CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 30: Trung Hiếu là nền tảng của làm người, cũng là nền tảng của sự tu học.
Ngày 20 tháng 10 năm 2010
Quý vị đồng tu, quý vị huynh trưởng, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục xem kinh văn Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là: “Trung hiếu hữu đễ”.
Chúng ta thường nói “trung hiếu” là gốc để truyền gia. “Trung hiếu” cũng là gốc để lập thân, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của một người. Cho đến người tu hành có thể khai ngộ chứng quả, có thể làm Phật, làm Bồ-tát cũng đều là xây dựng trên nền tảng của sự trung hiếu. Nếu như họ làm được trung hiếu 100% thì trên thực tế họ là Phật trong cõi người. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, cõi người có Phật Bồ-tát, cõi người cũng có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Từ trong hành vi của họ có thể quan sát thấy được, họ chí công vô tư, chí hiếu, hiếu thảo cha mẹ, hiếu với Phật Bồ-tát thì họ chính là Phật Bồ-tát trong cõi người; nhưng nếu như họ bất trung bất hiếu tới cực điểm thì có thể sẽ là cõi địa ngục trong cõi người. Cho nên thế gian, xuất thế gian muốn có thành tựu, đều phải xây dựng trên nền tảng của sự trung hiếu. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chú giải nói rằng: “Vi thần tận trung, vi tử tận hiếu, nãi thiên lý chi thường” (làm thần tận trung, làm con tận hiếu là thường đạo trong trời đất), đây là đạo lý rất tự nhiên, là căn bản của nhân luân.
Giáo dục trung hiếu hết sức quan trọng. Nếu người không biết trung hiếu thì họ rất khó giữ được thân người. Chúng ta cảm thấy rằng, những trưởng bối có sự huân tập văn hóa truyền thống dân tộc thì đặc biệt xem trọng trung hiếu. Quý vị xem các cụ của chúng ta, thế hệ ông bà nội, thấy chúng ta sắp đi làm rồi, đều căn dặn: “Đi làm cho tốt nhé, đừng có lỗi với người ta”, đây đều là rất nhân hậu. Tôi nghe chủ tịch Lưu Phương kể là khi cô sắp lấy chồng, cha mẹ của cô, nhất là cha của cô đã dặn dò cô “Phải làm việc”, đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là “Đừng gây thêm phiền phức cho người ta”. Thứ ba, “Đừng làm mất mặt”. Ba câu nói này là lời dặn dò của cha mẹ đối với con gái đi lấy chồng.
Tôi nghĩ lại, ông bà nội, cha mẹ chúng ta, khi chúng ta sắp đi làm thần tử cho người ta, họ cũng dặn dò chúng ta như vậy. Con sắp tới đơn vị này làm việc rồi, người ta tin tưởng chúng ta, dùng chúng ta, chúng ta phải nên chủ động mà làm việc, việc người khác không chịu làm thì mau gánh vác lấy, chịu thiệt là phước. Điều này trên thực tế cũng là như vậy, làm nhiều rồi, tu phước, tu năng lực, tu trí huệ. Quý vị nói xem, làm nhiều để tu trí huệ? Hãy làm nhiều, ít so đo thì tham sân si mạn sẽ nhạt bớt; thường hay so đo, thảy đều là tham sân si, tham sân si khởi lên, trí huệ làm sao khởi? Tham sân si càng nhạt, phiền não nhẹ thì trí huệ tăng. Những đạo lý này đều tương thông với nhau: Đừng thêm phiền phức cho người ta, đừng thêm phiền phức cho lãnh đạo, cũng đừng thêm phiền phức cho đoàn thể. Cho nên lòng trung này phải thường xuyên quan sát đại cục. Trung thần trước đây vì quốc gia, vì quân vương, đều là sát thân thành nhân, xả thân vì nghĩa, kinh thiên địa, khốc quỷ thần, đây là thánh hiền giữa nhân gian, họ đều có khí khái, tấm lòng như vậy. Chúng ta bây giờ muốn tu pháp xuất thế, hy vọng được làm Phật, làm Bồ-tát mà ngay cả tự ngã cũng buông không được, tự tư tự lợi buông không được, tùy thuận tập khí, làm chướng ngại người khác, làm chướng ngại đoàn thể, vậy điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu. Đây là gạt mình, gạt người rồi. Gạt mình là bất trung với bản thân, gạt người là bất trung với người khác.
