CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 48: Khen ngợi điều tốt của người, dùng ngôn ngữ hành vi tạo nên hòa khí trong thiên hạ.
Giảng ngày 13 tháng 11 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Chúng ta hôm qua giảng tới “nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy” (hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm)
“Mẫn” tương ứng với tâm nhân ái, tâm từ bi, thương xót hành vi sai lầm của người khác, hoặc là thương xót người khác gặp hung họa. Và sự thương xót này còn phải biến nó thành hành động, nếu chỉ nói trên miệng, nói mãi nói hoài mà không thật sự đi giúp đỡ người khác thì cái tâm này không đủ chân thiết. Cho nên phải thật sự phát tâm thì sẽ luôn luôn biết thương xót người khác, luôn luôn biết tận lực giúp đỡ người khác giác ngộ, họ giác ngộ rồi họ mới không gặp những hung họa kia nữa. Cho nên “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, người giác ngộ chắc chắn sẽ giúp đỡ từ cái nhân, hóa giải tai họa từ cái nhân.
“Lạc nhân chi thiện”, vui mừng ưu điểm của người khác, vui mừng tất cả công đức người khác làm, đây là đối trị tâm đố kị. Và cái “thiện” này, đối với bản thân mà nói, chính mình hành thiện mà không có tâm trạng mong cầu người khác khẳng định mình. Khi chúng ta hành thiện, ví dụ nói, chúng ta lên bục giảng dạy, xuống bục rồi trong tâm cứ luôn nghĩ là, mau mau có người qua đây tán thán tôi tiết học này đã giảng rất là hay. Tâm trạng này là danh văn lợi dưỡng. Nếu người ta không tán thán thì sao? Phiền não sẽ khởi lên. Lâu dần lâu dần tâm được mất sẽ hết sức nặng, phiền não nghiêm trọng nhất chính là cái tâm được mất này. Nhìn có vẻ đang giảng cho người khác nghe, nhưng trên thực tế tâm mình đang đọa lạc, có thể chính mình cũng không phát giác ra. Cho nên hành thiện là tận đạo nghĩa, làm sao còn đợi người ta tới khẳng định, tới tán thán, tâm trạng này đã lệch lạc rồi.
Hơn nữa “thiện” đối với người tu đạo mà nói, người tu đạo ít nhất đều đã nghe qua những giáo huấn giác ngộ triệt để này. Nghe qua rồi thì phải dùng cái này để quán chiếu chính mình, yêu cầu chính mình. Cho nên cái thiện của người tu hành là không thể xen tạp một chút mảy may tự tư tự lợi. Ví dụ nói 95% là vì công, 5% là vì tư, là thiện hay là ác đây? Tệ nạn ở phía sau rất là lớn. Sau khi sức ảnh hưởng của họ lớn rồi thì dần dần cái tâm tự tư tự lợi này sẽ bành trướng, sẽ có chuyện xảy ra. Cho nên chúng ta phải yêu cầu chính mình, không thể xen tạp danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, ngũ dục lục trần trong việc hành thiện.
Chúng ta thấy người hành thiện, ba năm, năm năm rất nhiều, nhưng người cả đời hành thiện thì không nhiều, trừ phi họ thật sự không xen tạp những tập khí này. Chúng ta chú ý xem rất nhiều hoàng đế khi mới bắt đầu làm thì rất tốt, kết quả qua một thời gian sau, những lời khen ngợi quá nhiều rồi, họ bắt đầu cảm thấy bay bổng, cảm thấy bản thân mình rất lợi hại, về sau có thể sẽ có chuyện. Chúng ta đọc lịch sử cảm thấy hoàng đế này thật không nên như vậy. Thật ra mà nói, nếu như cho chúng ta đi làm hoàng đế thì sẽ như thế nào? Đường Huyền Tông lúc còn sáng suốt thì “Khai Nguyên chi trị”, lúc đã hồ đồ thì “An Sử chi loạn”. Bản thân tôi đi làm, tôi thấy “Khai Nguyên chi trị” cũng không làm được. Thật sự gặp phải những cảnh duyên đó rồi, chúng ta có chống cự được những cám dỗ đó không? Thật sự cám dỗ vẫn là duyên, nhân gặp duyên mới sanh ra kết quả, nhân vẫn là tập khí ở trong nội tâm, vẫn là những vấn đề từ trong tham sân si mạn nghi, điều này chúng ta phải vô cùng cảnh giác. Cho nên hành thiện tuyệt đối không thể nhiễm chấp vào tâm danh văn lợi dưỡng.
