Chia Sẻ tâm đắc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 2/49) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 2/49: Thuận theo giáo huấn của Thánh Hiền,

không tùy thuận cách nghĩ và tập khí của bản thân.

Ngày 20 tháng 07 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người! Chúng ta bắt đầu cùng nhau học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mà sư phụ đã giảng giải, dạy dỗ.

Chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, một công án mọi người đều rất quen thuộc là công án về ông thợ vá nồi. Pháp sư Đế Nhàn và ông thợ vá nồi là bạn chơi với nhau hồi còn nhỏ, về sau đến tuổi trung niên, ông thợ vá nồi biết lão Pháp sư Đế Nhàn đã xuất gia rồi, ông cảm thấy đời người rất khổ, liền tìm Đế lão xin xuất gia. Đế lão cảm thấy ông tuổi đã cao mà xuất gia, ở trong chùa thật ra vẫn có rất nhiều việc phải làm, hơn nữa giới luật ở trong chùa khá là nghiêm khắc, đều phải tuân theo những chấp tác đó, ngài sợ ông không chịu được. Nhưng ông vẫn rất kiên quyết muốn xuất gia, sau cùng, Đế lão nhận lời ông, đã nói với ông: “Ông đã muốn xuất gia thì phải nghe lời tôi”. Ông thợ vá nồi nói: “Tôi xuất gia bái thầy làm sư phụ rồi, tôi nhất định nghe lời thầy”. Kết quả, Đế lão đã sắp xếp cho ông một cái am, sau đó chỉ dạy ông một câu Phật hiệu, cứ niệm là được rồi. Kết quả ông đã niệm ba năm, đứng vậy mà ra đi, hơn nữa trên tay còn cầm mấy đồng bạc, ngay cả tiền lo hậu sự ông cũng không muốn làm phiền người khác. Tất nhiên tâm trạng này rất đáng để chúng ta học tập. Trong cả quá trình ông tu học, có rất nhiều hoàn cảnh hết sức đáng cho chúng ta học tập theo. Ví dụ, ông hết sức chân thật nghe lời. Đế lão bảo ông niệm Phật, ông ngay cả niệm Phật rồi sẽ thế nào cũng không hỏi, ông tin tưởng Đế lão chắc chắn sẽ cho ông phương pháp tốt nhất. Lúc đó ông không có tâm gấp gáp cầu lợi muốn có kết quả gì ngay, mà ông chỉ chân thật lão thật, “sư phụ bảo tôi niệm như vậy, tôi liền niệm như vậy, không chút nghi ngờ”.

Chúng ta thử nghĩ xem, bây giờ muốn tìm một học sinh như vậy có dễ dàng không? Sư phụ ngài cũng thường nhắc rằng, khi lần đầu tiên đi bái kiến thầy giáo Lý Bỉnh Nam, thầy giáo Lý có nhắc tới ba điều kiện. Có thể bây giờ tôi mời đồng nhân nào đó lên đây nói, tôi thấy mọi người đều nói được, phải không? Thật ra trên con đường tu đạo, ví dụ nói chúng ta nghe kinh được nửa năm, một năm rồi, tôi tin là mỗi người đều hiểu không ít đạo lý. Nhưng câu đạo lý nào đã in vào tâm chúng ta rồi chúng ta đã thực hành vậy? Đây mới là lợi ích chúng ta có được. Chúng ta đã hiểu, tu học Phật pháp là sư đạo, vậy chúng ta phải giữ nguyên tắc của sư đạo. Cho nên thầy giáo Lý Bỉnh Nam nói, chỉ có thể nghe một mình thầy giảng dạy; những sách muốn đọc, phải được thầy đồng ý; những điều đã học trước đây thầy đều không thừa nhận. Ba điểm này khiến chúng ta buông bỏ sự ngạo mạn của mình, có ngạo mạn thì không cách nào tu đạo được.