Điểm thứ hai là “đừng để mất mặt”. Đừng để mất mặt của mình là trung với chính mình, đừng để mất mặt cha mẹ là trung với cha mẹ của mình và gia đình của mình. Hôm qua chúng tôi cũng nhắc với mọi người, mỗi người đại diện cho đoàn thể của chính mình. Hồi chúng ta còn nhỏ thì đại diện cho gia đình, nếu làm những việc gì không thỏa đáng thì người ta bất mãn nói rằng: “Đứa nhỏ này thật không có gia giáo!”, đó chẳng phải làm mất mặt gia đình mình sao? Cái “trung” này là tận tâm tận lực, phải nên làm quang vinh tổ tiên, nếu để người ta sỉ nhục cha mẹ và tổ tiên của mình thì là bất trung.
Cho nên đạo lý quý ở dùng tâm mà cảm ngộ. Một đạo lý có thể dùng trong tất cả mọi nơi, nếu như không dùng được trong tất cả mọi nơi, học một không thể biết mười thì không phải là chúng ta đang dụng tâm học, vẫn là dùng ý thức mà học, dùng phân biệt, chấp trước mà học, không nhập tâm được thì không cách nào làm ra được. Tại sao lại dùng đầu óc để học? Bởi vì vẫn còn danh văn lợi dưỡng, vẫn còn ngạo mạn ở trong đó, học được một ít có thể đi làm thầy người khác, có thể khiến người ta cảm thấy mình rất lợi hại. Nếu như không gặp được giáo huấn của sư phụ thường xuyên bảo chúng ta hạ công phu từ trong tâm thì tôi nhớ tôi trưởng thành hai mươi mấy năm nay, thật ra đều là có những tập khí này. Học thuộc được một chút văn chương, xem được một số tài liệu, đến lúc ăn cơm, chỉ sợ người ta không biết là mình hiểu biết nên tranh thủ khoe khoang một chút. Hiểu những thứ đó có ích gì chứ? Chỉ tăng trưởng tập khí mà thôi. Cho nên làm sao đắc lực? Nhất định quay về lời Mạnh Tử đã nói: “Đạo học vấn không chi khác, chỉ là tìm lại cái tâm đã mất mà thôi”. Thường xuyên ở trong chỗ căn bản này, ở trong khởi tâm động niệm này mà hạ công phu.
Ngày nay, chúng ta đại diện cha mẹ, đại diện gia đình; bước vào xã hội, chúng ta đại diện đoàn thể của chúng ta, chúng ta đại diện quốc gia, dân tộc của chúng ta, chúng ta đại diện hình tượng của đệ tử Nho Đạo Thích. Thật sự đem đoàn thể, quốc gia, dân tộc, Tam Bảo đặt trong tâm, lẽ nào vẫn còn nhẫn tâm làm những việc không tốt làm ô nhục quốc gia dân tộc và Tam Bảo của chính mình sao? Thật ra, chúng ta cũng đại diện cho sư phụ. Rất nhiều lúc, những sự ô nhục, hủy báng của bên ngoài đối với sư phụ có liên quan tới đệ tử chúng ta. Bởi vì chúng ta đã không y giáo phụng hành, tùy thuận tập khí, còn mang theo tên của lão hòa thượng, đó là hại lão hòa thượng thành bất nghĩa, đây cũng là bất trung. Nhân sư khó cầu, chúng ta đời này thật quá may mắn, gặp được giáo huấn của sư phụ, ngài giảng kinh thuyết pháp năm nay đã năm mươi hai năm, pháp duyên này khó gặp khó thấy. Chúng ta quý trọng, cảm kích, báo ân còn không kịp, sao có thể nhẫn tâm làm ra những việc ô nhục sư môn chứ?