Nhất là chúng ta có cơ hội thân cận sư phụ, đây là việc tốt mà cũng có thể là việc xấu. Xấu tốt là do chính mình quyết định. Ví dụ nói, sư phụ tới trung tâm của chúng ta rồi, chúng ta có cơ hội tận tai nghe sư phụ giáo huấn, cả đời không quên, theo đó phụng hành. Đây là việc tốt lớn. Nếu như sau khi có cơ hội thân cận sư phụ, gặp người ta liền nói, tôi nói anh nghe, hôm qua tôi gặp được lão hòa thượng. Tất cả mọi người sẽ nói, ồ thật sao, thật hâm mộ anh. Bản thân mình sẽ thế nào? Cái đuôi sẽ ngoe ngoẩy lên. Lúc này là tâm danh lợi đang làm càn, bản thân chưa chắc đã quán sát được.
Người làm việc tốt thì: “Tôi nói anh nghe, tôi ăn chay mười năm rồi đó”, “Tôi nói anh nghe, tôi nghe sư phụ giảng kinh hai mươi năm rồi đó”. Quý vị xem, những tâm trạng này đều đã bị lệch lạc mất rồi, chính mình lại không biết. Cho nên người ta oan uổng nhất chính là, ở trong các nhân duyên thù thắng mà lại sanh tâm danh văn lợi dưỡng, đó thật sự là một việc oan uổng lớn bằng trời vậy. Cho nên phải hộ niệm tốt khởi tâm động niệm của chính mình, hộ niệm tốt đạo nghiệp của chính mình. Không thể xen tạp, phải thanh tịnh mới được, tâm tịnh Phật độ tịnh, mới có thể vãng sanh Tây phương.
Cho nên “nghiêm khắc với mình” là hết sức có đạo lý, nhưng phải “khoan dung với người”. Người ta có 90% là vì bản thân, 10% là vì người khác thì chúng ta phải khẳng định 10% của họ. Người ta đã làm một số việc tốt, chúng ta không thể ở bên cạnh mỉa mai: “Anh ta đều là có mục đích hết đấy!”, như vậy là không thỏa đáng rồi. Người ta đang tán thưởng cái thiện của họ, chúng ta còn đá họ một cái, nếu như chúng khơi gợi cho mọi người cái tâm không biết tán thưởng điều tốt của người khác, chỉ xoi mói khuyết điểm của người thì đó là khắc nghiệt. Cho nên tiên sinh Liễu Phàm nói rằng: “Thấy người có chút ưu điểm, chút việc thiện liền ghi chép lại”, phải biết tùy hỉ công đức. Đây là “lạc nhân chi thiện”, tán thưởng người khác, rộng mở tâm lượng của chính mình.
“Lạc nhân chi thiện”, từ một góc độ khác là không nói cái xấu của người, không nói khuyết điểm của người. Điều này ở trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có tới mấy câu đều là nhấn mạnh một điểm này, đừng nên công kích khuyết điểm của người khác. “Khen làm lành, đó là thiện, người khác biết, càng khích lệ”, khơi dậy phong khí mọi người noi gương học tập người khác hành thiện. “Nói người ác, là việc ác, ác cùng cực, tai họa đến”, quý vị nói người ta không tốt, nói tới nỗi tâm người ta chịu không nổi, núi lửa bùng phát thì có thể xung đột, thậm chí sẽ phát sinh hận thù.
