CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 29: Từ tâm đối với muôn loài: Yêu thương sanh mạng, quý trọng huệ mạng.
Ngày 18 tháng 10 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục câu kinh văn tiếp theo: “Từ tâm ư vật” (từ tâm đối với muôn loài). “Từ” là từ bi, tức là ái tâm mà người thế gian nói đến. Thông thường Nho Đạo Phật dùng từ “từ bi” nhiều hơn, không dùng “ái tâm”, bởi vì ái sanh từ tình, còn bi thì sanh từ trí huệ. Tình thì rất dễ thay đổi, không đáng tin cậy, thậm chí chính mình cũng không khống chế được cái tình này. Người có thể khống chế được tâm trạng thì sẽ không nổi nóng. Nếu không khống chế được cái “tình” (tâm trạng) thì vợ chồng sẽ ly hôn, bạn bè quyến thuộc sẽ biến thành oan gia đối đầu. Tu hành là chuyển tình thức thành trí huệ, “tình sanh trí cách”, tình chấp vừa khởi thì trí huệ sẽ bị chướng ngại. Ái tâm của Phật Bồ-tát không đổi, nó là vĩnh hằng, cho nên gọi là từ bi. Từ bi là sự hiển lộ của lý tánh, của tánh đức, cho nên gọi là từ bi của sự từ bi, bình đẳng chân thật.
Một người tu hành chân thật, một người thật sự thấu suốt có ba đặc trưng: Thứ nhất, tâm địa họ chân thành, chí thiện, Nho gia nói là “chỉ ư chí thiện”. Họ chỉ thuần có một thiện tâm, đối nhân xử thế tiếp vật đều dùng thiện tâm đối với người. Đặc điểm thứ hai, họ chỉ thuần là tâm thương người. Họ sẽ không nghĩ cho bản thân, giống như người mẹ chăm sóc con của mình, dù vất vả đến đâu họ cũng chưa từng oán trách, đều là vì con cái. Tôi đã từng nghe một người mẹ nói rằng, con của cô vừa mới ra đời chưa được mấy tháng, muốn biết sức khỏe của bé có ổn định không, ví dụ nói hệ thống dạ dày có tốt không, quý vị phải quan sát phân của bé, xem hình trạng của nó, màu sắc của nó. Điều người mẹ này chuyên chú là em bé này có khỏe mạnh không, cô không ghét bỏ phân này dơ bẩn, khó ngửi. Người mẹ đó nói, tôi cảm thấy phân của con mình không hôi thối chút nào, thậm chí còn thấy nó thơm thơm. Tôi cảm thấy như vậy là bởi vì khi nhìn thấy trạng thái của cái phân đó, cô biết con mình rất khỏe mạnh, cô sẽ rất vui mừng. Đây thật sự không có tơ hào ghét bỏ, luôn luôn suy nghĩ cho em bé này, đây chính là tâm đơn thuần yêu thương người. Đặc điểm thứ ba, thuần là một tâm làm lợi ích cho chúng sanh. Phật môn có nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”. Ái tâm từ bi là điều căn bản nhất, là cơ sở tu hành căn bản nhất trong tất cả tôn giáo.
Chúng ta trên con đường tu học luôn tiến tiến thoái thoái, xuất hiện đủ thứ tình hình, sanh phiền não, luôn luôn là do không thể giữ gìn tâm từ bi, điểm này đáng để chúng ta bình tâm quan sát. Những lúc chúng ta có phiền não, đó là vì sự tự tư tự lợi của mình đã hiện tiền rồi, tham sân si mạn hiện tiền rồi. Nếu luôn luôn suy nghĩ cho chúng sanh, không còn ngã chấp nữa thì làm sao có tham sân si mạn được? Cho nên hễ có phiền não, chúng ta hãy nhắc nhở bản thân: Tâm từ bi của mình không đủ rồi.
Trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên có nhắc tới, từ là cái gốc của vạn thiện, tức là tâm nhân hậu, hơn nữa sự từ bi này biểu hiện ở đâu? Thường là ở việc cứu tế nghèo khổ, đó là những người quan quả cô độc đáng thương, “tế bần bạt khổ”. Ngoài ra còn có “giới sát phóng sanh”. Nói tới giới sát phóng sanh, tức là tâm từ bi này không chỉ đối với người. Mạnh Tử đã nói “thân thân nhi nhân dân”, thương yêu người thân của mình, rồi mở rộng ra đối với tất cả mọi người. Cho đến “nhân dân nhi ái vật”, họ trở nên thương yêu tất cả sanh mạng, thậm chí còn là thương yêu tất cả chúng sanh, chúng sinh vô tình và hữu tình, họ đều thương yêu, quý trọng.
Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có một chú giải về từ bi: “Từ trang nghiêm cố, ư chư chúng sanh, bất khởi não hại; bi trang nghiêm cố, mẫn chư chúng sanh, thường bất yếm xả” (dùng từ để trang nghiêm là đối với chúng sanh không khởi tâm làm não hại. Dùng bi để trang nghiêm là thương xót hết thảy chúng sanh, không từ bỏ, không ghét bỏ). Chúng ta cần tu tứ vô lượng tâm, đó là từ bi hỉ xả. “Hỉ trang nghiêm cố, kiến tu thiện giả”, nhìn thấy một người tu hành, “tâm vô hiềm tật”, sẽ không ghét bỏ, đố kị họ, đây là điều phục tâm đố kị của con người. Thường thì ta nhìn thấy người khác có đức hạnh thì dễ sanh tâm đố kị, nhất là giữa những người cùng giới, đặc biệt dễ đố kị. “Xả trang nghiêm cố”, chúng ta đều nói phải tu “từ bi hỉ xả”, từ chỗ nào tu “xả”, tu buông bỏ đây? “Ư thuận vi cảnh, vô ái khuể tâm”, thuận cảnh không sanh tham ái, nghịch cảnh không sanh sân hận. Câu nói này nếu như cảm nhận được thì có chỗ nào không phải là đạo tràng? Tất cả môi trường nhân sự, môi trường vật chất đều là đạo tràng, đều luyện sự không phân biệt, không chấp trước. Bốn câu này, sáng ngày mai cho thi, mỗi ngày học thuộc bốn câu. Quý vị có thắc mắc gì không?
Ý nghĩa của từ bi hỉ xả còn không cảm nhận được, quý vị làm sao thực hành? Đọc tụng thọ trì mới làm ra được. Thường xuyên ra chút bài tập, chúng ta mới dụng tâm một chút, có thể tra bốn câu này trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Ngày mai tôi kiểm tra, bởi vì tôi vừa nhìn thấy ánh mắt của quý vị, hình như không chắc chắn là ngày mai tôi sẽ kiểm tra. Ngày mai tôi gọi trúng ai, người đó phước báo rất lớn, phải không? Họ cả đời sẽ không quên được. Cả đời không quên việc tu “từ bi hỉ xả”. Tu “từ bi hỉ xả”, tu “thập thiện”, sẽ sanh thiên, sẽ có phước. Nếu như không tham phước báo, một lòng cầu sanh Tịnh Độ thì sẽ vãng sanh.
Chúng ta vừa mới đọc tới câu “từ trang nghiêm cố, ư nhất thiết chúng sanh bất sanh não hại”, chung sống với tất cả mọi người, không khiến họ không thoải mái, không khiến họ đau khổ, đây là tu “từ”. Ánh mắt của chúng ta khiến người ta khó chịu, thói quen sinh hoạt của chúng ta khiến người ta sanh phiền não, đây đều là không từ. “Bi” là thương xót chúng sanh, tuyệt đối không từ bỏ bất kì ai, tuyệt đối không ghét bỏ bất kì ai. Đây là Phật Bồ-tát biểu diễn cho chúng ta xem, các ngài đều là không biết mệt mỏi. Ngày nay đối với bạn bè quyến thuộc, đồng tu xung quanh, quý vị khuyên họ mấy lần mà họ vẫn cứ như cũ thì chúng ta liền nổi nóng, “không có thiện căn, mặc kệ anh ta”, đây là không bi. “Thường bất yếm xả”, tức là chưa bao giờ ghét bỏ ai, đó là “trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”.