Người có lòng trung thì có thể điều phục được tập khí. Trung hiếu là nền tảng để một người đoạn trừ tập khí, trung hiếu là dưỡng chánh khí hạo nhiên của đất trời. Hiếu tử thời xưa hễ đưa tay, bước chân đều nhớ tới cha mẹ, xem có làm tổn hại đến thân mình khiến cha mẹ lo lắng không? Có làm những việc khiến cha mẹ tủi hổ không? Sự cẩn thận của họ đều là từ trung hiếu mà ra.
Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, đây là gốc rễ lớn của sự tu đạo. “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, đây là cơ sở. Đối với cha mẹ tận hiếu, tận trung, đối với sư trưởng tận hiếu tận trung thì phước thứ nhất này mới làm tốt được. Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Đương hiếu ư Phật, thường niệm sư ân, đương lệnh thị pháp, cửu trụ bất diệt” (phải hiếu kính Phật, thường nhớ ân thầy, phải làm cho pháp này lưu truyền dài lâu không bị tiêu diệt), điều này là tận trung đối với Phật môn, kì vọng có thể khiến chánh pháp cửu trụ. Cho nên, báo ân không phải chỉ nói trên miệng mà phải làm thật, vì người diễn nói, làm gương mẫu, khiến người khác từ bản thân chúng ta mà nhìn thấy thế nào là hình tượng tốt của đệ tử thánh hiền.
Trong chú giải lại có nhắc tới, người muốn đăng tiên vị, bởi vì mục tiêu của Đạo gia là sanh thiên, sự hành thiện tích đức của họ cũng rất hiếm có, quý vị phải “tùy hỉ công đức”. Chúng ta học Phật, học pháp môn Tịnh độ rồi, không thể vô hình trung lại rất ngạo mạn, nhìn thấy người ta tu thiện thì nói: “Người này kém hơn mình nhiều!”. Vấn đề là chúng ta trên bề mặt là người niệm Phật, còn trên thực chất có giống họ hiếu thiện hiếu đức như vậy hay không thì còn phải đặt câu hỏi.
Đại sư Trí Giả nói: “Lục tức Phật”: Lý tức Phật, mỗi người vốn có trí huệ đức tướng Như Lai, về mặt lý là như vậy. “Danh tự tức Phật” chỉ là hữu danh vô thực. “Quán hành vị”, thường xuyên dùng hành trì của Đức Phật mà quán chiếu bản thân và đối nhân xử thế tiếp vật, đây là quán hành vị, điều này không đơn giản, luôn luôn tùy thuận giáo huấn của thánh hiền. Tiếp theo là “tương tự vị”, họ thật sự học theo rất giống, đây là A-la-hán, họ là Chánh Giác, gọi là tương tự vị, họ vẫn chưa thật sự khế nhập bản tánh Chân như, nhưng họ đã thật sự đoạn được tham sân si mạn, đây là tương tự vị Phật. Sau đó là “phần chứng tức Phật”, phần chứng tức là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, là pháp thân Đại sĩ. Sau cùng là “cứu cánh tức Phật”, 41 phẩm đều đoạn tận rồi, cũng giống như Đức Phật vậy, là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đây là cứu cánh tức Phật.
Tương tự như vậy, chúng ta bây giờ là người học Phật, chúng ta đã ở vị trí nào rồi? Chúng ta là “danh tự vị”, hữu danh vô thực, lại còn ngạo mạn thì phiền phức rồi. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nhắc nhở chúng ta: “Thấy người có chút ưu điểm hãy noi theo, có chút thiện cũng ghi chép lại”, đều phải tùy hỷ tán thán. Chúng ta mặc dù tu theo pháp môn hiện đời có thể thành Phật nhưng hành vi của bản thân chúng ta, chính mình phải rất rõ ràng, còn kém xa rất nhiều thiện nhân. Cho nên người muốn tham chấp thật quá dễ dàng, danh tướng “Tịnh tông đồng nhân”, danh tướng “đệ tử Phật” đã khiến chúng ta đọa lạc rồi, đã khiến chúng ta ngạo mạn rồi. Sự tu hành nếu không cảnh giác cao độ thì lúc nào khởi lên danh văn lợi dưỡng, khởi tham sân si mạn, tự mình cũng không biết. Nhìn thấy những tác phong mô phạm này của Đạo gia, chúng ta cảm nhận sâu sắc rằng chúng ta còn kém họ rất xa.
