Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 18) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 18: Anh hùng thật sự là người có thể đối trị thói xấu, không làm nô lệ cho thói quen xấu.

Giảng ngày 30 tháng 09 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nói tới “toán tận tắc tử”. “Toán tận” tức là chúng ta tạo ra ba nghiệp thân khẩu ý làm giảm tổn phước báo, tuổi thọ của mình. Tục ngữ lại nói rằng “lộc tận nhân vong”, sau khi phước báo đã dùng hết thì tính mạng cũng không còn. Lẽ ra họ có thể sống đến 80 tuổi nhưng họ quá phung phí phước báo của chính mình, đến năm 60 tuổi phước báo đã dùng hết rồi thì 20 năm tuổi thọ đó của họ không còn nữa. Chúng ta từ câu “lộc tận nhân vong” cảm nhận được là phải quý trọng phúc phận, phải biết tích phước, tiếc phước.

Đại sư Ấn Quang của thời đầu Dân quốc là một vị đệ nhất cao Tăng trong vòng ba trăm năm trở lại đây. Nếu mọi người có coi phim nói về Hoằng Nhất Đại sư, Đại sư Hoằng Nhất đã từng học tập mấy ngày với Đại sư Ấn Quang. Đại sư Hoằng Nhất nói Đại sư Ấn Quang đã giúp đỡ rất nhiều đối với sự tu học cả đời của ngài, trong đó có nhấn mạnh việc tiếc phước này. Đại sư Ấn Quang ăn cơm xong, nhất định phải rót một chút nước lọc vào tráng chén cho sạch rồi uống, không nhẫn tâm lãng phí một chút gì. Cho nên người tu hành chân chính, ngay cả một tờ giấy, một hạt gạo cũng không muốn lãng phí. Điều này khai mở cho chúng ta hết sức lớn. Người niệm Phật chúng ta, là “đều cùng tuân tu đức của Đại sĩ Phổ Hiền”. “Đức của Đại sĩ Phổ Hiền” mở đầu là “Lễ kính chư Phật”, với người phải cung kính, với tất cả sự vật, với những lương thực, vật phẩm đều phải kính trọng, không được lãng phí..

“Toán tận tắc tử”, chúng ta xem thấy chữ “tử” này, người thế gian rất sợ hãi cái chết. Vấn đề tới rồi, sợ hãi có ích gì không? Mọi người có thấy ai mà không chết không? Trong lịch sử nhân loại mấy ngàn vạn năm, vẫn chưa thấy có người nào mà không chết. Trên thực tế, nói theo nhà Phật, chết không hề đáng sợ. Chết giống như thay quần áo, quần áo rách rồi vá được tất nhiên phải vá, cơ thể có bệnh mà chữa trị được thì tất nhiên phải chữa. Nhưng mà, đến lúc không còn cách nào chữa trị nữa, giống như quần áo rách tới nỗi không cách nào nào vá được nữa thì tất nhiên phải đổi đi. Nếu phải đổi thì phải đổi cái tốt hơn.

Thân thể con người, thật ra bên ngoài chỉ là một đãy da thối mà thôi, nên muốn đổi phải có trí huệ, phải càng đổi càng tốt, đổi thành thân tướng của Phật Bồ-tát. Giống như chúng ta tụng Kinh Vô Lượng Thọ, “thanh hư chi thân, vô cực chi thể”, liên hoa hóa sanh. Thân thể hiện nay của chúng ta là thai sanh, thân thể này thật ra là chín lỗ thường thải ra vật bất tịnh. Chín lỗ nào, mọi người có biết không? Mắt, mũi, tai, miệng là bảy lỗ, lại thêm hai lỗ bài tiết, tức là chín lỗ, mỗi ngày đều thải ra những thứ nhơ nhớp. Cho nên Kinh Vô Lượng Thọ nói, “xấu thối bất tịnh, có gì đáng vui”. Nhưng người ta không hiểu rõ đạo lý này, không đi hóa sanh thành liên hoa tốt hơn mà lại tham luyến cái thân thể này. Hễ tham chấp thì liền tạo nghiệp, các điều khổ đều do tham dục mà sanh, tâm tham rồi thì muốn sở hữu, tranh đoạt, sân hận sẽ khởi lên, sát đạo dâm đều khởi lên. “Các khổ đều từ tham dục khởi, từ đâu dục khởi biết chăng là”, tham dục từ đâu mà tới? “Vì quên tự tánh Di-đà Phật”, quên mất bản tánh bổn thiện của chính mình, vô danh phiền não khởi lên, thuận theo thói xấu, “dị niệm lăng xăng đều hóa ma”. Ý niệm thường sanh tham sân si mạn thì những ý niệm này sẽ tạo ra những hành động ác là sát sanh, trộm cướp, dâm dục, nói dối.

