bỏ mà thôi. Buông bỏ tâm tham này có dễ dàng không? Chúng ta hình như đã buông được một thời gian rồi. Đã nhiễm phải tập khí từ vô thủy kiếp tới nay, cho nên phải thật sự hạ công phu để điều phục nó. Gọi là “dù cho thịt nát xương tan, vẫn không đánh mất chánh niệm”, chết cũng không sợ, chỉ sợ ý niệm không đúng, phải dùng sự quyết tâm như vậy để chuyển tà niệm, chuyển ác niệm, không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Thật ra không buông sự tự tư tự lợi được là do không hiểu lý, là do chúng ta vẫn chưa nhìn thấu, nhìn thấu là hiểu rõ chân tướng. Bởi vì chúng ta không hiểu rõ chân tướng, nhầm tưởng rằng cái thân này là chính mình, ngộ nhận cái thân này là “tôi”. Bên ngoài thân có nhà cửa của tôi, xe của tôi, người thân của tôi, thì “cái của tôi” sẽ sanh ra. Nếu không được vừa ý của mình thì khởi tâm nóng giận; bản thân nhìn thấy không thuận mắt, sẽ nổi nóng. Cho nên căn nguyên phiền não vẫn nằm ở cái “tôi” này, ngộ nhận cái thân này là chính mình.
Đức Phật ví như trong biển cả có một cái bọt nước, bọt nước này cũng giống như một cái thân thể vậy. Chúng ta cho rằng cái thân thể này là tôi thì chúng ta sẽ nhảy không ra khỏi khuôn khổ của bọt nước này, tâm địa sẽ nhỏ như vậy, so đo với người, đối lập với người, cứ như vậy mà tới. Nếu như phá vỡ bọt nước này đi, bọt nước sẽ ở đâu? Ở trong cả biển lớn. Buông bỏ cái thân này, ngã chấp này rồi mới có thể quay về tự tánh, mới có thể quay về bản lai diện mục của mình. Bản tánh của chính mình vốn dĩ là như thế nào? Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới, đâu có người sự vật gì mà không thể dung chứa? Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý này rồi thì đâu lẽ nào không buông được tự tư tự lợi. Sự tự tư tự lợi này khiến chúng ta không nhảy ra khỏi những tập khí, khiến năng lực của chúng ta không thể khôi phục. Khôi phục rồi thì có trí huệ đức tướng Như Lai. Chúng ta bây giờ không những không có những năng lực này mà hằng ngày bị những phiền não này trói buộc, vậy là oan uổng. Khi không hiểu lý thì ngày tháng đang sống sẽ không tự tại. Đã hiểu rõ đạo lý rồi thì chúng ta phải nên luôn luôn nhắc nhở chính mình, phải dùng tâm lượng tâm bao thái hư mà đối nhân xử thế, như vậy mới không uổng phí những chân tướng mà Đức Phật và những đại trí giả đã giảng cho chúng ta.
Ngày nay chúng ta học tập giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, sau khi hiểu rõ những đạo lý này thì phải thực hành, là phải thật sự làm theo. Buông bỏ những tập khí này rồi thì bản thân mới được thọ dụng; nếu như không đoạn trừ những tập khí này thì cho dù đã lý giải Phật pháp, nhưng sự thọ dụng vẫn bị giới hạn. Tại sao vậy? Không buông bỏ tập khí, vẫn là khởi tham sân si mạn, vẫn không thoát được lục đạo luân hồi, tâm tham chiêu cảm ngạ quỷ, tâm sân hận chiêu cảm địa ngục, ngu si sẽ chiêu cảm cõi súc sinh. Điều quan trọng trong nhà Phật là thực hành, học một điều phải làm một điều. Chúng ta thường nói, nâng cao bản thân trước hết phải bắt đầu từ việc khắc chế phẫn nộ, một niệm sân tâm khởi, lửa thiêu rừng công đức. Cho nên người đời này muốn có được thành tựu thì phải sửa thói quen nóng tính trước. Từ bi là gốc, tính khí nóng nảy, mỗi ngày não hại chúng sanh thì sẽ đối nghịch với tâm từ bi.
Nhà Phật thường nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, nguyên nhân dẫn đến sự nóng tính nằm ở đâu? Chúng ta nghĩ một chút, con người nổi nóng lúc nào? Khi có thương ghét, người ta không thuận theo ý chúng ta, chúng ta liền không vui, đây là tham chấp. Không vừa ý của mình thì liền thấy không vui, thật ra vẫn là cái “tôi” này đang gây chuyện. Luôn biết hằng thuận chúng sanh, luôn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ, buông xuống cái “tôi” này rồi thì sẽ không nóng giận. Hoặc là khi quá nóng vội, khi vội thì dễ nổi nóng. Cho nên người phải chậm rãi, tâm trạng hòa dịu thì sức quán chiếu sẽ khá mạnh. Khi hơi có chút khí nóng bốc lên, hãy mau mau niệm “A-di-đà Phật” để điều phục nó.