Hơn nữa, tại sao không thể “nói điều xấu của người”? Bởi vì người ta tu hành còn chưa tới một trình độ nhất định, hễ nghe cái không tốt của người khác liền có ấn tượng, cái ấn tượng đó rất khó bứt ra được, cho nên chúng ta đã vô tình tạo nghiệp rồi. Tạo nghiệp gì vậy? Khiến hai bên có thể là người không quen biết, hoặc là hai bên vốn dĩ là người quen biết, chúng ta vừa phê bình như vậy, giữa hai người họ sẽ tạo thành khoảng cách, gây ra đối lập, thì tức là đã tạo nghiệp. Lời nói hành vi của chúng ta phải nên khơi dậy hòa khí giữa người và người, khơi dậy hòa khí trong thiên hạ mới đúng, tại sao có thể gây ra đối lập và xung đột, điều này là trái nghịch với giáo huấn của Đức Phật rồi.
Hơn nữa, người quân tử thời xưa ở trước mặt người khác nói xấu người ta, căn bản là không mở miệng ra nói được. Nếu như chúng ta ngày nay cứ gặp người liền phê bình người, phê bình rất sướng miệng thì khoảng cách với thánh nhân xưa quá là lớn. Quân tử trong thế gian còn làm không được thì căn bản không nói tới việc đi làm Phật, làm Bồ-tát được. Kinh Vô Lượng Thọ đã hết sức khẩn thiết dặn dò chúng ta “khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”. Kinh điển thông thường đều là nói thân khẩu ý, nhưng Kinh Vô Lượng Thọ nói về khẩu thân ý, có thể thấy muốn vãng sanh thì phải giữ cho tốt khẩu nghiệp, mỗi ngày cái miệng này không biết đã động bao nhiêu lần. Có đồng nhân nào đã tính qua bản thân mình một ngày mở miệng bao nhiêu lần chưa? Hễ không cẩn thận, cái miệng này liền tạo nghiệp rồi.
Cho nên các đại đức nói: “Bớt nói một câu chuyện, niệm thêm một tiếng Phật, đánh chết được vọng niệm, pháp thân ta hiện tiền”. Tà niệm vừa động, cái miệng vừa mở thì rất dễ dàng tạo nghiệp. Cho nên “nói nhiều lời, không bằng ít”. Ít nói không phải là không nói, thật sự có những lúc có thể làm lợi ích cho người khác, những lúc tán thán người khác, những lúc an ủi người khác thì hãy mở miệng; còn những lời vô ích đối với người thì một câu cũng thấy nhiều. Thời gian niệm Phật cũng không đủ nữa, đâu còn có thời gian đi nói những lời vô ích với người chứ?
Cho nên làm sao đối trị tập khí ưa nói lỗi lầm của người khác đây? Bình thường hãy niệm Phật cho nhiều. Bởi vì tôi vừa mới nói tới đây liền nhớ tới lời Ấn Tổ nói: “Đi đứng ngồi nằm, mặc áo ăn cơm, từ sáng tới tối, từ tối tới sáng, một câu Phật hiệu, không để gián đoạn”. Có thể làm như vậy thì tâm con người sẽ bình lặng như mặt hồ vậy, đột nhiên nổi lên con sóng, lập tức nhìn thấy rõ rõ ràng ràng. Bình thường niệm Phật, hễ khởi tà niệm muốn nói thị phi của người ta thì lập tức cảnh giác, lời nói đó vừa tới cửa miệng nhưng chưa nói ra, lập tức niệm “A-di-đà Phật”, liền đem nó nuốt lại vô trong. Cho nên câu “A-di-đà Phật” là diệu pháp, có thể đối trị những tập khí về thân khẩu ý này.
Hãy nhớ kĩ rằng, người ta đều có ấn tượng, chúng ta không thể nào làm chướng ngại tâm thanh tịnh của người khác, làm chướng ngại người khác tu hành. Nếu như muốn nói vấn đề của người khác thì hãy “khuyên lỗi trong phòng riêng”, nói ngay với chính họ, chân thành nói với họ, vậy thì được, đó là tận đạo nghĩa, đó không phải nói điều thị phi (đúng-sai) của người ta. Đây cũng là bổn phận “nếu không khuyên, đôi bên sai”.
