Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 35) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 35: Luôn luôn nghĩ tới cha mẹ, cũng luôn luôn nghĩ tới trách nhiệm làm cha mẹ.

Ngày 26 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục xem câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”, mấy tiết trước đã có thảo luận với mọi người về chữ “trung” rồi. Và chữ “hiếu” này, nếu như dùng một ý để thể hiện tinh thần của văn hóa truyền thống của chúng ta thì chính là tinh thần của sự hiếu này, “trăm thiện hiếu đứng đầu”. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, học tập văn hóa truyền thống tức là muốn khôi phục bổn thiện. Khôi phục bổn thiện phải bắt đầu từ hiếu đạo, cho nên hiếu đạo là cơ sở quan trọng nhất để khôi phục tánh đức, cũng là cơ sở làm người quan trọng nhất. Sách Luận Ngữ nói nói: “Hiếu và đễ là cái gốc của đạo làm người”. Mạnh Tử cũng nói: “Đạo của Nghiêu Thuấn chỉ hiếu đễ mà thôi”. Cả nền đạo thống, tinh thần trọng tâm nhất của nó chính là hiếu đễ.

Chữ “hiếu” này, chúng ta xem, phía trên là chữ “lão”, phía dưới là chữ “tử”, thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, hợp lại với nhau thành chữ “hiếu”, thật ra nó chính là tinh thần nhất thể. Từ gia tộc mà nói, thế nào là tận hiếu? Thường xuyên nhớ tới phải báo ân của cha mẹ, tiếp theo là đem sự báo ơn này thực hành trong việc học của mình, trong công việc, trong xử sự của mình. Nếu như chúng ta còn đang đi học mà khiến cha mẹ lo lắng bất an, chúng ta không dụng công, không nỗ lực thì đó chính là bất hiếu, trong tâm không có cha mẹ. Thường xuyên đặt cha mẹ trong tâm mình, không phân ta người, đây mới là hiếu.

Nửa cuộc đời trước đây của chúng ta, khi chúng ta vẫn chưa được học tập văn hóa truyền thống, có thể đã có những hành vi bất hiếu khiến cha mẹ lo lắng không ít. Bây giờ đã học rồi thì phải nên “biết thẹn tức gần với dũng”, “những chuyện trước đây xem như hôm qua đã chết, những chuyện sau này xem như ngày nay mới sanh”. Học rồi mà còn tái phạm, đó là biết rõ mà vẫn phạm thì phải càng cảnh giác bản thân, hạ quyết tâm sửa tập khí, thực hành hiếu đạo, thực hành giáo huấn của cổ thánh tiên hiền.

Ở trong trường là học tập, chúng ta bây giờ tu hành cũng là học tập. Khi cha mẹ hoan hỉ chúng ta học Phật, tu đạo, chúng ta phải cố gắng tinh tấn để cha mẹ hoan hỉ, an lòng, việc này cũng là tận hiếu. Hơn nữa đời này tu đạo có thành tựu lớn, “một người đắc đạo, cửu tổ thăng thiên”, đây là sự hiếu kính còn cao hơn nữa.

Sự hiếu kính triệt để nhất là có thể dẫn dắt cha mẹ tu hành học Phật, đời này liễu thoát sanh tử, vãng sanh bất thoái thành Phật thì cái hiếu này mới được xem là viên mãn. “Phụ mẫu ly trần cấu”, trần cấu tức là sanh tử luân hồi, cha mẹ có thể thoát ly sanh tử, lại có thể đời này thành Phật, thì “tử đạo phương thành tựu”, đạo làm con mới được xem là viên mãn rốt ráo, đó là sự viên mãn đối với cha mẹ đời này của chúng ta. Đức Phật lại nói cho chúng ta sự thật, chúng ta trong sự luân hồi sanh từ từ vô thủy kiếp đến nay, tất cả chúng sanh đều đã từng làm cha mẹ chúng ta, “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Thật sự hiểu rõ chân tướng này rồi thì hiếu tâm sẽ được mở rộng ra đến tất cả các chúng sanh.

