CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 26: Tùy duyên giúp đỡ chúng sanh, đem lại lợi ích cho đối phương.
Ngày 14 tháng 10 năm 2010
Xin chào mọi người!
Hôm qua chúng ta nói tới tiên sinh Liễu Phàm đối với việc hành thiện, ông nói: “Tùy duyên tế chúng”. Sau đó đem việc hành thiện tổng hợp thành mười loại lớn. Trong câu “tùy duyên tế chúng”, “tùy duyên” là duyên phận chín muồi thì hãy tận tâm tận lực mà giúp đỡ, cho dù bản thân rất vất vả cũng không từ. Duyên phận tới rồi thì hy sinh phụng hiến với thái độ xả thân vì người; khi duyên phận chưa tới thì không được phan duyên, mong cầu, đây là “tùy duyên”. “Tế chúng” nghĩa là chỉ cần có lợi ích cho chúng sanh thì tận lực mà làm. Tận lực mà làm, nếu không có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì chính là hành đạo Bồ-tát xuất thế. Mười loại lớn này, loại lớn thứ nhất là “dữ nhân vi thiện”. Chỉ cần có ích lợi cho người khác thì họ liền dùng phương tiện thiện xảo mà làm, “dữ nhân” tức là cùng họ làm chung.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nhắc tới câu chuyện “Thuấn ở Lôi Trạch”. Năm xưa Đại Thuấn ở khu vực Lôi Trạch, nếp sống xã hội thời đó thì nhân dân đều tranh đoạt lẫn nhau, không biết lễ nhường, rất có thể còn xuất hiện một số xung đột. Đại Thuấn không hề chỉ trích họ, bản thân ngài lấy thân làm mẫu, làm ra tấm gương, làm ra thái độ lễ nhường, cung kính. Lão bá tánh trong vùng nhìn thấy lâu rồi thì sự lương thiện của họ được thức tỉnh, đều noi gương Đại Thuấn, biết lễ nhường. Thuấn là người rất có đức hạnh lại rất có uy vọng, thật ra ngài có thể dùng ngôn ngữ để khuyên đại chúng, với sự minh triết của Thuấn, có thể dùng một lời mà dạy mọi người, nhưng ngài đã không dùng ngôn giáo mà dùng thân giáo để chuyển hóa nếp sống, đây là “lương công khổ tâm dã”, là vất vả dụng tâm vậy.
Trong thời đại này, ví dụ này là tấm gương tốt cho chúng ta. Người bây giờ không có nền tảng, quý vị nói với họ, một là, trong chốc lát họ nghe không hiểu; hai là, người bây giờ tâm nghi ngờ rất nặng, quý vị nói nhiều, họ sẽ nhìn quý vị rồi nói: “Anh nói nghe rất hay, anh làm rốt cuộc ra sao rồi?” Chúng ta nói nhiều, đức hạnh của mình vẫn không theo kịp, ngược lại sẽ khiến người ta nghi ngờ, thậm chí khiến người ta phủ định. Hiểu rõ đạo lý rồi thì đừng nóng vội đi thuyết phục người, muốn đi dạy người, trước hết bản thân chúng ta làm được đã. Điều này chính là Thuấn đã nhắc nhở chúng ta, thị hiện cho chúng ta.
