Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 23) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 23: Điều quan trọng của tích đức là tăng trưởng thiện tâm của chính mình.

Ngày 11 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đã bước vào đoạn thứ ba, nên tích đức hành thiện như thế nào.

Câu mở đầu là “thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái”. “Đạo” cụ thể đó là chúng ta hiện nay làm tròn bổn phận của mình. Bổn phận trong ngũ luân là phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, quân thần hữu nghĩa, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín. Chúng ta làm tốt những bổn phận này trước, nếu như còn chưa làm tròn bổn phận mà muốn đi hành thiện tích đức, làm việc tốt, làm nghĩa công thì đại chúng trong xã hội không dễ gì chấp nhận. Họ nói cô làm con dâu chưa tốt mà ra ngoài làm việc thiện thì người ta sẽ sanh tâm nghi ngờ đối với những kinh điển của thánh nhân Nho Đạo Thích. “Kinh điển đã dạy như vậy sao?”. Trong sách Đại Học đã nói rằng thứ tự rất quan trọng, “cách vật trí tri, thành ý chánh tâm, tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Trong đó nhắc tới một câu là: “Nhà mình không dạy được mà dạy được người khác, không có việc như thế”. Đây là chuyện không thể được, nhà của mình còn chưa thể hòa thuận, con cái chưa thể dạy tốt, mà có thể đi làm lợi ích cho người khác, dạy dỗ người khác, đây là việc không thể nào có được. Cho nên “thị đạo tắc tiến, phi đạo tắc thoái” (chuyện hợp đạo thì hành theo, chuyện chẳng hợp đạo thì hãy nên tránh), là nhắc nhở chúng ta phải làm tròn bổn phận. Bổn phận này mở rộng ra nữa thì sẽ hết sức sâu xa. Ví dụ câu “phụ tử hữu thân”, nhà Phật đã nói cho chúng ta một chân tướng, “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Sự hành hiếu này đó là đối với tất cả mọi người chúng ta đều có tâm hiếu kính như vậy.

Chúng ta đều rất quen thuộc với tịnh nghiệp tam phước, phước thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Chúng ta từ hiếu kính mà cắm rễ đức hạnh của mình, không chỉ dùng tâm hiếu kính này đối với cha mẹ, đối với sư trưởng, ý nghĩa sâu xa của nó là dùng thái độ này mở rộng ra đến tất cả mọi người, tất cả chúng sanh, đây chính là khéo học. Nếu như có thể dùng tâm trạng như vậy để thực hành “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” thì người này chính là Phổ Hiền Bồ-tát. Phổ Hiền Bồ-tát mở đầu đại nguyện thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, “chư Phật” tức là đều lễ kính, đều cung kính chúng sanh hữu tình và vô tình. Cho nên sự làm tròn bổn phận, tận bổn phận này, dùng chân tướng vũ trụ nhân sinh của nhà Phật thì thấy nó hết sức sâu xa. Việc “phụng sự sư trưởng”, chúng ta cảm kích, cung kính người thầy đời này của chúng ta, còn những vị thầy trong đời đời kiếp kiếp thì sao? Một Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ. Tất nhiên chúng ta phải báo những ân đức này của Phật Bồ-tát, không phải là cho họ thức ăn ngon, quần áo đẹp, họ không cần đến những thứ này, điều họ hoan hỉ nhất là chúng sanh được thoát khổ. Cho nên điều quan trọng nhất của “phụng sự sư trưởng” là y giáo phụng hành, làm lợi ích cho chúng sanh, điều này chính là sự thực chất của việc phụng sự sư trưởng. Bắt đầu làm từ việc giữ tròn bổn phận, biết được bổn phận, rồi đến nâng cao công phu tâm địa của chính mình. Căn bản quan trọng của việc hành thiện là thiện tâm. Biết thế nào làm tròn bổn phận rồi, tiếp theo cần phải bắt tay làm từ trong tâm. Chúng ta thấy phía trước câu “tu thân, tề gia” là câu “thành ý, chánh tâm”.