Chúng ta tu đạo học Phật, tuân theo giáo huấn của Đức Phật, “tam thế chư Phật, tịnh nghiệp chánh nhân”, tất cả những người tu hành thành Phật đều đã thực hành tịnh nghiệp tam phước. Phước thứ nhất chính là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, câu nói này là từ sự hiếu kính với cha mẹ, sư trưởng trong đời này, mở rộng ra là hiếu kính với cha mẹ và sư trưởng đời đời kiếp kiếp. Như việc “phụng sự sư trưởng”, Phật môn nói: “Một Phật xuất thế, ngàn Phật ủng hộ”, chúng ta sẽ thấy Phật Bồ-tát đại từ đại bi, đại sự nhân duyên giáo hóa chúng ta của Thích-ca Mâu-ni Phật, không biết là có bao nhiêu cổ Phật đến phối hợp, thành tựu pháp duyên này. Người ta hễ hiểu rõ chân tướng này thì thật sự là vô lượng vô biên Phật Bồ-tát, đời đời kiếp kiếp đang hộ niệm chúng ta. Người thật sự cảm ngộ, thật sự hiểu lý rồi thì không đành lòng chà đạp tâm đại từ đại bi của Phật Bồ-tát.

Một người làm sao để phát Bồ-đề tâm? Phải nhớ ơn của bổn sư, nhớ ân đức của sư trưởng nhiều đời; nhớ ơn của cha mẹ, nhớ ơn của cha mẹ nhiều đời thì Bồ-đề tâm này sẽ có thể phát ra. Chúng ta ngẫm lại, chúng ta học tập, tu đạo không thể để cho cha mẹ lo lắng. Chúng ta khi đang làm việc phải chung sống hòa hợp với đồng nghiệp. Nếu như thường hay không vui, xung đột thì cha mẹ sẽ lo lắng, cũng là bất hiếu. Thành gia, lập nghiệp rồi, sau khi thành gia vợ chồng bất hòa, điều này là bất hiếu. Chúng ta quả thật là thời đại này thiếu thốn giáo huấn của thánh hiền, liêm sỉ của con người, thiện tâm của con người khá là yếu. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều vợ chồng cãi nhau trước mặt cha mẹ, sao họ lại đành lòng làm như vậy chứ!

Chúng ta nhìn thấy tác phong mô phạm của hai mươi bốn hiếu tử: Vì cha vì mẹ, Tử Lộ cõng gạo trăm dặm, nhìn thấy cha mẹ ăn một cách hoan hỉ thì ông dù mệt tới đâu cũng hoàn toàn đều quên hết. Lão Lai Tử chỉ vì muốn cha mẹ hoan hỉ vui cười mà một người bảy tám chục tuổi như ông đóng giả làm con nít, giúp cha mẹ vui vẻ. Đây là tấm lòng của hiếu tử. Chúng ta bây giờ không chỉ không khiến cha mẹ hoan hỉ mà còn làm ra những hành vi khiến cha mẹ có thể mấy đêm cũng không ngủ được. Ở trước mặt cha mẹ vợ chồng còn cãi nhau, ở trước mặt cha mẹ thì đánh con cái, cứ luôn nổi nóng như vậy, kể cả công việc cũng thường thay đổi thì sự lo lắng của cha mẹ sẽ hết sức nhiều.

Cho nên chữ hiếu này là nhất thể, có thể thường xuyên có tâm đồng cảm thấu hiểu cha mẹ, thường xuyên nhớ tới ơn của cha mẹ, không muốn để cha mẹ lo lắng thêm một chút nào nữa. Hãy mau mau an định gia đình sự nghiệp của bản thân, mau mau điều phục tập khí của bản thân, đây là thái độ hiển lộ rất tự nhiên của hiếu tâm. Cho nên “trung” và “hiếu” là “không thể xa rời trong giây lát”. Lúc nào xa rời trung hiếu thì lúc đó không còn ở trong đạo nữa mà đang ở trong tập khí.