Nói một cách khách quan, lấy thân thể con người làm ví dụ, giống như là một cái bình hoa trong đó đựng phân bẩn. Có đẹp không? Rất đẹp. Rất nhiều người một ngày soi gương tới mấy lần, họ chỉ soi được cái bình hoa, không nhìn thấy bên trong đều là vật ô uế. Y báo tùy theo chánh báo chuyển, chánh báo của chúng ta chính là cái tâm của mình, khi tâm bất thiện thì chiêu cảm cái thân thể ô uế này đến. Cho nên Lão Tử nói: “Sở dĩ ta có họa lớn vì ta có thân này”, thân thể này thật ra là gánh nặng. Nếu như chúng ta không tham luyến thân thể, biết cái chết không có gì đáng sợ, đáng sợ là sau khi chết sẽ đi về đâu. Nhà Phật nói, “tử sanh sự đại”, sau khi chết sanh về đâu là sự việc lớn nhất trong đời này. Bởi vì cuộc đời nhiều nhất chắc được 100 năm, trong con sông dài của cả vũ trụ thì đó chỉ là một thoáng chốc mà thôi. Nhưng sau một thoáng chốc đó rồi đi về đâu, điều đó đối với mỗi người là việc quan trọng nhất. Chúng ta thường nói, chết rồi vạn kiếp khó sanh lại làm người, vậy là phiền phức rồi, trầm luân vào ba đường ác thì không có ngày ra.

Đức Phật thường lấy ví dụ để chúng ta hiểu được là thân người khó có được, nên phải quý trọng thân thể này, mượn giả tu thật. Con người ở trong lục đạo luân hồi, cõi trời vui nhiều khổ ít, “phú quý khó tu đạo”, cho nên người cõi trời hưởng phước, đến khi năm tướng suy xuất hiện thì họ mới cảm thấy căng thẳng. Ba cõi ác khổ quá nhiều, trên căn bản đều là khổ, đều đi thọ báo, cho nên đau khổ như vậy, quý vị bảo họ tu hành cũng rất khó. Còn cõi người khổ nhiều vui ít, khá là dễ dàng quay đầu, tu hành, thông thường Phật Bồ-tát đều thị hiện trong cõi người. Hôm qua chúng ta cũng nhắc tới, ba đường ác là quê nhà, ba đường thiện là ra ngoài tham quan du lịch một chút. Cho nên thân người khó có được, phải quý trọng mấy chục xuân thu này, cố gắng tu hành chuẩn bị cho đại sự là kiếp sau này.

Phật nói rằng được thân người cũng giống như một con rùa mù, nó đã bị mù cả hai mắt, năm trăm năm nó mới từ trong biển lớn ngoi đầu lên hít thở một hơi, sau đó lại lặn xuống, năm trăm năm sau mới lại ngoi lên thở tiếp một hơi. Trên mặt đại dương vừa hay có một khúc gỗ trôi nổi, trên khúc gỗ trôi nổi này có một cái lỗ, kích thước của cái lỗ đó vừa đúng bằng kích thước của cái đầu con rùa này thò ra. Tỉ lệ được thân người bằng với việc con rùa mù này năm trăm năm mới ngoi đầu lên một lần, đồng thời khúc gỗ này trôi nổi trên mặt biển cả, bỗng nhiên có một lần con rùa này ngoi đầu lên, vừa hay đầu nó liền chui lọt vào cái lỗ kia. Xin hỏi mọi người tỉ lệ là bao nhiêu? Mọi người bây giờ được thân người rồi thì không có cảm giác này, không có cảm giác này thì rất khó quý trọng. Cho nên quan trọng là làm người phải hiểu lý lẽ, hiểu lý lẽ rồi mới có thể buông bỏ, sẽ không đi theo đuổi những thứ hoàn toàn không đem đi được này, “chỉ có nghiệp theo thân”. Mượn cái thân người này để thành tựu đạo nghiệp, nếu không lại mất thân người, lần sau không biết đến bao lâu mới được lại thân người.