Cho nên tiếp theo đó kinh văn nói rằng “bất lý tà kính, bất khi ám thất” (chẳng đi theo nẻo tà, chẳng lừa dối khi ở trong buồng tối), hai câu này nhắc nhở chúng ta, tâm địa phải chân thành, không gạt mình, cũng không gạt người. Cho nên sự “bất khi ám thất” này, “ám thất” thông thường nói là chỗ không có người nhìn thấy; nói sâu hơn nữa là khởi tâm động niệm của bản thân chúng ta. Cho dù có người ở đó thì họ cũng không biết khởi tâm động niệm của chúng ta. Trên thực tế, tâm chúng ta có vọng niệm, có tà niệm thì chân tâm của chính mình sẽ bị chướng ngại, đây là không thương mình. Cho nên người hiểu lý thì sẽ biết, điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là nâng cao linh tánh của mình, khôi phục tánh đức của mình, đây là người có chí khí. Chúng ta nếu như vẫn tùy thuận vọng tưởng phân biệt chấp trước, tùy thuận tập khí, đó là cam chịu đọa lạc, người có tâm hổ thẹn sẽ không muốn làm như vậy. Cho dù không có người, cho dù ở một mình, thậm chí là khởi tâm động niệm của mình đều không muốn trái nghịch với tánh đức, đây chính là người tự trọng, biết thương mình. Có tâm trạng như vậy thì sẽ có tâm dũng mãnh đối trị tập khí, gọi là “biết liêm sỉ tức gần với dũng”. Cho nên câu “bất lý tà kính, bất khi ám thất” nhắc nhở chúng ta bắt đầu dụng công từ việc khởi tâm động niệm tương ứng với chân thành, với từ bi.

Người thời xưa đối với câu “bất lý tà kính, bất khi ám thất”, họ đều hết sức nhạy cảm. Chúng ta hiện nay nhìn thấy những tác phong mô phạm của các thánh hiền đều cảm thấy rất hổ thẹn. Như thời Minh có một tiên sinh tên là Đổng Phác, học vấn đạo đức của ông rất tốt, ông đã dạy không ít đệ tử. Con của ông sắp tham gia khoa cử, một học sinh trước đây của ông đang làm quan lớn biết là con trai ông sắp đi thi, đã đem đề thi năm nay đưa cho ông xem trước. Quý vị xem, người thế gian được như vậy sẽ rất vui mừng, “mình có quan hệ tốt, có thể tạo dựng những quan hệ tốt này”, nhưng đây là “tà kính”, là không công bằng, không công bằng đối với những người dự thi khác.

Tôi nhớ hồi tôi đang học đại học, có một người họ hàng, ông biết chị tôi tốt nghiệp đại học sư phạm, học viện sư phạm học xong thì đi tìm trường nào đó để đi dạy. Người họ hàng này có quan hệ rất tốt, ông muốn giới thiệu hiệu trưởng một trường nào đó cho chị tôi làm quen. Lúc đó, tôi còn cảm thấy như vậy rất tốt, có quen biết thật là tiện. Người họ hàng đem tình hình này nói với chị tôi, ngày mai chú đưa con đi gặp hiệu trưởng này một chút. Chị hai tôi nói, không được, nếu như con đi rồi, đối với người khác là không công bằng. Lúc tôi nghe chị hai mình nói như vậy, tôi bỗng nhiên kính trọng chị. Mặc dù ban đầu tôi vẫn đã động phàm niệm, cảm thấy có quen biết thật là tốt, nhưng khi chị hai của tôi nói một cách chánh khí hiên ngang: “Như vậy sẽ không công bằng với những người khác, không thể làm như vậy”, đã thức tỉnh chánh khí của tôi, cho tôi ấn tượng rất sâu sắc.

Sau này khi xử sự, chúng ta không thể làm những việc chiếm tiện nghi của người khác, làm những việc không công bằng. Quý vị nói không có ai biết hết. “Thị dĩ thiên địa hữu ti quá chi thần” (trong trời đất có thần ghi chép lỗi lầm của người), làm gì có chuyện không biết chứ? Trời biết đất biết, anh biết, tôi biết, còn có Bồ-tát biết, tất cả Phật Bồ-tát đều có tha tâm thông, nhiều người như vậy đều biết, đâu có chuyện không biết? Cho nên Đổng Công đã không đưa đề thi này cho con ông xem, sau đó con ông vẫn thi đậu tiến sĩ. Mọi người nghĩ thử xem, mở đề thi này ra xem trước chưa chắc đã thi đậu. Cho nên họa phước của một người nằm ở một niệm: Là chánh hay là tà, là mê hay là giác, là nhiễm hay là tịnh, sẽ tạo nên khác biệt rất lớn đối với vận mệnh cuộc đời. “Số mình có thì trước sau cũng có”, số mình không có, tuyệt đối không thể dùng thủ đoạn bất chính để tìm cầu, cái này là “tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”.