Trong Đại Tạng Kinh còn nhấn mạnh rằng, từ bi không chỉ là không sát hại người mà còn phải thương yêu sanh mạng và phóng sanh bố thí vật thực. Chúng ta nhìn thấy buổi sáng thường có đồng tu cho cá ăn, đây chính là đang thí thực. Sao mà trùng hợp vậy, hôm nay tôi sắp giảng câu “từ tâm ư vật”, họ có cảm ứng, liền biểu diễn trước cho mọi người xem. Làm như vậy rồi nhất định sẽ được quả báo sống lâu, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu. Kinh điển còn nói rằng, khi các em nhỏ đang chơi, chúng ta cũng phải giáo dục các em, phàm là những ruồi, muỗi, bươm bướm, côn trùng, kiến, chim chóc đều không được sát hại. Điều này không chỉ là không sát hại sanh mạng, nếu như các em từ nhỏ không hiểu được đạo lý này, có những lúc làm hại những sanh mạng này thì các em sẽ tăng trưởng sát nghiệp của mình, tâm tàn nhẫn của các em sẽ tăng trưởng. Khi lớn lên, các em sẽ không biết thế nào là nhân từ, khoan thứ, thế nào là đồng cảm thấu hiểu. Cho nên chúng ta nói giáo dục là “trưởng thiện cứu thất” (nuôi lớn hành vi thiện, sửa chữa hành vi quấy). Quý vị nếu không uốn nắn hành vi sai lầm của các em thì các em sẽ làm tổn hại rất nhiều sanh mạng, không khởi tâm nhân từ được, hơn nữa phước báo của bản thân các em chắc chắn sẽ bị tổn hại rất lớn. Mọi người nhớ lại một chút, những bạn bè hồi nhỏ của chúng ta, quý vị thấy họ đem một đống lửa đi đốt mấy con kiến, sau đó dùng nước xà phòng đổ xuống mấy ổ kiến, rất nhiều con vật đã bị chết. Quý vị xem đời này họ có phước hay không? Hãy chú ý mà quan sát, nhân quả báo ứng trong đời này của chúng ta đều có thể quan sát được.
Ví dụ như tôi, những việc này tôi đều làm qua, cho nên tôi khá là đoản mệnh. Sức khỏe không tốt, có liên quan với sát sanh. Hồi nhỏ tôi còn leo lên cây để bắt mấy con cánh cam, cho nên có biết thương yêu sanh mạng hay không rất quan trọng. Kết quả, quả báo không chỉ là đoản mệnh, hiện báo là tôi từ trên cây té xuống, trên mặt đất có một miếng kính đang chờ sẵn tôi, vừa hay cắm ngay vô tay, vết thẹo này vẫn còn đây, tôi chứng minh cho mọi người một chút, không được sát sanh. Tôi bị chảy máu rất nhiều, để lại vết thương lớn hơn một phân.