Trên đường tu học, hãy cẩn thận thái độ “thích làm thầy người”, bản thân vẫn còn chưa làm được đã nóng vội muốn dạy người, trên thực tế là đem tinh lực đặt vào việc nhìn lỗi của người, sau đó còn bám vào duyên này, nhất định muốn người ta nghe lời chúng ta. Thật ra duyên của mỗi người đều khác nhau, chúng ta có hiểu được nhân duyên không? Ngày nay chúng ta nói với họ về tu hành, cái thứ nhất, tri kiến của chúng ta có đúng không? Bản thân chúng ta phải xác nhận trước điểm này, chưa xác nhận trước tri kiến đã nóng vội muốn nói với người ta, cái đó đều là tập tánh thích làm thầy người đang phát tác. Tiếp đó, cho dù cái lý của chúng ta có thể đúng rồi, nhưng mà nói có khế cơ không? Có quán cơ được chưa? Hiện nay đương sự được người nào phụ trách dẫn dắt, chỉ dạy họ vậy? Một người trẻ tuổi ở trong đoàn thể, mười người nói với họ, hai mươi người nói với họ, quý vị thấy họ nghe có loạn lên không? Mười hai mươi người này nói với họ đã quán chiếu được tình hình của họ chưa? Quý vị muốn giúp người thì phải nhìn cho rõ tình hình, nếu không sẽ càng giúp càng thêm loạn. Cũng giống như ông bà nội đều hy vọng cháu của mình tốt, nhưng điều họ dạy có thể chưa chắc là quan niệm đúng, chưa chắc đã phối hợp tốt với cha mẹ của các em, vậy giúp sẽ càng thêm loạn.
Năm xưa khi sư phụ học tập với thầy giáo Lý Bỉnh Nam, thầy Lý có nói: “Trò chỉ được nghe một mình ta giảng”, điều này có ý nghĩa rất sâu. Một người khi còn chưa xây dựng được sự phán đoán đúng sai, tri kiến đúng đắn, họ nghe càng nhiều người nói thì họ càng thêm loạn. Cho nên chúng ta khuyên người, chủ quản của họ là ai, người dạy họ là ai, phải càng củng cố tín tâm của họ đối với người phụ trách việc tu học của họ, như vậy mới đúng. Nếu chúng ta nói với họ không giống với lời của lãnh đạo họ nói, chúng ta còn nói lãnh đạo của anh sai rồi, tôi đúng, thì tri kiến của họ sẽ không xây dựng lên được. Cho nên rất nhiều sự việc cần phải suy nghĩ cho chu đáo, sâu xa.
Sư phụ giảng kinh, đã giảng cho chúng ta rất rõ ràng, chúng ta phải nên kiên định tín tâm của mỗi người đối với giáo huấn của sư phụ, đem giáo huấn của sư phụ lặp đi lặp lại nhắc nhở mỗi người. Giáo huấn của sư phụ chúng ta còn chưa ghi nhớ sâu sắc, mỗi người nếu như lại thích phát huy kiến giải của chính mình thì làm sao hộ niệm lẫn nhau, hộ niệm đồng tham đạo hữu? Căn tánh của chúng ta còn chưa đủ, trong mười câu nói, cả mười câu đều phải nên là giáo huấn của sư phụ và kinh điển, như vậy mới là đúng đắn. Chúng ta hãy quán chiếu một chút, chúng ta nói mười câu, có mấy câu là giáo huấn của sư phụ? Lúc này chúng ta chỉ nghĩ là chúng ta có thể dạy người, có thể làm thầy người. Sự quán chiếu này rất là cần thiết, những người trẻ trong đạo tràng luôn luôn khó tu hành. Những người lớn tuổi vừa nhìn thấy người nhỏ tuổi, họ liền rất muốn nói với các em. Tất cả ngôn ngữ của chúng ta có tương ứng với giáo huấn của sư phụ không? Điều này chúng ta trước hết phải bình tâm quán chiếu cho được. Cho nên sư phụ vẫn luôn nhấn mạnh việc “tùy thuận giáo huấn của thánh hiền”, ngôn ngữ của chúng ta đều phải tương ứng với câu này mới được. Mỗi lời nói của mình đều phải khởi lên thái độ có trách nhiệm, nói năng không thể tùy tiện, phải có thể hộ niệm chúng sanh, phải có thể cùng người làm thiện, không thể khiến người trẻ tuổi không biết nên nghe ai. Kế đó, cho dù nói ra đều là chánh tri chánh kiến nhưng nếu lời nói và hành vi của chúng ta không đồng nhất cũng không bảo hộ những người trẻ này được. Họ nhìn vào là đánh mất tín tâm. Cho nên thứ tự của việc “vì người diễn nói” (làm trước nói sau) đã được sư phụ nhắc nhở nhiều lần.
