CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 21: Tâm thì hiếu đễ trung tín, thân thì lễ nghĩa liêm sỉ, hành vi thì nhân ái hòa bình.
Ngày 04 tháng 10 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!
Lần trước chúng ta đã nói tới “nguyệt hối chi nhật, Táo thần diệc nhiên”. Hôm nay chúng ta xem câu kinh văn tiếp theo: “Phàm nhân hữu quá. Đại tắc đoạt kỉ. Tiểu tắc đoạt toán” (hễ ai có lỗi, lớn thì bị giảm thọ mười hai năm, nhỏ thì giảm thọ một trăm ngày).
Phàm là người có tội lỗi, bất luận tội lỗi này lớn hay nhỏ, đều có ghi lại. Tội lỗi lớn, có thể sẽ tổn hại người, từ “đoạt kỉ” này tức là mười hai năm tuổi thọ; “tiểu tắc đoạt toán”, chữ “toán” này là một trăm ngày ngày tuổi thọ, nghĩa là tổn phước, tổn thọ.
Chúng ta trong quá trình học tập Cảm Ứng Thiên, có vị đồng đạo đã nói rằng, đọc những cái này đều là ác, đọc xong hình như trong tâm cứ thấy là lạ. Mọi người có cảm giác này không? Sự vật đều là một thể nhưng có hai mặt, hôm nay có lỗi, đoạt kỉ đoạt toán; có thiện thì sao? Thì sẽ tăng phước tăng thọ. Hơn nữa thật ra mà nói, trong quá trình tu đạo, “hướng thiện sửa lỗi”, nghe thấy thiện thì hoan hỉ; nghe thấy ác thì phải quán chiếu chính mình, phải sửa đổi nó lại. Không thể tu tới sau cùng, cái ác của mình cũng không quan sát từ tâm địa mình thì có thể sẽ tự gạt mình, có thể sẽ là bỏ qua được là bỏ qua, cho nên “có lỗi thì phải sửa”. Những giáo huấn của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, trước đây chúng ta đều chưa học qua, chưa từng nghiêm túc đi sâu vào nghiên cứu, thật ra là để đối trị với những thói xấu trong sự đối nhân xử thế, sự giao tiếp của chúng ta bây giờ. Đọc xong thấy không thoải mái, có thể là vừa hay câu kinh văn đó đã nhằm vào chúng ta mà nói. Nếu phát hiện ra đang nói tới chúng ta, chúng ta không được không cảm thấy thoải mái mà phải vui mừng, vì kinh văn này đã chỉ ra vấn đề của chúng ta. Biết được vấn đề của mình, sư phụ nói là “khai ngộ”, đem nó sửa đổi lại, cái này mới là “chân tu hành”.
Câu tiếp theo nói rằng: “Kì quá đại tiểu, hữu số bách sự. Dục cầu trường sanh giả, tiên tu tỵ chi” (Tội lỗi lớn nhỏ của con người có đến mấy trăm chuyện. Kẻ mong sống lâu, trước hết hãy nên tránh né).
Tội lỗi có lớn có nhỏ, lớn gọi là tội nghiệt, nhỏ gọi là lỗi lầm. Trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đã kể ra mấy trăm ví dụ, giúp chúng ta có thể noi theo, có thể quán chiếu. Và cái “số bách sự” này, thật ra mà nói, mỗi sự việc, lại đem nó phân nhỏ tới cả sự đối nhân xử thế, giao tiếp, đã bao gồm rất nhiều điều vi tế, chỉ còn xem mọi người có khéo léo lĩnh hội không, mỗi câu kinh đều có độ sâu và độ rộng của nó.