Người nhân từ còn dặn dò người làm của họ, khi các ngươi đem đổ nước nóng, trước hết phải nhìn xem có sanh mạng gì không, những lúc đốt củi, những lúc quét nhà, đừng để sát hại sanh mạng. Nếu như người tinh tế như vậy, đây là người nhân hậu, chắc chắn có phước dày. Trong Âm Chất Văn có một câu nói khiến người ta rất cảm động, là “bước chân thường nhìn trùng kiến”, đi đường hễ nhấc chân lên thì phải nhìn, đừng để đạp phải sanh mạng nào; “đốt lửa đừng thiêu núi rừng”, khi đi dạo chơi trên núi rừng, dùng lửa phải đặc biệt cẩn thận. Nếu không cẩn thận, một đốm lửa nhỏ bừng cháy lên thì sanh mạng trong cả vùng đó đều có thể bị nguy hiểm. Cố ý phóng lửa đốt núi rừng, quả báo đó chắc chắn ở địa ngục, tội nghiệp quá nặng. Những điều này đều phải nên dạy cho con trẻ. Người nhìn thấy tất cả chúng sanh gặp nguy hiểm về tánh mạng, ví dụ thiêu thân lao vô lửa, có côn trùng bị vướng mắc vào lưới mạng nhện, chim chóc bị thương, sâu kiến bị giẫm đạp, tôm cá bị bắt, nếu gặp những tình hình này thì hãy “phương tiện cứu hộ”, chúng ta vừa nhìn thấy những sanh mạng này, nếu chúng vẫn sống được, thì chúng ta hãy mua về đem đi phóng sanh, đây đều là “việc người phước thọ nên làm vậy”.
Tiếp theo lại nhắc tới, người vì nhìn thấy chúng sanh khổ nạn mà sanh khởi tâm đại bi; bởi vì khởi tâm đại bi mới có thể chứng Bồ-đề; bởi vì phát tâm Bồ-đề, họ sẽ chứng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bởi vì khổ nạn của chúng sanh sẽ thành tựu đạo nghiệp của con người, họ sẽ làm Phật, làm Bồ-tát. Tại sao Phật Bồ-tát luôn luôn nghĩ đến chúng sanh? Bởi vì khổ nạn của chúng sanh thành tựu sự Chánh Đẳng Chánh Giác của các ngài. Chúng sanh có ân đức với các ngài, các ngài muốn báo cái ân này. Điều chúng sanh thương quý nhất chính là sanh mạng của bản thân, còn chư Phật thương nhất chính là chúng sanh, cho nên có thể cứu sanh mạng của chúng sanh thì có thể thành tựu tâm nguyện của chư Phật. Phóng sanh là hoàn toàn tương ứng với tâm từ bi của chư Phật. “Khuyên người phóng sanh, tức khai mở tâm từ bi của người, là nhân thiện khiến đời đời trường lạc, trường thọ; khuyên người sát sanh, tức khai mở tâm tàn nhẫn của người, là cái gốc đời đời oan oan tương báo”. Cho nên, nếu như chúng ta đời này có rất nhiều việc không thuận, thường xung đột với người khác, có thể đều có liên quan tới việc sát sanh này.
Tiếp theo ví dụ một câu chuyện, thời Hán, khi Dương Bảo chín tuổi, nhìn thấy một con sẻ lông vàng bị con chim cú mèo đuổi đánh, chim sẻ bị thương rớt xuống đất. Trên mặt đất lại có rất nhiều kiến đang cắn nó. Em bé chín tuổi này nhìn thấy thì rất không đành lòng, liền cứu chim sẻ về, nuôi trong một cái lồng, đợi đến khi nó lành vết thương, lông vũ mọc ra lại rồi thả nó đi. Không lâu sau, em nằm mơ thấy có một đồng tử áo vàng, chính là con chim sẻ vàng mà em đã cứu, chắp tay lễ bái, cảm tạ em. Nó nói: “Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, phải bay về Bồng Lai, gặp phải ách nạn này, may mà cậu đã cứu tôi. Tặng cho cậu bốn vòng ngọc này”. Sau đó nói với em: “Cho con cháu của cậu đều làm tới Tam Công, thầy giáo của hoàng đế, hơn nữa đều thanh bạch giống như ngọc này vậy”. Nói xong thì không thấy nữa. Về sau Dương Bảo đã sanh được Dương Chấn, Tứ Tri Đường (câu nói có bốn chữ “tri” của Dương Chấn: trời biết, quỷ thần biết, tôi biết, ngài biết) là từ chỗ này mà ra. Mọi người biết Tứ Tri Đường có quả báo thù thắng như vậy là liên quan tới việc gì? Thương yêu sanh mạng. Sau đó ông sanh ra Bỉnh, Tứ, Bưu, bốn đời đều làm Tam Công. Cho nên bốn vòng ngọc này đại biểu gia tộc họ đều dùng sự thanh bạch để truyền gia.