Người hay nổi nóng thật ra vẫn là do tâm tham đang phát tác, nhất là bản thân có tài hoa, có năng lực, nhìn thấy người khác không bằng mình, sự ngạo mạn sẽ khởi lên và nói: “Ngay cả một tí việc cũng làm không tốt, thật là kém”. Cho nên ngạo mạn cũng dễ nổi nóng, dùng tài trí ép người, vậy thì không tốt. Thường hay có yêu cầu rất cao, dùng tiêu chuẩn của mình để yêu cầu người khác. Thậm chí là khi người ta đã sai rồi, sự việc đã xảy ra rồi, thấy người làm sai, không chỉ trích, phải trợ giúp, mau mau giúp đỡ thu xếp một chút. Còn chúng ta khi nhìn thấy người khác sai, không những không trợ giúp, lửa đã bốc lên rồi: “Anh làm cái quái gì vậy! Bậy bạ!”, bốp bốp bốp mắng một trận. Không chỉ chẳng giúp được gì cho người khác mà lúc đó tất cả mọi người đều bị lún vào địa ngục, bầu không khí đó rất nặng nề do không khống chế được sự nóng nảy của mình. Cho nên “nhu hòa chất trực nhiếp sanh đức”, trước hết phải điều hòa tính khí. “Ôn lương cung kiệm nhượng”, là mục tiêu học Nho, học Phật của chúng ta, noi gương theo Phật Bồ-tát, theo thánh nhân, bản thân mới có thể chứng đắc.
Còn có một tình hình nữa đó là nổi nóng với chính bản thân mình, “tức mình quá đi mất!”, bởi vì bản thân làm không tốt, đấm ngực giậm chân, tự mình đi đánh vách tường. Điều này rất là ngu si. Tại sao vậy? Không có hiếu tâm, sát hại thân tâm của chính mình, đó là trong tâm không có cha mẹ. “Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn hại, khởi nguồn của hiếu”, nếu còn nghi ngờ chính mình, không tin tưởng chính mình, thường xuyên phủ định chính mình thì tâm trạng sẽ rất dễ bị u uất, chán nản. Thật ra, trong cuộc đời, khi đối mặt với bất kì thử thách gì, chỉ cần mình tin tưởng chính mình thì nhất định có thể đột phá được chướng ngại. Những người luôn luôn thoái lui né tránh đều là không tin tưởng chính mình, sau đó còn rơi vào trong tâm trạng như vậy nữa.
Thời gian chúng ta rơi vào sự nghi ngờ chính mình, chán ghét chính mình, nổi nóng với chính mình đã bao lâu rồi? Đó thật là lãng phí thời gian, là mê hoặc. “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, mau mau xoay chuyển nó lại. Tâm trạng xử thế thỏa đáng đúng mực, không tự ti cũng không ngạo mạn thì thân tâm mới lành mạnh. Người ta thường hay bị sự ngạo mạn và tự ti làm ảnh hưởng, làm chướng ngại chính mình, thật là lãng phí hết cả thời gian. Bớt nói một câu, bớt động một vọng niệm, niệm thêm một tiếng Phật, “đánh chết được niệm khởi, pháp thân sẽ hiển bày”. Thật sự tin tưởng lời của Phật Bồ-tát thì phải thật sự để trong tâm lời nói này, “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng Như Lai”, câu nói này chúng ta đã tin tưởng chưa? Tin tưởng rồi còn tự ti gì nữa, chẳng phải nhận ra chính mình rồi sao? Vốn có trí huệ đức năng tướng hảo của Như Lai, đây là bản lai diện mục của chúng ta, không còn tự ti nữa. Thật ra mà nói, người tự ti đều là không tin Phật. Cho nên tin Phật có dễ không? Không buông bỏ ý niệm, suy nghĩ sai lầm của chính mình thì muốn tin Phật cũng không dễ.
