CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.
Tập 41: Nâng cao bản thân là điều quan trọng, đừng vội gấp rút đi làm việc tốt.
Ngày 02 tháng 11 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, A-di-đà Phật.
Chúng ta tiếp tục xem kinh văn, đang nói đến câu “chánh kỷ hóa nhân” (sửa mình cho chánh đáng mới cảm hóa được người khác). Ở trong Vựng Biên đối với chữ “chánh” này có giải thích là “xác bất khả dịch”, đạo lý làm người thật sự không thể nào thay đổi thì gọi là “chánh”. Nếu như là tu Phật pháp Đại thừa, quả thật là không thể thay đổi sự hành trì của Bồ-tát. Chúng ta phải luôn luôn dùng cái này để yêu cầu bản thân. Gọi là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Bồ-tát đạo là lục độ, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã, khởi tâm động niệm và ngôn ngữ tạo tác của chúng ta tuyệt đối không thể tách khỏi tinh thần lục độ này, vậy mới có thể “chánh”.
Bố thí không phải độ người khác mà là độ chính mình. Bản thân không độ được mà đi độ người khác thì là “vô hữu thị xứ”, là điều không làm được. Bố thí độ bủn xỉn. Chúng ta nếu còn có những vật chất bên ngoài nào mà không thể xả được thì sự bố thí này vẫn chưa triệt để. Trì giới độ ác nghiệp. Nhất là chúng ta học tập Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, luôn luôn phải tương ứng với thập thiện, đừng có tương ứng với thập ác, như vậy mới là trì giới.
Nhẫn nhục độ sân hận, hễ có tâm trạng khởi lên liền bất chánh, không tương ứng với chân tâm, với hạnh Bồ-tát, hãy mau điều chỉnh lại. “Thánh cuồng khác nhau, chỉ ở một niệm”, đây là tu đạo. Nếu không thì sau khi nổi nóng lên rồi, người ta còn phải khuyên, bản thân lúc đó không chuyển được, người ta còn phải khuyên, gây thêm phiền phức cho đoàn thể, đó là não hại chúng sanh, làm sao tu hành? Ngày nay chúng ta hiểu được rằng tùy thuận giáo huấn của thánh hiền Phật Bồ-tát là học Phật. Tập khí hiện tiền rồi vẫn không đối chiếu với kinh điển thì gọi là đùa cợt Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp. Chúng ta còn nhận một hư danh là đệ tử Phật, việc này phải cẩn thận. “Danh giả tạo vật sở kị”, danh không hợp với thực thì phước của chính mình bị tổn hại hết. Cho nên tại sao Liễu Phàm Tứ Huấn nói “thế gian hưởng tiếng tốt mà không hợp với thực, sẽ có nhiều kỳ họa”? Vì phước báo của họ đều vì cái hư danh này mà tổn hết. Cho nên, được người tán thán có tốt không? Không phải việc tốt. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói “được sủng ái mà lo sợ”, luôn luôn phải có tính cảnh giác, phải cẩn thận, phải khiêm tốn. Tôi chính là ví dụ tốt nhất cho mọi người, tôi thế này là danh không hợp thực rất nghiêm trọng, người ta đều tán thán tôi quá đáng, cho nên phước báo của tôi không còn nữa, quý vị coi ăn không mập nổi. Ví dụ đã bày ngay trước mặt quý vị, quý vị phải suy ngẫm cho kĩ.
Cho nên người tu học chúng ta phải có danh hợp với thực, sư phụ nói “không được đùa cợt Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp”, giáo huấn của thầy Lý Bỉnh Nam đã truyền lại, đó không phải nói người khác mà nói bản thân chúng ta. Nhất định phải giữ vững, luôn luôn phải có tính cảnh giác: Có phải mình đang trong đạo không, có tùy thuận giáo huấn của thánh hiền không? Người có thái độ như vậy thì sẽ không tùy thuận tập khí, sẽ không làm nô lệ cho tập khí, sẽ không tạo nghiệp. Cho nên sự “xác bất khả dịch” này xác thực không thể nào thay đổi, thật sự là phải y chiếu những tiêu chuẩn này, dựa trên tiêu chuẩn của Lục Độ và Phổ Hiền Thập Nguyện mà xử thế. Nhẫn nhục độ sân hận, độ tâm đố kị, độ tâm trạng hóa. “Tất cả pháp đều thành bởi nhẫn”, không nhẫn, tâm trạng vừa khởi lên, lửa vô minh lại thiêu hết toàn bộ công đức.