Sư phụ trước đây đã học tập với đại sư Chương Gia, học tập với giáo sư Phương Đông Mỹ, đại sư Chương Gia là vị cao tăng đương đại. Ngay cả sự học tập với đại sư Chương Gia cũng phải buông bỏ, nếu không thì trong tâm sẽ giữ lại một ấn tượng là tôi là học sinh của đại sư Chương Gia đấy, có phải không? Ngày nay chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, nếu như có một tâm trạng là: “Quý vị có biết tôi là học sinh của lão pháp sư Tịnh Không hay không?” Nếu chúng ta có tâm trạng này là đã tùy thuận tập khí rồi, khi chung sống với người sẽ tỏ vẻ mình có tư cách khá là cao. Cho nên tu đạo, thật sự phải thường xuyên quán chiếu cái tâm này mới được. Ngay cả việc học tập với cao tăng đại đức còn phải biết buông bỏ, còn chúng ta mấy chục năm nay, đều do những tập khí này khiến chúng ta bị rối ren nhiễu loạn, vậy mà chúng ta vẫn không chịu buông bỏ nó, còn không chịu tùy thuận lời dạy của thánh hiền, tùy thuận giáo huấn của sư phụ, vậy thì sự tu học trong đời này chỉ có thể kết được thiện duyên, để lại ấn tượng mà thôi, đời này muốn thành tựu thì không dễ dàng đâu. Cho nên chúng ta giữ ba nguyên tắc này, noi gương ông thợ vá nồi, điều quan trọng nhất chính là chân thật, nghe lời. Tại sao vậy? Bởi vì sư phụ là người tu hành từng trải, người từng trải vừa nhìn vào liền biết được chúng ta trên con đường tu hành bây giờ thiếu nhất điều gì. Nghe lời thì sẽ được lợi ích. Sư trưởng biết chúng ta bây giờ căn cơ không vững.

Thật ra, chúng ta nghe sư trưởng nói cắm rễ, đã nghe bao lâu rồi? Có thể cũng mấy năm rồi. Tôi nhớ có lẽ vào khoảng năm 2000, sư phụ ngài đã nhấn mạnh đến việc học tập Đệ Tử Quy. Chúng ta tới khi nào mới coi trọng sự thực hành ba cái gốc này? Chúng tôi ngẫm nghĩ trong lòng, để vị cao tăng đại đức đương đại giảng kinh thuyết pháp, khuyên chúng ta hơn 50 năm rồi, kết quả chúng ta một câu cũng không chịu làm, điều này thật sự là có lỗi với ngài nhiều lắm. Cho nên sư phụ bây giờ nhấn mạnh nhất là việc đem ba cái gốc Nho Thích Đạo cắm cho vững. Cho nên nền tảng về nhân quả, luân lý, đạo đức này nhất định phải thật vững. Chúng ta ngày nay không thể đảm bảo rốt cuộc chúng ta trong đời này có thể ảnh hưởng đến bao nhiêu người, tất nhiên là tôi nói đến ảnh hưởng tốt. Ít nhất chúng ta kì vọng chính mình phải có một hình dáng của người đệ tử tốt, y giáo phụng hành. Nếu bản thân chúng ta không phải là một đệ tử tốt, đại chúng trong xã hội nhìn thấy chúng ta sẽ nói: “À thì ra học sinh của lão Pháp sư Tịnh Không là bộ dạng như vậy, vậy thì giáo huấn của lão Pháp sư Tịnh Không cũng có vấn đề, làm sao dạy học sinh đều là như vậy chứ?”. Chúng ta không chỉ có một tội là không y giáo phụng hành mà còn thêm một tội là lôi lão Pháp sư xuống nước (làm liên lụy đến lão Pháp sư). Thật vậy, rất nhiều lúc những hủy báng mà sư phụ ngài phải nhận, là bởi vì đệ tử chúng ta chưa làm tốt nên mới gây ra. Cho nên Đệ Tử Quy nói rằng: “Thân bị thương, cha mẹ lo; đức hạnh kém, cha mẹ tủi”. Nếu chúng ta làm không tốt thì sẽ trở thành sự bôi nhọ đối với thánh giáo, đối với Phật pháp, đối với sư phụ. Người có sự kì vọng này, có chí khí này, mới có động lực hướng thượng. Gốc rễ căn bản khi tu học là hiếu thân tôn sư. Chúng ta tại sao không thể tinh tấn, không thể nâng cao? Vì làm không đủ cái gốc hiếu thân tôn sư. Đây chính là gốc rễ tánh đức của một người.