Ngoài ra, có một câu chuyện mọi người có lẽ đều rất quen thuộc, bởi vì chúng ta lần này làm khóa học bốn ngày, các em nhỏ có biểu diễn. Thẩm Vạn Tam thời Minh, nhìn thấy có một người bắt cả trăm con ếch đem đi giết, ông nhìn thấy không đành lòng, mua lại hết toàn bộ rồi đem thả vô hồ nước. Một hôm ông đi ngang qua cái hồ đó, nhìn thấy cả một đàn ếch đang vây quanh một cái thau sành, ông thấy rất kì lạ, liền đem cái thau sành này về nhà dùng. Đến lúc rửa tay, rửa mặt, có một lần cái nhẫn bị rớt vô trong thau. Hôm sau đến khi dùng thau, trong thau đó toàn là nhẫn. Là cái thau tụ bảo đấy! Ông rất kinh ngạc, liền đem vàng, bạc thử xem, kết quả vàng vừa bỏ vô, hôm sau lại sanh ra vàng. Cho nên về sau ông rất giàu có, giàu ngang một nước. Điều chủ yếu nhất là ông có phước báo, đã cứu được hàng trăm sanh mạng, rất không đơn giản.
Tiếp theo còn nhắc tới một câu chuyện chúng ta cũng rất quen thuộc, Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ đời Tống, chuyện này có lẽ là vào đời Tống của Nam Bắc triều. Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ vốn dĩ là một người làm quan, về sau lấy tiền của quốc khố đi phóng sanh và bị phát hiện, bị phán tội chết. Lúc sắp hành hình, sắc mặt ngài không hề thay đổi. Quan viên hỏi ngài, tại sao ông không sợ chết? Ngài nói, ta đã thả hàng vạn sanh mạng, ngày nay chết, sẽ vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, một mạng đổi hàng vạn mạng, đủ vốn rồi. Ngài tín tâm kiên định: Ta sắp vãng sanh Tây phương rồi, tại sao lại không vui sướng? Cho nên người niệm Phật không nên sợ chết, đến khi nào chết cũng đều hoan hỷ chết. Nét mặt của quý vị hình như không phối hợp lắm với điều tôi vừa nói. Phải không? (Cười)
Tôi có một người bạn, anh cũng là người niệm Phật. Lúc đó đang có dịch Sars, (viêm phổi phi điển hình), tôi đã nói với anh hãy chú ý, dịch Sars này bây giờ rất hung hãn. Anh nói, số tôi đâu có được tốt như vậy, làm gì bây giờ đã bị Sars, tôi còn có rất nhiều việc phải làm. Anh không sợ chết, chết tức là tới lúc được vãng sanh rồi. Kinh Vô Lượng Thọ còn nói với chúng ta: “Giả sử đại hỏa mãn tam thiên, thừa Phật uy đức tất năng siêu”, gặp phải bất kì tai nạn lớn gì cũng không cần sợ, niệm Phật, bổn nguyện gia trì liền được vãng sanh.
