CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 11: Tiêu chuẩn của thiện ác: Tùy thuận tánh đức là thiện, trái ngược tánh đức là ác.
Giảng ngày 2 tháng 09 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên mở đầu có nói rằng: “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, trước hết chúng ta phải hiểu rõ tiêu chuẩn của thiện ác. Thiện cảm thiện báo, ác cảm ác báo, như ảnh tùy hình. Tiêu chuẩn của thiện ác nằm ở đâu? Theo tiêu chuẩn của Phật môn, tùy thuận tánh đức là thiện, trái nghịch tánh đức là ác. Tiêu chuẩn này là rất triệt để. Nói về tánh đức, sư phụ thường nói, chân tâm là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Tâm niệm của chúng ta tương ứng với năm tâm này là thiện. Hơn nữa, cái thiện này, có chân tâm thì sẽ đi đến Nhất chân pháp giới, đi đến thế giới Tây phương Cực Lạc. Trái nghịch với năm tâm này là ác. Nhất là tương ứng với tham sân si, chúng ta phải rất cảnh giác, tâm tham cảm cõi ngạ quỷ, sân hận cảm cõi địa ngục, ngu si sẽ cảm cõi súc sanh. Chúng ta đối với tiêu chuẩn thiện ác này rất rõ ràng, rất minh bạch thì sẽ rất có tính cảnh giác, sẽ hạ công phu từ trong ý niệm.
Phật môn nói điều quan trọng nhất của thiện ác là chuyển mê thành ngộ. Mê rồi chính là ác, giác rồi chính là thiện. Tiêu chuẩn của giác mê tất nhiên chúng ta vẫn phải y chiếu theo kinh điển mà đối chiếu bản thân. Sự mê ngộ này, sư phụ thường nói, luôn luôn suy nghĩ vì người là giác ngộ, tại sao vậy? Chúng sanh và ta đều là một thể, đây là giác, hiểu rõ chân tướng này, chúng ta luôn luôn đều suy nghĩ cho người. Nếu luôn luôn suy nghĩ cho mình, cái này là mê hoặc. Tại sao? Đem cái thân của mình coi là cái tôi, tham chấp cái tôi này, từ tôi lại mở rộng ra tức là “ngã sở”, tiền tài của tôi, nhà cửa của tôi, vợ con của tôi, mở rộng ra các thứ khác, có “ngã” thì có tham chấp, tham rồi sẽ tùy thuận tham sân si thì là mê rồi.
Phật môn có một so sánh, biển cả rất bao la, ví dụ cho pháp thân vốn có của một người. Chân thân của một người, hư không pháp giới là chân thân của chính mình, là chính mình thật sự, cái này là chân tướng. Nhìn nét mặt của mọi người, không có phản ứng gì. Lấy một ví dụ khác, mọi người có kinh nghiệm nằm mơ không? Ngay cả kinh nghiệm nằm mơ cũng không nhớ lại được, quý vị đều buông bỏ rồi phải không? Xin hỏi, những lúc nằm mơ, có thấy sơn hà đại địa không, có thấy tất cả người vật không? Ai biến ra vậy? Quý vị coi, tâm người có thể biến ra tất cả cảnh giới, quý vị đã tỉnh mộng chưa? Mộng của ngày hôm qua đã tỉnh, mộng của hôm nay vẫn chưa tỉnh. Chúng ta là trong mộng lại nằm mộng, mặc dù mộng trong mộng đã tỉnh rồi, nhưng vẫn là đang nằm mộng.
Cho nên tại sao nói tiêu chuẩn của thiện ác nằm ở mê và ngộ? Ngộ rồi mới không tạo nghiệp, mới không phân biệt, chấp trước. Phân biệt ta, người, lại đối lập, lại tổn thương, đây là tạo nghiệp. Nếu là một thể thì đâu có chuyện tổn thương nữa! Có người nào nhìn thấy có ai đó tự đấm chính mình, đấm rất là dữ, sau đó càng đấm họ nói càng vui sướng, thật sảng khoái! Mọi người có thấy loại người này không? Không có, có thể phải tới bệnh viện tâm thần mới nhìn thấy, đó là không bình thường. Là một thể thì họ tuyệt đối không tổn hại thân thể này của chính họ. Nếu như từ đây mà quán chiếu, người nếu biết được vạn vật vũ trụ là một thể với mình, họ còn tổn hại ai nữa? Do không hiểu rõ, họ mới có đối lập, mới có tổn hại. Cho nên cái ngộ này, nói triệt để, chính là hiểu rõ vũ trụ nhân sinh, hư không pháp giới tất cả chúng sanh chính là chính mình.