Đăng tiên vị (trở thành thần tiên) buộc phải trải qua nhiều năm, tức là vẫn phải tích công lũy đức một quãng thời gian. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đã nói: “Dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện” (muốn cầu làm tiên thiên (thiên tiên), cần làm một ngàn ba trăm điều thiện), cầu làm địa thiên (địa tiên) phải làm ba trăm thiện. Chỉ có người chí trung chí hiếu, “ngày nay tạ thế, ngày mai sanh thiên giới”. Chữ “ngày nay”, “ngày mai” này là ví dụ, người chí trung chí hiếu, lâm chung đều có thiên thần tới rước. Trong Câu Chuyện Đức Dục chúng ta thường hay xem thấy, hiếu phụ đó an nhiên từ trần, hơn nữa người trong nhà đều nghe thấy có âm nhạc rất du dương đến rước cô. Cho nên, người biết trung hiếu là khí tiết của người làm thần, người làm con, là bổn phận nên làm. “Khởi tri vưu vi siêu độ chi bổn dã”, “siêu độ” tức là một người thăng tiến rất nhanh, điều quan trọng cũng là thực hành trung hiếu.
Đạo giáo tu thiên mục tiêu là để sanh thiên, gia nhập câu lạc bộ thần tiên, phải dựa vào trung hiếu. Cũng như vậy, chúng ta muốn tới câu lạc bộ của Liên Trì hải hội, nhất định phải trung hiếu cho triệt để, không thể có tơ hào may rủi. Trung hiếu khiếm khuyết không làm Phật được, không vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc được. Trên con đường tu đạo phải phá vỡ sự gạt mình, không có sự may rủi ở đây. “Tiểu nhân hành hiểm dĩ kiểu hạnh” (kẻ tiểu nhân mạo hiểm để cầu may), tiểu nhân tu hành, còn ôm theo tâm trạng may rủi. Tại sao sư phụ luôn nói phải tu Tịnh nghiệp tam phước. Cơ sở tu học là tam phước, bởi vì nó nói về nền tảng của sự trung hiếu.
Trên thực tế, bản thân chúng ta trong quá trình tu học không phục được tập khí, trong việc xử sự còn đối lập xung đột, nổi tâm trạng, không vui vẻ với người, đều là trung hiếu bị khiếm khuyết, điều này không thể có tơ hào nghi ngờ. Phải từ căn nguyên mà giải quyết vấn đề, tức là chúng ta đối với cha mẹ còn ngạo mạn, còn tâm trạng hóa, cơ sở này làm chưa tốt, tất nhiên khi ra ngoài xã hội chắc chắn chung sống với người ta sẽ xảy ra những vấn đề này. Cho nên phải thật sự hiểu rõ đây là nền tảng lớn, nhất định phải hạ công phu từ đây (từ sự trung hiếu), sau đó điều phục tập khí của bản thân. Sư phụ đã nói, người bất trung bất hiếu dù tu thập thiện, tứ vô lượng tâm, không thể sanh thiên, niệm Phật cũng không thể vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc. Cho nên trung hiếu không chỉ là căn bản của việc làm người mà cũng là căn bản lớn của việc tu hành.
Ngày nay chúng ta nghe kinh nghe pháp không có chỗ ngộ tức là vẫn chưa nhận thức trung hiếu. Người nhận thức trung hiếu thì tâm chân thành mới hiển lộ ra, hiển lộ ra mới có thể tương ứng với kinh giáo, tương ứng với giáo huấn của sư phụ. “Thật kì lạ, tại sao người ta nghe kinh thể ngộ nhiều như vậy, sâu sắc như vậy, có pháp hỷ như vậy? Tại sao chúng ta nghe nhiều như vậy rồi, hình như không có ích lợi gì cả?”. Điều này là do không hiểu lý về trung hiếu, cái gốc trung hiếu bị thiếu sót. Cho nên công phu niệm Phật, tu hành không đắc lực là do chưa làm được trung hiếu, thật sự nhận thức tốt về trung hiếu mới có thể khai ngộ, làm được trung hiếu mới có thể chứng quả, mới có thể vãng sanh. Cho nên Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chú giải về chữ “trung hiếu” ở trong bốn quyển sách, đây là chú giải bạch thoại, đã chiếm hết nửa quyển, chú giải hai chữ trung hiếu này đã chiếm hết nửa quyển, có thể thấy tầm quan trọng của nó.