Đức Phật lại lấy một ví dụ, từ mặt đất bốc lên một nắm đất, sau đó thả nó xuống, hỏi đệ tử, đất còn dính trên móng tay ta nhiều, hay là đất trên mặt đất nhiều? Đệ tử liền nói, tất nhiên là đất trên mặt đất nhiều, đất trên móng tay chỉ có mấy hạt bụi mà thôi. Đức Phật nói, mất thân người như đất trên mặt đất, được thân người như đất dính móng tay. Từ mấy ví dụ này thì biết được rằng được thân người là rất không đơn giản. Người ta có lúc phải khéo léo lĩnh hội, chúng ta học tập không khéo dụng tâm, nghe kinh Phật, trên thói quen chỉ là tri thức, có thể mười mấy năm nay đi học đều đã quen rồi, bất kì thứ gì cũng là học thuộc để đi thi, đem ra viết thành đáp án chính xác mà thôi. Rốt cuộc những kinh văn này đối với cuộc đời chúng ta có cảm ngộ gì? Ngộ không được, cho nên rất khó thu được lợi ích chính là ở chỗ này. Thật sự biết dụng tâm, họ sẽ biết quan sát, khéo léo lĩnh hội.

Chúng ta nói ba đường ác, đường ngạ quỷ và đường địa ngục, người bình thường không có cơ duyên thì nhìn không thấy, nhưng đường súc sanh đã bày ngay trước mắt chúng ta, đều là có linh hồn, chúng chỉ là thay đổi cái thân thể không tốt mà thôi, so với chúng ta có gì khác biệt? Đều có linh hồn và tri giác. Và tổng số của cõi súc sanh gấp mấy lần loài người? Chúng ta đừng nói chi cõi súc sanh, kiến trên toàn thế giới, xin hỏi có bao nhiêu? Có nhiều hơn con người không? Thật không biết nhiều hơn con người bao nhiêu. Côn trùng thì sao? Mọi người có cơ hội đi lên núi, nhất là buổi tối, thắp một ngọn đèn, một đống côn trùng, thiêu thân sẽ bay tới, quý vị coi số lượng đó là bao nhiêu? Có cơ hội mọi người đến rừng nguyên sinh mà coi, tôi đi rồi, đã từng có một thời gian khi chưa nghiên cứu Phật pháp, tôi đã từng đi nghiên cứu côn trùng, ghi nhớ một đống tên gọi, cây cối, côn trùng đều nhớ. Cho nên người chưa đọc kinh thì không biết việc nào nặng việc nào nhẹ, học thuộc một đống, không có liên quan gì tới sanh tử đại sự của mình, “người đời đua chen những việc không gấp”. Cho nên được nghe Phật pháp, “trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được”, nên phải quý trọng. Từ cõi súc sanh chúng ta nhìn thấy được, không biết nhiều hơn con người bao nhiêu lần, tỉ lệ có được thân người là quá nhỏ quá nhỏ, nên phải cảnh giác. Trong lịch sử, bất luận là Nho Đạo Thích gì đi nữa, những đại đức Đạo gia, Phật gia đều vô cùng bi thiết khuyên răn chúng ta phải khẩn trương dụng công tu hành. “Sao không nỗ lực tu thiện khi còn khỏe mạnh?”, nếu không khi đánh mất thân người rồi mà chưa thành tựu thì kêu trời trời không thấu, gọi đất đất chẳng thưa.

Trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Vựng Biên đã nêu ra những khai thị của một số cao Tăng đại đức khuyên răn chúng ta. Có nói rằng tại Sư Tử Lâm ở Tô Châu, có vị thiền sư Thiên Như là đệ tử của thiền sư Trung Phong. Thiền sư Trung Phong chúng ta đã khá quen thuộc, ngài đã nhấn mạnh rằng Phật Tổ ra đời điều quan trọng nhất chính là vì những người như chúng ta có thể thoát khỏi sanh tử. Bởi vì không hiểu lý lẽ, không biết sanh từ đâu tới, chết phải đi về đâu. Thật ra người ta tới đây làm gì? Thọ nghiệp mà tới, đời quá khứ đã tạo rất nhiều nghiệp, đời này theo nghiệp lực mà tới thọ báo. Thiện duyên có thiện báo, ác duyên có ác báo, nhưng vẫn là ác báo nhiều hơn. Cho nên, trên căn bản, tất cả mọi người đều bị sanh tử bao trùm lên, ai cũng không có cách nào giải quyết vấn đề này.

