Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 16) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 16: Mỗi giai đoạn đối trị một loại tập khí, đột phá từng cái một.

Giảng ngày 28 tháng 09 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên tới câu kinh văn là “Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu họan, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi, cát khánh tỵ chi, ác tinh tai chi”, đã nói tới đoạn này.

Hôm qua chúng ta nhắc tới “toán giảm”, phạm phải những lỗi lầm nào sẽ bị giảm tổn phước báo, giảm tổn thọ mạng? Nhà Phật nói ba nghiệp thân khẩu ý, tức là tạo tác mười nghiệp ác thì sẽ bị giảm tổn phước báo và thọ mạng của mình. Tình hình giảm sẽ có những điềm báo gì xuất hiện? “Bần hao”, “bần” tức là bần cùng không có tài phú; “hao” tất nhiên cũng là phước báo của họ bị hao tổn, hơn nữa chữ “hao” này còn có thể là tan cửa nát nhà. Nếu như họ lại là người lãnh đạo của một quốc gia, thì có thể càng nghiêm trọng hơn là ngay cả quốc gia này cũng bị diệt vong. Cho nên người làm cha mẹ là trưởng bối trong nhà, người đứng đầu một nước nên lấy vận mệnh của gia đình, quốc gia làm trách nhiệm của mình, nên làm tấm gương tốt tích phước cho nước cho nhà, không thể tạo tác tội nghiệp; ngược lại, nếu di họa cho hậu thế, di họa cho nhân dân thì không thỏa đáng.

Tiếp theo đó, không chỉ “bần hao” mà còn “đa phùng ưu hoạn”. Cuộc đời của họ thường gặp phải rất nhiều hoạn nạn, trong tâm tất nhiên cũng hết sức ưu phiền, lo lắng, thậm chí tai họa nhiều rồi sẽ khó tránh việc oán trời trách người. Người lo sợ thì không có cảm giác an toàn, vào thời đại này, đa số mọi người đều không cảm thấy an toàn. Chúng ta nhìn thấy phong khí xã hội không tốt, đây là nhân họa; sau đó tai họa lại nhiều, đây là thiên tai. Thiên tai nhân họa nhiều, con người sinh sống trong môi trường như vậy đều sẽ khá là lo lắng về rất nhiều việc. Căn nguyên của thiên tai nhân họa nằm ở đâu? Vẫn là nằm ở nhân tâm chưa được giáo hóa nên mới làm ra những việc nguy hại tới người khác, mới chiêu cảm những tai họa này.

Căn nguyên của thiên tai, Phật môn đã giảng rất triệt để. Tâm tham chiêu cảm nạn nước. Mọi người nếu như để tâm quan sát, những khu vực bị nạn nước chắc chắn kinh tế phát triển rất cao, phát triển nhanh chóng, luân lý đạo đức không theo kịp, con người tham lam vô độ, hết sức phung phí, liền cảm đến nạn nước. Tâm sân hận, tính khí rất nóng nảy, sẽ cảm nạn lửa. Mọi người để ý xem những vùng bị nạn lửa, hoặc là chiến tranh, đó có thể cũng đều là hỏa khí quá lớn, không ngăn được tâm sân hận liền phát sanh xung đột. Ngu si cảm nạn gió. Không hiểu sự lý, nạn gió trong vùng đó hết sức nhiều. Nhân tâm bất bình, ngạo mạn sẽ chiêu cảm động đất. Nếu như chúng ta hiểu rõ căn nguyên của thiên tai nhân họa tại nhân tâm thì phải bắt tay từ giáo dục, từ luân lý đạo đức nhân quả mới có thể cải thiện.

Tất nhiên, một người thật sự đoạn ác tu thiện rồi, trước hết họ sẽ thay đổi vận mệnh của chính mình, trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Mọi người trong xã hội bây giờ có cảm giác an toàn không? Nếu như mọi người mỗi ngày không đọc báo nữa thì sẽ rất có cảm giác an toàn, sống những ngày thái bình. Rất nhiều người liền nói, nếu tôi không đọc mấy bài báo đó nữa thì tôi sẽ không biết rất nhiều việc. Việc quý vị nên biết thì vẫn sẽ biết, những việc lớn đó vẫn sẽ có người nói cho quý vị. Nhưng mỗi ngày quý vị đọc báo, một đống những chuyện tham sân si mạn, tâm của mình có thể sẽ không thanh tịnh nữa.