Không chỉ thường xuyên nhớ tới cha mẹ, tâm hiếu này còn thường xuyên nhớ tới phải làm tròn trách nhiệm của người làm cha mẹ, người làm trưởng bối. Chúng ta xem, việc kết hôn là “trên phụng sự tông miếu, dưới kế tục đời sau”, giáo dục thế hệ sau cho tốt, truyền thừa gia phong, gia đạo của gia tộc, xứng đáng với tổ tiên, xứng đáng với cha mẹ cũng là làm tròn hiếu đạo. Thời xưa có rất nhiều thánh hiền, khi cha mẹ qua đời, họ tận tâm tận lực chăm sóc cháu trai cháu gái của cha mẹ. Họ nghĩ là những đứa trẻ này, những vãn bối đều là người mà cha mẹ lo nghĩ nhất lúc sanh tiền, bây giờ cha mẹ không còn nữa, tấm lòng hiếu thuận này làm sao bày tỏ? Tận tâm tận lực chăm sóc tốt những vãn bối này, để báo cáo với linh hồn của cha mẹ ở trên trời. Chúng ta lĩnh hội một chút những tấm lòng của những hiếu tử này thì tâm lượng của chúng ta, thiện tâm, ái tâm của chúng ta sẽ không ngừng rộng mở.

Tiên sinh Phạm Trọng Yêm khá là có đức hạnh, ông làm tới chức phó Tể tướng, sự nghiệp cũng rất hiển hách, nhưng ông lại vô cùng tiết kiệm. Trong một bài văn viết cho các con của mình, ông đã nói rằng, ngày nay ông có thể có sự phát triển tốt như vậy đều là nhờ sự gia hộ của tổ tiên. “Nhà tích điều thiện, ắt có thừa niềm vui”. Nếu như tôi chà đạp phước báo của tổ tiên, về sau khi tôi kết thúc sanh mạng rồi, tôi không dám nhìn mặt tổ tiên, cho nên tôi phải nên quý trọng phước báo này, chăm sóc tốt hậu thế của tổ tiên. Ở trong mắt của tổ tiên, tất cả mọi người đều là máu thịt trong tim họ, đều không có phân biệt. Sự tận hiếu của Phạm Công đối với tổ tiên, ông thật sự đã chăm sóc tốt người trong cả gia tộc. Trong Nghĩa Điền Kí đã nhắc tới rằng, Phạm Công đã chăm sóc mấy trăm người trong gia tộc. “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật” (người hiếu thảo với cha mẹ thì có thể yêu thương nhân dân, người yêu thương nhân dân thì sẽ yêu thương vạn vật). Hiếu tử như vậy làm quan đều sẽ luôn thương dân như con, “trung thần xuất thân từ cửa người con hiếu”.

Chúng ta ngày nay từ thái độ hiếu thuận đối với cả gia tộc, chúng ta lại mở rộng tới Phật môn. Chúng là đệ tử Phật, Phật môn là một đại gia đình, lấy cái gì làm đơn vị? Hư không pháp giới là một Tăng đoàn. Chúng ta đối với sư trưởng, đối với tổ sư, chúng ta không thể để họ lo lắng, thất vọng. Chúng sanh hoan hỉ thì Phật Bồ-tát, chư vị tổ sư, sư trưởng sẽ hoan hỉ, chúng ta tận hiếu trong Phật môn tức là toàn tâm toàn lực vì Phật pháp, vì chúng sanh.

