CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 28: Khi đã có đức hạnh thì duyên phận tự sẽ an bài.
Ngày 16 tháng 10 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi nguời!
Hôm nay chúng ta tiếp tục nói tới mười cương lĩnh hành thiện quan trọng do tiên sinh Liễu Phàm tổng hợp, chúng ta nói tới điều thứ chín “kính trọng tôn trưởng”, tức là tôn trọng trưởng bối. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn, đem ý nghĩa “tôn trưởng” mở rộng ra, những người lớn tuổi hơn chúng ta, địa vị, chức vị của họ cao hơn chúng ta, tuổi cao, địa vị cao, đức hạnh cao hơn chúng ta, và cả kiến thức, kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta, chúng ta đều phải nên tôn trọng.
Sự tôn trọng này trên thực tế là điều rất tự nhiên. Đối mặt với người lớn tuổi hơn, chúng ta tự nhiên khởi tâm tôn trọng, vì họ đã cống hiến cho gia đình, cho xã hội rất nhiều; đối với người có trí huệ, người có đức hạnh, tâm cung kính của chúng ta tự nhiên khởi lên. Thánh hiền Phật Bồ-tát giáo huấn chúng ta phải tôn trọng tôn trưởng, trên thực tế, đều là muốn chúng ta khôi phục tánh đức. Chúng ta học Phật tức là học làm Phật, tức là khôi phục tánh đức. Cái tâm tôn trọng này tương ứng với tánh đức. Khúc Lễ của Nho gia mở đầu đã nói “vô bất kính”. Nguyện thứ nhất trong Phổ Hiền hạnh nguyện là “lễ kính chư Phật”. Nếu chúng ta bất kính với người, trên thực tế là trái nghịch với tánh đức của mình, chà đạp chính mình. Tại sao là chà đạp chính mình? Tùy thuận tập tính tham sân si mạn nghi là chúng ta chà đạp chính mình. Cho nên nếu biết thương mình, hiểu được sự khổ tâm của Phật Bồ-tát giáo huấn chúng ta thì chúng ta sẽ hoan hoan hỉ hỉ mà y giáo phụng hành.
Sự tôn trọng này không chỉ là ở trong tâm mà nó còn biểu hiện rất tự nhiên trên hành vi. Như Đệ Tử Quy có nói: “Lúc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”, chúng ta đối với tôn trưởng có một thái độ cung kính, những hành vi này sẽ tự nhiên hiển lộ; nếu như chúng ta luôn lơ là những chi tiết này thì thái độ cung kính trong tâm chúng ta vẫn chưa thật sự phát ra. Rất nhiều người cảm thấy những lễ tiết này đều là người ta chế định ra để yêu cầu, khống chế người khác, vậy là họ hiểu lầm rồi. Lễ là hành vi thuận theo lòng người mà hiển lộ ra một cách tự nhiên, thánh hiền nhân ghi nó lại, biến thành lễ tiết. Chúng ta y theo những lễ tiết này mà làm, dần dần chúng ta sẽ khôi phục được bổn thiện, khôi phục lại tánh đức.