Lúc nãy tôi có nêu ví dụ, trong biển cả có nổi lên một bọt nước, bọt nước đó chính là thứ mà chúng ta nhầm tưởng là thân thể của chính mình, tưởng nó chính là mình, bọt nước đó là so sánh cho sự người ta lầm tưởng thân thể này là tôi. Bọt nước đó cảm thấy bọt nước chính là nó thì cả thân tâm của nó tất chỉ nhìn thấy được bọt nước này. Rồi có một ngày nó biết được, thì ra bọt nước không phải là tôi, biển cả mới là tôi, nó đem cái bọt nước này, “bộp” chọc thủng, thì nó là ai? Bọt nước này là ai? Chính là biển cả. Cho nên Phật Bồ-tát đều chọc thủng đột phá rồi. Phật Bồ-tát ở đâu? Tận hư không khắp pháp giới, không đâu không hiện thân, cái này tức là các ngài đã khôi phục tự tánh, khởi lên “pháp vốn như thế” (pháp nhĩ như thị) tự tại diệu dụng, họ có thể ngàn trăm ức hóa thân, bởi vì bọt nước đó họ đã chọc thủng rồi, các ngài có thể “chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát có ứng”. Chúng ta còn chưa chọc thủng, chúng sanh có cảm, chúng ta làm sao ứng đây? Chúng ta không cách nào ứng. Mọi người có cảm thấy là hai tay rất không đủ dùng không? Cho nên phải học ai? Học Quán Thế Âm Bồ-tát. Điều quan trọng nhất là họ khôi phục tự tánh thì mới có thể khởi lên diệu dụng như vậy. Cho nên tại sao luôn luôn cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc? Bởi vì sau khi vãng sanh, có uy thần của bổn nguyện Di-đà gia trì, năng lực của con người có thể khôi phục tới A-duy-việt-trí Bồ-tát, có thể giúp đỡ chúng sanh. Tại sao nói người luôn luôn cầu sanh, niệm tâm đó là tâm từ bi? Bởi vì họ luôn luôn nhớ chúng sanh khổ, năng lực của mình có hạn, mau mau quý trọng cơ hội thù thắng như thế này, vãng sanh Tây phương, bỗng chốc nâng cao tới năng lực như vậy, cùng với A-di-đà Phật, Quán Âm, Thế Chí, cùng với Thanh Tịnh Hải Hội Chúng Bồ-tát, có thể du hành mười phương giúp đỡ chúng sanh.
Đại sư Ngẫu Ích nói, tâm luôn luôn cầu sanh Tịnh độ là tâm vô thượng Bồ-đề. Nhưng mọi người phải biết nghe câu nói này, không phải là tâm cầu sanh Tịnh độ, mà là cái gì? Là tâm luôn luôn cầu sanh Tịnh độ. Không phải một ngày xuất hiện năm lần cầu sanh Tịnh độ tức là tâm vô thượng Bồ-đề. Một ngày có năm ý niệm cầu sanh Tịnh độ nhưng có năm ngàn ý niệm thấy người khác chướng mắt thì không phải là tâm vô thượng Bồ-đề. Điều này chúng ta phải khảo nghiệm rõ ràng, nếu không, tới lúc đó không thể vãng sanh, “Đại sư Ngẫu Ích nói sai rồi”. Ngài là người chứng ngộ, không nói sai mà bản thân chúng ta lý giải sai rồi. Chúng ta đã biết rằng hư không pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình, chúng ta không thể vẫn chấp trước trong tự tư tự lợi, trong tự ngã, phải buông bỏ sự chấp trước này, không thể mê, mê hoặc chắc chắn tạo nghiệp. Tự tư tự lợi đâu có ai không tạo nghiệp? Sau đó khổ báo sẽ xuất hiện. Cho nên sư trưởng đặc biệt nhấn mạnh, sanh khởi một niệm vì chính mình là mê, sanh khởi một niệm vì hư không pháp giới tất cả chúng sanh là ngộ. Chúng ta đời này không bắt đầu từ luôn luôn nghĩ cho người thì đời này không thể nào có thành tựu, chỉ là kết thiện duyên mà thôi. Đây là lời nói thật. Cho nên vì chính mình là tư, vì chúng sanh là công, “chí công vô tư” tức là giác ngộ. Nếu như người có tơ hào tư lợi thì sẽ không giác ngộ cứu cánh, giác ngộ viên mãn.