Tinh tấn độ giải đãi. Đời này muốn có thành tựu thì nhất định phải tinh tấn. Tại sao? “Tùng thiện như đăng”, một người tu đức hành thiện thì giống như leo núi vậy, từng bước từng bước dốc sức trèo lên cao. Nhưng mà hễ không phát giác, “tùng ác như băng”, hễ khởi lên một ý niệm xấu thì giống như leo núi mà bị sẩy chân, bị trượt xuống, “băng” là cả người bị trượt xuống. Xin hỏi mọi người, trượt xuống tới đâu? Tới chân núi? Vậy quý vị cũng lợi hại quá. Trượt xuống rồi, mau mau mà nắm lấy cành cây, còn để trượt xuống tới chân núi sao? Quý vị nắm lấy rồi mới không bị trượt xuống tiếp, nhưng bước chân đó vẫn chưa giẫm chắc, đều là trọng lực cộng tốc độ mà rớt xuống. Tại sao tu đạo thì tiến tiến thoái thoái, thậm chí là thoái nhiều tiến ít? “Tùng ác như băng”, hễ không phát giác thì vọng niệm liền tung bay. Việc mau nắm lấy cành cây rất quan trọng, động tác phản xạ đó phải cho nhanh. Xin hỏi cái cành cây đó là gì? Đó chính là câu A-di-đà Phật, quý vị lập tức khởi lên là sẽ nắm được, sẽ không rớt xuống nữa. Phải hạ công phu tinh tấn ở trong mỗi sự khởi tâm động niệm. Không niệm thì mê, niệm thì ngộ. Niệm Phật thì không khởi vọng tưởng, niệm Phật tức là vạn đức hồng danh, tiêu nghiệp chướng. Nếu không niệm không thể nào không khởi vọng tưởng. Cho nên câu Phật hiệu này là ngọn rơm cứu mạng, nếu không niệm thì không ra được lục đạo luân hồi. Chúng ta phải có được nhận thức sâu sắc này, phải tinh tấn.
Thiền định độ tán loạn. Bát-nhã độ ngu si. Cái này là chánh đạo ở trong Bồ-tát đạo, chúng ta phải luôn luôn quán chiếu.
“Hóa giả, tự nhiên nhi nhiên”, đây không phải điều cưỡng bách, tại sao vậy? Mỗi người đều có thiện tâm, chúng ta có sự chí thành và đức hạnh thật sự thì những người tiếp xúc với chúng ta chắc chắn sẽ cảm động, không phải chúng ta cố ý muốn yêu cầu họ.
Cho nên phải hạ công phu “chánh kỷ” rất lớn, phải cắn răng bặm môi đối trị tập khí, quyết tâm “cắn chặt răng lại, đời này chứng vô lượng thọ”. “Hóa nhân” có rất nhiều diệu dụng, điều quan trọng vẫn là lời Khổng Tử nói: “Bản thân chánh, không bảo cũng làm; bản thân bất chánh, bảo cũng không theo”. Lấy thân làm mẫu mới là cơ sở quan trọng nhất của việc “hóa nhân”.