Tiếp theo, nếu như tôn trọng, chúng ta tuyệt đối sẽ không khởi tâm trạng với trưởng bối, sẽ không ngỗ nghịch với trưởng bối. Quý vị có tâm sân hận, điều này đã cách xa sự tôn trọng. Trong Đệ Tử Quy, khi chúng ta khuyên can cha mẹ và trưởng bối thì “mặt ta vui, lời ta dịu”, đây cũng là thực hành cụ thể sự tôn trọng. “Khuyên không nghe, vui can tiếp”, cho dù cha mẹ nổi nóng đánh chúng ta, “dùng khóc khuyên, đánh không giận”, không có oán hận. Dùng tất cả phương pháp để khuyên cha mẹ tức là muốn tốt cho cha mẹ, đây đều là hiển lộ sự cung kính. Chúng ta ở trong đơn vị, sự tôn trọng đối với cấp trên cũng biểu hiện ở chỗ “đi phải thưa, về phải trình”, việc đã làm tới đâu rồi, phải nói rõ cho cấp trên biết vào đúng thời điểm, để lãnh đạo biết rõ việc này đã tiến hành tới đâu rồi. Chúng ta thấu hiểu tâm của lãnh đạo để họ không cần lo lắng quá. Hơn nữa chúng ta cũng không thể chuyên quyền, bảo thủ cố chấp, không những không xin ý kiến lãnh đạo mà còn dựa theo suy nghĩ của mình mà làm, thái độ này là trái nghịch với cung kính. Biết xin ý kiến, biết báo cáo, việc này là thực hành cung kính. Tất nhiên, quý vị là một lãnh đạo, quý vị không thể nói việc gì cũng phải nghe theo tôi, đây cũng là ngạo mạn. Người lãnh đạo đối với việc họ phụ trách phải hết sức thận trọng, cung kính. Cẩn thận thật ra cũng là biểu hiện của sự cung kính. Họ càng cung kính việc do họ phụ trách thì họ phải làm nó cho tốt, tất nhiên họ sẽ lắng nghe ý kiến, họ không thể thuận theo sự thương ghét của chính mình mà làm việc, phải khách quan tìm hiểu tình hình, sau đó tiếp thu trí huệ, kinh nghiệm của mọi người để làm việc này một cách tốt nhất. Kính người kính việc đều thể hiện trong xử sự công việc. Không thể cách xa Đạo dù trong giây lát, thái độ cung kính phải được thể hiện trong khi chúng ta đối mặt với tất cả người, sự việc, sự vật.
Tiếp theo, điều thứ mười là “ái tích vật mạng”. Thương yêu quý trọng thân mạng, quý trọng vật phẩm, đây là tâm trạng hiển lộ một cách tự nhiên tâm từ bi, tâm cảm ơn. Ví dụ mẹ giúp chúng ta may quần áo, giúp chúng ta mua đồ, khi sử dụng, ta thường xuyên nhớ tới khổ tâm của cha mẹ, biết cha mẹ đã vất vả thì đối với những đồ vật này chúng ta sẽ hết sức quý trọng. Nếu như chúng ta cung kính sự cống hiến của các ngành các nghề thì chúng ta cũng sẽ quý trọng, cũng sẽ biết ơn tất cả vật phẩm.
Chúng ta trước khi ăn cơm đều có niệm “cảm tạ người nông phu vất vả canh tác”. Câu nói này nếu từ trong tâm đọc ra thì tuyệt đối sẽ không lãng phí thức ăn. Hơn nữa khi gặp người nông dân, chúng ta sẽ tự nhiên sanh khởi sự cung kính và cảm tạ đối với họ. Nhất là bây giờ rất nhiều nông dân họ rất tự giác, muốn khôi phục việc trồng trọt truyền thống. Nếu như tiếp tục dùng một lượng lớn chất hóa học như thuốc trừ sâu và phân hóa học thì đất đai sau cùng sẽ không dùng được nữa, sẽ bị phá hoại, có thể đời sau sẽ không có đất mà trồng nữa. Cho nên bây giờ họ rất muốn khôi phục việc trồng trọt truyền thống, khôi phục sức sống của đại địa. Những nông dân này, họ trồng những thực vật hữu cơ, thực phẩm hữu cơ, chúng ta phải tôn trọng, phải ủng hộ họ, vì họ đang lo lắng trù bị cho nhiều thế hệ sau này, thật hiếm có.
Quý trọng vật phẩm gọi là quý phước. Một người muốn có thêm phước thì có thể tu phước, đây là một phương pháp. Kế đó, tiếc phước cũng có thể khiến tăng thêm phước báo. Có một câu nói là “lộc tận nhân vong”, phước báo của một người bị hưởng hết rồi thì mạng sẽ mất. Nhưng nếu như họ rất tiết kiệm, vốn dĩ thọ mạng chỉ có 60 tuổi, nhưng đến lúc 60 tuổi phước báo vẫn chưa hưởng hết, có thể sống thêm 10 năm, 20 năm nữa cũng không chừng. Cho nên nếu như chúng ta giáo dục con cái, không dạy các em cần kiệm, để các em xa xỉ, có nghĩa là cha mẹ đã để các em tập thành thói quen khiến bị đoản mệnh, cho nên việc tiếc phước rất quan trọng.