Nếu như chúng ta khuyên họ mãi không được, duyên chưa đầy đủ thì hãy tìm những người có thể khuyên được họ. Hơn nữa, thật sự xác định chúng ta muốn tốt cho họ thì sau khi chúng ta nói xong rồi họ sẽ không hiểu lầm, điều này phải phân tích khách quan. Quý vị nên tìm người như thế nào để khuyên họ? “Khuất chí lão thành, cấp tắc khả tương y” (những người có kinh nghiệm từng trải thì có thể trông cậy được), những người này lấy đại cục làm trọng, họ rất có tu dưỡng. Sau đó quý vị thật sự rất chân thành mà hy vọng giúp đỡ đối phương, đem một số tình hình nói ra rõ ràng, hy vọng họ có thể đi khuyên giải. Người có chân thành hay không, người khác nghe vào sẽ có thể cảm nhận được.
Nếu như chúng ta đi nói với họ theo kiểu càm ràm, nổi nóng, thì đây cũng là điều sai lầm. Hễ nói ra, trên miệng thì nói “Tôi muốn tốt cho anh”, sau đó vừa nói lời kích động không chịu được, sau đó còn bị cao huyết áp nữa thì đây chính là gạt mình gạt người rồi. Rõ ràng là đang khởi tâm trạng rồi mà trên miệng vẫn cứ nói “Tôi muốn tốt cho anh!”. Cho nên tu hành trước hết phải phá vỡ cửa ải gạt mình, tại sao? Bởi vì chúng ta bây giờ hiểu quá nhiều đạo lý rồi, rõ ràng ý niệm không đúng, còn nói cả một đống đạo lý, hình như rất tốt đẹp để cho người khác xem. Điều “lạc nhân chi thiện” cũng là không nói lỗi của người.
Tiếp theo, “tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy”, có thể vô cùng đồng cảm thấu hiểu mà giúp đỡ người khác. Thánh hiền nhân đặc biệt nhấn mạnh “cứu cấp bất cứu bần”, chỉ “tặng than cho ngày giá rét, không thêu hoa trên gấm”. Bởi vì phước báo thế gian không đủ, những việc giúp người hoạn nạn, có quá nhiều việc cần phải làm. Kết quả chúng ta chỉ bận làm những việc thêu hoa trên gấm, thật ra đó vẫn là làm danh văn lợi dưỡng, vẫn có thể là đang có mục đích nên đi nịnh nọt, đi tâng bốc ai đó. Trong một quốc gia, quan viên chính phủ không phải thường hay muốn lấy lòng của lãnh đạo sao? Điều này hoàn toàn sai lầm, phải là thường xuyên thay lãnh đạo thương yêu nhân dân, đây là điều đúng đắn. Tinh thần của họ phải nên để trong chuyện cứu người hoạn nạn. Trong Luận Ngữ có một đoạn đã nói rằng “quân tử dị sự nhi nan duyệt dã”, quân tử rất dễ dàng chung sống, rất dễ dàng phụng sự, chỉ cần quý vị tận tâm tận lực vì nhân dân, họ vui mừng. “Nan duyệt” là thế nào? Rất khó xu nịnh họ, lấy lòng họ, bởi vì họ không cần tới những thứ này. Ngược lại, những người thích việc lớn công to lại cần đến những hư danh này, cần đến những lời nịnh nọt, a dua này. Cho nên không cần phải cố ý để đi lấy lòng những người có đức hạnh, lấy lòng quân tử. “Duyệt chi bất dĩ đạo, bất duyệt dã”. Quý vị làm sao khiến họ vui mừng? Thật sự khiến nhân dân được lợi ích, làm lợi ích cho đại chúng thì mới có thể khiến họ vui mừng; nếu không làm như vậy thì họ không thể nào vui mừng được. “Cập kỳ sử nhân dã, khí chi”, đến lúc họ phải đề bạt những người quan trọng thì họ sẽ không nhìn vào lúc bình thường quý vị có tặng quà cho họ không, bình thường có nói những lời hay ho với họ không, họ chỉ cần nhìn vào người này có phải thật sự vì chúng sanh, vì nhân dân hay không.