Tiếp theo Phật nói với chúng ta: “Nhưng vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên không thể chứng đắc”, hiểu được điều này rồi thì sẽ không tự kiêu nữa. Tại sao vậy? Mặc dù bản thân có bản tánh Như Lai nhưng bây giờ còn bị những tập khí này làm chướng ngại, tự mình biết chỗ thiếu sót của mình, sanh tâm hổ thẹn, sanh tâm tinh tấn. Tâm hổ thẹn, sẽ không ngạo mạn; tâm tinh tấn, sẽ không lãng phí thời gian nữa, mau chóng dụng công. Chúng ta biết rõ rồi, vì vọng tưởng phân biệt chấp trước nên không thể chứng đắc, phải mau chóng dụng công, thế nào là dụng công? Lúc nào ở đâu cũng buông xuống được vọng tưởng phân biệt chấp trước, cái này là người biết dụng công. Thiền tông thường nói: “Ngươi biết không?”, là có biết dụng công không, chữ “biết” này chính là một đại học vấn. Ngày nay chúng ta học Phật đã mấy năm rồi mà chấp trước không giảm nhẹ, đó là không biết dụng công, chỉ là dụng công trên bề mặt mà thôi, dụng công trong việc làm bộ cho người ta coi, tôi học cũng rất là khá. Nói thẳng ra, tốt hay không, thật sự chỉ có tâm của mình biết rõ nhất.
Chúng ta có tâm làm lợi ích cho chúng sanh thì phải hiểu rõ “biết trước biết sau, thì gần với đạo” (việc gì cần làm trước, việc gì cần làm sau). “Chánh kỷ” rồi mới có thể “hóa nhân”, sự trước sau này không thể điên đảo. Chưa có “chánh kỷ” đã muốn “hóa nhân”, đó là thích làm thầy người, đó là muốn đi khống chế người khác. Chúng ta hãy vững tin rằng “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, bản thân chúng ta có thể thật sự làm tốt, sự hành trì như vậy tự nhiên có thể làm cảm động, thức tỉnh thiện tâm của người xung quanh.
Điều này ở trong lịch sử đều đã có rất nhiều công án. Như Hứa Hành trong triều Nguyên, ông là người đọc sách, vào thời đó đang có chiến loạn, mọi người đang chạy nạn. Ông đi tới một vùng nọ, dừng lại nghỉ ngơi, mọi người vừa khát vừa đói. Người xung quanh nhìn thấy bên cạnh có cây lê đã ra trái, mọi người chen lấn nhau tranh tới hái lê xuống để ăn. Chỉ có mình Hứa Hành ngồi đó không hề nhúc nhích, ngồi đó điều hòa hơi thở. Những người chạy nạn này nhìn thấy, cảm thấy rất kì lạ, chúng ta ăn, người ta không ăn, trong tâm hơi nhột nhột. Thật ra rất là thú vị, khi ta đang làm chuyện xấu, thấy người khác không làm, chính mình hình như cũng hơi có chút hổ thẹn, cũng muốn kéo người ta xuống nước, thấy người ta cao hơn chúng ta, mình không thoải mái lắm, điều này rất phức tạp. Những người chạy nạn này liền hỏi Hứa Hành rằng: “Tại sao ông không ăn lê?”. Hứa Hành nói “Phi kì hữu nhi thủ chi, bất khả dã”, “phi kì hữu” tức là đây không phải là đồ của tôi, tôi đi lấy nó, không thỏa đáng. Chúng ta từ đây nhìn thấy người có học rất nhu hòa. Hứa Hành không có nói: “Không phải của mình mà lấy là ăn trộm!”, dù sao cũng đang chạy nạn, thực sự cũng quá là vất vả, nói năng cũng không nên khắc nghiệt như vậy. “Bất khả dã”, việc này như không thỏa đáng lắm. Những người chạy nạn sau khi nghe xong lại nói rằng: “Không sao, cây lê này không có chủ”, có đạo lý này không? Cho nên người ta những khi có hành vi không đúng thì sẽ giúp chính mình hợp lý hóa. Đạo lý này là tự mình đặt ra, đâu có nhiều cây lê không có chủ như vậy, chắc chắn là có chủ. Tôi vừa mới nói ra câu này đã thể hiện sự tu dưỡng của tôi kém xa Hứa Hành, ông không nói như vậy. Nếu như ông nói: “Cây lê chắc chắn là có người trồng, sao không người trồng được?”, thì những người này đều cảm thấy rất mất mặt, có phải không? Mất mặt là do họ sanh tâm hổ thẹn, còn nếu như thái độ của họ hung dữ thì họ sẽ nói: “Không ăn thì không ăn, ông có gì ghê gớm đâu chứ, đánh ông một trận”, cũng có thể đấy. Cho nên không thể vì chính mình có lý mà cưỡng chế người khác. Người học Phật như vậy sẽ khiến người trong nhà không thể chấp nhận, nếu thường hay bị người ta công kích, thì cũng đừng trách người khác. Chúng ta thấy sự ứng đối này đều rất mềm mỏng. Hứa Hành nói thế nào? Hứa Hành nói “lê vô chủ”, cây lê này có phải thật sự không có chủ không? “Ngô tâm diệc vô chủ hồ?”, không lẽ tâm của ta cũng không có chủ sao? Có thể khiến tâm của ta khởi tham lam, khởi tâm trộm cắp sao? Ông không chỉ trích người khác, ông chỉ là quay về chính mình, yêu cầu bản thân làm tốt, không thể để chính mình khởi lên những ý niệm xấu này. Sau đó khu vực mà ông sinh sống, sự hành trì này của ông đã giáo hóa một vùng. Trẻ con trong khu vực đó cho dù nhìn thấy trái cây đã chín rụng trên mặt đất cũng không đi nhặt. Cả một vùng đều bị ông làm cho ảnh hưởng, họ đều hết sức liêm khiết, không khởi tâm tham, không phải những thứ của mình tuyệt đối không lấy.