Có thể chúng ta nói: “Những danh lợi thế gian đó, tôi xem chúng như rơm như rác, tôi không thèm cầu”, nói nghe rất là rất thanh cao. Thế gian có danh lợi, xin hỏi mọi người, trong một đoàn thể hoằng dương văn hóa truyền thống có danh lợi không? Có. Cho nên nhà Phật muốn chúng ta hạ công phu ngay trong tâm địa. Quý vị nói thế gian tham, tôi vào cửa Phật sẽ không tham, chưa chắc. Tham pháp, quyển này cũng muốn xem, quyển kia cũng muốn đọc; pháp bảo vừa tới, mau mau giành lấy mấy quyển để đó. Đó chẳng phải đều là tâm tham sao? Vừa thấy pháp bảo ít thế này, để người ta lấy trước, còn mình lấy sau, đó mới là trừ bỏ tâm tham.

Danh lợi trong nhà Phật không thua gì thế gian. Người ta biết chúng ta là người hoằng dương văn hóa truyền thống thì đối với chúng ta rất cung kính. Chúng ta phải hiểu, sự “cung kính” này cũng là danh, cũng là phước báo. Nhưng danh phải hợp với thực, danh không hợp với thực thì phước báo chúng ta đã bị dùng hết. Ngày nay chúng ta đối với mọi người đều phải cung kính, thái độ như vậy mới đúng. Chúng ta đối với người trên, với người nổi tiếng, với người có ảnh hưởng thì hết sức cung kính, đối với đồng tu bình thường, với người bên dưới thì rất ngạo mạn, đây chắc chắn là đang làm danh văn lợi dưỡng, xu nịnh nên mới làm những việc như vậy. Cho nên nhất định phải buông bỏ triệt để, phải buông bỏ từ trong tâm trạng truy danh trục lợi, tâm trạng phan duyên, lấy lòng để dựa dẫm.

Ngày nay người thế gian truy danh trục lợi, họ còn thừa nhận; còn chúng ta đang hoằng pháp lợi sinh, truy danh trục lợi, có lúc tự mình không thừa nhận. Chúng ta trên miệng thì không cần danh lợi, trên thực tế đều đang làm chuyện danh lợi. Người thế gian đều nói ra một cách thẳng thắn: “Tôi chính là muốn danh muốn lợi”, người ta còn khá là dễ dàng chấp nhận; còn chúng ta trên miệng nói không cần danh lợi nhưng trên thực tế là đang truy danh trục lợi, khiến người ta nhìn vô thấy khó chịu. Cho nên chân thật tu hành, nhất định phải bắt đầu từ tâm thanh tịnh, không thể nhiễm chấp, không thể mong cầu, không theo tà đạo.

“Bất khi ám thất”, nơi không có người nhìn thấy là “ám thất”, thậm chí nằm mơ cũng là “ám thất”. Lúc bình thường, ý chí của con người khá mạnh mẽ, nhưng ý chí trong giấc mơ thì có thể không mạnh như vậy. Ví dụ bình thường chúng ta chắc chắn không làm những hành vi sát đạo dâm vọng, nhưng trong giấc mơ thì không thể bảo đảm. Cho nên bình thường chúng ta có công phu, còn phải xem trong mơ có công phu không nữa? Trong mơ có công phu, đến khi đau bệnh đến chết đi sống lại thì không biết còn có công phu đó không, cho nên gọi là khảo nghiệm công phu. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn là “hoặc mơ bay bổng hư không; hoặc mơ tràng phan bảo cái”, đây chính là việc tốt. Nếu như “đêm mơ điên đảo”, trong mơ đều đang phạm tà hạnh thì việc này phải đặc biệt rút kinh nghiệm xương máu. Lúc bình thường phải hạ đại công phu, phải chánh niệm phân minh thì trong cảnh mộng sẽ không xuất hiện những tình hình này. Cho nên khi mơ thấy việc không tốt cũng cho thấy công phu của mình còn kém rất xa.