Bất hiếu có ba việc, vô hậu là lớn nhất”, cho nên việc lớn trong Phật môn là bồi dưỡng nhân tài hoằng hộ cho thế hệ sau. Sự nghiệp chánh pháp, sự nghiệp giáo dục không phải một, hai ngày là thành được. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, việc này cần người mỗi thời đại tiếp tục nỗ lực không ngừng mà làm mãi. Chúng ta thấy ba mươi mấy năm nay, chỉ một đời người đã lơ là mất, từ một dân tộc lâu đời nhất, một dân tộc có văn hóa lịch sử xán lạn như vậy, biến thành một dân tộc thiển cận nhất, có thể thấy truyền thừa văn hóa là việc quan trọng nhất trên thế gian. Chúng ta thấy khu vực của người Hoa, kinh tế vừa khai mở, không có sự truyền thừa văn hóa thì những hành vi làm ra khiến người ta nhìn vào hết sức chấn động. Chỉ vì mấy trăm tệ, mấy ngàn tệ mà sát hại người chí thân, những việc như vậy đã xuất hiện.

Chúng ta có thể cảm thấy, tổ tiên đời đời đã đem trí huệ văn hóa ưu tú nhất truyền thừa lại, truyền đến đời này của chúng ta, lại xảy ra những việc giết cha hại mẹ như vậy, tổ tiên đang chảy máu, đang chảy nước mắt! Cho nên đứng trên bổn phận của một dân tộc, thật ra mà nói, chúng ta đời này là con bất hiếu. Chúng ta còn khoanh tay đứng nhìn, thậm chí khơi dậy phong khí không tốt trong xã hội thì chắc chắn sẽ đọa vào ba đường ác. Ở một điểm then chốt như thế này, chúng ta với một tấm lòng son của con cháu Trung Hoa, phải nên đem sứ mệnh lịch sử này ra mà truyền thừa lại, phải kế thừa phát huy, phải “vì vãng thánh kế tuyệt học”. Nếu không có tâm như vậy, không thể tận tâm tận lực mà làm thì bổn phận làm người vẫn chưa đúng mức, vậy đừng nói đến những việc vãng sanh thành Phật thành tổ. Cho nên Đại sư Ấn Quang nhắc nhở chúng ta bắt đầu từ “làm tròn bổn phận”.

Phật pháp Đại thừa tại sao khai hoa kết quả ở Thần Châu đại địa? Châu Âu cách Ấn Độ rất gần, còn gần hơn Trường An Trung Quốc. Tại sao lại truyền tới Trường An chứ không phải truyền tới châu Âu? Tại sao ở Ấn Độ không còn nữa? Còn ở Đông Độ, Thần Châu đại địa thì đời đời vẫn có những vị tổ sư có thành tựu cao độ như vậy? Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Bởi vì dân tộc Trung Hoa xem trọng hiếu thân tôn sư, đã có nền tảng của Phật pháp Đại thừa rồi, những nơi khác không có căn cơ như vậy nên họ không phát triển lên được. “Đông Độ khó sanh”. Nếu như không có văn hóa truyền thống này của Đông độ thì chúng ta cho dù học Phật pháp Đại thừa cũng không có gốc! Cho nên năm ba chục năm nay, người tu hành thì nhiều mà người thành tựu thì ít, vấn đề là ở chỗ thiếu căn cơ, thiếu cái gốc của sự trung hiếu, cái gốc của hiếu thân tôn sư.

Sư phụ đại từ đại bi hộ niệm chúng ta, “phải cắm gốc”, chỉ sợ cơ duyên từ vô thủy kiếp tới nay rủi bị chúng ta làm lỡ mất. Bất luận là làm việc hoằng pháp hay hộ pháp đều phải từ cái gốc đức hạnh mà hạ công phu. Ngày nay chúng ta không cắm gốc, không đối trị tập khí, trong đầu thường hay nghĩ tới việc phải giảng dạy, phải hoằng pháp, thật ra mà nói, là mơ mộng viễn vông. Đây là sự thật. Tại sao? Phật Bồ-tát là thân khắp pháp giới, tình hình của một người nào, Phật Bồ-tát không biết rõ hay sao? Phật Bồ-tát luôn luôn suy nghĩ cho chúng sanh, đức hạnh chúng ta thật sự đạt rồi, Phật Bồ-tát đâu có chuyện không an bài cho? Ngày nay chưa có an bài, nhất định do đức hạnh của chúng ta vẫn chưa đủ, chúng ta vẫn cứ cố mà phan duyên thì chẳng phải đã tùy thuận theo ý của chính mình sao? Đó chẳng phải càng không nhìn thấy vấn đề căn cơ của mình sao, không nhìn thấy tập khí của mình sao? Thậm chí còn không ngẫm lại mình, còn trách móc người khác, hoặc là hiểu lầm “Anh xem, lãnh đạo có ý kiến đối với tôi, không trọng dụng tôi”, ý niệm này sẽ càng ngày càng lệch lạc, đều đang tạo nghiệp.