Ngoài yêu quý đồ vật ra còn yêu quý thân mạng, điều này cũng rất tương ứng với câu phía sau, “từ tâm ư vật”, yêu quý thân mạng là sự hiển lộ của tâm từ bi. Không những phải yêu quý thân mạng, mà còn phải yêu quý huệ mạng vì huệ mạng còn quan trọng hơn thân mạng. Cơ duyên được nghe chánh pháp, cơ hội thành tựu huệ mạng của chúng ta như trong kệ khai kinh có nói: “Trăm ngàn vạn kiếp khó được gặp, con nay thấy nghe được thọ trì, nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”. Chúng ta nếu không quý trọng cơ duyên được nghe pháp để thành tựu bản thân tức là đã chà đạp cơ duyên từ vô lượng kiếp tới nay, cơ duyên hiếm có khó gặp đã bị chà đạp. Sư phụ thường nói, tội đoạn huệ mạng của người còn nặng hơn tội đoạn thân mạng của người.
Chúng ta thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”. Các đồng tham đạo hữu chúng ta vừa được thân người vừa được nghe Phật pháp thì phải nên hộ niệm pháp thân huệ mạng cho nhau, “cùng khuyên thiện, cùng lập đức, lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Nếu như giữa các đồng tham đạo hữu có lầm lỗi, chúng ta lại không khuyên họ, không giúp đỡ họ sửa lỗi thì chúng ta chưa làm tròn bổn phận của một đồng tham đạo hữu. Rất nhiều người tu hành tới nỗi không muốn đắc tội với người, việc “không muốn đắc tội với người” này cũng là tham, tham làm người tốt, tham muốn hòa khí với mọi người. Hòa khí đó là thật hay là giả? Đó là làm hư lẫn nhau, không khuyên bảo cho nhau, đoàn thể này sẽ không có chánh khí. Gặp mặt nhau cười một cái, nhưng có thể trong lòng đang mắng chửi nhau. Là quân tử, đồng tham đạo hữu chân chính thì nhất định phải khuyên sai trong phòng riêng, phải chỉ ra vấn đề của họ. Nhất là nếu như chúng ta làm công tác lãnh đạo, trọng dụng ưu điểm của nhân viên thì cũng phải giúp đỡ họ sửa đổi khuyết điểm. Nếu họ muốn sửa đổi, quý vị đâu thể nào không chỉ ra vấn đề của họ? Nếu vẫn còn nói: “Tôi không dám chỉ ra vấn đề cho người ta”, nói từ “tôi không dám” này tức là ngã chấp rất nặng, ngã chấp vừa khởi lên thì không có chúng sanh. Chỉ cần tốt cho họ, việc gì mình cũng làm được, đây mới là từ bi. Thật sự có thể giúp họ, mình xả bỏ sanh mạng còn không tiếc, huống hồ chỉ là khuyên họ hai câu cũng không muốn làm, sự từ bi này còn kém xa quá.
Quý vị nói: “Tính của tôi không thích nói người ta”. Quý vị xem câu này thật là mê hoặc điên đảo. “Tính của tôi”, chúng ta muốn giữ cá tính này hay là muốn khôi phục tánh đức đây? Khôi phục tánh đức. Đáp án chính xác! Người tu hành đâu có cá tính? Mọi người lật Đại Tạng Kinh ra xem, Đức Phật có nói con người phải có cá tính không? Đức Phật nói: “Tùy tâm chúng sanh, ứng hiện phù hợp”, “hằng thuận chúng sanh”, sau đó thành tựu họ, không có cá tính của chính mình, tùy duyên thích ứng, bất kì nhân duyên nào cũng có thể dung nhập, sau đó suy nghĩ cho chúng sanh. Nhìn thấy trẻ nhỏ thì dùng ngôn ngữ của trẻ nhỏ để giúp đỡ em; nhìn thấy cụ già thì dùng ngôn ngữ mà các cụ có thể có tiếng nói chung. Nếu nhìn thấy trẻ nhỏ, những lời của các em, chúng ta không nói; nhìn thấy các cụ, tần số của các cụ chúng ta không bắt sóng được, đây là đều là vì chữ “tôi”, là sự giới hạn của cái “tôi”.