Quá trình tu học chính là không ngừng buông bỏ sự tư lợi. Nhất là khảo nghiệm ở đâu? Ở trong đoàn thể công tác, điều này hết sức quan trọng. Mọi người bình tâm nhìn lại, gia đình bây giờ, đoàn thể bây giờ sinh sống có dễ dàng không? Không hề dễ. Quý vị coi bây giờ là cuộc sống đô thị lớn, kiếm tiền đều không dễ dàng. Bản thân chúng ta hồi tưởng một chút, vào thời đại cha mẹ chúng ta, cuộc sống của họ rất không dễ dàng, nhưng họ rất có đạo nghĩa. Tôi nghe các trưởng bối kể lại, không phải nghe bản thân cha tôi kể lại, cha tôi khi học đại học đều là ăn mì nước, mì nước đó bên trong không có gì hết, chỉ có nước mì mà thôi. Tại sao không dám ăn mì mà chỉ ăn mì nước? Bởi vì nhà nghèo, không dám thêm gánh nặng cho gia đình. Tại sao nói “trung thần xuất thân từ cửa hiếu tử”? Bởi vì một niệm của họ, tâm luôn luôn nghĩ cho gia đình đã được nội hóa, ở trong đoàn thể, họ có thể chính mình chịu thiệt thòi, họ có thể gánh vác nhiều một chút. Họ gánh vác có khổ không? Tôi thấy mọi người không có phản ứng gì, quý vị chưa có gánh vác. Rất nhiều người đang xem “Câu chuyện đức dục”, “Sao họ lại khổ đến thế này?”, đó là tự mình khổ, không phải họ khổ; là bản thân chúng ta tưởng tượng ra, “nếu mình làm như vậy, mình chắc chắn sẽ không chịu được”. Nhưng mà họ là “ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không hổ với người”, lương tâm họ rất an, họ cảm thấy họ vì gia đình, vì đoàn thể mà làm trọn đạo nghĩa này rồi thì trong tâm hết sức an ổn.
Cho nên từ gia đình cho tới đoàn thể, chúng ta có tâm này không? Có thái độ luôn luôn suy nghĩ cho gia đình, cho đại cục, điều này chính là trừ bỏ tư lợi. Nghĩ cho gia đình đã không dễ dàng thì nghĩ cho đoàn thể sẽ càng khó. Tại sao? Người trong đoàn thể càng phức tạp, họ không có cơ sở huyết thống, tình thân, lúc này càng phải bao dung lẫn nhau, thấu hiểu lẫn nhau, thậm chí còn phải dũng cảm gánh vác trách nhiệm. Nhìn thấy không có ai chủ động cống hiến, gánh vác, bản thân mình hãy đứng ra trước. Nếu không, công việc trong đoàn thể tới sau cùng làm không được sẽ có lỗi với đại chúng. Cho nên tại sao nói “nhân nhượng cầu toàn, nhẫn nhục gánh vác”? Người nếu như không thể nhẫn nhịn chịu thiệt thì họ không thể nào gánh vác trọng trách được. Chúng ta xem những trung thần trong lịch sử, chúng ta kính trọng họ, nhưng chúng ta ngày nay ở trong đoàn thể gặp phải công việc thì có gánh vác và khí khái như họ không? Hay là liền sợ thiệt thòi, luôn chỉ nghĩ tới mình, việc gì cũng đẩy ra ngoài? Luôn khiến đoàn thể, khiến lãnh đạo đau đầu nhức óc, không biết phải làm việc ra sao. Chúng ta ở trong đoàn thể là gây thêm phiền phức, không phải giúp đỡ. Luôn luôn phải đổi vị trí suy nghĩ, suy nghĩ cho người phụ trách, suy nghĩ cho đoàn thể, đây là trừ bỏ tâm tự tư tư lợi.