Chúng ta xem “trung hiếu”, “trung” thông thường là tận trung với đoàn thể, quốc gia. Hồi còn nhỏ tôi thường nghe được một câu nói là: “Không có nước, sao có nhà”, đây là lời lưu truyền thiên cổ. Không có quốc gia, thì đều phải lưu lạc ly tán, nhà không ra nhà nữa. Cho nên quốc gia đối với mỗi người chúng ta đều rất có ân đức. Thời đại hiện nay nhấn mạnh dân chủ, nhấn mạnh dân chủ có tốt không? Quý vị đồng tu thấy có tốt không? Chúng ta khoan vội bình luận, chúng ta nhìn một cách khách quan trước, xin hỏi bây giờ quốc gia dân chủ có tốt không? Quý vị lúc nãy chẳng phải nói dân chủ tốt sao, phải không? Quý vị nói đất đai ở vùng này có tốt không, quý vị xem nó trồng ra trái cây có ngọt hay không, chẳng phải biết rồi sao? Cũng không phải quý vị ở đó tự vỗ ngực “Tôi cảm thấy rất tốt”, trồng trái cây không ngọt, quý vị vỗ ngực, vỗ bể ngực cũng vô ích. Phải tùy việc mà xét, tìm kiếm sự thật. Tôi vừa mới phân tích, tôi không nói dân chủ không tốt, quý vị đừng có ra ngoài bán đứng tôi. Nhưng người thời bây giờ rất là đáng thương ở chỗ nào? Không nhìn thấy cái căn bản, tất cả đều xoay vòng trên cành ngọn. Điều quan trọng nhất không phải là chế độ mà là con người, là nhân tâm!
Điều thứ nhất, người nắm quyền có phải đem nhân dân đặt ở vị trí thứ nhất không, cái này là dân chủ thực chất. Chúng ta chỉ ưa sĩ diện, ưa cái danh, vui mừng cả ngày, trong khi xã hội càng ngày càng loạn. Mọi người xem, phong khí xã hội của quốc gia dân chủ càng ngày càng hỏng, ngay cả căn bản làm người cũng không còn, quý vị muốn cái hình tướng dân chủ đó để làm gì? Thế gian hết thảy đều là mộng huyễn bọt ảnh, nâng cao linh tánh mới là thứ chân thật nhất trong cuộc đời này. Xin hỏi linh tánh của con người trong quốc gia dân chủ có càng ngày càng cao không? Những điều này quá quan trọng. Thế hệ sau của quốc gia dân chủ có càng ngày càng tốt không? Mọi người để ý mà xem, thế hệ sau của mấy quốc gia dân chủ đó tỉ lệ phạm tội không ngừng tăng cao.
Thế nào là dân chủ? Người cầm quyền luôn luôn lấy phước trạch của nhân dân, lấy sự nâng cao đức hạnh của nhân dân làm trách nhiệm của mình, đây gọi là dân chủ chân thật. Không phải chế độ dân chủ giả làm lợi ích cho bản thân, tham ô hủ bại càng ngày càng nghiêm trọng. Cho nên, không phải là vấn đề của chế độ, mà là vấn đề tố chất của con người. “Đức là cái gốc, tài là cái ngọn”, chế độ là ngọn, đức hạnh là gốc. Chúng ta ở trong thời đại này không thâm nhập kinh điển của lão tổ tiên, thì sẽ không phán đoán được gốc ngọn đúng sai, sự lợi hại được mất, chưa chắc đã quán sát được. Vua Nghiêu tìm Thuấn về làm thiên tử, ngài đã quan sát Thuấn hơn hai mươi năm rồi mới đem ngôi vị nhường cho Thuấn, đó là dân chủ thật sự. Nhất định phải tìm được một người tốt nhất để yêu thương bảo vệ nhân dân, đây là “thiên tử”, đại diện ông trời đến bảo bọc con dân.