Cho nên sư trưởng nói, ngài không coi tivi, không coi báo. Mọi người đã nghe qua đoạn này chưa? Đừng nói nghe qua rồi, ít nhất đã nghe mấy chục lần rồi. Chúng ta đã làm chưa? Vẫn coi. Lên mạng hễ coi một cái là 30 phút trôi qua, rất nhiều chuyện sát đạo dâm vọng, hễ coi một lát thì tâm thanh tịnh cũng không còn. Cho nên internet là ai? Là ma vương Ba-tuần, trong đó tham sân si mạn đặc biệt nhiều, dễ dụ dỗ người ta, quý vị phải có định lực mới được. Tất nhiên nhân viên phòng thông tin trong trung tâm của chúng ta là thần hộ pháp của mọi người, họ đã cài đặt một số chức năng, sàng lọc hết một số thông tin không tốt. Việc này tôi không hiểu lắm, đây chính là sự hộ niệm cho chúng ta. Chúng ta nghĩ, mình đã lớn thế này rồi mà còn cần hộ niệm sao? Người tu hành đừng nói lời khoa trương, định lực đó không dễ dàng.

Chúng ta bây giờ thật ra mà nói, mọi người tụ hội lại là nhân duyên hết sức khó được, ít ra mọi người đều là tâm hướng đạo, muốn đời này thành tựu. Cho nên nương tựa vào chúng có kiến giải giống nhau, mục tiêu giống nhau. Nếu như trong đơn vị xã hội thông thường, tư tưởng quan niệm của mỗi người đều không giống nhau, thói quen cũng không giống nhau thì rất dễ dàng chịu sự ảnh hưởng của đoàn thể. Mặc dù bây giờ làm việc ở trung tâm, mỗi buổi sáng còn phải nghe thầy Thái càm ràm nửa tiếng đồng hồ. Nhưng những câu chuyện trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên này quả thật là thánh hiền nhân mấy ngàn năm nay đã tổng hợp lại cho chúng ta, điều này rất hiếm có. Cho nên người có phước thì chúng ta có thể được học Phật pháp, được học Nho Thích Đạo, phải cố gắng quý trọng mới tốt. Thật ra con người luôn luôn đến lúc nào mới quý trọng? Tức là sau khi đánh mất mới quý trọng. Không phải mới quý trọng, mà là mới muốn quý trọng. Vậy thì sẽ ra sao? Chưa chắc còn kịp. Cho nên tại sao nói “không thể với chút ít thiện căn phước đức nhân duyên, được sanh nước đó”? Thiện căn là nghe thiện pháp sanh tâm hoan hỉ, “bất hân thế ngữ, lạc tại chánh luận”, đặc biệt ưa thích lắng nghe giáo huấn của thánh hiền, giáo huấn của Phật Bồ-tát. Phước đức là sau khi nghe xong lập tức chịu làm, người này sau này sẽ có phước đức.

Mọi người nghe xong liền nói “lập tức chịu làm”, có lúc nghe kinh nhiều rồi, nghe giảng nhiều rồi, rất muốn làm, nhưng có rất nhiều việc cần phải làm, không biết nên bắt tay từ đâu. Mọi người có cảm giác này không? Đọc Đệ Tử Quy được một lần, mười hai mươi chỗ đều phải làm, cái này cũng muốn làm, cái kia cũng muốn làm, kết quả là tất cả đều chưa làm. Có một phương pháp, trong một khoảng thời gian hãy chuyên sửa một khuyết điểm, sửa một tập khí, toàn tâm chú ý mà đối trị nó.

Ví dụ, mấy tiết học trước tôi có kể rằng thời Tống có một người tên là Phù Trọng Tín, ông cũng ham thích bố thí, đã làm rất nhiều việc bố thí, nhưng lại đoản mệnh, ba mươi mấy tuổi đã tới cõi âm. Những người đã từng được ông giúp đỡ rất kinh ngạc, người thường bố thí như vậy tại sao quả báo lại như thế này? Kết quả bởi vì ông thường không thắp hương, nghĩa là không tưởng niệm tổ tiên, không tôn trọng trời đất quỷ thần, tâm cung kính không đủ; sau đó lại ngủ dậy trễ. Mọi người vừa nghe, chỉ hai việc nhỏ này thôi. Nhưng từ trong tâm mà nghĩ, đây cũng không phải việc nhỏ. Ngủ trễ dễ bị giải đãi. Trăm loại lỗi lầm, rất nhiều tập khí đều từ lười biếng sanh ra. Người ta sau khi biếng nhác, phóng dật thì ý niệm xấu sẽ càng ngày càng nhiều. Tục ngữ có câu “no ấm nghĩ dâm dục”, ăn rất no lại ngủ rất nhiều thì suy nghĩ lung tung, tà niệm sẽ nhiều lên. Điều này đều là hết sức có lý. Tại sao cổ thánh tiên hiền đều nói “sanh nhờ lo âu, chết bởi an lạc”? Bởi vì con người thật sự sống an dật rồi hầu như sẽ không ai mà không đọa lạc, cho nên cần phải khắc khổ. Đức Phật biểu diễn cho chúng ta, ngày ăn một bữa, đêm ngủ gốc cây, lấy khổ làm thầy thì sẽ không dễ đọa lạc.