Đừng cho rằng thời xưa có một số người nào đó đã bị cái chết làm cho mê hoặc mà thôi, [kỳ thực] thần chết rất lợi hại, người ta sau khi chết có rất nhiều chuyện không biết được rõ ràng, sự tu hành trong đời trước cũng quên hết. Đối với tu hành mà nói, năng lực của thần chết là hết sức lớn. Chúng ta xem thấy, quá trình mười hai mươi năm nay của chúng ta, bạn bè người thân xung quanh chúng ta đã chết bao nhiêu người? Thưa quý vị đồng đạo, bạn bè quyến thuộc của chúng ta trước khi chết có tỉnh táo không? Thông thường ở thời đại này đều là mơ mơ hồ hồ, mơ mơ hồ hồ thì sẽ đi về đâu? Sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, không chỉ nhìn thấy người xung quanh mất đi, lại nói về bản thân chúng ta. Thân thể này, chúng ta từ sáng tới tối thương yêu nó như vậy, cho nó ăn thức ăn ngon, mặc đồ đẹp, nhưng xin hỏi, có giữ được nó không? Có lúc tôi nhớ lại chuyện hồi học cấp hai, lúc đó mới mười lăm mười sáu tuổi, bây giờ tôi đã sắp 40 tuổi, quý vị coi nhanh biết mấy. Nếp nhăn thì càng lúc càng nhiều, quý vị nói thân thể này có giữ được không? Nên phải có tính cảnh giác. Nó càng ngày càng nhiều bệnh, đều hư rồi, già rồi, điều này chúng ta phải quan sát được.

Đợi khi thật sự mạng chung rồi, tay chân lúng túng, không biết phải đi về đâu, sợ hãi có khác gì với con cua bị rớt vào nồi canh? Thất kinh hồn vía. Thường ngày là anh hùng hào kiệt, tới lúc chết có còn khí khái đó không? Hơn nữa, sau khi chết rồi, thân thể này nhanh chóng bị thối rữa, hôi thối ngút trời, ngay cả cốt nhục chí thân cũng không dám nhìn, tình nghĩa ái ân lúc sinh thời có còn không? Cho nên những Tổ sư nói rằng, khi một hơi thở không tới nữa thì thân thể này và cát bụi trên mặt đất có khác gì nhau đâu. Hơn nữa, con đường phía trước mù mịt, rốt cuộc phải đi về đâu? Chỉ là đem thân thể này mang đi thiêu, còn thần thức thì phải theo nghiệp thọ báo, những chuyện đã làm lúc sinh thời thì “không gì không phải nghiệp”, có nghiệp thì có báo.

Cho nên, chúng ta đời này sau khi chết đi về đâu quan trọng nhất phải hỏi chính mình. Tâm tham nặng sanh ngạ quỷ, tâm sân hận đọa địa ngục, ngu si đọa súc sanh. Người bây giờ tham sân si đặc biệt nghiêm trọng, đại đa số người sau khi chết đều đọa ba đường ác. Cho nên những nơi càng khổ nạn thì Phật Bồ-tát thị hiện càng nhiều, bởi vì quá đáng thương, phải mau mau kéo họ ra ngoài. Chúng ta phải hết sức quý trọng việc nghe kinh nghe pháp, quý trọng cơ duyên tiếp xúc với cao Tăng đại đức như sư phụ đây. Một thần thức đọa vào địa ngục, đọa vào súc sanh, ngạ quỷ, luân hồi như vậy thọ vô lượng khổ. Sư phụ cũng nói rằng, A-la-hán nhớ lại luân hồi lục đạo, nhớ lại cảnh khổ trước đây khi ở trong địa ngục thì sợ hãi đến toát mồ hôi máu. Sư Oánh Kha ngài biết rõ sự lợi hại của quả báo, bản thân ngài là người xuất gia lại phạm giới. Ngài biết ngài sẽ phải đọa địa ngục nên đã phát tâm dũng mãnh, đây là tâm sợ hãi, tâm kính sợ. Sau đó ngài hỏi, có phương pháp gì có thể thành tựu, không bị đọa địa ngục. Người ta nói ngài niệm Phật. Ngài rất tinh tấn, vừa niệm ba ngày thì A-di-đà Phật tới. Cho nên câu Phật hiệu này là bất khả tư nghì, người sắp đọa địa ngục tinh tấn niệm Phật ba ngày đã cảm được uy thần của Phật, nguyện lực của Phật đến tiếp dẫn.