Ví dụ chúng ta hồi đó ở trong trường dạy học, xếp lớp có dễ không? Không hề dễ. Hôm nay quý vị xếp tiết học này cho giáo viên này, họ nổi nóng; xếp tiết học này cho giáo viên kia, họ không vui. Người xếp lớp khó biết mấy. Đối với người phụ trách xếp lớp mà nói, ai khiến họ hoan hỉ nhất, khiến họ cảm động nhất? “Không sao không sao, phần còn lại cứ giao cho tôi”, có phải không? Chúng ta có tâm như vậy không? Như vậy việc loại bỏ tâm tự tư tự lợi chỉ là lý luận mà thôi, trong cuộc sống hiện thực của chúng ta, chúng ta vẫn không thực hiện được. Tại sao không thực hiện được? Là do cái “Tôi” gây chuyện, “tôi” không thoải mái, “tôi” sao có thể chịu thiệt thòi, tại sao không phải họ làm? Trong ngôn ngữ luôn là so sánh, luôn là tính toán. Lúc này sẽ không nghĩ được rằng “Trời định giao trọng trách cho người nào, trước hết khiến cho họ khổ não tâm chí, lao nhọc gân cốt, đói khát da thịt, vắt kiệt thân thể, hễ làm gì cũng nghịch ý muốn; có vậy mới khích động cái tâm, kiên nhẫn cái tánh để có nghị lực làm những điều chưa làm được. ”.
Chúng ta vốn dĩ trong tâm trạng làm không được, nhưng hiện nay chúng ta đã làm được rồi, điều này mới là sự nâng cao và công phu thật sự. Hơn nữa, khắp nơi đều có nhân quả: Chúng ta không hiếu kính người già, khi chúng ta già rồi sẽ không có người chăm sóc; chúng ta không luôn luôn nhẫn nhục gánh vác, suy nghĩ cho đại cục, ngày sau đến khi chúng ta phụ trách công việc sẽ không ai giúp chúng ta. Điều này đều là nhân quả báo ứng, đều là cảm ứng. Cho nên ở đây sư phụ nói vì chính mình là tư, vì chúng sanh là công, điều này thật sự chính là nơi chúng ta bắt tay tu hành.
Cái thiện ác này, Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói hết sức thấu triệt, mọi người có thể nghiêm chỉnh ôn tập lại một chút. “Thiện có thật có giả, có thẳng có cong”, cong hay thẳng đều là từ khởi tâm động niệm mà xét. “Thuần là tâm thương người thì là ngay; có tơ hào tâm phẫn thế thì là khuất”. Ngày nay chúng ta đang làm công việc hoằng dương văn hóa truyền thống, đây là việc tốt, nhìn có vẻ chúng ta rất có tình thương, nhưng trong quá trình làm việc chúng ta lại thường hay nổi nóng, đây không phải tình thương chân thật, đây là gì? Đây vẫn là tâm danh văn lợi dưỡng. Có tình thương chân thật sao lại nổi nóng bừa bãi? Nhưng tại sao chúng ta vẫn làm việc hăng say như vậy? Bởi vì làm việc này, người ta rất tán thán, rất ca ngợi, cho nên đây vẫn là dùng tâm danh văn lợi dưỡng làm động lực. Nếu như không có tiếng vỗ tay, không có lời tán thán, không có lợi, thì chúng ta có làm không? Nếu chúng ta thật sự có tình thương thì phải nên thấu hiểu người xung quanh, tại sao chúng ta làm việc thiện lớn như vậy mà kết quả đều là tổn thương tới người xung quanh, khiến người ta rất bị áp lực? Điều này là không hợp logic. Cho nên giáo huấn trong Liễu Phàm Tứ Huấn khiến chúng ta thấu triệt căn nguyên mà xét việc thiện ác. “Thiện có lớn có nhỏ, có vơi có đầy, có khó có dễ”, mấy góc độ này, chúng ta phải thâm nhập cho tốt.