Chúng ta sau khi nghe xong câu chuyện này thì liền bắt đầu làm từ việc ngủ sớm dậy sớm. Đây cũng là thực hành Đệ Tử Quy, “sáng dậy sớm, tối ngủ trễ; lúc chưa già, quý thời gian”. Sư phụ hôm đó giảng kinh có nói rằng, tập khí nghiêm trọng nhất của chúng ta là lãng phí thời gian. Chúng tôi nghe xong, hai ba tuần lễ sau đó liền chuyên môn đối trị tập khí này. Người có quyết tâm, có dũng mãnh đối trị với một tập khí thì có thể đem thái độ này đối trị với tất cả các tập khí. Đây là một phương thức rất tốt trong thời đại này, đối trị từng cái từng tập khí một, đối trị đột phá rồi lại chuyển sang đối trị đột phá những tập khí kế sau.

Cho nên chúng ta nhìn thấy câu kinh này là “đa phùng ưu hoạn”, có thể hiểu được người bây giờ không có cảm giác an toàn. Chúng ta rất may mắn, chúng ta hiểu rõ đạo lý rồi, lý đắc tâm an. Mọi người có sợ tai họa lớn tới không? Sợ phải không? Sợ sẽ đọa vào đâu có biết không? Lo sợ có thể sẽ đọa vào ba đường ác. Cho nên bất kì lúc nào cũng không được sợ, bất kì lúc nào cũng phải chánh niệm phân minh. Bom nguyên tử vừa hay rớt xuống đây, phải nghĩ đến điều gì? Lúc này mà gọi mẹ cũng vô ích, gọi cha cũng không giúp được. Bom nguyên tử rớt xuống, phải nghĩ tới câu kinh trong Kinh Vô Lượng Thọ, “giả sử đại hỏa mãn tam thiên, thừa Phật uy đức tất năng siêu”, không sợ hãi, niệm Phật, Phật quang của A-di-đà Phật sẽ tiếp dẫn chúng ta. Cho nên thật sự tin Phật, thật sự hiểu được những đạo lý này thì lúc nào cũng không sợ hãi. Chỉ cần tâm sanh lo sợ thì nhất định không ở trong đạo. Điều này chúng ta phải quán chiếu: Mình lại khởi lo sợ, khởi phiền não rồi, lúc này phải nên lấy chánh niệm gì để đối mặt mới là đúng đắn?

Trong Vựng Biên có nhắc tới, Thái An tỉnh Sơn Đông có một huyện lệnh tên Tiền Nhược Ngu. Chúng ta thấy thời xưa đặt tên rất là có học vấn, Tiền Nhược Ngu, trí lớn mà như ngu. Nhưng mặc dù đã được đặt cái tên này, nhưng ông đối với người nham hiểm gian trá thường hay lừa dối lại còn bảo thủ cố chấp. Thật ra mà nói, có thể tội càng thêm nặng, tại sao? Được đặt tên đó phải trí lớn mà như ngu, kết quả lại gian trá như vậy, danh không hợp với thực, lại thêm một tội.

Tôi nói tới đây, liền nghĩ tới bản thân mình. Cha tôi đặt cho tôi cái tên này (Thái Lễ Húc), nếu như tôi vô lễ với người, thì tôi sẽ phạm hai tội: Một tội là vô lễ, một tội là danh không hợp với thực. Còn có tội thứ ba, tức là trái nghịch với kì vọng của cha tôi, đây là bất hiếu. Kì vọng của cha tôi không chỉ phải giữ lễ, còn phải đem lễ phát huy rạng rỡ, vì chữ “Húc” có nghĩa là “9 mặt trời”. Cho nên quý vị coi, danh không hợp với thực cũng là tạo nghiệp.

