Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 19) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 19: Khóa trình bổ túc căn bản làm người mà ai ai cũng cần đến

là Đệ Tử Quy.

Giảng ngày 01 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nói tới câu kinh “toán tận tắc tử”, người tu đạo chúng ta phải có tính cảnh giác đối với vô thường, phải nhìn thấu sanh tử là hư vọng, giống như thay một bộ quần áo, không được hoảng loạn. Điều quan trọng là sau khi chết đi về đâu, chính mình phải biết rõ ràng, phải chắc chắn, điều này rất quan trọng. Nhất là chúng ta đời này gặp được nhân duyên đời này thành Phật, đời này vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, viên chứng Tam Bất Thoái, điều này quả thật là cơ hội vô lượng kiếp đến nay khó gặp được, chúng ta phải tranh thủ đời này nắm lấy cho chắc.

Chúng ta là phàm phu, một phẩm kiến tư phiền não đều chưa đoạn được, sau khi vãng sanh làm A-duy-việt-trí Bồ-tát, đó là Bồ-tát Thất Địa trở lên. Cho nên gọi là pháp khó tin, bất khả tư nghì, chỉ có Phật mới có thể nói rõ ràng đạo lý này. Cho nên có thể thọ trì vạn đức hồng danh này thì không có phước báo nào lớn hơn. Phàm phu một phẩm Kiến Hoặc, Tư Hoặc đều chưa đoạn trừ, mà vãng sanh liền có thể làm A-duy-việt-trí Bồ-tát là điều hy hữu khó gặp. Chỉ nghĩ tới thôi thì đi ngủ cũng phải cười thầm. Nhưng không chỉ là phải cười mà còn phải thật niệm, nắm lấy cơ hội khó được này, luôn luôn nhớ tới cầu sanh Tịnh độ thì xin hỏi mọi người, có sợ chết không? Lúc nào cũng chuẩn bị buông bỏ cái đãy da thối này để đi theo A-di-đà Phật thì sao lại sợ chết?

Tuổi thọ, phước báo của một người đều có thần minh giám sát, nếu như họ không cố gắng tích phước, phước báo xài hết rồi thì mạng sống của họ sẽ kết thúc, sẽ theo nghiệp mà lưu chuyển.

Số phận của một người là do bản thân họ tạo nên, một gia đình cũng có số phận của gia đình đó, là cộng nghiệp của cả nhà. Tất nhiên cộng nghiệp của cả nhà thì trách nhiệm của cha mẹ là rất lớn. Từ nhỏ đã dạy con cái đạo lý cát hung họa phước, nhân quả báo ứng, con cái từ nhỏ đã bỏ ác tu thiện, gia đạo đó sẽ được hưng thịnh, tập tục làm việc thiện có thể duy trì. Một quốc gia cũng có vận mệnh của một quốc gia, cũng phải coi tạo tác của quốc gia này. Cho tới thế giới cũng có vận mệnh của thế giới. Chúng ta hãy bình tâm nhìn lại, bây giờ cả thế giới đều tràn ngập sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, thế giới này thật sự nguy nan.

Đại sư Ấn Quang là Đại Thế Chí Bồ-tát tái sinh, trong sáu bảy chục năm trước đã từng nói rằng “thế loạn dĩ cực”, thế giới này nhân tâm động loạn đã tới cực điểm rồi. Thưa quý vị đồng đạo, lòng người sáu bảy chục năm trước so với bây giờ thì ra sao? Lúc đó đã gọi là thế loạn dĩ cực, vậy chúng ta bây giờ gọi là gì? Phải gọi là một mớ hỗn loạn, tức không cách nào hình dung được. “Nhân tâm dĩ tử” (lòng người đã chết), Đại sư Ấn Quang nói rằng, sau khi không còn luân lý đạo đức nữa thì lòng người trong cả xã hội sa đọa hết sức nhanh.