Cho nên hôm nay, sư phụ khuyên chúng ta cắm chắc ba cái rễ, đây là sự quan tâm đại từ đại bi của ngài đối với pháp thân huệ mạng đời này của chúng ta. Hơn nữa, không chỉ là sư phụ quan tâm chúng ta, mà đây còn là sự từ ái của các vị tổ sư của Tịnh Độ tông chúng ta truyền thừa lại. Đại sư Ấn Quang, vị tổ thứ 13 của Tịnh tông, vào bảy tám chục năm trước ngài đã lớn tiếng kêu gọi phải học tập những lời giáo huấn trong Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, và An Sĩ Toàn Thư. Bởi vì ngài hiểu được rằng nếu chúng ta không có căn cơ này thì sẽ không điều phục được phiền não. Cho nên sư trưởng nói rằng, hiểu được nhân quả báo ứng thì con người không dám làm ác. Bởi vì khi đã hiểu được rồi thì ngay cả việc khởi tâm động niệm đều có nhân quả, khởi một ác niệm, liền chiêu cảm ác quả.

Đứng ở góc độ Nho gia, chúng ta là học làm quân tử, làm hiền nhân, làm thánh nhân. Ở góc độ Phật gia, là học làm A-la-hán, học làm Bồ-tát, học làm Phật, tiêu chuẩn là như vậy. Đây là người có chí khí, người biết thương mình, không muốn đời này trôi qua uổng phí. Cho nên Luận Ngữ nói: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử”. Chúng ta từ huệ mạng của cá nhân, trước hết là phải có sự cảnh giác cao độ, tin sâu nhân quả. Mỗi lời nói, mỗi việc làm đều phải biết khắc chế, không thể khởi tà niệm, không thể khởi ác niệm. Thậm chí, mở rộng cho đến vận mệnh của cả xã hội quốc gia, thật ra là có liên quan mật thiết đến [mỗi lời nói, mỗi việc làm của chúng ta]. Chúng ta ngày nay ở trong xã hội này, nếu như chúng ta không thể khởi lên một cảm giác sứ mệnh thì tâm từ bi của chúng ta không còn nữa. Một mặt khác của tâm từ bi chính là tâm tự tư tự lợi. Chúng ta phải bảo hộ huệ mạng này, trong khi xã hội hiện nay đã biến thành thế này rồi, chúng ta còn khoanh tay đứng nhìn thì rõ ràng là tâm từ bi của chúng ta không đủ.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nhắc tới: “Xưa kia nếu chẳng tu phước huệ, thì chẳng được nghe chánh pháp này, đã từng cúng dường chư Như lai, mới hoan hỉ tin được việc này”. Vừa tiếp xúc với pháp môn niệm Phật, chúng ta đều có thể tiếp nhận, cũng không phản đối. Vấn đề là, chúng ta có thể hoan hỉ tiếp nhận niệm Phật, nghĩa là chúng ta đã từng cúng dường các Như Lai, vậy tại sao chúng ta vẫn ở trong lục đạo luân hồi? Đây chính là vấn đề rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Thứ nhất, mặc dù chúng ta đã cúng dường chư Như Lai, nhưng trước giờ chưa từng 100% chân thật nghe lời, y giáo phụng hành, luôn xen tạp cách nghĩ cách nhìn của chính mình. Thật ra mà nói, chúng ta học theo sư phụ, nhưng lại xen tạp cách nghĩ cách nhìn của mình, bề ngoài là học theo sư phụ, nhưng trên thực tế là học theo ai? Học theo chính mình. Ngay cả khi bản thân chúng ta sai lầm, vẫn còn đem giáo huấn của sư phụ ra che đậy. “Nếu che đậy, tội chồng thêm”, vậy thì rất khó đắc lực. Vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc có chung một tiêu chuẩn, chính là “Phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật”. Từ vô thủy kiếp, chúng ta cúng dường chư Phật Như Lai nhưng trước giờ vẫn chưa thật sự hoàn toàn phát tâm Bồ-đề. Nếu thật sự phát tâm Bồ-đề rồi thì sẽ tuyệt đối không có tâm tự tư tự lợi, tuyệt đối không còn thấy bất kì người nào chướng mắt nữa, điều này không thể nào. Cho nên tu học là sửa tâm, là mở rộng tâm lượng. Chúng ta trong việc đối nhân xử thế tiếp vật có sự không thoải mái, có đối lập, có nhìn thấy chướng mắt, căn nguyên là tâm lượng của chúng ta quá nhỏ. Thật ra tâm của chúng ta vốn dĩ không phải nhỏ như vậy, chúng ta đã đánh mất chân tâm, chân tâm là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Đem tâm của mình biến thành nhỏ như vậy, đó là chà đạp chính mình, đó là không biết thương yêu chính mình. Nếu chúng ta biết tùy thuận tánh đức, đó là thật sự thương mình, tâm Bồ-đề là căn bản. Chúng ta sanh ra trong thời đại này thật ra là bất hạnh mà cũng là may mắn. Bất hạnh là nghiệp lực đời quá khứ của chúng ta nặng, nghiệp không nặng không sanh Ta-bà, cho nên chúng ta nên sanh tâm hổ thẹn. Tại sao là việc may mắn? Bởi vì trong thời đại này, chúng sanh khổ nạn như vậy, có thể khiến chúng ta khởi phát tâm từ bi.