Ngày nay nếu như chúng ta đi nịnh nọt, đi xem sắc mặt của lãnh đạo thì tâm tánh của mình có vấn đề, lời nói ra đều là cố ý chọn lựa những điều lãnh đạo thích nghe, thì đạo nghiệp đều đang xuống dốc. Hơn nữa là thế nào? Là xem thường lãnh đạo. Cảm thấy lãnh đạo là người có trình độ như vậy đó, là cần được xu nịnh, cần được nói lời hay ho, đó là xem thường lãnh đạo của chính mình. Cái lý này chúng ta phải nghĩ cho rõ ràng. Thật sự một lòng vì việc công, thật sự vì lãnh đạo mà san sẻ gánh nặng, thật sự phụ giúp, làm cho tốt những việc lợi ích cho chúng sanh, đây mới là đạo làm người đúng đắn.
Cho nên tu hành trước hết phải tẩy rửa đi những tập khí thế gian. Không thể nào khi chưa học Phật, những tập khí thế gian này, mùi vị thế gian này rất nặng; nhưng khi đã vào cửa Phật, đã vào đạo tràng chánh pháp mà vẫn cứ a dua, xu nịnh, nói lời hay ho như vậy, không bỏ được. Vậy thì công phu rất khó đắc lực. Cho nên thật sự có thể luôn luôn đồng cảm thấu hiểu nhu cầu của nhân dân, đây chính là đệ tử Phật, đệ tử của thánh hiền chân chính.
Một đoàn thể, thậm chí là một quốc gia, chính phủ, nếu như phong khí đều là chỉ nghe lời hay, chỉ nói lời hay thì sẽ là tình trạng thái bình giả tạo, không nhìn rõ ràng tình hình thực sự của nhân dân. Thích nghe những lời chính trực, lời nói thật mới có thể thật sự hiểu được tình hình thực tế, những nỗi khốn khổ vất vả của nhân dân. Đoàn thể hoằng dương văn hóa truyền thống của chúng ta, nếu thật sự nghe lời chân thật rồi, mới có thể biết được làm chỗ nào còn có thiếu sót, làm sao làm cho tốt hơn, chứ không phải chỉ nghe một số lời tán thán. Tám gió thổi sẽ động, nếu có cảnh giác cao độ thì thổi không động.
Câu kinh văn này quả thật như lời Mạnh Tử đã nói: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ” (đạo của học vấn không gì ngoài việc thâu liễm chỗ phóng tâm của mình), lúc nào cũng phải giữ gìn cái tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đây là người biết tu đạo. Hãy dùng tâm như vậy để lãnh thọ từng câu kinh văn thì sẽ có thọ dụng rất là lớn, sẽ đối trị được tập khí nghiêm trọng của chúng ta.
Câu kinh văn tiếp theo nói rằng: “Kiến nhân chi đắc, như kỷ chi đắc. Kiến nhân chi thất, như kỷ chi thất” (Thấy người khác đạt được giống như chính mình đạt được; thấy người khác bị mất mát, giống như chính mình bị mất mát).
Câu kinh văn này là hy vọng khích lệ chúng ta có cái tâm “người và ta là một thể”, “người đói mình đói, người chìm mình chìm”, tâm trạng này hết sức quan trọng. Không có tâm trạng này thì ta và người khác phân chia rất rõ ràng, ngã chấp sẽ càng ngày càng nặng thêm, ngã chấp càng nặng thì sẽ đi về phương hướng đọa lạc. Cho nên muốn vào cửa Phật, cửa ải thứ nhất phải phá vỡ là ngã chấp, phá vỡ tự tư tự lợi, phải càng ngày càng nhạt, nếu không, không cách nào tu được Phật pháp, không vào được cửa. Sự đồng cảm thấu hiểu này, tâm trạng “người đói mình đói” có phải là do học mới có không? Nó là thứ vốn có. Thứ vốn có bây giờ chúng ta làm sao khơi dậy được? Vốn có là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, thế nhưng bây giờ khơi dậy không được, tại sao vậy? “Cẩu bất giáo, tánh nãi thiên”, nhiễm phải tập khí rồi.