Ví dụ về vua Thuấn đối với việc chúng ta hoằng dương chánh pháp trong thời kì mạt pháp là tác phong mô phạm hết sức quan trọng. “Đừng lấy sở trường của mình mà ép người, đừng lấy cái giỏi của mình mà xét người, đừng lấy quyền năng của mình mà làm khốn khó người, nên ẩn giấu tài trí”, khiêm tốn, lấy thân làm mẫu, nên có những tâm trạng như vậy. Người ta có chỗ không đúng, hãy bao dung, khoan thứ; người ta có điều gì tốt, nên khẳng định, khích lệ. Người trong thời đại bây giờ tín tâm không đủ, phải từ từ vun bồi tín tâm của họ. Họ có cái thiện nhỏ, chúng ta cần phải khẳng định họ nhiều hơn; họ có tấm lòng thiện thì hãy giúp đỡ họ tăng trưởng thiện tâm, giúp họ thành tựu thiện hạnh.
Cho nên câu “dữ nhân vi thiện” (cùng người làm thiện) đứng thứ nhất trong mười cương lĩnh này. Thật ra cũng là nhắc nhở chúng ta, mỗi lời nói hành vi của chúng ta đều có sự tác động lên người khác, đều là làm lợi ích cho đối phương, điều này chính là “dữ nhân vi thiện”.
Điều thứ hai là “ái kính tồn tâm”. Chúng ta tu học pháp môn Tịnh độ, trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Đều cùng tuân tu nguyện của Đại sĩ Phổ Hiền”, câu nói này rất quan trọng. Thế giới Tây phương Cực Lạc là pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền, cho nên, hành trì của chúng ta phải tương ứng với hạnh Phổ Hiền thì mới dần dần bắt sóng được với tần số của các ngài. Không tương ứng với hạnh Phổ Hiền, miệng thì luôn nói muốn vãng sanh, đó là hữu khẩu vô tâm, không đồng nhất. Thường xuyên lấy hạnh Phổ Hiền mà quán chiếu sự hành trì của mình. Hạnh Phổ Hiền vừa mở đầu đã nói “lễ kính chư Phật”, đó là “ái kính tồn tâm”. Cái “ái” này là đại ái, không phải cái ái sanh ra từ tình cảm thế gian. Cái ái sanh ra từ tình cảm thì có người họ thương, cũng có người họ không thương, thậm chí còn có người họ hận. Tình ái như vậy không đáng nương cậy, vì nó sẽ thay đổi. Cho nên Phật môn nói đến ái tâm là dùng chữ “từ bi”, rất ít dùng chữ “ái” này. Người thế gian dễ bị hiểu lầm, tình cảm giữa quyến thuộc, bạn bè, nam nữ gọi là ái. Nếu có sự thay đổi thì không gọi là chân ái, những thứ chân thật thì sẽ không thay đổi. Chúng ta thấy người thế gian bây giờ, vợ chồng ân ái, có thể người xung quanh nhìn vào rất là hâm mộ, kết quả chưa được mấy tháng đã ly hôn. Sự thay đổi này rất nhanh, cái gì có thay đổi thì không phải thật. Tình cảm vốn dĩ rất tốt, sau đó biến thành oan gia đối đầu, cái này đều là ái do tình sanh ra, không nương tựa được.