Một người thật sự có đức hạnh thì mọi người đều tôn kính họ. Và khi một người biết tôn kính thì họ cũng sẽ dễ dàng tiếp thu sự giáo hóa. Cho nên tại sao sư phụ nói một người muốn đi theo bước chân một vị thiện tri thức, nhất định họ phải vô cùng tin tưởng, cung kính vị thiện tri thức đó thì họ sẽ có thể đắc lực. Bởi vì họ khởi lên tâm cung kính, họ mới có thể tiếp thu giáo hóa. Gọi là “một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Chúng ta xem lão Pháp sư Đế Nhàn, ngài là cao tăng trong những năm đầu Dân Quốc, rất có tu trì. Có một vị cư sĩ tới tìm ngài, có lẽ vị ấy cũng xuất gia rồi, ngài cảm thấy duyên của thầy đó không ở chỗ của ngài nên giới thiệu thầy đến chỗ của một vị cao tăng khác để học tập, bởi vì ngài nhìn thấy căn tánh của thầy đó có lẽ có thể tin tưởng một vị cao tăng khác. Những vị đại thiện tri thức này đều biết quán cơ. Khi mà họ có tâm cung kính rồi, họ sẽ rất dễ dàng có chỗ cảm động, một số quan niệm của họ sẽ có thể chuyển đổi. Những lúc chúng ta muốn giúp đỡ người khác, một điều rất quan trọng là chúng ta không được có thái độ thích làm thầy người. “Được, mình phải giáo huấn anh ta một chút, mình phải giáo hóa anh ta một chút”, nói những lời này thì tâm đã bất chánh rồi.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nói một đoạn đặc biệt nhắc nhở, khai thị chúng ta. “Ngô bối xử mạt thế”, chúng ta ở trong thời kì mạt pháp, “vật dĩ kỷ chi trường nhi cái nhân, vật dĩ kỷ chi thiện nhi hình nhân, vật dĩ kỷ chi đa năng nhi khốn nhân”, bản thân có tài năng, có sở trường, làm được việc thiện rồi, bèn yêu cầu người khác, đàn áp người khác, “Anh coi tôi đều thế này thế nọ, tại sao anh không làm được?”, như vậy là không đạt được hiệu quả cảm hóa người khác. Tại sao vậy? Nếu như chúng ta yêu cầu, chỉ trích họ như vậy thì trong tâm họ chắc chắn không thoải mái, thậm chí còn cảm thấy hình như bị quý vị sỉ nhục, họ có thể thẹn quá hóa giận. Vậy thì động cơ của chúng ta vốn là muốn lợi ích cho họ, sau cùng ngược lại khiến họ sanh phản cảm, khiến họ bài xích chúng ta, thậm chí bài xích Phật pháp, đó chẳng phải là phá vỡ duyên phận, thậm chí là thiện tâm của họ rồi sao? Cho nên việc quan trọng là nâng cao bản thân, đừng có nóng vội muốn đi giảng đạo lý cho người khác, hãy cứ để cho duyên phận chín muồi đã. Khi bản thân chúng ta thật sự có đức hạnh thì người ta chủ động tới thỉnh giáo, tới thân cận, chẳng phải sẽ khiến cho duyên phận càng chóng chín muồi hay sao?
Trong chú giải của sách Vựng Biên nói rằng người hiếu thiện đều mắc căn bệnh chung này, nóng vội muốn đi nói đạo lý cho người khác. Lúc nào cũng ra tay quá nặng, sau đó đối phương đã không vui rồi, không nghe tiếp được nữa, chau mày lại rồi, hoặc là tức sùi bọt mép rồi mà họ vẫn càng nói càng hăng say. Cho nên điều này đáng để cho chúng ta lưu ý. Hơn nữa, nếu như chúng ta nóng vội muốn đi nói với người khác, muốn thuyết phục người khác thì tinh lực của chúng ta sẽ hao phí trong những sự việc này, đều là nhìn vấn đề của người khác, không nhìn rõ vấn đề của mình. Kẻ hay nói người khác ắt là sơ suất khi nhìn lại mình.
Trong Luận Ngữ có nhắc tới “Tử Cống phương nhân”. Tử Cống có tài ăn nói rất tốt, “phương nhân” tức là phê bình người. “Tử viết: Tứ dã hiền hồ tai?” Khổng Tử nói: “Tử Lộ, trò rất hiền đức sao?” “Phu ngã tắc bất hạ”. Khổng Tử nói: “Nếu như là ta thì ta nâng cao bản thân, đối trị tập khí của bản thân, ta còn thấy thời gian không đủ, làm gì còn thời gian mà thường hay đi nói người khác?” Lời nói này của Phu Tử rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Một vị thánh hiền thật sự hướng đạo, chỉ việc dụng công trong đối trị tập khí của bản thân cũng cảm thấy thời gian không đủ, làm gì có nhiều thời gian để phê bình người khác? Cho nên lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói, người học đạo, người thật học, ngay cả thời gian cắt móng tay có lúc cũng không đủ, không dành thời gian được, nếu còn có thời gian phê bình người hoặc là nói chuyện phiếm thí chắc chắn không phải người tu đạo chân thật.