Tính cách nói thẳng ra chính là tập tính, nói ra nghe rất hay ho: “Con người của tôi rất có cá tính”, “Cá tính của tôi là không thích nói người khác”, quý vị xem sự không thích này là gì? Là tham, là tâm ưa ghét. Thích tức là “ưa”, không thích tức là “ghét”, có thích thì sẽ có ghét, đó là không bình đẳng, không thanh tịnh. Chúng ta xem, người đột phá vận mệnh đều là người thế nào? Chỉ cần có lợi ích cho người, cho dù miễn cưỡng mình cũng phải làm, họ sẽ dần dần buông bỏ ngã chấp. Một người muốn thay đổi vận mệnh, muốn thành tựu đạo nghiệp thì trước hết nhất định phải buông bỏ tự tư tự lợi.
Bây giờ chúng ta làm trưởng bối, chúng ta làm lãnh đạo, Phật Bồ-tát an bài, chúng ta phải ở trong nhân duyên này mà trải sự luyện tâm, buông bỏ tập khí, nâng cao bản thân. Những lúc nào là Phật Bồ-tát an bài vậy? Những lúc chúng ta thích thì cho là Phật Bồ-tát an bài. Còn lúc chúng ta không thích thì cho rằng “đều do bà chủ nhiệm Vương đó hại mình, đều do bà ấy kéo chúng ta xuống nước”. Đây là ý niệm điên đảo.
Thứ nhất, công việc bây giờ của chúng ta là gì? Cùng nhau chung lưng đấu cật trong thời điểm khó khăn, trung tâm vừa bắt đầu phát triển, vạn sự khởi đầu nan, chúng ta phải cùng nhau khắc phục khó khăn. Tiếp theo, đó là sự tin tưởng của chủ nhiệm đối với chúng ta, chúng ta quý trọng sự tín nhiệm này, hãy làm cho tốt. Quý vị nói: “Tôi sợ làm không tốt”. Chưa làm đã sợ là vọng tưởng. Quý vị hãy chân thành mà làm, chân thành làm rồi mới có thể học được kinh nghiệm trong mỗi công việc. Xin quý vị cứ an tâm, nếu quý vị làm không tốt, thật sự làm không được thì chủ nhiệm tự nhiên sẽ mời quý vị xuống, quý vị không cần căng thẳng như vậy. Chủ nhiệm không phải xem quý vị thích hay không thích, nhìn nét mặt quý vị, không phải, cô ấy có trách nhiệm đối với đại cục. Nếu quý vị thật sự không làm được, cô ấy tự nhiên sẽ mời quý vị xuống, cô ấy sẽ không hại quý vị, để quý vị cứ mãi làm không tốt chẳng phải là tạo nghiệp rồi sao? Cô ấy giúp đỡ quý vị làm tốt công việc này. Cho nên tư tưởng con người sao lại phức tạp như thế chứ? Cứ làm là được.
Tôi cũng thường đợi sư phụ gọi điện thoại tới nói: “Lễ Húc, con đừng làm nữa, đi xuống đi xuống đi”. Lúc đó tôi sẽ nói: “Ồ, A-di-đà Phật!”. Hiện tại đâu có việc nào là dễ làm đâu. Lại nghĩ “không cầu có công, chỉ mong không tội”, nhưng mỗi ngày đều có tội. Nhưng sư phụ vẫn chưa kêu quý vị xuống, quý vị vẫn phải gắng sức mà tiếp tục làm, hãy suy nghĩ cho đại cục. Hôm nào đó, lãnh đạo gọi chúng ta xuống rồi, hãy mau mau đem một chùm pháo, không cần đốt, đốt pháo sợ người ta giật mình, đi mua một máy ghi âm, bấm bài “đốt pháo”, đùng đùng đùng đùng là được rồi, không nên làm ồn tới người khác.