Đại ái là từ bi, cung kính thương yêu một cách bình đẳng. Nếu như chúng ta phân biệt tôn giáo, phân biệt chủng tộc, phân biệt quốc gia thì không phải lễ kính chư Phật, không phải đại ái. Điểm này chúng ta phải tự mình quán chiếu. Chúng ta đối mặt với người thuộc các chủng tộc, tôn giáo, quốc độ khác nhau, có bình đẳng, yêu thương, cung kính không? Nếu như không khởi lên được thì không tương ứng với hạnh Phổ Hiền. Cộng đồng hiện nay chúng ta đang sinh sống (cộng đồng tại đất nước Malaysia) khiến chúng ta dễ luyện công phu này. Mọi người một ngày được gặp bao nhiêu người thuộc chủng tộc khác nhau vậy? Rất nhiều. Nhìn thấy người Trung Đông chúng ta có bình đẳng, cung kính không? Cho nên, Phật pháp không xa rời cuộc sống, đúng ra phải nên nói, không phải không xa rời, mà Phật pháp chính là cuộc sống, chính là sự đối nhân xử thế tiếp vật. Quý vị nhìn thấy dân tộc khác nhau, họ cũng có Phật tính, phải kết pháp duyên với họ, niệm Phật hồi hướng cho họ.
Đồng tu chúng ta rất có tâm, rộng kết thiện duyên, ở dưới khu lầu của chúng ta nhân viên bảo vệ vừa thấy chúng ta liền “A-di-đà Phật”. Tôi nghe xong rất hổ thẹn, tại sao vậy? Bởi vì tôi cảm thấy họ niệm A-di-đà Phật đặc biệt cung kính, đặc biệt tương ứng, tôi nghe có vẻ mình không bằng họ. Tới lúc đó thì họ vãng sanh còn tôi chưa vãng sanh, rất có khả năng này, tại sao vậy? Tu hành không phải chuyện một đời một kiếp mà là đời đời kiếp kiếp tích lũy thiện căn. Bây giờ họ gặp được cái duyên này, người ta khuyên họ niệm Phật, chả trách họ niệm tốt như vậy. Nhân viên bảo vệ đó có thể là Phật Bồ-tát thị hiện cho chúng ta xem, nhắc nhở chúng ta đừng có phân biệt, thiện căn của người ta có thể còn dày hơn chúng ta.
Sư phụ vẫn luôn nhấn mạnh, chúng ta hiểu rõ chân tướng vũ trụ, “thập phương tam thế Phật, cùng chung một pháp thân”, “tự tánh là một thể thanh tịnh viên minh”. Đã nói với chúng ta, hư không pháp giới tất cả chúng sanh chính là pháp thân thanh tịnh của chính mình, chính là một thể. Mặc dù chúng ta vẫn chưa khế nhập, nhưng Phật là chân ngữ giả (bậc nói lời chân thật), nói với chúng ta chân tướng này, chúng ta tuy vẫn chưa khế nhập, nhưng chúng ta cũng biết nhất thể là chân tướng, chúng ta sẽ dùng thái độ nhất thể mà xử thế. Cảm nhận cụ thể một chút, thân thể là nhất thể, đôi mắt bị đau, tay và chân mau mau đi lấy thuốc, lập tức đồng cảm thấu hiểu, mau mau bôi thuốc. Điều này cũng giống như chúng sanh nào có khó khăn, cũng như đôi mắt có khó khăn, những bộ phận khác sẽ giúp đỡ một cách tự nhiên, đây là thái độ khởi lên rất tự nhiên. Ngày nay bên cạnh có người cần giúp đỡ, chúng ta nhìn nhưng không thấy, đó là chúng ta không còn bình thường nữa, chúng ta trái với tự tánh, trái với chân tướng sự thật. Cho nên Nho gia nói với chúng ta “người đói mình đói, người chìm mình chìm”, điều đó chính là tâm trạng rất tự nhiên.
Chúng ta bây giờ phải biến sự bất bình thường thành bình thường. Hiện nay chúng ta lạnh lùng, không thấu hiểu người khác, đó là bất bình thường, bản năng của con người khi được khôi phục thành nhất thể thì chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát có ứng, Phật Bồ-tát đã khôi phục trở thành bình thường. Nhất là người có gia đình, sự đau khổ của một nửa kia còn không lĩnh hội được, nhu cầu của cốt nhục thân sinh của mình cũng không cảm nhận được, đó là quá bất bình thường. Tại sao lại bất bình thường? “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, trong tâm chứa toàn lợi dục, bị dục vọng làm chướng ngại mất, phải trừ bỏ nó đi. Cho nên phải cách vật, phải buông bỏ tập khí thì mới có thể khôi phục thành ý chánh tâm, khôi phục chân tâm. Cho nên buông bỏ tư lợi, buông bỏ ngạo mạn mới có thể “ái kính tồn tâm”.