“Dục cầu trường sanh giả, tiên tu tỵ chi”, “dục cầu” tức là hy vọng, tức là mục tiêu. Một người rất muốn “trường sanh”, đây là trường thọ. Chúng ta tu đạo, Phật môn thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, rất nhiều người nghe thấy câu có cầu tất ứng này, “tôi đời này cái gì cũng không cầu nữa”, đừng vì sự tự tư tự lợi của mình mà cầu. Một người nếu không cầu tích công lũy đức cho tốt, tạo phước cho cha mẹ, tạo phước cho hậu thế thì đó là không có trách nhiệm. Nói thì nghe rất hay, “tôi cái gì cũng không cầu nữa”, nếu như nói cái gì cũng không cầu, một câu Phật hiệu cũng không gián đoạn thì người này thật sự là không đơn giản, tâm của họ cầu sanh Tịnh độ. Nếu như cái gì cũng không cầu, sau đó phóng túng buông thả không tiến bộ thì đó là không có trách nhiệm.
Phật môn đã nói, cầu phú quý được phú quý, cầu trường thọ được trường thọ, điều quan trọng nhất là cầu như lý, như pháp. Mọi người có cầu phước báo không? Phật môn nói “phước huệ song tu”, phải cầu phước báo. Thứ nhất, quý vị có phước báo, người ta nhìn thấy tướng mạo của quý vị trang nghiêm; quý vị không có phước báo, nhìn vào thấy rất khổ sở, người ta nhìn thấy quý vị cũng muốn chạy, vậy thì không có cách nào thân cận đại chúng. Đẳng giác Bồ-tát đều là 100 kiếp tu phước báo tướng hảo. Có phước mới dễ làm lợi ích cho chúng sanh, tạo phước cho chúng sanh, kết thiện duyên. Họ tin tưởng rồi mới dễ nói với họ về giác ngộ Phật pháp.
Phước báo không thể tham, nhưng phải tu, tu để tạo phước cho đại chúng. Đừng có là người tu hành mà vừa nói tới tiền, nói tới phước thì “Ôi ôi, tôi không dính dáng tới”. Sống chung với đại chúng đừng nên biểu hiện mình thanh cao quá, phải hòa hợp vô tranh (chung sống ôn hòa). Nhìn thấy người ta tham tài thì đừng phê bình người ta tham tài, phải thuận thế mà làm, “Anh cố gắng kiếm tiền như vậy, chắc chắn là để hiếu thuận cha mẹ”. Người ta vốn không có lòng dạ này, vừa nghe chúng ta nói thế thì cảm thấy đúng đúng đúng. Nếu quý vị đùng một cái nói: “Làm người không thể tham lam như vậy” thì trong tâm họ không vui, bèn nghĩ sau này không nói chuyện với người này nữa. Luôn phải thuận theo tình thế mà dẫn dắt.
Phật môn thường nói là bố thí tài được tài phú, bố thí pháp được thông minh trí huệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Chúng ta trước kia chưa nghe Phật pháp nên căn bản không hiểu những đạo lý này, cuộc đời sẽ mơ hồ mịt mù, vô cùng nóng nảy, làm càn, theo đuổi danh lợi, cuộc đời cũng đã vấp ngã u đầu mẻ trán rồi. Đó là không hiểu lý, cuộc đời không chỉ làm tổn hại chính mình mà còn làm tổn hại người khác. Cho nên “dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”, phải giúp người ta hiểu rõ những kinh điển của ba nhà Nho Thích Đạo thì họ mới không tạo nghiệp, họ mới có thể thật sự cầu được hạnh phúc, mỹ mãn trong cuộc đời.
Tôi tiếp xúc một số nhà doanh nghiệp, họ cho tôi cảm nhận rất sâu. Họ đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên xong đã nói, không có một câu nào là chưa phạm phải sai lầm. Tôi nghe xong bèn nghĩ họ từ đầu tới cuối câu nào cũng phạm phải mà bây giờ vẫn còn sống. Mọi người thử nghĩ xem, phước báo của họ có lớn không? Lớn không chịu nổi. Đã phạm nhiều tội lỗi như vậy mà vẫn chưa tổn hết phước của họ, quý vị xem, nếu như họ không phạm lỗi lầm thì bây giờ phước của họ lớn cỡ nào? Nhưng con hư quay đầu vàng không đổi (còn quý hơn vàng), họ có phước báo lớn như vậy, thiện căn của họ cũng rất dày, chỉ do gặp duyên khác nhau, họ phải có duyên phận thì mới tiếp xúc được với giáo huấn của Nho Đạo Thích. Mọi người nghĩ thử xem, người có đại phước như vậy, việc họ có học hay không được học những lời giáo huấn này sẽ có ảnh hưởng lớn vô cùng đối với cuộc đời của họ, đối với người thân đời này của họ và cả các nhân viên của họ. Sự khác biệt này phải gọi là một trời một vực. Tại sao Phật môn đem bố thí pháp đặt ở vị trí thứ nhất? Sự ảnh hưởng đó quá sâu xa, quá rộng.