Đại sư Ấn Quang vào hơn 70 năm trước, trong giáo huấn của ngài đã nhắc tới, “thế loạn dĩ cực”, thế giới này hỗn loạn, loạn đến cực điểm rồi. Chúng ta thử nghĩ xem, xã hội hơn 70 năm trước có loạn không? So với chúng ta bây giờ, cái loạn của chúng ta bây giờ là gấp mấy lần hồi đó? Cái đó khó mà tính được. Xin hỏi hơn 70 năm trước, có nghe thấy chuyện cha giết con, con giết cha không? Hầu như không nghe thấy. Bây giờ mở báo ra, những việc đó, hơn 70 năm trước căn bản đều không có. Chúng ta chỉ xem quan hệ ngũ luân là được rồi, quan hệ cha con, anh em, vợ chồng đã thoái chuyển hết sức hết sức nghiêm trọng. Ấn Tổ đã nhìn thấy tình hình của chúng ta bây giờ rồi, Ấn tổ là người sáng suốt, là Đại Thế Chí Bồ-tát tái lai. Chúng ta vừa nghĩ tới Đại Thế Chí Bồ-tát, liền nhớ tới đoạn, “thập phương Như Lai nhớ thương chúng sanh như mẹ nhớ con”, Phật Bồ-tát đang hộ niệm chúng ta như cha mẹ vậy, nhưng chúng ta phải chịu nghe lời của cha mẹ. Đại Thế Chí Bồ Tát trong hư không pháp giới hộ niệm người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ngài tại sao vẫn luôn nhấn mạnh nhân quả? Nghĩa là chúng ta trong thời đại này nhất định phải cắm chắc cái gốc rễ này. Cho nên “thế loạn dĩ cực, vô khả cứu dược, hữu chí chi sĩ, hà nhẫn tọa thị?”. Người thật sự có chí khí, thật sự có sứ mệnh, gặp phải thời đại này, sao có thể khoanh tay đứng nhìn? Tình hình nhân tâm bây giờ, không dễ gì cứu vãn, gọi là “băng dày ba thước, chẳng vì một ngày đông”. Ấn Tổ là bậc đại trí huệ, ngài có thể nhìn thấy cái căn bản, ngài có thể nhìn thấy thiện xảo. Cho nên Ấn Tổ nói “người người biết nhân quả, nhà nhà có gia giáo”. Nếu tất cả đạo lý về nhân quả, về giáo dục gia đình được mỗi gia đình bàn luận trong những lúc trà dư tửu hậu thì xã hội này sẽ cứu vãn được. Vậy chúng ta cảm thấy rất may mắn, chúng ta đi theo sư phụ, những việc chúng ta làm chính là giáo dục luân lý, đạo đức, nhân quả. Tất cả những việc chúng ta làm trong đời này không uổng phí, là sự giáo dục mà xã hội này cần đến nhất, là việc đáng làm. Hơn nữa sự nghiệp chúng ta cần phải làm đó là có thể đem lòng người đã chết thức tỉnh trở lại; văn hóa truyền thống sắp đứt đoạn, có thể đem nền văn hóa ấy truyền thừa lại. Đây là sự nghiệp hết sức đáng quý. Chúng ta có cơ hội này để làm thì hãy kì vọng chính mình, nhất định phải làm cho tốt. Ngày nay muốn cứu vãn thế giới, trước hết, chúng ta phải cứu vãn chính mình trước. “Đại Học” có nói, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, chúng ta phải rất rõ ràng cái gốc ngọn này, chúng ta không thể điên đảo gốc ngọn. Đối với việc cứu chính mình, nhà Nho nói “cách vật”, nhà Phật nói “diệt trừ tham sân si”, bắt tay làm từ tập tính. Vậy cứu chính mình phải hạ quyết tâm, bắt đầu từ những sở thích, tập khí xấu nghiêm trọng nhất của chúng ta [mà sửa đổi]. Những cái nào là tập khí nghiêm trọng nhất của chúng ta? Tâm nóng vội, tâm khống chế. Cái gì là thói quen không tốt nhất? Lãng phí thời gian, không chịu dũng mãnh tinh tấn. Chúng ta muốn nâng cao cảnh giới, nếu không dũng mãnh tinh tấn thì tuyệt đối không nâng cao được. Đối mặt với tập khí từ vô thủy kiếp đến nay, đâu thể nào giải đãi được, đâu thể nào phóng dật được? Phải không? Chúng ta trước đây nói, đối mặt với đối thủ, chúng ta trước đây xem phim kiếm hiệp, quý vị trước hết phải xem thử công phu của người ta tới đâu, quý vị mới đi ứng phó. Đối thủ của chúng ta bây giờ chính là tập khí từ vô thủy kiếp của mình, sao chúng ta có thể lơ là thiếu cảnh giác được? Hễ chúng ta không phát giác thì đủ các tình cảnh nghịch lý sẽ nhanh chóng xuất hiện, liền hiện ra, liền làm chướng ngại mất tự tánh của chúng ta. Cho nên không được lãng phí thời gian. Hơn nữa, ngày nay chúng ta lãng phí thời gian trong công việc, không làm việc hoằng pháp lợi sanh, còn lên internet xem một đống thứ lộn xộn nhiễu nhương, vẫn còn xem những thứ sát đạo dâm vọng, tùy thuận theo tập khí của mình trong thời gian làm việc vì đại chúng, việc làm này tạo nghiệp lớn lắm. Chúng ta đem sự cúng dường của thập phương để nuôi tập khí của chính mình, nếu như bình tâm lại, làm sao đành lòng làm như vậy? Đây chẳng phải chà đạp sự tin tưởng của đại chúng rồi sao? Cho nên người ta làm sao nâng cao [chính mình]? Thật sự nhận ra lương tâm, sẽ không muốn làm những chuyện này nữa.