Sư phụ vẫn luôn nói, quý vị phải tin Phật! Phật thì không chỗ nào không hiện thân, đâu phải không gia trì chúng ta. Nhưng tâm trạng của chúng ta không đúng thì gia trì không được. Quân tử trọng cái gốc, “từ thiên tử cho tới thứ dân, đều lấy việc tu thân làm gốc”, cách vật là gốc. Thật sự đều dụng công phu từ cái gốc, nhân duyên sau này, Phật Bồ-tát sẽ tự an bài. Trong thời đại này muốn tìm người lão thật thì khó lắm, làm việc hộ pháp thì cảm thấy việc này mình làm được rồi, việc kia mình làm được rồi. Làm hoằng pháp thì cảm thấy mình có thể giảng dạy rồi. Cho nên người lão thật thì được lợi ích lớn nhất, nhưng người bây giờ không lão thật, không muốn an trú ở hiện tại để trải nghiệm luyện tâm, đối trị tập khí.

Tôi vừa mới nói Đông Độ có hiếu đạo nên Phật pháp Đại thừa mới có thể được xây dựng ở nơi đây. Điều quan trọng nhất của pháp Đại thừa là những Bồ-tát Đại thừa này đã khế nhập một chân tướng, đó là pháp thân, chính là chúng sanh và mình là một thể, “thập phương tam thế Phật, cùng chung một pháp thân”. Chúng ta hãy nghĩ một chút, chỗ dễ dàng lĩnh hội nhất cái nhất thể này chính là thân thể này: Đôi mắt và cái miệng là một thể; tay và chân là một thể, một thể là gì? Đồng cảm thấu hiểu, bên nào có nhu cầu thì toàn thân sẽ phối hợp để chăm sóc nó. Phật Bồ-tát chính là như vậy, những nơi tai họa càng nhiều, Phật Bồ-tát thị hiện càng nhiều. Quán Thế Âm Bồ-tát khế nhập pháp thân cho nên có thể “ngàn nơi khẩn cầu ngàn nơi ứng”.

Điều này rất là tự nhiên, “pháp nhĩ như thị”, đây là sau khi mỗi người khế nhập chân tâm rồi thì tự nhiên sẽ biểu hiện ra hành vi như vậy. Cũng giống như quý vị chỗ nào ngứa chỗ nào đau, một cách tự nhiên toàn thân sẽ đến chăm sóc nó. Nếu như ngày nay có chỗ nào đó bị thương, những chỗ khác đều không màng tới nó thì người này có vấn đề rồi. Hoặc là ở đây bị thương rồi, tay phải này còn đi véo nó thì người này có phải là không bình thương không? Chắc chắn không bình thường.

Chúng ta và chúng sanh là một thể, ngày nay quý vị mắng người nào đó thì chúng ta có bình thường không? Không bình thường. Quý vị mắng một người cũng giống như quý vị dùng miệng đi cắn tay của chính mình, có phải như vậy không? Ồ! Quý vị hình như không lĩnh hội được lắm, điều này không có phức tạp như vậy, nhất thể mà, quý vị làm tổn hại người đó thì cũng giống như quý vị đang tổn hại thân thể của mình, đó thật sự là không bình thường, đó là điên đảo rồi.