Khi đang làm việc thì cẩn thận dè dặt, nhưng đối với chức vị đó không được có bất kì lưu luyến gì. Làm mãi làm mãi sẽ cảm thấy: “Người ta cần tôn trọng mình, người ta phải cảm thấy mình là quản lý, họ rót nước mà không rót cho ly của mình, tức thật, mình là quản lý của họ, mà họ không rót nước cho mình”, vậy là phiền phức rồi. Ở trong nhân duyên này mà sanh ngạo mạn, sanh tham chấp là đọa lạc rồi. Cho nên người biết tu ở trong tất cả cảnh giới đều nâng cao tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Lúc nãy chúng ta nói người yêu quý pháp thân huệ mạng sẽ không chà đạp chính mình, sẽ không lãng phí thời gian nữa. Thậm chí là gì? Khởi tâm động niệm đều phải tương ứng với thế giới Tây phương Cực Lạc, đây mới là thật sự quý trọng pháp duyên trong đời này. “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, mục tiêu của chúng ta là thế giới Tây phương Cực Lạc, nếu ý nghĩ của mình đều là tham sân si, đều tương ứng với ba đường ác thì đó không phải là thật sự thương yêu, quý trọng pháp thân huệ mạng của chính mình.
Tại sao sư phụ thường nói “biết khó hành dễ”? Người thật sự hiểu rõ rồi thì đâu thể nào tiếp tục chà đạp huệ mạng của mình, chà đạp pháp duyên của mình? Không thể nào. Khi nào mới hiểu rõ ràng? Căn tánh mỗi người khác nhau. Có những người nghe lần đầu tiên thì họ liền cả đời không quên, giống như Nhan Hồi vậy; có những người phải nghe một trăm lần thì họ mới ghi nhớ được; có những người phải nghe một ngàn lần, thậm chí Phật Bồ-tát còn phải khuyên cả mấy trăm kiếp, mấy ngàn kiếp thì họ mới nhớ được, mỗi người mỗi khác. Nhưng mà, bản thân chúng ta nếu như thường xuyên khởi lên cái tâm quý trọng này, thậm chí là khởi lên tâm báo ân đối với sư phụ, đối với Phật Bồ-tát thì hiệu quả học tập này nhất định sẽ tốt. Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.
Thật vậy, hễ khởi niệm thì liền giao cảm với thập pháp giới. Tâm lục độ chính là Bồ-tát đạo, tâm bình đẳng chính là Phật đạo. Cho nên người thật sự biết tu hành thì họ là Phật trong cõi người, là Bồ-tát trong cõi người. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, trong cõi người cũng có thập pháp giới. Nếu như chúng ta tham sân si rất nặng, tức là ngạ quỷ trong cõi người, địa ngục trong cõi người, súc sinh trong cõi người. Chúng ta là người tu đạo, chúng ta cần phải thấy rõ, chúng ta tu là đi về cõi nào? Thường xuyên quán chiếu bản thân có tương ứng với lục độ, với tâm bình đẳng hay không tức là biết tu đạo.
Khi sư phụ giảng kinh, trong sự quý trọng vật phẩm có nhắc tới một câu chuyện từ nước Mỹ: Pháp sư Tuyên Hóa có một hôm đang ăn cơm với các cư sĩ, một tờ giấy ăn mà ngài gấp lại thế này, sử dụng nó rất trân trọng, dùng tới tám lần, ngài quý trọng vật phẩm. Có một cư sĩ hết sức cảm động về hành trì của ngài, đây là chuyện mấy chục năm trước rồi, lúc đó đã quyên tặng một ngôi nhà đáng giá cả triệu đô-la, hộ trì ngài, cảm thấy ngài có đạo. Sự tiếc phước như vậy đó là “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”, chánh pháp có thể được hoằng truyền lâu dài hay không, phải xem chúng ta có giữ gìn tám chữ này hay không. Đức Phật trước khi diệt độ đã dặn dò hành trì phải tương ứng với tám chữ này. Cho nên ngài Tuyên Hóa hết sức tiết kiệm, người khác làm không được, ngài làm được, hơn nữa ngài còn ngày ăn một bữa, bất đảo đơn (ban đêm không ngủ), trong liêu phòng không có giường, ngài trì giới cũng rất nghiêm, cho nên chúng ta phải nên học tập ngài về trì giới, tiếc phước.