Tiếp theo nói đến câu “thành nhân chi mỹ” (thành toàn việc tốt đẹp của người). Điều này cũng rất tương ứng với hạnh Phổ Hiền. Cho nên đâu có pháp thế gian và pháp xuất thế? Chỉ do giác và mê mà thôi. Buông bỏ chấp trước, buông bỏ mê hoặc, buông bỏ phân biệt thì các pháp đều là hạnh Phổ Hiền. “Thành nhân chi mỹ”, “xưng tán Như Lai”, “tùy hỉ công đức” chính là hành trì của Bồ-tát Phổ Hiền. “Thành nhân chi mỹ” (thành toàn việc tốt đẹp của người) tức là trừ bỏ tâm đố kị của chính mình. Phật môn chúng ta thường nói phải tu tứ vô lượng tâm “từ bi hỉ xả”. Tứ vô lượng tâm này trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có nhắc đến, mọi người có thể lĩnh hội thêm, có thể học thuộc lòng. Mọi người bây giờ đừng nghe đến học thuộc là hơi bị căng thẳng, căng thẳng cũng vô ích, việc gì tới cũng sẽ tới, thật đấy. Người trọng sự tinh tấn mới có thể đột phá tập khí, mới có thể kích phát tiềm năng.
Lúc nãy đang đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, tôi lại có một suy nghĩ mới, lần sau khi các đồng tu thi đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì chúng ta cũng phải đọc thầm. Chúng ta yêu cầu người khác thuộc mà bản thân chúng ta không thuộc là không được. Hôm nay có ai sẽ không ngủ được không? Không sao, quý vị có chí tâm cầu đạo phải thật chịu hạ công phu, Thái Thượng Lão Quân sẽ đến rưới nước cam lồ cho quý vị. Bản thân quý vị nếu có tâm lo sợ thì sẽ không tiếp nhận được lực gia trì này. “Mình phải làm ra tấm gương cho người thế gian!” Trưởng khoa Khưu à, những thứ tôi đã nói phải học thuộc, anh giúp tôi ghi lại nhé, bây giờ tôi lớn tuổi rồi, phải ghi lại một chút. Mọi người nhớ Đệ Tử Quy có một câu nói là “thời gian ít, cần chăm chỉ, công phu đủ, đọc liền thông”. Bây giờ chúng ta tranh thủ đọc nhiều, đọc làu rồi sẽ thuộc được. Đọc làu là được, quý vị ráng nhớ sẽ hại não, tế bào não sẽ bị tổn hại rất nghiêm trọng, quý vị hãy thuận theo tự nhiên, đọc thêm vài lần sẽ thuộc được.
“Thành nhân chi mỹ”, bây giờ thành tựu một sự việc thật không hề dễ, “việc thiện thường dễ bại, người thiện thường bị báng”. Người bây giờ tâm đố kị mạnh, nhìn thấy việc tốt, họ không tùy hỉ còn đi phá hoại, cho nên làm việc tốt phải âm thầm. Thấy người ta làm việc tốt, phải uyển chuyển cầu toàn (nhân nhượng vì lợi ích toàn cục) mà giúp đỡ họ; họ bị người hủy báng, quý vị phải che chở họ. Điều này đều là “thành nhân chi mỹ” (thành tựu việc tốt cho người). Bây giờ thấy người ta có việc thiện nhỏ, chúng ta phải nên tùy hỉ, nên tán thán.