Khổng Tử nói: “Đức không tu dưỡng, học không giảng giải, thấy điều nghĩa không thể làm, sai lầm không thể sửa, là điều ta lo”. Điều chúng ta nên lo lắng mỗi ngày đó là không thể nâng cao đức hạnh của bản thân, không thể sửa lỗi lầm. Phu Tử ngài tích công lũy đức, ngài hết sức tinh tấn, từ câu nói này đã có thể cảm nhận được. Người học đạo phải nên là “tiên trị nội dĩ địch ngoại”. “Trị nội” tức là giữ tốt chân tâm của chính mình mới có thể ứng đối với tất cả các cảnh giới. Nội là gốc, ngoại là ngọn, giống như rễ cây, rễ cây là cái gốc, cành lá là ngọn. Gốc cắm vững rồi thì cành lá mới có thể sum suê; gốc không cắm vững, cho dù bây giờ hoa quả rất tươi tốt, mấy ngày sau đó sẽ khô héo mất. Ngày nay biểu hiện của chúng ta bên ngoài nhìn có vẻ là một người thiện, người ta đều tán thán, nếu như không giữ vững cái tâm này thì chắc chắn sau này sẽ xảy ra vấn đề. Khi chung sống với đại chúng, nếu tùy thuận tập khí thì sẽ khiến người khác sanh phản cảm rất lớn.
Trong sách Đại Học có nói: “Từ thiên tử cho tới thứ dân, đều là lấy tu thân làm gốc”, tu thân rồi, chánh kỷ rồi, mới có thể làm lợi ích cho người khác. Còn như bỏ qua cái gốc rễ này, nóng vội muốn đi làm việc tốt thì tuy là hiển bày ra bộ dạng tốt nhưng gốc không được cắm vững, gốc bị thối rồi thì không làm được đâu. Con người phải lão thật, thường phải quay về gốc rễ, thường quay về số không, thường hướng về chỗ thấp, tâm trạng này hết sức đáng quý. Nếu không thì cho dù có làm việc tốt nhưng tâm cũng bị lệch mất. Tại sao? Không chân thật từ gốc rễ mà thật tu, đó là mơ mộng viễn vông, tâm của bản thân đã bị lệch rồi. Cho nên tại sao thầy Lý Bỉnh Nam năm xưa viết trên bảng đen bốn chữ lớn rằng: “Hảo nhân hiếu sự” (người tốt lắm chuyện). Nhìn có vẻ là người tốt, nhưng trong nội tâm thì lắm chuyện, mơ ước hão huyền, không trọng thực tu. Thực tu tức là luôn luôn quán chiếu khởi tâm động niệm, đối trị tâm trạng không đúng. Tâm của con người, nếu như cái gốc rễ này vô cùng chắc khỏe tức là có thực tu rồi, “tự nhiên cành lá sẽ sum suê”. Cho nên ngày nay muốn lợi ích vạn vật, trước hết phải thanh tịnh tâm của chính mình, “chánh nhân tất tiên chánh kỷ”.
Trong sách Vựng Biên có nhắc tới tiên sinh Tư Mã Quang thời Tống, ông trung hậu chính trực nổi danh khắp nơi. Những nơi ông đến, phong tục ở đó đều vì đức phong của ông mà thay đổi, điều này là không đơn giản. Tiên sinh Tư Mã Quang đã từng nói một câu: “Bình sinh sở vi chi sự, vô hữu bất khả ngữ nhân giả” (những việc bình sinh đã làm, không việc nào không thể nói cho người khác biết). Đó là tấm lòng thẳng thắn, công phu thận độc (cẩn thận với tâm niệm và hành vi khi ở một mình) vô cùng tốt. Bất kì việc gì ông đã làm trong đời này, không có một việc nào ông sợ người ta biết. Đây là mục tiêu tốt của chúng ta. Mọi người nghe tới đây có thể sẽ nghĩ, trước đây tôi đã làm rất nhiều việc không tốt. Người tu đạo đáng quý ở chỗ sám hối nghiệp chướng, sau không tái phạm, “những việc trước đây, như hôm qua đã chết; những việc sau này, như ngày nay mới sanh”. Và “những việc sau này như ngày nay mới sanh”, nhất định phải có thái độ giống như Tư Mã Ôn Công vậy, “bình sinh sở vi chi sự, vô hữu bất khả ngữ nhân giả”, đây mới là trạng thái tu đạo. Giống như “Triệu Duyệt Đạo thắp hương cáo thượng đế”, những việc không dám nói với ông trời thì không thể làm. Giống như chúng ta học Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra mà nói, trời đất quỷ thần lúc nào cũng có, chúng ta có tâm kính sợ thì sẽ rất cảnh giác đối với bản thân, không thể khởi tà niệm, không thể có tà hạnh.