Người tiếc phước, phước báo này có thể làm lợi ích cho đại chúng, cho nên tu phước cũng là vì đại chúng. Thầy Lý Bỉnh Nam nếu như nhìn thấy học sinh phước mỏng đều khuyên họ giảng kinh thuyết pháp, khuyên họ hoằng pháp lợi sinh. Hoằng pháp lợi sinh là phước báo lớn thứ nhất thế gian, trước đây chúng ta cũng có nói qua. Trong Kinh Kim Cang có nói, nói cho người khác bốn câu kệ, bốn câu chánh pháp còn hơn bố thí thất bảo trong tam thiên đại thiên. Hai ngày trước tôi nói với mọi người, mỗi người đều phải biết giảng Địa Ngục Biến Tướng Đồ; mỗi người đều phải biết giảng Khổng Tử Thánh Tích Đồ. Nói tới chỗ này, mọi người có bị áp lực lớn lắm không? Nếu quý vị có thể giảng Khổng Tử Thánh Tích Đồ trong mười lăm phút thì mười lăm phút đó đã vượt hơn bốn câu kệ không ít rồi, có phải không? Đúng. Đã hiểu đạo lý rồi thì phải dốc sức mà làm. Cúng dường pháp quan trọng, mình có được bao nhiêu thì hãy dốc sức mà làm. Sự cúng dường này không chỉ nói về hình tướng mà thôi, cần nói bao lâu mới là cúng dường, tận tâm tận lực là chân thật cúng dường. Tích đức hành thiện đều phải xem tâm địa, tâm mới là căn bản. Người hễ dốc sức thì đâu có chuyện tiềm lực của họ không thể không ngừng phát huy ra được? Luôn luôn đều là vẽ vòng trói mình không chịu đi làm, giẫm chân tại chỗ, đến sau cùng thời gian đều trôi qua hết.
Thật sự phát nguyện hoằng pháp lợi sinh thì nhất định phải buông xuống thân tâm thế giới, nếu không, sự hoằng pháp lợi sinh đó là sáo rỗng. Buông xuống thân tâm thế giới, làm việc cho Phật Bồ-tát, ông chủ chống lưng cho mình là A-di-đà Phật. Sau đó tận tâm tận lực phục vụ tất cả chúng sanh. Có tâm như vậy tự nhiên sẽ được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Quý vị thật sự phát tâm thì tự nhiên được cảm ứng, không cần chúng ta đi tìm các ngài. Quý vị nói: “Được, tôi phát tâm rồi, tôi đi tìm Phật Bồ-tát”, là quý vị xem nhẹ Phật Bồ-tát rồi, Phật Bồ-tát là pháp giới thân, quý vị vừa khởi tâm động niệm các ngài liền biết ngay. “Tôi đã phát tâm rồi, sao các ngài vẫn chưa tìm tôi?”, có thể sự phát tâm đó của chúng ta là gì? Là sự kích động nhất thời, tham sân si mạn đều chưa hàng phục được, Phật Bồ-tát vừa nghĩ giao công việc cho quý vị, ngày hôm sau quý vị cãi nhau với người ta, đó chẳng phải thêm loạn sao? Cho nên khi cơ duyên vẫn chưa tới thì hãy nâng cao đức hạnh, năng lực của mình cho tốt. Đức hạnh, năng lực thật sự đủ rồi thì Phật Bồ-tát chắc chắn sẽ đem nhiệm vụ giao cho chúng ta, chúng ta không cần lo lắng việc này, càng không cần mưu tính. Mưu tính tức là cứ phải được làm việc này, được làm việc kia, thậm chí những lúc làm chung với nhau, chủ kiến của mình đặc biệt mạnh, nhất định phải thế này, nhất định phải thế kia. Cho nên khi bản thân muốn làm gì thì làm, có lúc sẽ thành ra cố ý, là ngã chấp. Chúng ta vừa mới nói tới “tùy tâm chúng sanh, ứng hiện phù hợp”, chúng sanh bây giờ có nhu cầu gì thì chúng ta hãy nhắm vào nhu cầu của chúng sanh mà làm việc. Nếu tùy thuận ngã chấp của bản thân thì có thể biến thành tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì sẽ hao tổn phước báo mà mình tu được trong đời quá khứ.