Tôi nghĩ, Đại sư Ấn Quang là người đại trí huệ, quan sát thấy nếu như không khôi phục giáo dục luân lý đạo đức nhân quả thì cả xã hội, thế giới sẽ không thể lường được. Đến bây giờ, sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối đều là bình thường, chương trình truyền hình, phim ảnh không chiếu cái này thì hình như không có ai thích xem, không được ủng hộ. Tùy theo sở thích của chúng sanh mà luôn quay những bộ phim làm lầm lạc nhân tâm. Sư phụ nhìn thấy tình hình này đã cảm thấy nếu như không chỉ ra một con đường sống cho người thế gian thì đó là không từ bi. Không thể giương mắt nhìn lòng người của cả thế giới này cứ mãi sa đọa được, cho nên đã lên tiếng kêu gọi khôi phục giáo dục luân lý đạo đức nhân quả. Đại sư Ấn Quang nói rằng, vào những lúc lòng người đã chết, cố gắng miễn cưỡng tìm phương pháp để cứu vãn, nhà nhà có gia giáo luân lý đạo đức, người người đều biết luật nhân quả báo ứng thì có lẽ còn cứu vãn được thế đạo (cái đạo sống ở đời), cứu được lòng người, thêm vào đó là chí tâm niệm Phật hồi hướng hóa giải tai họa. Đây là khai thị đại từ đại bi của Đại sư Ấn Quang cho người thế gian chúng ta.

Người khác có làm hay không, chúng ta không thể bắt buộc, chúng ta đã biết cái nhu cầu của thế giới này, vậy thì phải bắt đầu từ chúng ta. Bản thân chúng ta phải rõ nhân quả, phải có gia đạo tốt để lưu truyền, làm một tấm gương tốt cho xã hội, sau đó luôn luôn chấp trì vạn đức hồng danh, hồi hướng hóa giải tai họa. Nếu như trong tình hình xã hội hiện nay, tai họa thế giới liên tiếp xảy ra, chúng ta vẫn chưa thể từng niệm từng niệm niệm Phật để hồi hướng cho chúng sanh khổ nạn, hóa giải tai họa thì có nghĩa là sự khổ nạn bày ra trước mắt chúng ta, chúng ta đều nhìn mà không thấy, tâm từ bi sẽ không phát ra được. Cho nên đối mặt với thời đại bây giờ cũng là để khảo nghiệm tâm địa của chính mình, mau mau niệm Phật, mau mau tích lũy công đức hồi hướng cho chúng sanh, đây là có tâm từ bi. Bởi vì tám chữ quan trọng nhất trong điều kiện vãng sanh là phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật, mà “phát Bồ-đề tâm” đứng trước “nhất hướng chuyên niệm”. Nhất hướng chuyên niệm rồi mà Bồ-đề tâm chưa phát là vẫn chưa có đầy đủ điều kiện vãng sanh. Luôn luôn phải quán chiếu chính mình xem có tương ứng với tâm từ bi, với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác hay không. Điều này là thật sự quý trọng sự tu hành của mình, quý trọng cơ duyên vãng sanh của đời này, phải nỗ lực sao cho chính mình thấy rõ ràng, không phải mơ mơ hồ hồ.

Trung tâm chúng ta muốn hoằng dương văn hóa truyền thống dân tộc thì phải tận lực mà phổ biến phát triển giáo dục luân lý đạo đức và nhân quả. Một số đồng đạo của chúng ta cũng tới Tịnh Tông Học Hội, một số nhân duyên chín muồi, bắt đầu giảng Liễu Phàm Tứ Huấn, giảng Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Những việc này đều vô cùng cấp thiết, chúng ta tận tâm tận lực đi làm, “làm sao luôn được như ý người, chỉ cầu không thẹn lòng mình”. Bất kì việc gì cũng phải mau mau đi làm cho tốt, đừng đợi tai họa tới rồi muốn làm thì cũng không còn cơ hội, tới lúc đó cuộc đời sẽ vô cùng oán than, thổn thức.

Lời kêu gọi mấy năm nay của sư phụ, hy vọng mọi người phát đại tâm, nhất là dạo này sư phụ dẫn dắt đại chúng tu Lục Hòa Kính. Thật sự có Tăng đoàn Lục Hòa Kính xuất hiện thì cả khu vực sẽ không gặp tai họa. Sư phụ đại từ đại bi, chúng ta người làm đệ tử phải y giáo phụng hành, lấy chí thầy làm chí mình, luôn luôn lấy lục hòa kính để yêu cầu bản thân. Và thực hành cụ thể của Lục Họa Kính chính là thực hành giáo huấn của ba nền tảng. Mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi khởi tâm động niệm của chúng ta đều có thể tương ứng với Đệ Tử Quy, với Cảm Ứng Thiên, với Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Hành trì như vậy nhất định sẽ tương ứng với kiến hòa đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu), giới hòa đồng tu (giới hòa cùng tu tập), thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung), khẩu hòa vô tranh (lời nói hòa hợp không tranh cãi), ý hòa đồng duyệt (ý hòa cùng vui), lợi hòa đồng quân (lợi hòa cùng chia). Phật môn trọng thực chất không trọng hình thức. Chúng ta coi tiếp câu kinh văn phía sau:

Hựu hữu Tam thai Bắc đẩu Thần quân tại nhân đầu thượng, lục nhân tội ác, đoạt kì kỉ toán” (lại có Tam Thai, Bắc Đẩu thần quân ở trên đầu con người, chép tội ác của họ, giảm bớt tuổi thọ).

“Tại nhân đầu thượng”, thật ra mấy ngàn năm nay, dân tộc Trung Hoa chúng ta đều biết rất rõ ràng là “ngẩng đầu ba thước có thần linh”. Thời cận đại sùng bái khoa học, những thứ không thấy thì cảm thấy chưa chắc đã có, cảm thấy quỷ thần là mê tín. Thời cận đại, một hai đời nay, họ đã không thể hiểu sâu sắc đạo lý của trời đất quỷ thần. Giáo dục là tìm hiểu quan hệ giữa người và người, quan hệ giữa người và tự nhiên, còn cả quan hệ giữa người và trời đất quỷ thần. Nhất là phần thứ ba, quan hệ giữa người và trời đất quỷ thần. Thời đại này, mấy thế hệ hiện nay phải mau mau học bù. Không biết có trời đất quỷ thần giám sát, xử phạt thì con người mới trở nên càn quấy trắng trợn, việc gì cũng dám làm. Có giáo dục nhân quả thì mới không dám làm ác.

Kinh văn nhắc tới trên đầu con người có Tam Thai. Tam Thai là ba vị thần: “Thượng Thai” Ti mệnh, “Trung Thai” Ti phước, “Hạ Thai” là Ti lộc. Ti mệnh, trông coi tuổi thọ của con người; Ti phước, trông coi địa vị xã hội của con người; Ti lộc, trông coi của cải của con người. “Bắc đẩu Thần quân” thì có Nam đẩu Thần quân, Bắc đẩu Thần quân, Nam đẩu cai quản việc sanh, Bắc đẩu cai quản việc tử của con người, ghi lại những thiện phước con người tạo ra, thiện thì tăng thọ, ác thì giảm ngắn tuổi thọ, việc này là do Bắc đẩu Thần quân cai quản.

“Lục nhân tội ác”, chữ “lục” này là không ngừng ghi chép lại, giám sát. Chúng ta từ ví dụ của Vệ Trọng Đạt trong Liễu Phàm Tứ Huấn, có thể biết rằng, hễ khởi ý niệm là thần minh đều ghi chép lại. Vệ Trọng Đạt mới khoảng 40 tuổi, ông cảm thấy ông cũng không tạo ác gì nhiều mà tại sao “ác ghi đầy đình”, nhiều như vậy? Quỷ thần nói với ông một đạo lý rất quan trọng: “Một niệm bất chánh thì chính là ác rồi”, “không đợi đến lúc phạm phải”. Chúng ta xem thấy “lục nhân tội ác”, có nghĩa là ngay cả ý niệm cũng ghi chép lại, đã biết sự thật này rồi thì sự cảnh giác của chúng ta càng phải cao hơn, ngay cả ý niệm cũng không dám tạo ra ác nghiệp.

“Đoạt kì kỉ toán”, chữ “đoạt” này tức là chấp hành luật trời, tuổi thọ tới rồi thì quỷ thần sẽ tới rước người. Rất nhiều bác sĩ, y tá trong bệnh viện có cái kinh nghiệm này, chỉ cần nhìn thấy Hắc Bạch vô thường thì người này sẽ không sống nổi mấy ngày nữa, có điềm báo là sắp tới rồi. Chúng ta thường nói Bắc đẩu thất tinh, điều này ở trong Kinh Nghiệp Báo Nhân Duyên của nhà Phật có nhắc tới, khí của bảy sao này thường kết thành một sao ở trên đầu người, cách đỉnh đầu ba tấc. Cho nên trên đầu mỗi người đều có ánh sáng, người ta gọi là “khí”. Mọi người bây giờ có nhìn thấy phía trên tôi có ánh sáng không? (Cười) Chúng ta bây giờ huệ nhãn chưa mở nên không nhìn được rõ ràng lắm, người càng thanh tịnh thì dần dần sẽ nhìn thấy được. Thông thường ánh sáng tốt là ánh sáng vàng kim, “A-di-đà Phật thân kim sắc”, đây là ánh sáng tốt. Kế đó là màu vàng, kém một chút là màu xám, màu đen. Nếu là màu đen thì tức là tuổi thọ sắp tới rồi. Chúng ta thường nghe người ta nói, ấn đường phát đen, cái đó tức là cả ánh sáng đều đã tối tăm lại.