Chúng ta nghe sư phụ giảng kinh lâu như vậy rồi, ít ra cũng phải hiểu được chân tướng này, chúng ta và tất cả chúng sanh là một thể. Còn thấy người nào đó chướng mắt, còn đối lập với người nào đó là mê hoặc điên đảo. Sư phụ thường giảng “Đức Phật nói đây là người đáng thương xót”, quý vị nói: “Những người phạm lỗi đó rất đáng thương”, do họ không hiểu nên họ mới làm sai. Chúng ta thì hiểu rồi nhưng vẫn tiếp tục sai. Đó gọi là gì? Đó là biết rõ còn cố phạm, còn đáng tội nghiệp hơn người không biết kia nữa. Tại sao vậy? Tội càng thêm nặng.

Chúng ta may mắn được nghe Phật pháp Đại thừa, phải dùng những chân tướng của vũ trụ nhân sinh này để đối nhân xử thế tiếp vật, như vậy mới không chà đạp Phật pháp Đại thừa, như vậy mới xứng đáng với chính mình. Cho nên tại sao tục ngữ lại nói “giúp người là gốc của niềm vui”? Có khi người khác được lợi ích rồi, chính mình còn vui sướng hơn họ, tại sao vậy? Đó là thứ vốn có, đó là thiện tâm vốn có, là chân tướng của nhất thể. Họ thoải mái, quý vị cũng dễ chịu; họ đau khổ, quý vị có tấm lòng “người đói mình đói”.

Thế nên, “hiếu” thật sự là pháp môn đại tổng trì của tất cả pháp. Sư phụ cũng đã dẫn đầu giúp chúng ta thực hành hiếu đạo, các nơi trên thế giới đều có xây dựng Kỷ niệm đường tổ tiên vạn họ. Người hiếu thảo cha mẹ, hiếu thảo tổ tiên, “thận chung truy viễn” (cẩn thận chí thành lo tang lễ) thì lòng người sẽ đôn hậu lương thiện. Vậy chúng ta phải thực hành hiếu đạo, phải biết dưỡng thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ, chúng ta hãy từ mấy phương diện này mà làm tròn hiếu đạo.

Chúng ta xem phần mở đầu Đệ Tử Quy nói: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay; cha mẹ bảo, chớ làm biếng; cha mẹ dạy, phải kính nghe; cha mẹ trách, phải thừa nhận”, đây là “cư tắc trí kì kính” (ở thì hết lòng cung kính), phải cung kính cha mẹ thì tâm của cha mẹ mới có thể an vui, mới được hoan hỷ. Nếu như phụng dưỡng cha mẹ không cung kính, cho dù có vật chất tốt tới đâu cũng không thể xem là hiếu đạo. Cho nên “Tử Hạ hỏi về hiếu”, Khổng Tử nói: “Sắc nan”, nghĩa là dùng thái độ cung kính để hiếu thuận với cha mẹ, điều này khó. Trước hết bắt tay từ kính. Tiếp theo “đông phải ấm, hạ phải mát; sáng phải thăm, tối phải viếng”, cái này là “dưỡng tắc trí kì lạc” (dưỡng nuôi cha mẹ thì phải vui vẻ). Chúng ta xem kinh điển đều nói về đạo lý hô ứng lẫn nhau, cái này là “dưỡng thân của cha mẹ”. “Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi”, việc này thuộc về “dưỡng chí của cha mẹ”.

Mấy điểm này, chúng ta làm sao thực hành trong công việc cuộc sống, trong đối nhân xử thế hiện tại, làm sao noi gương tấm lòng hiếu thảo của cổ thánh tiên hiền, chúng ta kế thừa và truyền thừa. Chúng ta đời đời đều phải có hiếu tử để làm gương thì nền văn hóa này mới được truyền thừa. Ngày mai chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận tiếp. Cảm ơn mọi người.