Những hoàng đế tốt trong lịch sử quả thật đều không đơn giản. Họ cúc cung tận tụy, có những hoàng đế phê duyệt tấu sớ đến nỗi thổ huyết. Chúng ta xem họ ở trong mỗi thời đại đều dẫn đầu học tập luân lý đạo đức nhân quả, học tập giáo huấn của thánh hiền, chỉ một điểm này thôi chúng ta đã khâm phục rồi. Đem theo văn võ bá quan nghe người có học vấn giảng dạy, đây đều là những tác phong mô phạm đặc biệt hiếm có.
Chúng ta lại bình tâm quan sát, khi người dân luôn nhấn mạnh về sự dân chủ thì có ảnh hưởng gì đối với tâm tánh của họ không? “Tôi, tôi, tôi”, quý vị phải nghĩ tới “tôi”, quý vị phải tôn trọng “tôi”, ngã chấp càng ngày càng nặng. Một người khi không vui sẽ khởi sự kháng nghị, có thể khiến xã hội hoặc là khiến đoàn thể doanh nghiệp của chính mình “Tôi phải khiến cho các người không động đậy được”, bây giờ biến thành như vậy. Những lúc giảng kinh sư phụ có nhắc tới, người Nhật Bản đối với lãnh đạo, đối với đoàn thể có bất mãn cũng vẫn làm việc, tại sao vậy? Đó là bổn phận của họ. Một người không làm tròn bổn phận, còn đi phê bình lãnh đạo hoặc phê bình người khác, căn bản chính là điên đảo, bản thân còn chưa tận tâm tận lực, còn phê bình người khác. Cho nên họ thật đáng quý, tự mình làm tròn bổn phận, họ dán mảnh vải trắng, bên trên viết “Kháng nghị”. Lãnh đạo vừa nhìn vào liền cảm thấy chắc chắn có gì đó không thỏa đáng, mau mau tìm hiểu tình hình, mau mau điều chỉnh. Điều họ nghĩ tới đây là một đoàn thể lớn của mình, một gia đình có việc thì phải hỗ trợ làm sao để cải chánh, chứ không phải đi nổi tâm trạng, không phải đi đối lập. Có người nào đối lập với người trong nhà của mình đâu, đó là ngu si.
Ngã chấp càng ngày càng nặng, trên thực tế là chướng ngại rất lớn đối với sự nâng cao linh tánh của mỗi người. Thời đại hiện nay, cái tôi của một người quá nặng, sau khi quá nặng, luôn luôn là sau khi đánh mất rồi mới tỉnh ngộ ra. Hoặc là khi rời bỏ gia đình mới biết rằng thì ra cha mẹ thật không dễ dàng; rời bỏ đoàn thể này rồi, mới biết được người ta lãnh đạo đoàn thể không hề dễ dàng; đợi tới lúc quốc gia động loạn rồi mới biết rằng giữ gìn sự an định của cả xã hội quốc gia không hề dễ dàng. Bây giờ nói điều này chúng ta không có cảm giác gì, tại sao? Chúng ta không ở trong những năm tháng biến động. Chúng ta cách Trung Đông có xa không? Có cơ hội phải nên tới quốc gia có chiến tranh cảm nhận một chút thì sẽ biết trân quý. Người ta khi đang hưởng phước đều cảm thấy tất nhiên là như vậy. Quốc gia bây giờ rất an định, ngoài việc chúng ta không biết ơn ra, còn mắng chửi rất dữ. Trong quốc gia dân chủ, người ta mắng chính phủ ghê gớm lắm. Nhất là việc tuyển cử dân chủ, tôi thật sự không dám khen, họ vẫn luôn nhấn mạnh nhân dân là chủ, nhân dân là chủ, tổng thống phải xem sắc mặt của nhân dân. Xin hỏi mọi người, chính sách quốc gia này nghe theo ai? Nghe theo lão bá tánh? Mọi người cảm thấy phải nên nghe theo ai? Nghe theo thánh hiền nhân! Có phải không? “Nghe theo lão bá tánh”, đây là nịnh bợ, nịnh bợ phiếu bầu cử. Lão bá tánh thấy được một trăm năm sao? Trừ phi họ có đọc sách thánh hiền. Lão bá tánh chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, đây là con người thường tình. Vậy được, cứ nhìn cái trước mắt, vậy chính trị cần chính tích để làm gì? Nhìn cái trước mắt, làm xong khiến họ lập tức vui sướng [là được rồi]. Vậy là phiền phức rồi, có một việc chúng ta không thể nhìn thấy ngay lập tức, đó là “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Tố chất của người dân càng ngày càng thấp. Việc nặng nhẹ hoãn gấp, người phải có trí huệ, phải theo kinh điển mà làm thì mới nhìn thấy được, không phải thuận theo dục vọng của nhân dân mà làm việc. Cho nên, rất nhiều lúc đối với những năng lực phán đoán này, chúng ta không đọc kinh điển thì sẽ không nhìn thấy rõ.