Trong sách có ghi lại, Dương Chứ vào thời Minh, về sau ông làm tới chức thượng thư. Ông vô cùng nhân hậu, Phật môn chúng ta nói “nhu hòa chất trực nhiếp sanh đức”, hàng xóng láng giềng đều bị ông làm cảm động. Hàng xóm của ông xây nhà, xây mái nhà rất là lớn, hết thảy nước mưa trên mái nhà đó đều chảy vô nhà của ông. Người trong nhà ông thấy người xây nhà sao mà lấn qua như vậy, liền đến nói với Dương Chứ. Dương Chứ nói: “Những lúc trời không mưa nhiều hơn lúc trời mưa! Không nên so đo với họ”. Sau đó nhà hàng xóm sanh em bé, ông liền đem bán con lừa của mình đi, bởi vì sợ con lừa đó lúc kêu sẽ làm em bé giật mình. Quý vị xem, chỉ vì một em bé, bản thân ông là người làm quan, ngay cả con lừa cũng bán đi, ông đi bộ, ông luôn luôn nghĩ cho người khác, tuyệt đối không có tơ hào tự tư tự lợi. Khi tôi đọc được những tác phong mô phạm này trong Câu Chuyện Đức Dục, tôi nói, nếu như họ biết niệm Phật thì người nào cũng sẽ vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc. Đức hạnh này thật không đơn giản!

Tại sao cả Thần Châu đại địa đều học Phật pháp Đại thừa, người có thành tựu đều vượt xa bên Ấn Độ, điều này không phải không có lý. Thật ra mà nói, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công, Lão Tử, Khổng Tử đều không phải người thông thường. Trong Vạn Thiện Đồng Quy Tập của đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ đã chỉ ra rằng: Trong Khởi Thế Giới Kinh có nói rằng, Đức Phật cử hai vị Bồ-tát hướng về vùng Chấn Đán (tên người Ấn Độ xưa gọi nước Trung Quốc) giảng kinh thuyết pháp. Phương hướng của vùng Chấn Đán, trước đây quý vị chưa học qua địa lý sao, đã quên hết rồi sao? Nói mọi người nghe, tâm địa nếu như càng thanh tịnh thì những thứ trước đây đã học sẽ tự xuất hiện. Nếu như những thứ trước đây đã học không khởi lên được thì đó là không bình thường. Quý vị đừng nói rằng nhà Phật là phải buông bỏ, buông bỏ. Khi tâm địa quý vị thanh tịnh, những thứ vốn dĩ đã quên đều sẽ hiện lên, quý vị càng học mà trí nhớ càng kém là không bình thường. Phật đã cử hai vị Bồ-tát là Bồ-tát Ca-diếp và Bồ-tát Nho Đồng đến vùng Chấn Đán. Mọi người vừa nghe xong đã biết là ai rồi, Bồ-tát Nho Đồng là Khổng Tử, Bồ-tát Ca-diếp là Lão Tử, sau khi đặt xong nền tảng cho chúng ta, Phật pháp Đại thừa vừa truyền tới thì khai hoa kết quả.

Chúng ta phải hiểu, để thành tựu đạo nghiệp của chúng ta, Phật Bồ-tát phải tốn bao nhiêu tâm trí! Phải không màng khổ nhọc, cứ vậy mà che chở, mà hộ niệm chúng ta! Chúng ta cứ tiếp tục chà đạp nhân duyên hiếm có khó gặp này, thế thì quá sức nhẫn tâm, quá không biết cảm ơn. Nếu như biết dụng tâm mà cảm nhận thì duyên phận thật sự là ngàn năm khó gặp. Xa thì chúng ta không nói, chỉ thấy sư phụ hộ niệm đạo nghiệp của chúng ta trong đời này, mọi người xem, bao nhiêu vất vả ở trong đó. Ngài kiên trì giảng kinh thuyết pháp, kiên nhẫn dùng hành trì của mình để hiển lộ hành trì của Thích-ca Mâu-ni Phật. Đức Phật chính là đã dạy chúng ta như vậy, Phật giáo chính là giáo dục, chính là giảng kinh thuyết pháp, ngay cả chỗ ở ngài cũng không có, lại chịu bao nhiêu hủy báng, bao nhiêu sỉ nhục mới thành tựu nhân duyên nghe pháp của chúng ta. Chúng ta nên thường xuyên nghĩ như vậy, luôn luôn nhớ đến “trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ tam đồ”.