Kết quả khi ngài sắp bị hành hình, Vua hiểu được tình hình này, rất thương xót ngài, nên thả ngài ra. Về sau ngài xuất gia làm tăng. Còn mơ thấy Quan Âm Bồ-tát đem nước cam lộ cho ngài uống, kết quả trí huệ của ngài càng ngày càng tăng trưởng, còn viết 6 quyển Vạn Thiện Đồng Quy Tập. Ngài sống trong chùa Vĩnh Minh, thọ tới 98 tuổi. Quý vị xem, phước báo phóng sanh rất lớn, ngài chắp tay ngồi mà tịch. Sau đó, ở bên cạnh chùa Vĩnh Minh của ngài đã lập một cái tháp, có thể là đặt xá-lợi của Đại sư. Có một tăng nhân, mỗi ngày đều nhiễu quanh tháp đó, lại còn lễ bái. Người ta rất hiếu kì. Ông nói: “Tôi là tăng nhân ở Phủ Châu, bởi vì sanh bệnh rất nặng, đã tới cõi âm, nhìn thấy ở một góc của điện Diêm Vương có treo một bức họa, Diêm Vương đều hay tới trước bức họa mà đảnh lễ. Ông liền hỏi quan viên cõi âm, người này là ai vậy? Họ nói rằng người này là Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ. Phàm là người chết đều phải tới chỗ vua Diêm La để báo cáo, Thiền sư này chưa tới chỗ vua Diêm La báo cáo, đã đi thẳng tới thế giới Tây phương Cực Lạc rồi, hơn nữa là thượng phẩm thượng sanh. Vua Diêm La hết sức khâm phục đức hạnh của ngài, cho nên treo hình ngài mà lễ bái. Có thể thấy, yêu thương sanh mạng, phóng sanh có thể vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, vua Diêm la dưới cõi âm cũng khâm phục. Mọi người hãy cố gắng cho tốt, xem thử vua Diêm La có còn treo một bức hình nào khác nữa không. Đức hạnh cao thượng tới nỗi người cõi âm cũng khâm phục quý vị, quý vị công đức vô lượng, “Phật nói người này chân thiện hữu”.
Vào thời Minh có Giới Sát Văn của đại sư Liên Trì, có một đoạn rất đáng để chúng ta lĩnh hội: “Nhân nhân ái mạng, vật vật tham sanh” (ai cũng yêu mạng sống, loài vật đều tham sống sợ chết), hà tất phải giết thân thể của chúng để lấp đầy dục vọng ăn uống của mình. Chúng ta thấy, hoặc dao bén mổ xẻ bụng chúng, hoặc dao nhọn chọc thủng tim chúng, hoặc lột da, như ăn cá đều đem vẩy, da của nó nạo bỏ đi, hoặc cắt cổ đập bể vỏ chúng, hoặc bỏ nước sôi trụng sống những con rùa con lươn, thậm chí còn lấy muối rượu, thẳng thừng ướp ủ những con tôm cua còn sống này. “Đau đớn không thể kể xiết”, chúng đều rất đau đớn, có thể chúng ta lớn lên đều đã thấy những cảnh tượng này rồi, chúng đau khổ cùng cực. “Tạo ác nghiệp ngập trời này, kết thành thù sâu vạn kiếp. Một ngày vô thường đến, liền đọa địa ngục”. Người sát nghiệp nặng đều là đọa địa ngục. Đọa địa ngục rồi, lại chịu quả báo. “Lò lửa nước sôi, rừng đao biển kiếm”, sẽ chịu những quả báo địa ngục này, vừa bị nấu, bản thân lại bị giết. “Thọ tội xong”, thọ xong tội địa ngục vẫn phải làm súc sanh, tại sao vậy? Hoàn trả sát nghiệp, ăn chúng nửa cân phải trả chúng tám lạng. Cho nên “oan oan tương báo”, mạng mạng mà đền trả. Sau khi ở cõi súc sanh trả xong những món nợ mạng này, sanh lên cõi người “nhiều bệnh chết yểu”.
Người thật sự hiểu rõ được Giới Sát Văn của Đại sư Liên Trì thì không còn ai muốn sát sanh nữa. Quả báo địa ngục đau khổ tới mức độ nào? La-hán nhớ lại trước đây chịu quả báo địa ngục đều chảy mồ hôi máu, rất là khủng khiếp. Cho nên Đại sư Liên Trì nói: “Nay khẩn cầu thế nhân, rộng khuyên giới sát, càng nên tùy sức phóng sanh, cố gắng niệm Phật, không những tăng cao phước đức, tất được tùy nguyện vãng sanh, mãi thoát luân hồi, công đức vô lượng”. Đây là sự biểu diễn, hộ niệm và dặn dò hết sức từ bi của tổ sư dành cho chúng ta.
Sáng nay xin chia sẻ với mọi người tới đây, cảm ơn mọi người!