Thời Đường có một người tên là Lâu Sư Đức, ông là đại thần trong thời Đường Cao Tông, làm tới Tể tướng, tu dưỡng rất là khá. Sao nói vậy? Em trai ông làm tới Thứ sử, cũng coi như là thân phận của tỉnh trưởng ở trong một khu vực rồi, ông là Tể tướng, nghĩa là anh em ông nhận được sự sủng ái vô cùng hậu đãi của triều đình. Ông nhắc nhở em trai mình rằng chúng ta bây giờ quyền cao chức trọng thì xử sự phải nhún nhường một chút, nếu không người ta sẽ đố kị. Sau đó hỏi em trai ông, người ta nhổ nước bọt vào em, nhổ vào mặt của em, em phải nên làm sao? Em trai ông nói, em sẽ không nổi nóng với họ, chỉ lau nó đi là được rồi. Lâu Sư Đức nói, lau cũng không được lau, người ta nhổ nước bọt vào em, em lau đi chẳng phải sẽ không thuận ý họ sao? Ngay cả lau cũng không được lau, để nó tự nhiên khô là được rồi. Lâu Sư Đức rất có tu dưỡng, rất biết nhẫn nhục. Một buổi sáng nọ, ông ngủ dậy, có một Tinh quan, tức là một thần sao, thiên thần nói với ông, đời này ông ngộ sát hai mạng người, trừ ông 12 năm tuổi thọ, trừ một kỉ. Nói với ông xong thì hôm đó Lâu Sư Đức liền bắt đầu hôn trầm, tuổi thọ sắp sửa kết thúc rồi, mấy ngày nữa ông sẽ phải ra đi. Hôm đó khi vừa hôn trầm thì ông cảm thấy thiên thần này nói vô cùng chính xác, hốt hoảng lơ mơ tranh thủ nói với người bên cạnh rằng ta cẩn thận như vậy vẫn vì ngộ sát hai mạng người mà bị giảm thọ 12 năm.

Người xưa cẩn thận như vậy mà còn khó tránh phạm phải những việc hao tổn tuổi thọ, phước báo của mình, nếu như chúng ta không cẩn thận, buông thả thói xấu của mình thì phúc phận của mình không biết là vô hình trung sẽ hao tổn bao nhiêu nữa. Hai chữ “cẩn nhi tín” trong Đệ Tử Quy, là rất quan trọng, bất cẩn, bất tín thì người đời này chỉ có sa đọa, chỉ có tổn phước. Không cẩn thận thì chắc chắn sẽ càn quấy, không giữ lễ phép nữa. Xuất ngôn không giữ thành tín, một ngày không biết đã tạo bao nhiêu khẩu nghiệp rồi. Cho nên Đệ Tử Quy là căn bản của việc làm người, không làm theo điều này thì không có tư cách làm người, chỉ có cách đọa xuống ba đường ác. Cho nên sư phụ nói, không học Đệ Tử Quy tức là không muốn làm người nữa. Ví dụ về Lâu Sư Đức này cũng rất đáng để chúng ta cảnh giác. Câu phía sau nói rằng:

Hựu hữu Tam Thi thần, tại nhân thân trung, mỗi đáo Canh Thân nhật, triếp thượng nghệ Thiên Tào, ngôn nhân tội quá” (lại còn có thần Tam Thi, ở trong thân nguời, mỗi khi đến ngày Canh Thân, đem tội ác của người đã phạm tâu lên Thiên Tào).