Cho nên “chánh kỷ” rồi mới có thể “hóa nhân”. Chữ “hóa” này có thân giáo, có ngôn giáo, tại sao vậy? Khi tâm của mọi người rất sùng kính thì lời ta nói ra người ta rất dễ dàng tiếp thu. Cho nên muốn hóa nhân, trước hết phải khiến người ta có cơ sở để tín nhiệm, rồi mới khuyên họ. Nếu không có cơ sở này, không thân mà nói quá nhiều có thể sẽ phản tác dụng. Và sau khi “chánh kỷ” rồi, cả môi trường của họ sẽ thay đổi, gọi là “y báo chuyển theo chánh báo”, những người họ cảm tới đều là người tốt, cả hoàn cảnh này của họ, người ta tới vùng này rồi sẽ tiếp thu giáo hóa của họ.
Ví dụ Chu Văn Vương rất có đức hạnh, có vua của hai quốc gia bởi vì đất đai mà tranh chấp, đó là vua nước Ngu và nước Nhuế. Tôi cảm thấy con người đều có thiện ác xen lẫn, vẫn đều là có thiện căn. Hai người tranh cãi là tập khí hiện tiền, họ đi tìm Chu Văn Vương để ông phân giải. Họ vẫn là rất có thiện căn, phải tìm người có đức hạnh để phân xử. Hai vua này đã đến quốc gia của Văn Vương. Họ đi mãi đi mãi, nhìn thấy ruộng vườn trong đất nước này, những bờ ruộng ở giữa ruộng rất rộng rãi, nghĩa là nhân dân ở đây nhường nhịn lẫn nhau, không đi tranh giành ruộng đất. Còn đất nước của họ, nhân dân đều chiếm ruộng đất, chiếm tới sau cùng cũng sắp hết đường đi. Họ vừa nhìn thấy tình hình ruộng đất ở đây, trong tâm liền hơi có phần ái ngại. Họ đi vào trong thành phố, nhìn thấy những người đi đường lễ kính lẫn nhau, đi đường đều luôn khiêm nhường, lễ nhường lẫn nhau, họ lại bị cảm động. Sau đó đi tới triều đình gặp Văn Vương, văn võ bá quan đã ra rồi, Văn Vương vẫn chưa ra, họ lại nhìn thấy những người trí thức này đều vô cùng lễ độ, rất có đức phong, rất giữ quy củ. Trên đường đi họ đã nhìn thấy những tình cảnh này, những hành trì này của bá tánh, nông dân, sĩ đại phu thông thường. Hai người họ nói: “Chúng ta đừng gặp Văn Vương nữa, thật quá mất mặt, đi thôi đi thôi, đi về nhà thôi”. Sau đó liền quay trở về. Kết quả hai quốc gia của họ liền bắt đầu chuyển biến. Về sau sự việc này được truyền ra ngoài, có mấy chục quốc gia thảy đều quy thuận về dưới trướng của Văn Vương. Cho nên gọi là “nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên”, tất cả những người này đều tin ngài, muốn đến học hỏi với ngài, noi gương ngài.