Hôm qua chúng ta nói rằng, “niệm Phật có thể tiêu túc nghiệp”, phải mau mau tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng tiêu trừ, tâm tịnh thì Phật độ tịnh, mau mau đem công khóa này làm cho tốt. Thọ báo là có nguyên nhân, nghiệp căn nằm ở đâu, nghiệp nhân ở đâu? Do một niệm mê hoặc, khởi tham sân si. Cho nên “tôi xưa trót tạo các ác nghiệp, đều do vô thủy tham sân si, từ thân khẩu ý mà sanh ra, hết thảy tội căn đều sám hối”. Vãng sanh tức là người sám hối, là người tích lũy công đức. Những phiền nào vô minh của chúng ta, gặp phải những cảnh duyên ngũ dục lục trần liền bị nó kéo đi, bởi vì không có định tuệ, liền bị cuốn theo dòng chảy, điên đảo vọng tưởng, không nghiệp gì không tạo. Cho nên điều này là nguồn gốc của sanh tử. Tại sao tu hành luôn luôn nhấn mạnh “tịch diệt tham sân si”? Đây là nghiệp căn căn bản, căn nguyên nghiệp lực ở tại đây. Nghĩ tới sanh tử sự đại này, người sắt đá rất kiên cường cũng phải bất lực, họ cũng không có cách. Cho nên Phật Tổ mới rộng mở từ bi, thương xót chúng ta luân hồi đau khổ trong lục đạo. Đoạn này trong Kinh Vô Lượng Thọ chính là hương vị này, “Ta thương các ngươi còn hơn cha mẹ thương con”, “Khơi lòng đại bi, bi mẫn hữu tình, từ bi diễn giải, trao tặng pháp nhãn”, giúp chúng ta biết phán đoán chân tướng cuộc đời. Phật dạy chúng ta học đạo, sau đó tìm lại bản lai diện mục, quay về bản tánh. Cho nên chúng ta nhất định phải tranh thủ khi mắt còn sáng, thân thể còn nhanh nhẹn khỏe mạnh mà mau mau dụng công, có thể làm người thanh tịnh giải thoát. “Sao chẳng ngay khi còn khỏe mạnh, nỗ lực tu thiện, muốn đợi khi nào?”. “Thường niệm chẳng dứt, đắc đạo nhanh chóng”, phải mau mau niệm Phật, phải tranh thủ đọc kinh, nghe kinh, hiểu lý, thứ nên buông bỏ thì mau mau buông bỏ, làm một người thanh lương, đến lúc lâm chung sẽ tự tại, được thọ dụng lớn, đến đi tự do.

Kinh Vô Lượng Thọ nói, “tôn kính Đức Phật, đó là đại thiện”, không nghi ngờ giáo huấn của Đức Phật, “thật nên niệm Phật, cắt đứt nghi ngờ”. “Dẹp trừ ái dục” tức là trừ bỏ những ái dục tham sân si, “lấp các nguồn ác” trừ bỏ những phiền não căn bản tham sân si mạn nghi này. Căn nguyên tạo ác chính là ý nghiệp. Khi thói xấu (tập khí) được trừ bỏ rồi thì sẽ không bị ngoại cảnh làm cho lay chuyển nữa, luôn khởi lên lục độ thập nguyện, chân thành từ bi, “dạo chơi tam giới, không gì ngăn ngại. Khai thị chánh đạo, độ người chưa độ”. Đem đạo lý đời này thành Phật, đem đạo lý đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ nói cho người có duyên, đem đạo lý đời này thành Phật nói cho người khác, đây là “thọ trì rộng độ dòng sanh tử, Phật nói người này chân thiện hữu”, phương pháp khuyên người thành Phật. Cho nên quý vị đồng đạo, lúc nào mới gia nhập câu lạc bộ thế giới Tây Phương Cực Lạc của A-di-đà Phật? Không phải vãng sanh rồi mới gia nhập, bây giờ đều buông bỏ hết, tâm đồng với A-di-đà Phật, nguyện đồng với A-di-đà Phật, giải đồng với A-di-đà Phật, hạnh đồng với A-di-đà Phật, tức là trên thực tế đã gia nhập câu lạc bộ rồi. Cho nên nói “Phật nói người này chân thiện hữu”. Một người có thể tu thiện khi còn khỏe mạnh, thanh tịnh giải thoát, sanh tử tự tại, đây là đại trượng phu, đây là đại anh hùng. Anh hùng thật sự là có thể đối trị thói xấu, không làm nô lệ cho thói xấu là đại anh hùng.