Câu nói “dục cầu trường sanh giả” đối với người tu học pháp môn Tịnh độ chúng ta mà nói, chúng ta nhìn thấy hai chữ “trường sanh”, trong đầu liền hiện ra mục tiêu và cảnh tượng gì? Vô lượng quang thọ, sự “trường sanh” này đối với chúng ta mà nói, tức là phải vô lượng thọ, tức là phải cầu sanh Tịnh độ. Để có thể đạt được cầu sanh Tịnh độ thì phải y theo kinh điển mà phụng hành. Kinh A-di-đà nói: “Không thể với chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước đó”, phải vun bồi phước đức thiện căn của mình nhiều hơn. Duyên đã gặp được rồi, nhưng không thể thiếu thiện căn phước đức, hơn nữa phải là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” thì có thể vãng sanh, nhưng họ phải phù hợp với tiêu chuẩn của thiện nam tử và thiện nữ nhân. Pháp môn này thù thắng, không cần đoạn kiến tư phiền não, có thể đới nghiệp vãng sanh (mang theo nghiệp mà vãng sanh). Nhưng sự “đới nghiệp” này, chúng ta phải hiểu rất rõ ràng, nếu không hiểu rõ ràng rồi nói “tạo nghiệp cũng được vãng sanh thì cứ tiếp tục tạo cũng không sao hết”, vậy là sai rồi. “Đới nghiệp” là mang nghiệp cũ, không phải mang nghiệp mới. Nghiệp trước đây đã tạo do không hiểu lý nên đã tạo, sám hối nghiệp chướng. Bây giờ hiểu rõ rồi, biết là phải phù hợp tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân, khởi tâm động niệm ngôn ngữ tạo tác phải tương ứng với thập thiện, phải làm được tiêu chuẩn làm người thiện này.
Tiếp theo nói, “tiên tu tỵ chi”, những ác hạnh, ác tâm trái nghịch với thiện tướng này đều phải trừ bỏ nó đi mới có thể phù hợp với tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân. Sư phụ thường nói, di dân đến thế giới Tây phương Cực Lạc, trước khi di dân phải làm hộ chiếu. Hộ chiếu này tức là phải cắm chắc ba cái gốc của Nho Đạo Thích thì hộ chiếu này mới làm xong được. Thiên thần nhìn thấy những thiện nghiệp và ác nghiệp mà người đời đã tạo chỉ “biết nó là vậy”, nhưng Phật Bồ-tát là người giác ngộ thì có thể “biết tại sao nó như vậy”. Tại sao chúng sanh lại tạo nghiệp? Vì đời quá khứ họ đã vướng nhiễm quá nhiều thói ác, bởi vì họ bị mê hoặc nên tạo tác ác nghiệp, bây giờ mới phải chịu những quả báo này. Cho nên Phật Bồ-tát “biết tại sao nó như vậy”, từ trong căn nguyên mà trừ bỏ cái ác, cái tai họa. Cho nên người giác ngộ sẽ không bị những tai họa này, người giác ngộ vô ngã, không có tư lợi. Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói: “Người chưa thể vô tâm thì luôn bị âm dương xoay chuyển”, họ mới bị trời đất quỷ thần quản thúc. Quý vị đồng đạo, bị người ta quản có tốt không? Đừng để bị người ta quản, tự mình quản tốt chính mình. Thật sự buông bỏ tập khí (thói xấu) rồi thì sẽ được tự tại. Họ không chỉ không quản chúng ta mà còn làm hộ pháp cho chúng ta, tùy hỉ công đức của chúng ta. Mục tiêu cuộc đời phải đặt cho thật cao, thật sự buông bỏ tự tư tự lợi, buông bỏ ngã chấp.