“Thiện ác chi báo”, thiện ác báo ứng chúng ta phân tích rõ ràng rồi. Và “như ảnh tùy hình”, nâng cao tâm kính sợ của chúng ta. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nói, tu hành, sửa lỗi, phải phát tâm hổ thẹn, phải phát tâm kính sợ, phải phát tâm dũng mãnh. Thật ra tâm dũng mãnh và hai tâm phía trước không tách rời nhau. Đời này nếu muốn điều phục tập khí có dễ dàng không? Không hề dễ. Phải có tâm trạng như thế nào? Không sợ chết, chỉ sợ quên mất chánh niệm, chỉ sợ ý niệm không đúng, chết cũng không sợ. “Thà rằng thịt nát xương tan”, cũng không quên mất chánh niệm này. Phải có quyết tâm, khí khái như vậy thì mới có thể đối trị, hàng phục phiền não từ vô thủy kiếp. Cái “dũng” này từ đây mà phát ra. Cái dũng này là trí huệ đức tướng Như Lai mà chính mình sẵn có, chân tâm Di-đà vốn có của mình. Bây giờ chúng ta lại luân chuyển lục đạo, tùy thuận tập khí, như vậy quá chà đạp chính mình, quá có lỗi với chính mình, tâm hổ thẹn này phát ra rồi; sau đó chúng ta lại so với Đức Phật, lại so với Khổng Tử, tâm hổ thẹn lại khởi lên; lại hiểu được chân tướng sự thật rằng khởi tâm động niệm đều có nhân quả báo ứng, khởi tâm động niệm, “trời đất có thần ghi tội lỗi”, luôn luôn có thần minh giám sát, tâm kính sợ này sẽ khởi lên. Cho nên người có thể khởi tâm hổ thẹn, khởi tâm kính sợ đều là do họ đã hiểu rõ chân tướng sự thật, thật sự hiểu rõ, không muốn chà đạp chính mình, không muốn lại tạo ác nữa.
Hôm qua chúng ta nói đến ông Vương Chí Nhân, vốn dĩ là 40 tuổi đoản mạng, không con, “như ảnh tùy hình”, tội báo đó thật sự đi theo ông. Nhưng “thiện ác chi báo” , tùy theo thiện ác của người mà chuyển. Một niệm chân tâm, một niệm đại thiện tâm, nghiệp báo của họ sẽ chuyển rất nhanh. Nếu như vốn dĩ chúng ta có phước báo, hơn nữa lại là đại phước, nhưng có một niệm trái nghịch với đạo lý làm người, có thể một niệm này đã làm tổn hết hoàn toàn đại phước.
Có một thư sinh tên là Lý Sinh, anh rất biết viết văn chương. Rất biết viết văn chương có tốt không? Quý vị có muốn mình biết viết văn, có muốn mình rất giỏi ăn nói không? Mọi người nghĩ thử coi, Du Tịnh Ý Công có giỏi ăn nói không? Lời ông nói ra, tất cả mọi người đều khâm phục, thật quá lợi hại! Kết quả đã tổn hại hết toàn bộ phước của mình, con ông sanh ra đứa thì chết, đứa thì mất tích, quả báo là bị tổn hết phước. Cho nên, đức mới là phước căn bản quan trọng nhất trong đời, giỏi viết văn chương, có tài hoa chưa chắc là việc tốt. Lão tổ tiên nhắc nhở chúng ta, tài hoa là “tai họa của thân”. Tại sao? Bởi vì chỉ cần căn cơ đức hạnh không vững chắc, chỉ cần có tài hoa, tôi chưa gặp ai có tài mà không ngạo mạn. Cho nên người xưa rất cẩn thận, “tài thắng đức, gọi là tiểu nhân”, điều này đối với sự tu học của họ cho đến đối với đoàn thể thì sức sát thương đều rất lớn. Cho nên có tài mà đức không theo kịp thì phải càng e sợ cẩn thận, điều phục ngạo mạn, mau mau đem căn cơ đức hạnh cắm cho kiên cố.