Tâm của Dương Chứ luôn hết lòng suy nghĩ cho người khác nên ông đã đem con lừa đi bán. Sự tu dưỡng của một người được nhìn thấy trong thái độ của họ khi trong thoáng chốc họ phải đối mặt một số cảnh giới, chúng ta có thể nhìn thấy sự chí thiện, sự thấu hiểu, quan tâm đó của họ đối với mọi người. Lúc đó có một em bé khi đang chơi đùa đã xô ngã mất bia mộ trên mộ phần của tổ tiên Dương Chứ. Quý vị đồng tu, nếu bia của ngôi mộ tổ nhà quý vị bị người ta xô ngã, ý niệm đầu tiên của chúng ta là gì? Người làm của Dương Chứ chuyên coi sóc phần mộ này đã chạy về nhà báo cáo. Dương Chứ hỏi: “Em bé đó có bị thương gì không?” Chúng ta xem tới đây đều rất khâm phục, ông hoàn toàn không có ngã chấp. Hơn nữa, ông còn chủ động tới nhà của em bé đó, xem thử em bé đó có bị thương hay không. Sau đó ông còn nói với cha của em: “Cháu bé không bị thương, phải chú ý hơn sự an toàn của cháu”, rồi quay về, một câu phê bình cũng không nói. Dùng đức cảm động người. Dương Chứ có một hôm nằm mơ, ông mơ thấy mình đi vào một vườn cây, đã hái hai trái mận của người ta để ăn. Khi ông tỉnh dậy thì vô cùng trách mình, trong mơ mình còn đi hái mận của người ta, chắc chắn là lúc bình thường “đạo nghĩa” và “lợi dục” của mình vẫn chưa phân rõ ràng, tu dưỡng quá kém. Tại sao trong mơ không giữ được quy củ, còn có tình trạng lấy trộm đồ của người ta? Cả mấy ngày ông không ăn cơm. Công phu khắc kỉ, cách vật của ông hết sức vững vàng. Chúng ta thường hay nói “tham phỏng thiện tri thức”, những tác phong mô phạm này trong các Câu Chuyện Đức Dục quả thật chúng ta đọc một chuyện, noi gương một chuyện, đem sự hành trì của họ đặt trong tâm mình.

Tiếp đó là cụ thể nói tới làm sao để đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Câu kinh tiếp theo nói: “Tích đức lũy công”.

Cái “đức” này quan trọng ở cái tâm. Chúng ta nhìn một người có đức hay không, hãy xem thiện tâm, ái tâm của họ. “Lũy công”, chữ “công” này nhấn mạnh đến khi họ làm việc đã làm được những việc gì lợi ích cho người khác. Điều quan trọng nhất của “tích đức” là tăng trưởng thiện tâm của mình, “lũy công” tức là tích lũy thiện hạnh của mình. Phật Bồ-tát, Thánh Hiền, trên thực tế các ngài đời đời kiếp kiếp đều đang làm những việc tích đức lũy công.

Trong Tam Tự Kinh có một ví dụ mà chúng ta khá quen thuộc: “Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương, giáo ngũ tử, danh cụ dương”, đây là ví dụ rất hay về việc tích đức lũy công. Ông Đậu Vũ Quân đã ba mươi mấy tuổi rồi mà chưa có con, ông nội của ông trong mộng nói với ông rằng số của ông không con, nhưng vận mệnh có thể thay đổi, bảo ông phải mau mau đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Một người có phước khí hay không, trước hết nhìn ở chỗ biết tôn trọng thánh hiền, tôn trọng lời khuyên của trưởng bối, điều này chính là nguyên nhân căn bản nhất để họ được phước. Ông nội dặn dò ông, ông không dám giải đãi, ông đã rất nghiêm túc bắt đầu từ ngày hôm sau, khi có cơ hội hành thiện, ông luôn tận tâm tận lực mà làm.