Cho nên, sự tự cứu này, cứu thế nào? Chúng ta hôm qua nói tới phải giải hành tương ứng. Hiểu lý rồi, nhất định phải thực hành trong cả cuộc sống, công việc, trong đối nhân xử thế tiếp vật, hơn nữa phải sắp xếp tốt thời gian. Nếu không sắp xếp tốt, mỗi ngày cứ vô tri vô giác như vậy thì thời gian sẽ trôi qua oan uổng. Cho nên, tại sao đã sắp xếp quản lý Hứa cùng mọi người làm khóa học xây dựng nội bộ trong mấy tháng này? Trọng điểm chính là ở đây. Bản thân chúng ta học tập, làm việc, có thể làm tốt quy phạm không, làm tốt kế hoạch không? Có thể biết được rõ ràng ở trong tổ chức nên ứng đối tiến thoái ra sao, làm sao phối hợp đoàn thể để vận hành chứ không phải để thêm loạn? Đây là sự tận trung.

Một người, trước tiên căn bản làm người phải vững chắc. Không thể nào nói người còn làm chưa tốt, mà sau đó có thể thành Phật, logic này không tồn tại. Cơ sở làm người là ngũ luân bát đức, ở trong đoàn thể thì thể hiện qua mối quan hệ quân thần. Chúng ta làm chủ quản ra sao, làm cấp dưới ra sao, điều này đều phải thông qua học tập. Chúng ta phải học làm cha mẹ ra sao, phải học làm con cái như thế nào. Người không học thì không biết đạo, người không học không biết nghĩa. Cho nên khi chúng ta không hiểu, chúng ta vẫn không chủ động đi học, chúng ta nhìn xem sự ngạo mạn này của chính mình đã làm chướng ngại chúng ta nghiêm trọng biết bao! Cho nên, làm chủ quản phải thâm nhập tinh thần của quân thân sư, hơn nữa, thực hành tinh thần quân thân sư trong cuộc sống, trong công việc. Chúng ta làm cấp dưới phải tận trung giữ chức, “tại vị tận trung, thoái vị…”. Mọi người chẳng phải đã đọc Hiếu Kinh một thời gian rồi sao? Quý vị đều trả lại cho Khổng Phu Tử rồi sao? Chúng tôi mới giảng xong hôm qua, ai biết câu này phải phối hợp một chút, “tại vị tận trung, thoái vị sửa lỗi”.