Khoa học gia có làm thí nghiệm, em bé mấy tháng tuổi tập đi, căn bản vẫn chưa đi vững, nghiêng qua nghiêng lại, họ cho em làm một thí nghiệm, tức là người lớn đi ở phía trước, cố ý làm rơi một thứ gì đó, xem em bé sẽ có phản ứng gì. Các em bé cầm lấy đồ vật đó, đi đến đưa cho người lớn vừa bị làm rớt đồ kia. Từ thí nghiệm này họ chứng minh được điều gì? Nhân tính là thiện, các em thấy người đó làm rớt đồ, các em liền đi đến trả lại cho người đó, các em không có tham niệm cái “tôi”. Cho nên em bé này nếu như cha mẹ của em có tu hành, có đức hạnh như Phạm Trọng Yêm thì cả đời các em sẽ giữ gìn được tâm trạng đó.
Con trai của Phạm Trọng Yêm là Phạm Thuần Nhân cả đời đều là đạo nghĩa, không bị lợi dục thế gian làm cho nhiễm ô, thậm chí vì đạo nghĩa mà không sợ chết. Có một lần khu vực mà Phạm Thuần Nhân làm quan bị hạn hán, nhân dân không còn cơm ăn. Kết quả ông bẩm báo lên triều đình, y theo quy định phải chờ triều đình hạ chỉ xuống, ông mới có thể mở kho. Ông nói đợi tới lúc đó thì không biết đã chết bao nhiêu người rồi, cho nên ông thà phạm pháp, thà có thể bị giáng tội, vẫn phải cho mở kho ra, mau chóng cho nhân dân có cơm ăn, vì vậy mà cứu sống không ít người. Đạo nghĩa tới nỗi có thể xả thân vì người. Về sau có một số quan viên rắp tâm không tốt đã mượn cớ gây chuyện: “Ngài xem, chưa có lời của triều đình, đã to gan mở kho ra”. Kết quả liền cử quan viên đi điều tra. Tin tức này sau khi truyền ra, lão bá tánh liền mau chóng lấp đầy kho thóc đó trở lại. Được lòng dân thì “ai thương người, thường được người thương”.
Câu “kiến nhân chi đắc, như kỷ chi đắc; kiến nhân chi thất, như kỷ chi thất” này điều rõ ràng nhất là ở tấm lòng của con cái đối với cha mẹ. Chúng ta xem trong phim Mùa Xuân Ấm Áp có một câu nói, mọi người không biết có còn nhớ không, quý vị xem Tiểu Hoa nói điều em vui sướng nhất là gì? Thấy ông nội cười! Quý vị xem, ông nội vui lòng, em cũng vui lòng; ông nội buồn phiền, em cũng buồn phiền.
Điều này là do tôi quan sát được, chúng tôi đã từng trong ngày của Mẹ, cho các em khấu đầu lễ bái cảm tạ mẹ mình. Kết quả có một em bé khoảng 5 tuổi, khấu đầu trước mẹ em, mẹ em quá cảm động, bắt đầu chảy nước mắt. Khi em ngẩng đầu lên nhìn thấy mẹ mình đang chảy nước mắt, em lập tức chồm người qua đó cùng mẹ chảy nước mắt. Sau đó tôi có hỏi em, tôi nói lúc nãy tại sao con chảy nước mắt? Em nói bởi vì mẹ em đã chảy nước mắt. Tâm của con trẻ bổn thiện rất rõ ràng, nhìn thấy mẹ mình chảy nước mắt, hình như sự đồng cảm thấu hiểu đó cũng tự nhiên lập tức nảy sinh.