Chúng ta xem tiếp câu bên dưới: “Thị đạo tắc tiến. Phi đạo tắc thoái” (chuyện hợp đạo thì hành theo, chuyện chẳng hợp đạo thì hãy nên tránh né).
Đoạn này là nói cụ thể làm sao hành thiện, từ câu này cho đến “dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện; dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện”, đây là đoạn lớn thứ ba. Và đoạn thứ ba này chủ yếu nói về thiện hành (làm việc thiện). Có thiện hành rồi, sau này có thể sanh về cõi trời, đây là thiện quả. Và hai câu này là tổng thuyết, là tổng cương lĩnh tất cả thiện hành phía sau.
Câu này nói rằng “thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái”, cái “đạo” này tức là chỉ đạo lý, chánh đạo, thường đạo mà con người phải nên đi theo. Nho Đạo Thích tam giáo đều rất cụ thể, đã giáo huấn chúng ta về tiêu chuẩn của “đạo”. Gọi là người có nhân đạo, trong thương nghiệp có thương đạo, trong giới y học có y đạo, trong ngành giáo dục có sư đạo, các ngành các nghề đều có bổn phận, quỹ đạo làm người của họ, bao gồm Bồ-tát cũng có tiêu chuẩn của Bồ-tát đạo, Phật đạo cũng có tiêu chuẩn. Cho nên cái “đạo” này là mục tiêu đã định của bản thân mỗi người. Nếu như mọi người đặt ra mục tiêu là đời này tôi phải hiện đời thành Phật thì mục tiêu của đạo này chính là tâm bình đẳng, chính là hạnh Phổ Hiền. Đối nhân xử thế hễ không bình đẳng, có phân biệt thì sẽ trái nghịch với mục tiêu của mình, mau mau quay về với tâm thanh tịnh bình đẳng. Cho nên bản thân đang đi con đường nào, tự mình phải hết sức rõ ràng, gọi là sáng suốt biết mình.
Dùng tiêu chuẩn của nhà Phật, cái “đạo” này tức là tánh đức, để tương ứng với tánh đức thì cần phải y giáo phụng hành. Gọi là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, từng ý niệm một đều tương ứng với tâm Phật, con đường sẽ đi là Phật đạo, đây đích thực là Phật tử. Cho nên tu học Phật pháp, bất luận thiên kinh vạn luận, điều quan trọng nhất chính là giúp chúng ta quay về tự tánh. Sư phụ dạo này có giảng “vọng tận hoàn nguyên”, tức là trở về tự tánh, trở về “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Thật ra muốn trở về tự tánh, tự tánh vốn có, không phải là cầu bên ngoài. Họ bây giờ bị chướng ngại, cái gì làm chướng ngại? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Cho nên trong quá trình tu học, hành đạo điều quan trọng nhất chính là buông xuống, buông xuống là công phu. Mỗi ngày có buông xuống chấp trước, phân biệt không? Nếu càng ngày càng nhẹ bớt, cái này chính là “đạo” vậy. Nếu như điểm chấp trước càng ngày càng nhiều, càng học càng không vui vẻ, nhìn có vẻ là đang học đạo nhưng trên thực tế là đang đi trái với đạo, không có dụng công trên thực chất. Bộ dạng là đạo, nhưng thực chất có thể là phi đạo. Trước đây chúng ta đã kể về “Du Tịnh Ý Công ngộ Táo thần kí”, tiên sinh Du Đô này có dụng công tu hành không? Nhìn có vẻ rất dụng công, việc gì tốt ông cũng tham gia, nhìn có vẻ là đạo, nhưng ông chưa nắm được căn bản của sự tu họclà nằm ở khởi tâm động niệm. Trên thực tế dụng công là ở khởi tâm động niệm, nhưng khởi tâm động niệm của ông đều trái đạo, cho nên gia đình, cuộc đời ông rất thê thảm. Cho nên tu hành phải tu cho rõ ràng minh bạch, phải tu từ căn bản.