Mọi người xem, sư phụ cho chúng ta những nguyên lý nguyên tắc này, ngài đều biểu diễn hết sức triệt để. Mọi người thử nghĩ xem, sư phụ có nói là, tôi sẽ tới Liên hiệp quốc diễn giảng không? Không có. Duyên phận đó rất là tự nhiên, tùy duyên diệu dụng. Kể cả đại sư Chương Gia nói, anh cứ xuất gia, cuộc đời sau này của anh, Phật Bồ-tát sẽ an bài, bản thân anh đừng lo lắng. Đây là đại sư Chương Gia giáo huấn sư phụ. Sư phụ có phải sau khi nghe xong câu này, gặp người ta liền nói, tôi muốn xuất gia, anh hãy giúp tôi tìm cơ hội, có vậy không? Vậy là quá cố ý, không cần. Hãy không ngừng nâng cao đức hạnh của mình, một cách tự nhiên nước sẽ chảy thành sông, không cần phan duyên. Nếu là cơ hội của chúng ta, có chối đẩy cũng không được; nếu không phải là cơ hội của chúng ta, vẫn chưa chín muồi, mà cứ muốn lấy, đó là ngã chấp tăng trưởng, tới sau cùng sẽ khéo quá hóa vụng. Phàm là những việc chín muồi, hãy để nó nước chảy thành sông là tốt nhất. Sau này có Pháp sư chín lần mời sư phụ xuất gia, sau cùng thì duyên chín muồi, sư phụ liền xuất gia.
Thưa quý vị đồng tu, nếu như quý vị có tâm muốn xuất gia, quý vị cũng đừng sốt ruột, cũng đừng gặp ai cũng nói: “Này, tôi muốn xuất gia”. Quý vị muốn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ thì điều quan trọng nhất là quý vị thật sự phát tâm, thật sự tu hành, tự khắc có an bài. Nhất là khi cha mẹ quý vị vẫn chưa thấu hiểu Phật pháp lắm, quý vị đừng đi nói với cha mẹ rằng, con muốn xuất gia. Cha mẹ của quý vị ngủ không được đó là tội của quý vị. Duyên chưa chín muồi, quý vị lại nóng vội như vậy, kết quả khiến chúng sanh phiền não, não hại người xung quanh mình. Nhất là thời đại này, làm bất kì việc gì cũng lặng lẽ một chút, hãy cứ lặng lẽ rồi dần dần điều kiện đầy đủ, chẳng phải nước chảy thành sông rồi sao? Việc còn chưa đâu vào đâu, đã khoa trương như vậy. Người trên con đường tu đạo, cửa ải thứ nhất chính là phải hàng phục sự nóng vội, tham tốt, tham nhanh, quá gấp gáp. Điều này trong tự nhiên đã khai thị cho chúng ta, trái cây chín thì ăn mới ngon, nếu còn chưa chín mà cứ hái nó xuống cho được, ăn vào sẽ thế nào? Chua không chịu nổi. Dưa chín ép thì không ngọt.
Chúng ta vừa nói tới muốn hoằng pháp lợi sinh, giống như người xưa đã nói tới ba điều bất hủ: Lập đức, lập công, lập ngôn. “Lập đức” được xếp ở vị trí đầu tiên. Có đức hạnh rồi, duyên phận tự nhiên sẽ được an bài, sẽ có thể “lập công”, có cơ duyên có thể đi phục vụ đại chúng. Nếu như không có cơ duyên, có thể “lập ngôn”. Giống như Khổng Lão Phu Tử không có cơ hội làm quan phục vụ đại chúng, sau cùng ngài chỉnh lý lại những văn hóa của cổ thánh tiên vương đã truyền thừa lại, tạo phước cho dân tộc Trung Hoa chúng ta hơn 2500 năm sau. Ngài trở thành chí thánh tiên sư do ngài đã lập ngôn. Cho nên chỉ cần có đức thì chắc chắn có thể làm lợi ích cho chúng sanh.
Hôm nay xin trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người.