Có một lần, một người làm công lấy trộm của ông hai vạn tiền. Người xưa rất là thú vị, dù sao họ cũng có sự huân tập văn hóa khá mạnh, khi lấy trộm tiền của người khác rồi họ cảm thấy ái ngại, đã viết một tờ biên lai dán trên người con gái của mình, sau đó tự mình chạy trốn mất, nghĩa là lấy con gái mình ra trả món nợ hai vạn tiền này. Tiên sinh Đậu Vũ Quân đã đốt tờ biên lai này đi, còn dụng tâm chăm sóc em bé này khôn lớn. Tôi cảm thấy vợ của ông cũng không đơn giản, bà đã giúp thành tựu việc tốt của chồng, đã phối hợp với chồng làm những việc thiện này. Em bé gái này về sau đến 15 tuổi, ông lại tốn hai vạn tiền để gả chồng cho em, gả vào nhà một người tốt. Ông đã thương yêu con gái của người làm công đã lấy trộm tiền của mình như con gái của chính mình vậy. Về sau, anh người làm này biết được con gái của mình được gả vào nhà người tốt, òa khóc nức nở rất hổ thẹn, lại chạy về làm công cho ông. Tiên sinh Đậu Vũ Quân xem như chưa từng xảy ra việc gì hết, vẫn đối với anh người làm rất tốt. Chúng ta gọi đây là hậu đức, “tích đức lũy công” sự “tích đức” đó của ông chính là sự “khoan hậu, hậu đức tải vật” trong tâm của ông.

Về sau ông ở trong một ngôi chùa Phật ở một vùng nọ, nhặt được hai thỏi vàng, mười hai thỏi bạc, lúc đó đã muộn, ông quay về trước. Hôm sau ông lại đến đó đứng một ngày, đợi người đánh mất quay lại. Quả nhiên người bị mất tiền đó đến tìm, người bị mất của vốn dĩ đem tiền để đi chuộc tội cho cha mình, đây là việc rất nguy cấp, cho nên ông đã cứu người lúc nguy cấp. Khi người thân quyến thuộc kết hôn không có tiền, ông trợ giúp; họ làm tang lễ không có tiền, ông giúp đỡ, cả đời ông đã làm mấy chục việc như vậy. Ở phía Nam nhà của ông đã xây bốn mươi gian thư viện, tất cả những học trò không có tiền học hành, ông đều cung cấp cho họ nhu cầu sinh hoạt để họ thi cử, giúp quốc gia thành tựu rất nhiều nhân tài. Về sau ông làm tới Gián Nghị Đại Phu, sanh được năm người con trai, còn có tám người cháu trai, tất cả rất hiển quý, đều làm quan lớn. Sau đó ông nội của ông lại tới: “Ngươi tích đức hành thiện, ông trời cho ngươi thọ thêm 36 tuổi, sống tới 82 tuổi, hơn nữa con cháu đều rất quý hiển”. Ông trời còn để dành một vị trí Động thiên Chân nhân cho ông. Kết quả đến năm ông 82 tuổi, ông cùng bạn bè chuyện trò vui vẻ, nói nói cười cười rồi ra đi. Thật tốt, cười ha ha ha mấy tiếng rồi ra đi.

Quý vị đồng tu, khi chúng ta đang chí thành niệm Phật thì hoa sen ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đã nở rồi, hơn nữa quý vị càng niệm nó sẽ càng lớn. Vị trí ở Tây phương đã dành sẵn cho chúng ta rồi, mọi người đừng lo lắng, đời này hãy tích công lũy đức cho tốt, tự nhiên sẽ đi về đó, nước chảy thành sông. Mọi người mấy hôm nay niệm Phật rất cố gắng, có cảm thấy hoa sen lớn hơn một chút không? Công không uổng phí, “như mẹ nhớ con”, giống như nhớ tới cha mẹ của mình vậy, mong mau chóng được về nhà như tên bay vậy, mau mau trở về quê hương, một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật.

Sáng nay chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!