Chúng ta nói cụ thể hơn, cái gì tương ứng với tánh đức? Nho gia thì có ngũ luân, ngũ thường. Ngũ thường là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, chúng ta đối nhân xử thế đều y theo năm tiêu chuẩn này. Lúc nào cũng nghĩ cho người khác; giữ đạo nghĩa, không nói điều kiện; đối với người khác cung kính khiêm nhường, đây là “lễ”; xử sự có trí huệ, không mơ hồ, biết rõ gốc ngọn trước sau; nói lời có uy tín, đối với người khác chân thành, tức là ngũ thường. Còn có tứ duy, bát đức đều phù hợp với tiêu chuẩn của “đạo” này. Sư phụ có một câu nói kì vọng chúng ta: “Tâm là hiếu đễ trung tín, khởi tâm đều là tấm lòng hiếu đễ trung tín; thân là lễ nghĩa liêm sỉ, hành là nhân ái hòa bình”. Cho nên cả thân và tâm hoàn toàn dung hòa với bát đức, với đạo đức. Vừa khởi ý niệm thì mỗi lời nói, hành động đều thể hiện rõ đạo đức, đây là chân quân tử, chân thánh hiền, đi trên con đường của quân tử, thánh hiền.
Chữ “tiến” này, nếu là việc thiện thì mau chóng làm theo, học một câu, làm một câu, đây là “tiến”, dũng mãnh tinh tấn. Nhìn thấy chữ “tiến” này chúng ta liền nghĩ tới “không tiến ắt thoái”. Người không dụng tâm thì tập khí (thói xấu) trước đây sẽ hiển hiện lên, cám dỗ bên ngoài lại nhiều, rất có thể sẽ thất bại như núi đổ. Tiêu chuẩn của Đạo gia thì Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đã viết hết sức chi tiết. Tiêu chuẩn của Phật gia, sư phụ thường nói: “Tâm có căn bản, hành có căn bản”, cho nên chúng ta hành đạo đều phải hành từ căn bản. Căn bản của tâm là luôn luôn tương ứng với chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi; căn bản của hành là tam phước, lục hòa, tam học, lục độ, Phổ Hiền thập nguyện.
Những giáo huấn, hành môn hết sức quan trọng này, sau này chúng ta đều phải thi, phải đọc thuộc năm khoa mục này. Mọi người mau mau học cho thuộc, tới lúc phải thi thì đừng nói là tôi không thông báo trước cho mọi người nhé. “Thị đạo tắc tiến”, ngay cả những cương mục quan trọng nhất này cũng không đọc thuộc thì làm sao mà quán chiếu, làm sao mà thực hành? Người không dụng công, không hạ công phu thì chắc chắn là giải đãi. Nhưng mọi người an tâm, tôi rất là nhân từ, tôi sẽ nói trước từ rất sớm cho quý vị biết, ví dụ như bây giờ tôi đã để lộ đề rồi. Còn cả một đoạn khai thị của Đại sư Ấn Quang nhất định phải thuộc. Thật ra quý vị đã nợ tôi rất nhiều, những bài tập này đáng ra là phải cho thi, phải kiểm tra từ hồi lần trước học Liễu Phàm Tứ Huấn rồi. Quý vị đã học thuộc chưa? Quý vị thấy thi là quan trọng rồi chứ, chưa thi thì “ngày mai lại ngày mai, ngày mai đâu nhiều vậy, ta cứ đợi ngày mai, vạn sự thành dang dở”, “còn có ngày mai mà, còn ngày mai nữa mà”, tiếp tục cứ như vậy mãi, ngày mai đã tới chỗ Diêm Vương báo danh rồi. Làm gì có nhiều ngày mai vậy, vô thường liền tới. Cho nên vẫn cần phải yêu cầu quý vị, tới khi nào mà mọi người vừa nấu ăn vừa có thể đọc thuộc tam phước, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, ngay cả khi đi ngủ quý vị cũng đọc ra được thì tốt quá, quý vị sẽ không khởi vọng tưởng, mới có thể làm được “thọ trì đọc tụng”.