Dù ông là huyện lệnh nhưng quan lộ của ông đều rất không thuận lợi, đến vùng này làm quan không bao lâu đã bị điều đi, còn chưa hoàn thành nhiệm kì. Kết quả con cái liên tục chết mất, ông hết sức bất lực, sau cùng thật sự là đã chết sạch. Ông liền hướng lên trời cầu nguyện, viết sớ văn: “Ôi thôi! Tại sao vận mệnh của tôi lại trở nên như vậy?” Kết quả liền mơ thấy thiên thần nói, “Ngươi còn ở đó oán trách, ý ác của ngươi nặng như vậy, thọ mạng của ngươi cũng sắp kết thúc rồi”. Sau cùng không lâu sau ông cũng qua đời. Cho nên nói “đa phùng ưu hoạn”, hoạn nạn của ông cái này nối tiếp cái kia, sau đó trong tâm hết sức lo sợ ưu phiền nhiều việc.

“Nhân giai ố chi”, chúng ta nói con người đều có từ trường, nếu như tư tưởng, ngôn hành đều là tà ác thì từ trường đó sẽ rất không tốt, người ta nhìn vào, trong vô hình sẽ cảm thấy muốn xa lánh. Tục ngữ nói rằng “đừng làm trái lương tâm”, hễ trái với lương tâm thì chánh khí này sẽ dần dần tiêu mất. Tà khí nặng, tục ngữ nói là “hồn vía trên mây”, thế nào là tình trạng hồn vía trên mây? Vọng niệm rất nhiều, tâm không định lại được, mắt đảo qua đảo lại, ngay cả khi nghe giảng cũng đảo qua đảo lại. Việc này phải hiểu cho rõ ràng, có thể họ đã làm quá nhiều việc trái với lương tâm. Người có chánh khí phải nên lúc nào cũng định, rất chuyên chú thì mới đúng.

Con người đều có thái độ thích điều thiện và ghét điều ác. Từ trong lịch sử nhìn thấy trung thần, chúng ta đều khâm phục họ; đối với gian thần, chúng ta đều hết sức ghét bỏ. Thời Nam Tống, Nhạc Phi tận trung báo quốc, Tần Cối tàn hại trung lương. “Nhân giai ố chi”, không phải người hồi đó mới ghét bỏ ông ta, mấy trăm năm nay, người ta đều ghét bỏ Tần Cối. Có ai đã từng đi qua miếu Nhạc Vương ở Hàng Châu chưa? Đi rồi thì sẽ nhìn thấy có hai người đang quỳ ở đó, bức tượng của hai vợ chồng Tần Cối đang quỳ ở đó, bên cạnh còn có đặt một bàn tay làm bằng gỗ, rất nhiều khách du lịch đều cầm bàn tay đó đánh vào họ. “Nhân giai ố chi” này, việc ác đã làm để lại tiếng xấu trăm ngàn năm. Người ta thường nghĩ “tam tài giả, thiên địa nhân” (trời, đất và con người được gọi là tam tài), thân người khó được như vậy, phải nên thành tựu đức hạnh, thành tựu đạo nghiệp chứ không nên khiến người ta ghét bỏ, để lại tiếng xấu.

“Hình họa tùy chi”, chữ “hình” này là chỉ pháp luật, hình phạt thế gian, “họa” là chỉ thiên tai, tai họa. “Tùy chi”, chữ “tùy” này tức là không rời xa họ, sẽ xảy ra rất nhanh chóng. Vào thời Hán, có một người tên là Lưu Giáp, có một hiện tượng rất kì lạ là ai thân cận với ông không lâu sau liền xảy ra chuyện. Tục ngữ gọi người này là quỷ xui xẻo, tai họa cứ đi theo ông, ngay cả người tiếp xúc với ông cũng bị tai ương. Có một người tên là Vương Kiến, ông không tin tà, ông chủ động đi tìm người này nói chuyện. Kết quả sau khi nói chuyện, hôm đó nhà của Vương Kiến liền bị hỏa hoạn. Cho nên, có thể thấy Lưu Giáp này thật sự là nghiệp quá nặng, ai tiếp cận với ông đều dính phải tà khí đó. Chúng ta nói “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.