Chúng ta trong công việc làm sao thực hành Đệ Tử Quy, thực hành Hiếu Kinh? Hiếu Kinh nói với chúng ta: “Thuận theo cái tốt, khuyên sửa cái xấu”, “tình yêu trong tâm, nói không nên lời, ẩn sâu trong lòng, ngày nào quên được”. Đây là miêu tả một thần tử, một thuộc hạ, niệm niệm đều muốn tốt cho đoàn thể, muốn tốt cho lãnh đạo của mình. Đây là tâm từ bi, đây là tâm chân thành. Và Đệ Tử Quy có nói: “Cha mẹ thương, dễ hiếu thuận; cha mẹ ghét, vẫn hiếu kính”. Mục tiêu của chúng ta là phải làm hiền nhân, làm thánh nhân, chúng ta không thể ở trong gia đình, trong công việc, cha mẹ ghét mình thì mình ghét họ được, mình thấy họ chướng mắt, mình đối lập với họ, đây đều là không tương ứng với kinh điển. Trong thời đại này, chúng ta làm sao thể hiện sự tu dưỡng, chính là ở đây: Người khác đối với chúng ta không đúng, chúng ta vẫn giữ được bổn phận và thái độ vốn có của mình, vậy mới đáng quý. Cho nên trong thời đại này, người khác đúng hay sai không phải là việc quan trọng nhất, trước hết chúng ta phải làm đúng, mới có thể xây dựng lý trí. Học Phật là chuyển thức thành trí, chuyển tình thức thành trí huệ. Cho nên chúng ta phải học tập tổ chức luân lý, làm sao phối hợp với sự vận hành của đoàn thể. Chúng ta phải học tập làm sao quản lý tốt thời gian của chính mình, làm tốt kế hoạch của chính mình, phối hợp rất tốt với đoàn thể, thành tựu sự nghiệp hoằng dương chánh pháp. “Không học lễ thì khó có chỗ lập thân”, chúng ta ở trong đoàn đội, sống chung với mọi người, có ngôn ngữ và sự tiến thoái thích đáng, khiến người ta như được tắm gió xuân, cái lễ này phải học. Kể cả khi đón tiếp khách khứa, có điện thoại gọi tới, chúng ta làm sao ứng đối thích đáng, việc này chúng ta đều phải cố gắng học cho tốt.

Cho nên, sau này thời gian khoảng hai tháng, ngày Thứ Ba, Thứ Năm là tiết học cho nội bộ toàn thể đồng nhân chúng ta học tập, đều là thảo luận cụ thể, làm sao đem những kinh giáo này thực hành trong làm người, làm việc. Cho nên, không được xin nghỉ, trừ phi có những việc hết sức đặc biệt quan trọng, hơn nữa phải được chủ quản phê chuẩn mới được. Chúng ta cùng nhau đến học tập, mọi người đều biết sự chừng mực, nguyên tắc làm việc thì mọi người sẽ kiến hòa đồng giải. Bây giờ việc hoằng dương chánh pháp, nói thẳng ra, không được chậm trễ giây phút nào nữa, trong nội bộ chúng ta còn tùy thuận rất nhiều tập khí, không biết đã tốn bao nhiêu thời gian, tốn bao nhiêu tinh lực. Chúng ta tới đây để làm cái gì, chúng ta phải tĩnh lặng mà suy xét. Chúng ta không phải tới đây để tùy thuận tập khí, gây thêm loạn, chúng ta tới đây là “vì vãng thánh kế thừa tuyệt học”. Chúng tôi cũng hy vọng thông qua sự xây dựng nội bộ trong thời gian này khiến cho toàn thể sự vận hành của trung tâm chúng ta được đưa vào quỹ đạo, như vậy với kinh nghiệm của trung tâm chúng ta, chúng ta cũng có thể rộng tu cúng dường cho tất cả các đơn vị hoằng dương văn hóa truyền thống. Nếu bản thân chúng ta cũng không vào được quỹ đạo thì chúng ta lấy cái gì để cúng dường đại chúng? Như vậy chúng ta mới không uổng công đọc Phổ Hiền Thập Nguyện.

Được rồi. Sáng hôm nay tôi cùng mọi người trao đổi tới đây, cảm ơn mọi người.