Tam phước, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” được thực hành ở Đệ Tử Quy; “từ tâm bất sát” được thực hành trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Phật môn đặc biệt xem trọng thực hành, mỗi đạo lý phải làm cụ thể ra sao. Sư phụ đã nói rất rõ ràng rồi, chúng ta còn không y giáo phụng hành cho tốt thì có lỗi với sự ân cần thiết tha của sư phụ.
Phước thứ hai, đây là phước Tiểu thừa, cũng là thật sự vào cửa Phật, là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”. Thọ trì tam quy là giác, chánh, tịnh. Giác ngộ là đạo, chánh tri chánh kiến là đạo, tâm thanh tịnh là đạo; ngược lại, mê là phi đạo, tà là phi đạo, nhiễm là phi đạo. Chúng ta luôn luôn phải tương ứng với giác chánh tịnh, đó tức là “thị đạo tắc tiến”. Sự tu hành của một người có đắc lực hay không phải xem giác chánh tịnh của họ có không ngừng nâng cao hay không. Giác chánh tịnh là tương ứng với đề kinh “thanh tịnh bình đẳng giác” của Kinh Vô Lượng Thọ của chúng ta”. “Thanh tịnh” tức là tịnh trong tam quy y; “bình đẳng” là chánh trong tam quy y; đề kinh này đã tương ứng với tam quy y.
“Cụ túc chúng giới”, ba cái gốc đều là giới. Giáo huấn của sư phụ cũng là giới. Nếu ý niệm của chúng ta trái nghịch lời sư phụ dạy thì là không giữ giới luật của đệ tử. Tại sao trong quá trình tu đạo, khi bắt đầu, điều quan trọng nhất là buông xuống tà tri tà kiến, tư tưởng sai lầm của chính mình? Vì không buông bỏ thì không có chỗ chứa đựng. Có một vị thiền sư rất có tu dưỡng, có một vị cư sĩ đã đến thỉnh giáo thiền sư. Thiền sư mời ông ngồi xuống, rót trà cho ông, kết quả là cứ rót cứ rót, và bị tràn ra ngoài. Vị cư sĩ này lập tức căng thẳng: “Tràn ra ngoài rồi, tràn ra ngoài rồi, đừng rót nữa!” Thiền sư nói: “Tràn ra ngoài rồi thì không rót vô được nữa”. Cho nên Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Khiêm tắc thọ giáo hữu địa”, khiêm tốn mới có thể thọ giáo. Cảm thấy mình có cái gì đó rồi là bắt đầu tự mãn, giáo huấn của thiện tri thức không thấm vào được.
Quý vị nói: “Tôi rất nghe lời của sư phụ”. Nghe lời của sư phụ không phải là nói trên miệng, nói không tính mà phải nhìn vào thực chất. Chúng ta bình thường nói chuyện với người khác, trong mười câu thì có mấy câu là lời của sư phụ dạy? Nếu như một câu cũng không có mà nói là nghe lời của sư phụ thì chắc chắn là gạt người. Chứa đựng trong đầu đều là giáo huấn của sư phụ thì nói ra chắc chắn câu nào cũng là giáo huấn của sư phụ, cũng là giáo huấn của Đức Phật. Nếu như nói mười câu có chín câu là sự suy nghĩ, cách nhìn của chính mình thì đó là học theo chính mình, tuyệt đối không phải học theo sư phụ, cũng không phải học theo Phật Bồ-tát. Cho nên sự “cụ túc chúng giới” này, trước tiên phải nghe lời thì mới là trì giới.