“Hình họa tùy chi” này là do tạo ác. Nếu như là tâm bao thái hư, người này có đại trí huệ, có đại phước báo, ai tiếp xúc với họ thì cát tường sẽ đến với người đó. Đài Loan chúng ta có một hiện tượng rất thú vị, sư phụ khi đến Đài Loan cùng một số người trong giới chính trị Đài Loan thảo luận sự quan trọng của luân lý đạo đức trong một khoảng thời gian. Kết quả rất nhiều quan viên và ủy viên lập pháp này nói chuyện với sư phụ xong, không lâu sau đều được thăng quan, lên làm viện trưởng viện hành chính, lên làm bộ trưởng giáo dục, có ủy viên được tuyển làm huyện trưởng. Tất nhiên, điều rất quan trọng là phước báo này do họ chiêu cảm đến. Ngày nay họ cùng sư trưởng thảo luận về tầm quan trọng của luân lý đạo đức, nghĩa là họ có thiện niệm này. Cho nên phước vẫn phải dựa vào tâm của mình chiêu cảm mà tới. Tất cả quan viên ở đại lục tích cực phổ biến văn hóa truyền thống dân tộc, theo chúng tôi tìm hiểu thì họ đều đã được thăng chức, hơn nữa thăng tiến rất là nhanh. Cho nên điều này thật sự là tổ tiên gia hộ, Phật Bồ-tát cổ thánh tiên hiền gia trì. Đây đều là việc chúng ta có thể thấy được trong giai đoạn này. “Hình họa tùy chi”, chúng ta liền cảm nhận được, các tham quan hiện nay có thể không bao lâu, mấy năm sau thì ác hạnh của họ sẽ bị phát hiện, sau cùng sẽ có một kết cục rất không tốt. Đây đều là những việc hiện đời mà chúng ta có thể nhìn rõ chân tướng sự thật về nhân quả báo ứng.

“Cát khánh tỵ chi”, chữ “cát khánh” này là chỉ những việc tốt đẹp. Những việc cát tường, hỉ khánh hình như đều không liên hệ với họ. “Tỵ chi” tức là tránh xa họ. Tức là “cầu không được”, họ rất muốn truy cầu, kết quả đều cầu không được, rất đau khổ.

Thời xưa có một người tên là Vương Sinh. Tài văn chương của ông vô cùng giỏi, học thức cũng rất khá, nhưng do tâm địa không quang minh, nham hiểm. Khi ông đi thi, quan chủ khảo rất tán thưởng văn chương của ông, muốn đem ông liệt vào phía trước để ông thi đậu. Trước khi yết bảng phải điền vào bảng danh sách, khảo quan này không tìm thấy bài thi của ông, nên không cách nào điền vào được. Đợi đến sau khi yết bảng, đột nhiên bài thi của ông lại từ tay áo khảo quan rớt ra ngoài. Cái này chính là tạo nghiệt, quỷ thần trêu đùa ông. Nhưng bản thân khảo quan này cảm thấy rất là ái ngại, cảm thấy có lỗi với ông, liền đã tự mình đi tìm Vương Sinh: “Ngươi đừng quá buồn phiền, trên con đường làm quan của ta, ta sẽ trợ giúp để ngươi được làm quan”. Qua một thời gian sau, khảo quan này bị điều đến Lại bộ, chuyên môn quản sự thăng tiến của quan viên, ông liền sắp đặt cho Vương Sinh một vị trí rất tốt, một năm có thể kiếm được vạn vàng. Kết quả chuẩn bị sắp đặt, cha của khảo quan này qua đời. Quan viên trước đây, hễ cha mẹ qua đời thì phải về quê chịu tang ba năm, thế nên Vương Sinh không lên làm chức này được.

Ba năm sau, khảo quan này quay về lại nhớ tới Vương Sinh. Khảo quan trở về lại ở Lại bộ, vẫn muốn giúp ông sắp đặt một chức vị khá cao. Kết quả vừa mới sắp đặt, thì mẹ của Vương Sinh qua đời, nên lại không thể làm quan. Cho nên quan viên này cảm thấy, cuộc đời Vương Sinh tại sao lại xui xẻo vậy. Liền cố ý sắp đặt một tuần phủ cho ông làm quen, để ông đến nhà của tuần phủ này làm thầy giáo tư thục thì ít ra thì một năm còn có thể thu nhập ngàn vàng. Ông liền đi làm thầy giáo tư thục cho tuần phủ nọ. Tuần phủ này không lâu sau vì trước đây đã làm những việc không thỏa đáng, nên bị cách chức, nên ông lại không thể phát triển. Trải qua nhiều năm như vậy vẫn không thuận lợi, Vương Sinh hết sức oán trách, u uất, đã sanh bệnh ba năm. Ba năm sau, ông đột nhiên ở trên giường ngộ ra: “Cuộc đời ta trái ngang như vậy là bởi vì tạo nghiệt quá nhiều, quá nham hiểm”. Từ đó về sau, ông liền đoạn ác tu thiện, cả đời hành thiện.

Cho nên chúng ta thấy “cát khánh tỵ chi” là do bản thân tạo tác tội nghiệp quá nhiều nên mới phải như vậy. Cho nên tất cả nhân duyên đều là do tâm mà cảm ứng tới.

Sáng hôm nay tôi nói chuyện với mọi người tới đây. Cảm ơn mọi người!