Bây giờ rất nhiều quốc gia, khu vực có người lãnh đạo đã nhận ra điều này rồi, phải bắt tay từ giáo dục. Lúc nãy có nói với mọi người, con người thật ra đừng có đợi tới lúc mất rồi mới hối hận, mới quý trọng. Trong chú giải có nói, giới sĩ nông công thương vào thời xưa hình như cũng không nhìn thấy cung đình, họ không nhìn thấy, cách quá xa, hình như hoàng đế đối với họ không có ân đức gì. Nhưng thử nghĩ xem, không có nạn giặc cướp, không có loạn binh, không có loạn thần, không có những việc cướp bóc chém giết, không có những tình hình hết sức nguy ngập, nếu như không có pháp luật của quốc gia triều đình, không có quân đội đến giữ gìn thì chúng ta có thể nào sinh sống làm việc an định được không? Chúng ta hình như cảm thấy an định là điều tự nhiên, là điều phải nên như vậy, nhưng trên thực tế có bao nhiêu quân nhân, bao nhiêu cơ quan chính phủ, bao nhiêu lãnh đạo phải hao tâm tổn trí mới giữ gìn cho bốn bể ngồi hưởng phước thái bình.
Lĩnh hội được điểm này rồi thì người trong mỗi ngành nghề đều phải nên nhớ ơn đất nước, nhớ ơn lãnh đạo quốc gia. Sau đó làm sao báo ân? Trong bổn phận gia đình của mình và trong bổn phận công việc của mình, làm tròn lòng trung của mình. Nhất là người đọc sách thánh hiền, nếu như còn chưa đọc hiểu chữ “trung” này, còn dẫn đầu mắng chính phủ thì người đọc sách này sau khi chết chắc chắn đọa địa ngục. Ngoài việc không hiểu biết còn dẫn đầu phong khí không tốt, đó là điều càng không được làm. Bây giờ giới doanh nghiệp rất hiếm có, dẫn đầu phục hưng giáo dục luân lý đạo đức, dẫn đầu tận trung vì quốc gia. Rất nhiều sinh viên không có việc làm, tư tưởng quan niệm vẫn chưa xây dựng tốt, những nhà doanh nghiệp này giúp đỡ đào tạo những sinh viên này làm người có đức hạnh, đây đều là tùy duyên tận tâm tận lực vì quốc gia mà làm thêm một chút việc. Có một câu danh ngôn: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho ta, trước hết phải hỏi bản thân chúng ta đã làm được gì cho đất nước”. Đây là cái tâm tận trung, giữ sự tận trung trong chức vị của mình. Chỉ có “tận trung” mới là đệ tử Tịnh Tông chân chính. Mọi người có nghe hiểu lời tôi nói không? Tận trung giữ chức thì mới là đệ tử Tịnh độ tông chân chính. Rất là tốt, sự tận trung này có ý nghĩa thật sâu xa.
Hôm nay xin chia sẻ với mọi người tới đây trước, cảm ơn mọi người!