Thứ tư là “khuyến nhân vi thiện”. Khuyên người có thể dùng miệng mà khuyên, cũng có thể viết văn lưu truyền hậu thế mà khuyên. Như tiên sinh Trần Hoằng Mưu đã soạn Ngũ Chủng Di Quy, đây chính là bảo điển trụ thế. Cổ thánh tiên hiền đều dùng thân giáo mà làm cảm động đại chúng nhân dân một vùng, đây cũng là “khuyến nhân vi thiện”. Sư trưởng đã tận tâm tận lực hộ niệm đạo nghiệp của chúng sanh. Tôi lần này tới Hồng Kong, thấy có một bộ kinh điển bao gồm những câu giáo huấn rất hay, rất sâu sắc về việc làm người lãnh đạo, làm trưởng quan mà sư phụ đã hội tập, sao chép và đặt tên sách là Lão Nhân Ngôn. Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt. Chúng ta mở ra đọc thấy thật là quá sâu sắc, ngài thật là suy nghĩ cho chúng sanh không biết mệt không biết chán. Tại sao vậy? Người bây giờ bận rộn, ngài sợ họ không có thời gian đọc nên đã trích dẫn những điều sâu sắc nhất, để họ biết trí huệ của lão tổ tiên rất cao, rất hay mà sanh khởi tâm chủ động học tập. Trên tay chúng tôi có một quyển Tứ Thư Độc Bổn Tiết Yếu do sư trưởng hội tập, thật là thích đến nỗi cầm không nỡ rời tay, ngài đã đem những tinh hoa trong Tứ Thư ghi chép lại.
Trung tâm chúng ta hiện nay có Tứ Khố Hội Yếu, Tứ Khố Toàn Thư, sau này phải chia ra từng nhóm để chia Tứ Khố Toàn Thư này ra, quý vị đọc đoạn nào thì đem tinh tủy trong đoạn đó hội tập lại, thuận tiện cho xã hội đại chúng. Tất nhiên tiền đề vẫn là phải đọc hiểu văn cổ trước, nếu không hiểu văn cổ thì không cách nào thâm nhập. Muốn hộ niệm chúng sanh bây giờ phải vất vả dụng tâm mới được. Sư phụ nhắc nhở chúng ta phải quỳ xuống mà đem Phật pháp đi tặng, đây là sự phân tích khách quan. Chúng ta còn thường hay giải đãi, thường chỉ nghĩ tới chính mình thì sự hoằng hộ chánh pháp đó là hữu danh vô thực.
Thứ năm là “cứu nhân nguy cấp”. Chúng ta thấy nhiều tình hình trong xã hội hiện nay hết sức nguy cấp, nhiều người bị trầm cảm, nhiều người tự sát, tỉ lệ phạm tội càng ngày càng cao, những người này đều rất tội nghiệp. Lúc này nếu họ có thể quay đầu là bờ thì điều quan trọng nhất là họ phải nghe chánh pháp. Muốn cứu người nguy cấp thì điều quan trọng nhất là dạy họ đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ. Chúng ta phải tận tâm tận lực mở lớp dạy học thì họ mới có duyên mà chuyển biến cuộc đời của mình.
Giáo sư Toynbee (Thang Ân Tỷ) đã nói, giải quyết vấn đề xã hội của thế kỉ 21 phải nhờ học thuyết Khổng Mạnh và Phật pháp Đại thừa. Cho nên hãy tận tâm tận lực hoằng dương học thuyết Khổng mạnh và Phật pháp Đại thừa, cứu người nguy cấp. Tại sao rất nhiều hiện tượng xã hội lại trở nên phức tạp và khó khăn như vậy? Là bởi vì người ta không hiểu lý, luôn đợi tới lúc nghiêm trọng rồi mới biết là phải sửa sai, không có trí huệ phòng ngừa từ đầu. Quý vị xem thân thể con người phải bệnh tới ung thư rồi mới xem trọng thì không dễ trị. Luân lý đạo đức phải lệch tới nỗi người không giống người nữa, rồi mới nói: “Ôi thôi, phải nên quay đầu thôi!”. Mấy ngàn năm nay, cha mẹ, thầy cô, quan phụ mẫu đều hiểu là “dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”. Quý vị lơ là giáo dục, rất nhiều sự việc đã trở nên nguy cấp; xem trọng giáo dục thì có thể phòng ngừa ngay từ đầu, ngăn cấm khi chưa xảy ra. Phong khí xã hội này vẫn chưa hư hỏng, đã chỉnh đốn nó lại.