Tôi còn nhìn thấy một tình cảnh, hai em bé hai ba tuổi, các em đều đi chưa được vững lắm, ở đó đi đi, chạy chạy, em thứ nhất bị ngã xuống, rầm một cái thật lớn. Người bạn nhỏ đằng sau của em “Oa”, liền khóc lên. Kỳ lạ thay, không phải em bị ngã, em đã khóc trước. Bởi vì âm thanh đánh “rầm” đó rất lớn tiếng, hình như em cảm thấy bạn mình rất đau, liền khóc lên.
Bây giờ những đồng nhân tu hành tốt, có thể khi xem tivi nhìn thấy một số cảnh tượng người ta đau khổ, người đó còn chưa chảy nước mắt, họ đã chảy nước mắt trước rồi. Có những người sau khi học rồi nói: “Chảy nước mắt là tình chấp!”, chính mình chảy không ra nước mắt, còn nói người ta tình chấp. Chính mình càng học càng trơ lì, càng không thể đồng cảm thấu hiểu, còn nói người ta tình chấp. Người ta như vậy là vì bỗng chốc cảm nhận được cái khổ của người khác mà chảy nước mắt!
Cái em bé bị té ngã xuống đó, hoàn hồn lại mới khóc, bởi vì em bị té xuống, trong phút đó còn chưa kịp định thần lại. Nếu như người mẹ không hiểu chuyện, lập tức chạy qua đó nói với con của mình: “Nó bị ngã, con khóc cái gì! Nó đau chứ không phải con đau, không được khóc!”, vậy là phiền phức rồi, khiến cho thiên tính này của em dần dần bị lệch lạc.
Cho nên cái này là thứ vốn có, học tập kinh điển thánh hiền là khôi phục tấm lòng của con trẻ. Thánh hiền nhân cả đời giữ gìn được tâm trạng như vậy. Khổng Tử nói: “Kiến hiền tư tề, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh”. Thấy người ta có quả báo tốt, thấy người ta có ưu điểm thì khẳng định họ, vui mừng; thấy người ta có điều không tốt thì phản tỉnh chính mình; thấy người ta có điều không tốt thì làm sao giúp họ sửa lỗi. Thuần là một tâm thiện. Chúng ta muốn đời này có được thành tựu về đức hạnh thì tâm trạng này là vô cùng quan trọng. Chúng ta xem thánh nhân trong lịch sử, họ đều đã làm được điểm này. Đại Vũ trị thủy, trong sách Mạnh Tử có nhắc tới, có người bị nước nhấn chìm, Đại Vũ liền cảm thấy do mình hại họ bị chìm nước, dùng tâm trạng như vậy mau mau đi giúp nhân dân giải quyết vấn đề, cứu dân khỏi nước lửa. Thủy tổ của triều Chu là Hậu Tắc, là người chuyên môn dạy lão bá tánh trồng ruộng. khi ông nghe thấy có người bị đói, ông liền cảm thấy là do mình hại, mau nghĩ đủ mọi cách để giúp đỡ họ. Tấm lòng không phân chia ta người đó, thậm chí họ còn lo lắng, còn sốt ruột hơn cả đương sự.
Cho nên thánh nhân không chỉ trích bất kì ai, luôn cảm thấy do chính mình làm còn chưa đủ. Cho nên chúng ta xem Phu Tử là tấm gương của chúng ta, là chí thánh tiên sư. Phu Tử nói: “Thi thư chi bất giảng, lễ nhạc chi bất tập, Khâu chi tội dã” (không giảng thi thư, không tập lễ nhạc là lỗi của Khâu này). Người thế gian chưa nhận được những giáo huấn của thánh hiền, ngài không những không trách móc bất kì ai, mà còn cảm thấy do chính mình chưa làm tròn trách nhiệm. Cho nên thánh nhân thường nhận sự quở trách của thiên hạ chứ không có tâm quở trách người. Bởi vậy chúng ta phải noi gương những thánh hiền nhân này.
Được rồi. Hôm nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người.