Lúc nãy nói tới trên đỉnh đầu có những thiên thần “Tam thai Bắc đẩu Thần quân” giám sát. Và trong thân thể con người cũng có thần linh, ở đây nói tới “Tam Thi thần”. Trước đây chúng ta có nói, trong Kinh Hoa Nghiêm có ghi lại, người mới sanh ra có hai vị thần đi theo, ở trên vai của mình, tên là Đồng Sanh và Đồng Danh, họ ghi chép lại viếc thiện ác của chúng ta. Tam Thi thần có Thượng Thi thần Bành Cứ, Trung Thi thần Bành Chất, Hạ Thi thần Bành Kiêu, đều là ở trong thân thể con người. Còn có một cách nói khác, họ chính là ba hồn của con người. Thông thường nói là thần thức, thần tương ứng với thần thức của chúng ta. Đã ở trong thân con người thì chúng ta khởi tâm động niệm họ đều thấy biết rõ ràng. “Mỗi đáo Canh Thân nhật”, sự tính toán ngày tháng vào thời xưa của chúng ta đều dùng thiên can địa chi, thiên can là “Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỉ Canh Tân Nhâm Quý”. Địa chi là “Tí Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi”. Hình như tôi đọc sai rồi, đúng đúng, thiên can địa chi. Đúng rồi thiên can là 10, địa chi là 12. Có lúc phải có lòng tin với bản thân. Nhưng nếu như thật sự sai rồi thì lập tức thừa nhận sai lầm, “nếu sửa lỗi, không còn lỗi”. Bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60, cho nên nó vòng một vòng là 60 ngày. Cứ 60 ngày thì sẽ có một ngày Canh Thân, sẽ lên thiên đình, đến trời Đao-lợi bẩm báo những tội lỗi mà chúng ta đã phạm, “thượng nghệ Thiên tào”. Câu phía sau nói rằng:

Nguyệt hối chi nhật, Táo thần diệc nhiên” (Vào ngày cuối tháng, Táo Quân cũng thế).

Trong đoạn kinh văn này đã nhắc tới Tam Thi thần, đây là giám sát cá nhân. Còn “Nguyệt hối chi nhật”, thần bếp cũng lên trời để bẩm báo, nhưng ngài bẩm báo về cả gia đình, thần bếp giám sát lấy gia đình làm đơn vị. “Nguyệt hối” này là chỉ ngày sau cùng trong mỗi tháng âm lịch, ngày sau cùng đó không có ánh mặt trăng, không có ánh sáng, cho nên dùng từ “hối”, “hối” tức là tối.

Mà vị thần bếp này, trong cả dân tộc của chúng ta, mọi người đều vô cùng quen thuộc. Chúng tôi nhớ khi tới Malacca, một số kiến trúc truyền thống đều có thấy miếu thờ để cúng thần bếp, có viết hai dòng chữ “Thượng thiên tấu hảo sự, hạ địa bảo bình an”. Tất nhiên, muốn để thần bếp lên trời tấu việc tốt thì chính mình phải làm việc tốt. Thần là quang minh, chính trực, chứ không phải mua một ít trái cây gì đó thì có thể xu nịnh họ được. Chúng ta xem Du Tịnh Ý Công Ngộ Táo Thần Ký, đó thật sự là thần linh thương xót chúng ta, giúp đỡ chúng ta. Cho nên ngày sau cùng mỗi một tháng ngài đều lên trời báo cáo về những việc làm của gia đình này.

Ở quận Hoài có một thư sinh nọ, một hôm uống rượu say xỉn, sau khi rượu vào thì nổi tính dâm loạn. Cho nên giới cấm rượu vẫn rất là quan trọng. Rượu thuộc về giá tội, uống rượu vốn dĩ không có tội, nhưng sau khi uống xong thì rất dễ làm những chuyện sát sinh, trộm cướp, dâm dục, nói dối, đó là phòng ngừa đừng để tạo nghiệp. Đệ Tử Quy nói, “tuổi còn trẻ, không uống rượu, uống say rồi, thật là xấu”, đây không chỉ “xấu” mà thôi, tội nghiệp gây ra có thể còn tổn hại phúc phần nửa đời. Sau khi ông uống rượu thì không kiểm soát được hành vi, đã đi chọc ghẹo một tì nữ trong nhà của ông. Kết quả là tì nữ này rất biết liêm sỉ, cực lực phản kháng, trốn chạy mất. Nửa đêm hôm đó, vợ của thư sinh này đã có một giấc mơ, mơ thấy có một thiên thần, đội mũ, mặc quần áo màu đen, hơn nữa thần uy hiển hách, trên tay cầm một quyển sổ, chuyên ghi lại những việc mà người thế gian làm ra, sau đó liền cỡi ngựa đi mất. Bởi vì vị thần linh này vô cùng uy nghi, vợ của ông liền tỉnh dậy. Và hôm đó vừa đúng là “nguyệt hối chi nhật”, người vợ liền đem chuyện này kể lại cho chồng mình. Người có học đều hiểu những đạo lý này, cho nên thư sinh này liền nổi gai ốc, việc ông đã làm hôm đó, đến tối vợ ông liền có giấc mộng này. Ông liền nói với vợ mình rằng, vị thần này đúng là Táo quân, (không sai).