Lý Sinh này rất giỏi viết văn chương, về sau tham gia khoa cử, anh đã thi đậu cử nhân rồi, sắp đi thi tiến sĩ. Kết quả anh phải đi Cù Châu, Cù Châu là vùng có Nam Tông Khổng Miếu. Lúc anh đi ngang qua vùng Cù Châu thì đến ở tại một nhà trọ. Ông chủ của nhà trọ này, buổi tối một ngày trước khi anh đến đã thấy một giấc mộng, mơ thấy thần Thổ địa nói với ông, ngày mai nhà trọ của ông sẽ có một thư sinh thi đậu tiến sĩ năm nay tới ở, tên là Lý Sinh, ông phải tiếp đãi anh ấy cho tốt. Quả nhiên, hôm sau anh ấy tới, ông chủ này chiêu đãi anh hết sức niềm nở. Anh được sủng ái mà lo sợ liền hỏi, sao ông đối tốt với tôi như vậy? Ông liền đem tình hình này nói với anh. Lý Sinh này nghe xong tất nhiên rất hoan hỉ, “Năm nay mình được thi đậu rồi!”. Tối hôm đó đi ngủ, anh liền nghĩ đến một vấn đề, mình sắp thi đậu tiến sĩ rồi, sau này phải làm quan, như diều gặp gió, nhưng lúc trước đây khi mình còn bần cùng, người vợ mình đã lấy đó có thể không thể làm phu nhân của quan lớn được, không thể khiến mình nở mày mặt. Anh liền khởi lên ý niệm này. Hôm sau anh ấy đi dự thi. Tối hôm sau, ông chủ này lại nằm mơ thấy thần Thổ địa đến tìm. Thần Thổ địa nói với ông, chàng thư sinh này, còn chưa thi đậu tiến sĩ, đã muốn bỏ chánh thất của mình, một niệm này đã tổn hại hết phước của anh ấy, năm nay anh ấy thi không đậu. Quả nhiên anh ta không thi đậu, quay lại, ông chủ đem chuyện này kể lại cho anh ấy, anh ấy hết sức hổ thẹn, tiếc nuối. Cho nên thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình, hơn nữa là một niệm vừa chuyển thì cả phước báo đã đổi khác. Người thật sự hiểu rõ đạo lý này thì không thể khởi lên những việc trái nghịch đạo đức lễ nghĩa.
Phước Châu có một thư sinh tên là Văn Thiệu Tổ, ông tìm người yêu cho con trai mình, đã đưa sính lễ cho họ Sài. Đưa sính lễ nhưng vẫn còn chưa cưới về, con gái nhà họ Sài bị tai biến. Ông liền bàn bạc với vợ mình, còn chưa lấy về nhà thì đã bị tai biến. Quý vị đồng nhân, quý vị có lấy không? Quý vị sao không lên tiếng vậy? Cuộc đời điều khó nhất không phải là phấn đấu mà là chọn lựa. Mỗi một chọn lựa có phù hợp với thiên lý, đạo nghĩa hay không? Ông liền kiến nghị với vợ của mình đổi một người khác cho con trai. Vợ ông rất tức giận nói với ông, mình có con trai thì để nó thuận thiên lý, tự nhiên có thể lâu dài. Nếu trái nghịch nghĩa lý, trái nghịch đạo lý làm người là khiến con trai mình mau mau rước họa, không thể nào như vậy. Bà vừa nói xong, bởi vì bản thân Văn Thiệu Tổ cũng là người có học, vợ ông vừa nói như vậy ông liền thấy ái ngại, ông liền đồng tình. Nếu như quý vị nói như vậy với người bây giờ, quý vị nói với họ phải thuận thiên lý, không thể nào trái nghịch lễ nghĩa, họ có thể sẽ nói rằng, vậy tự anh đi lấy đi. Họ không có nền tảng của việc đọc sách thánh hiền, cho nên xây dựng nền tảng rất quan trọng, người không học thì không biết đạo, không biết nghĩa, cho nên việc mở lớp dạy học tại sao lại quan trọng? Người ta nếu không hiểu, quý vị cũng hết cách nói với họ.
Sau đó, họ đã cưới con gái họ Sài này về, năm sau con trai ông thi đậu tiến sĩ. Mọi người nghĩ thử coi, cô con gái nhà họ Sài này được gả qua đó có cảm động không? Cảm động đến mức độ nào? Không cách nào hình dung nổi, phải không? Quý vị phải nhập vai một chút, quý vị bây giờ chính là tâm trạng cô gái họ Sài, sự cảm động đó sẽ khiến hai mạch nhâm đốc được đả thông. Quý vị không có kinh nghiệm này là vì cuộc đời quý vị vẫn chưa có lúc nào cảm động tới mức độ này. Kết quả sau đó bệnh của cô gái họ Sài cũng khỏi, sanh được ba con trai, ba người con trai đều thi đậu tiến sĩ. Hai đời người sanh được 4 tiến sĩ, chuyện này ở trong lịch sử, quý vị tìm được mấy nhà như vậy? Tức là bởi vì một niệm “thuận thiên lý” này của vợ ông, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình, đại phước liền đến với nhà họ.
Được rồi. Hôm nay tôi trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!