Chúng ta xem thấy trong Kinh Vô Lượng Thọ, A-di-đà Phật phát nguyện “Hữu tình chưa độ khiến được độ, kẻ đã được độ khiến thành Phật”, đây là đại nguyện. “Giả sử cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng kiên dũng cầu Chánh Giác”, điều này có nghĩa là có nguyện lớn, còn phải bắt đầu từ việc thành tựu bản thân, gọi là “chánh kỷ”. “Nguyện sẽ an trú tam-ma-địa, luôn phóng quang minh chiếu hết thảy”, quý vị coi đức hạnh, đức phong đó đã hiển bày ra. “Cảm được chốn thanh tịnh rộng lớn, trang nghiêm thù thắng chẳng gì bằng”, cả môi trường cũng sẽ vô cùng tốt, đó là sự chiêu cảm của tánh đức. Hơn nữa người cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc đều có nguyện vọng giúp đỡ chúng sanh mau chóng thành Phật. “Có đức sẽ có người, có người sẽ có đất, có đất sẽ có tài vật, có tài vật sẽ có ích”. Cho nên những người tụ hội về thế giới Tây phương Cực Lạc đều là người muốn nhanh chóng thành Phật rộng độ chúng sanh trong hư không pháp giới, nên đã chiêu cảm đến hình thành nên hoàn cảnh giáo dục này, năng lượng giáo hóa đó của họ sẽ càng lớn.
Những câu kinh này đều có thể biến thành sự đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta trong cuộc sống, trong công việc. Bản thân chúng ta ở trong đoàn thể này, chúng ta trước hết phải thực hành, khiến những người tiếp xúc với chúng ta đều có thể từ bản thân chúng ta mà nhìn thấy giáo huấn của kinh điển. Cho nên sư phụ nói rằng, trong thời đại này muốn hoằng pháp lợi sinh, phải khiến người thế gian nhìn thấy thánh hiền thật, Bồ-tát thật thì đại chúng mới tin tưởng. Bây giờ nghi ngờ thì dễ, tin tưởng thì không dễ. Cho nên thời đại này muốn hoằng pháp lợi sinh, đức hạnh phải vượt qua hành trì của thánh hiền nhân mới có thể cảm động được chúng sanh.
Cho nên đoạn này của sư phụ là một sự kì vọng đối với chúng ta, chúng ta phải hạ công phu này, hạ công phu ra sao? Sư phụ đã nói rất rõ ràng, hạ công phu từ gốc rễ. Tâm có gốc rễ, hành cũng có gốc rễ. Thế nào là gốc rễ của tâm? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Luôn luôn quán chiếu tâm của chính mình, tương ứng với năm tâm này tức là đang hạ công phu. Hành có gốc rễ, gốc rễ của hành là Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền Thập Nguyện, tất cả việc xử sự, làm việc của chúng ta đều phù hợp với năm hành môn này. Chúng ta thường xuyên tư duy những giáo huấn này, đều cảm thấy rất may mắn, sư phụ đã dùng kinh nghiệm trí huệ tu học cả đời, trí huệ của người từng trải để giúp chúng ta tu hành. Chúng ta không cần mò mẫm, nếu chân thật mà làm tức là đang tu hành ngay trên trí huệ của sư phụ. Người lão thật là có phước nhất, người chịu nghe lời là có phước nhất. Chúng ta đừng có thuận theo ý nghĩ của mình, đi đường vòng nửa ngày rồi nói, hai mươi năm trôi qua rồi nói, sư phụ nói thật là đúng! Hai mươi năm đó cũng không quay lại được!
A-di-đà Phật tu hành vô lượng kiếp, sau cùng thành tựu thế giới Tây phương Cực Lạc, thành tựu được một câu vạn đức hồng danh này. Nếu chúng ta chịu thọ trì, niệm một câu A-di-đà Phật, vạn đức ở trong đó, tức là dùng quả giác của A-di-đà Phật đem đến nhân địa của chúng ta mà tu hành (lấy cái sự thành tựu của A-di-đà Phật làm cái nhân tu hành của chúng ta), chúng ta đã gặp được việc tốt nhất trong thiên hạ. Cho nên tại sao “bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”? Tại sao có thể “nếu một ngày, nếu hai ngày, nếu ba ngày”, có thể niệm tới nhất tâm bất loạn? Bởi vì câu vạn đức hồng danh này bất khả tư nghì, “chỉ Phật với Phật mới biết nổi, Thanh văn ức kiếp suy Phật trí, trọn hết thần lực chẳng lường nổi”. Cho nên thật sự chịu nghe lời mà quyết chí một lòng ôm lấy câu Phật hiệu mà niệm cho tốt. Tại sao trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có quá nhiều người niệm ba năm, năm năm được tự tại vãng sanh, tại sao chúng ta bây giờ đã học mười năm, hai mươi năm vẫn không đắc lực? Là bởi vì không lão thật niệm Phật, không chân thật tu hành. Cho nên để “chánh kỷ” thì trước tiên phải học lão thật, học nghe lời trước là đúng rồi.
Hôm nay xin chia sẻ với mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!