Chúng ta nghĩ thử xem, hai ba đời trở lại đây chúng ta căn cơ mỏng cạn. Căn cơ cạn mà còn không chịu khiêm tốn thọ giáo thì thật sự là “không đỡ A Đẩu dậy được”. Người thế gian nói “đáng để kiêu ngạo” thì họ còn có thứ gì đó trưng ra để có thể cảm thấy hình như lợi hại hơn người ta. Chúng ta bây giờ không có gì để trưng ra mà còn kiêu ngạo thì nên gọi là gì? Đó không gọi là “đáng để kiêu ngạo”, mà là “tự ti mà kiêu ngạo”, bởi vì tự ti sợ người ta xem thường nên tát cho sưng má để giả làm người mập (phùng má giả làm người mập). Cho nên người luôn luôn ngạo mạn thì trong tâm đều luôn tự ti. Người không tự ti thì không ngạo mạn, không thấp không cao, người không tự ti thì tâm lý lành mạnh, tại sao họ không ngạo mạn? Vì họ tin tưởng bản thân có tánh đức, họ dụng tâm thành tựu tánh đức của chính mình, họ có lòng tự tin, họ không tự ti. Họ cũng tin tưởng người khác có tánh đức, họ cũng tôn trọng người khác, họ cũng dốc sức giúp đỡ người khác khôi phục tánh đức. Đây là người có tâm lý lành mạnh.
Khi Sư phụ bái thầy giáo Lý Bỉnh Nam làm thầy, trước đó ngài đã theo học rất nhiều năm với giáo sư Phương Đông Mỹ, với Đại sư Chương Gia. Đại sư Chương Gia hồi đó là cao tăng Đài Loan, học với ngài không đơn giản, hơn nữa là cùng hai vị đại thiện tri thức này là một người dạy cho một người. Lúc đó ngài học với thầy Lý Bỉnh Nam, thầy Lý nói phải giữ ba điều kiện, trong đó có một điều là những điều đã học trước đây tất thảy không được thừa nhận. Sư phụ liền chấp nhận. Chúng ta đều không có những căn cơ này, vẫn cứ không nỡ buông xuống những suy nghĩ, cách nhìn của chính mình thì đời này muốn đắc lực (được lợi ích) cũng không dễ dàng. Cho nên sự “thọ trì tam quy” này, trước hết phải buông xuống tri kiến sai lầm của mình, kì vọng chính mình khởi tâm động niệm đều phải tương ứng với kinh điển, với giáo huấn của sư phụ. Thật sự làm được như vậy rồi thì phiền não tự nhiên sẽ không còn, những thứ khởi lên đều là chánh niệm. Tà niệm mới có phiền não, chánh niệm thì pháp hỉ sung mãn. “Bất phạm oai nghi”, sư phụ thường khích lệ chúng ta, cái “oai nghi” này tức là luôn luôn làm gương tốt cho chúng sanh, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, điều này tức là “không phạm oai nghi”.
Phước thứ ba, Đại thừa Bồ-tát đạo. “Phát Bồ-đề tâm”, thật sự phát ra rồi, không tương ứng với tâm Bồ-đề thì sanh tâm đại hổ thẹn. Tâm hổ thẹn là tánh đức, từng ý niệm đều tương ứng với Bồ-đề tâm. “Thâm tín nhân quả”, tin sâu niệm Phật là nhân, thành Phật là quả. Từng ý niệm khởi lên đều là Phật hiệu. “Đọc tụng Đại thừa”, luôn luôn, ngày ngày thân cận thiện tri thức, thân cận kinh Phật Đại thừa, hơn nữa là nhất môn thâm nhập, không tạp tu, nhất môn thâm nhập Kinh Vô Lượng Thọ. “Khuyến tấn hành giả”. Mười câu phía trước đều là tự lợi, tự hành, sau cùng là hóa tha (cảm hóa người khác), tự mình thật sự làm tốt rồi thì tự nhiên sẽ cảm động người xung quanh. Sự “hóa” này tức là âm thầm ảnh hưởng, tự nhiên như vậy. Chính mình làm không tốt còn muốn cảm hóa người khác, đó là việc không thể nào. Phật môn thường nói “vô hữu thị xứ” (không thể có việc này). Cho nên thật sự muốn lợi người thì nhất định phải biết thành tựu chính mình. “Giả như cúng dường hằng sa thánh, không bằng kiên dũng cầu Chánh Giác”, việc gì cũng không gấp, quan trọng nhất là nâng cao bản thân trước. Đừng nghĩ cứ muốn giúp người, kết quả tự mình đang đọa lạc, cái này là bị phản tác dụng. Phải biết trước biết sau, mình chánh rồi mới giúp người.
Buổi sáng hôm nay tạm thời chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!