Một bài khác, là lời dặn dò của đại sư Liên Trì dành cho chúng ta mà chúng ta khá quen thuộc: Khuyên chúng ta phải khởi lên sự cảnh giác đối với cái chết, phải mau mau tu hành. “Quân bất kiến Đông gia phụ”, người phụ nữ ở nhà phía Đông nhìn có vẻ mạnh khỏe như hổ, vì đang mang thai, “phúc dựng thường tương niên nguyệt sổ”, mang thai 10 tháng tính đi tính lại, cuối cùng cũng trở dạ. Tối hôm qua còn đứng dựa trước cửa nhà mình, hôm nay thân mạng đã về nơi cát bụi, chết vì sanh khó, việc này thời xưa rất nhiều. “Hựu bất kiến Tây gia tử”, người con trai của nhà phía bên Tây, “mãnh như long”, người trẻ tuổi rất khỏe, “hoàng hôn bão phạn thụy chánh nồng”, hoàng hôn vừa ăn cơm xong, ăn rất là no liền đi vô ngủ. “Du hồn nhất khứ bất phục phản”, rồi không tỉnh dậy nữa, “ngũ canh mạng dĩ thuộc Diêm ông”, đến canh năm thì thân mạng anh đã thuộc về vua Diêm La rồi.

Người ngay trước mắt còn như vậy, “viễn địa tha phương” (ở những nơi xa xôi khác) thì những người đã mất lại biết bao nhiêu? Chúng ta tìm hiểu kĩ càng những bạn bè thân quyến của mình, mấy năm nay đã ra đi bao nhiêu người rồi? Quan sát những hiện tượng này, thật là sanh tử vô thường, mới tin tưởng một bài thơ của Tử Dương Sơn Nhân, đây là một cao nhân của Đạo gia. Chúng ta từ Cảm Ứng Thiên Vựng Biên xem thấy được, trước đây ba nhà Nho Đạo Thích đã học tập lẫn nhau. Ngôn từ của ông hết sức chân thành tha thiết, không lừa gạt chúng ta. “Hôm qua còn nhìn thấy người này đang cỡi ngựa, hôm nay đã nằm trong quan tài rồi. Người thông minh thì đừng hồ đồ nữa, đừng để uổng phí thời gian nữa, đừng để cuộc đời đọa lạc thêm nữa, chui vào trong bụng ngựa thì đã biến thành ngựa con mất rồi, cũng đừng chui bào thai trâu, càng không nên chui vào địa ngục, như vậy càng thêm đau lòng. Nếu còn muốn được thân người thì khó khăn như mò kim đáy biển vậy.” Tử Dương Sơn Nhân viết bài ca này, ông thật sự khuyên chúng ta một cách bi thiết là phải mau mau tu hành. Tử Dương Sơn Nhân nói, “trong mắt ông rơi từng giọt máu tươi”. Chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ đều có cảm giác này, sự bi thiết của Thích-ca Mâu-ni Phật, chúng ta phải nên cảm nhận được điều đó. “Khổ khuyên người đời hãy gấp tu, quay đầu sực tỉnh cần tự quyết”, bản thân mình cần nỗ lực hạ quyết tâm. Thật sự chịu hạ quyết tâm thì Phật Bồ-tát, quỷ thần đều sẽ hộ trì, hộ niệm.

Hôm nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!

 

Giảng tại Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Trung Hoa Malaysia

Webside trung tâm: www.dizigui.com.my