Thứ sáu là “hưng kiến đại lợi”. Chữ “đại” này không chỉ nói lên sức ảnh hưởng lớn mà còn là sự ảnh hưởng sâu xa, đó là hưng kiến đại lợi. Quý vị thấy một cây cầu tốt như cầu Triệu Châu, đại lục có rất nhiều cầu, có cái đã hơn 1000 năm, quý vị xem đã đem lại lợi ích cho bao nhiêu người, tránh sự nguy nan, nguy hiểm. Làm giáo dục, sự ảnh hưởng của nó cũng hết sức sâu xa. Tại sao Khổng Tử là chí thánh tiên sư? Bởi vì sự lợi ích cho đại chúng của ngài quá sâu xa, hơn 2500 năm, chúng ta đều nhận được ân trạch của ngài, đây là “hưng kiến đại lợi”.
Có một bài kệ nói rằng: “Bách niên kì đặc kỉ trương chỉ”, những sự việc rất đặc biệt trong lịch sử, ghi lại trong sách sử, mấy trang giấy là hết. “Thiên cổ anh hùng nhất giáo trần”, thiên cổ anh hùng, năm xưa dũng mãnh giết địch, là anh hùng dân tộc, cũng đều bị chôn trong lòng đất mà thôi. “Duy hữu bính nhiên Chu Khổng giáo”, giáo huấn của Chu Công và Khổng Tử là “chí kim nhân nghĩa hiệp sanh dân”, hai ba ngàn năm sau, giáo huấn của các ngài vẫn còn lợi ích cho con cháu hậu thế. Cho nên người thật sự giác ngộ, họ biết cái căn bản, lợi ích lâu dài cho đại chúng chính là công tác giáo dục. Người có nhận thức như vậy, cho dù có lợi ích tốt tới đâu, tài phú cao tới đâu đến mời họ, họ cũng sẽ không làm. Giống như Đức Phật vốn dĩ có thể làm quốc vương, ngài không làm quốc vương, giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Có nhận thức này tức là người chí đồng đạo hợp, không truy cầu danh văn lợi dưỡng thế gian, đời này chính là “vì vãng thánh kế tuyệt học, vì vạn thế khai thái bình”.
Vào thời Đức Phật, khi mới bắt đầu, ngài thành lập Tăng đoàn, năm tỳ kheo, người cũng không phải nhiều lắm, nhưng kiến hòa đồng giải, tu lục hòa kính, sau cùng đã đem chánh pháp hoằng truyền ra cả thế giới. Sư phụ nói với đồng tu chúng ta, Malaysia làm thật có thể cứu cả thế giới. Làm thật rồi, năm người cũng có thể cứu thế giới, huống hồ là chúng ta có nhiều người như vậy, trừ phi chúng ta không chịu làm thật. Cho nên đối mặt với xã hội, thế giới động loạn như vậy, ta không làm thì ai làm? Chúng ta phải cùng nhau gánh vác công việc này. Gánh vác rồi, thưa quý vị đồng tu, có nặng hay không? “Gánh nặng đường xa”, có nặng hay không? Nặng! Nặng vì quan trọng, không phải nặng về trọng lượng. Mọi người nghĩ thử xem, rất nhiều người muốn gánh vác mà không có cơ hội. Có thể gánh vác tức là đời này không bị uổng phí, đời này là “có phước rồi!”, chúng ta rất là ăn ý, có ăn ý thì sẽ phối hợp rất tốt.
Hôm nay xin chia sẻ mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!