Sau đó, thư sinh này đã tìm người gả chồng cho tì nữ đó, sau khi người tì nữ đã đi lấy chồng, ông liền nói với vợ mình rằng, trước đây nàng nằm mơ thấy đó đúng là Táo quân, không sai, hôm đó ta đã trêu ghẹo tì nữ trong nhà, nên có sự cảm ứng này. Bởi vì ta nghĩ, lúc đó nếu như ta nói với nàng, có thể nàng sẽ nghi ngờ tì nữ đó, sẽ có thành kiến đối với cô ấy. Bây giờ cô ấy đã đi lấy chồng rồi, việc này ta có thể nói ra được rồi. Một là để nêu lên tiết tháo, đức hạnh của tì nữ này; kế đó, cũng là để phơi bày tội lỗi của bản thân ta. Đây đều là sự việc có thật, thật sự khiến chúng ta hiểu là thần bếp, quỷ thần luôn luôn đang giám sát. Người có học phải trì giới, phải giữ lễ, nếu không, những việc một lần sẩy chân để hận thiên cổ sẽ rất khó tránh khỏi. Người có học hiểu rõ những đạo lý này đều muốn gặp lành lánh dữ, tích phước cho bản thân và cho gia đình của mình.

Du Tịnh Ý Công thời Minh cũng là rất muốn đoạn ác tu thiện, ông cảm thấy bản thân mình rất dụng tâm hành thiện, chính mình cảm thấy cũng rất tốt. Người khác cũng thấy ông rất lương thiện nhưng vận mệnh của ông hình như càng ngày càng không tốt. Không tốt như thế nào? Mười tám tuổi đã thi đậu tú tài, hơn nữa học rộng tài cao, nhưng về sau liên tục đã bảy lần thi không đậu, tới năm bốn mươi mấy tuổi còn khốn khó lao đao. Hơn nữa ông có năm người con trai thì chết mất bốn người, trong đó một người đến năm 8 tuổi, chơi trong làng rồi bị lạc mất. Bốn người con gái chết mất chỉ còn một người. Công danh thi không đậu, sau đó con cái phần lớn đều chết hết, một người con trai quý báu nhất cũng bị lạc mất, chỉ còn lại một người con gái.

Bản thân ông kết Văn Xương Xã, cùng bạn học phụng hành Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, đoạn ác tu thiện, kết quả lại trở thành cái số mệnh như thế này. Chính ông tự kiểm điểm lại bản thân mình không có lỗi lầm gì lớn, tại sao ông trời đối xử với ông bất công như vậy? Cho nên mỗi năm tới đêm giao thừa đều viết sớ văn, tỏ rõ với ông trời rằng: Tôi đã làm nhiều việc thiện như vậy, tại sao không ban phước cho tôi? Cho nên trong Táo Thần Ký có nói: “Tự phản vô đại quá, thảm ưng thiên phạt”, tôi không có lỗi lầm gì quá lớn, tại sao ông trời lại xử phạt tôi nặng như vậy? Điều này nhắc nhở chúng ta, cuộc đời chúng ta nếu như có lúc gặp phải tai họa rất lớn thì vẫn phải tin chắc rằng ông trời có vấn đề gì không, những thần linh này có vấn đề gì không? Không có. Năm ngàn năm nay chưa nghe thấy vị thần nào có vấn đề, chỉ có nghe thấy người ta không nhìn rõ chính mình, gạt mình rồi sau đó là gạt người, sau cùng còn gạt trời.

Chúng ta ngày mai lại coi tiếp Táo quân đã gợi ý, giúp đỡ Du Đô Du Tịnh Ý Công sửa đổi vận mệnh của bản thân ông như thế nào. Hôm nay chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!