Những nơi tiên sinh Tư Mã Quang đến, người ta đều hết sức coi trọng danh tiết, sau đó “tu đàm hóa lợi”. Nếu họ nói về những điều lợi hại thì cảm thấy rất mất mặt, nên đều nói về điều nghĩa. Bởi vì Tư Mã Ôn Công luôn tận trung vì nước, một lòng vì quốc gia, lão bá tánh nghe thấy tận tai, nhìn thấy tận mắt, đặc biệt khâm phục ông. Khâm phục rồi, tâm cung kính sẽ khởi lên, mỗi ngày đều thăm hỏi tin tức của Tư Mã Ôn Công, nghe thấy những tác phong mô phạm của ông rồi, họ noi gương, học tập, cho nên mọi người đều biết liêm sỉ. Người trong thời đó, nhất là những người học trò muốn làm một việc gì thì nhắc nhở lẫn nhau: Làm những việc này, tuyệt đối không thể có hành vi bất thiện, nếu không tới lúc đó Tư Mã Ôn Công biết được thì anh sẽ rất mất mặt. Thành ra mọi người đều sùng bái Tư Mã Ôn Công, tôn trọng ông, đều cảm thấy làm việc hổ thẹn thì sẽ có lỗi với Tư Mã Ôn Công. Đây là sự chiêu cảm của đức phong.
Chúng ta trong vô lượng kiếp tới nay, gặp được Phật pháp, gặp được đại thiện tri thức như sư phụ đây đều là hiếm có khó gặp, chúng ta phải quý trọng cái duyên này, chính mình phải thường xuyên nhắc nhở không thể để khởi tâm động niệm, từng lời nói, việc làm của bản thân chà đạp giáo huấn của sư phụ. Trong tâm thường nghĩ: Nếu mình đã nghe giáo huấn của sư phụ mà còn làm những việc sai lầm, sư phụ biết được thì ngài sẽ đau lòng biết mấy. Người thường quán chiếu như vậy sẽ trưởng dưỡng thiện căn hiến thân tôn sư, đây là cái gốc rễ lớn. Người có thể luôn luôn nhắc nhở bản thân không thể nào làm mất mặt Đức Phật, không thể nào làm mất mặt sư phụ thì một phần thiện niệm này nhất định có thể điều phục tập khí từ vô thủy kiếp.
Trong thời Ngũ đại, Ngũ đại là sau triều Đường, sau đó mới tới triều Tống. Thời Ngũ đại này có các nước là Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu. Lúc đó có một người tên là Phòng Cảnh Bá, ông đang làm Thái thú ở Thanh Hà. Mẹ của ông là Thôi Thị, “thông kinh thuật” tức là đối với những tứ thư ngũ kinh rất tinh thông, rất có kiến thức, chả trách bà có thể dạy con trai của mình tốt như vậy. Lúc đó có một phụ nữ, con trai của bà bất hiếu nên đã đi kiện lên quan phủ. Bà Thôi Thị biết được chuyện liền nói nhân dân không biết lễ nghĩa, không nên trách móc họ quá nghiêm khắc. Giống như Tăng Tử đã từng nói rằng: “Người trên bỏ chánh đạo, lòng dân tán loạn đã lâu”. Người làm quan viên, người làm lãnh đạo, có trách nhiệm giáo hóa nhân dân, giáo hóa người bên dưới. Cho nên mẹ của Phòng Cảnh Bá luôn luôn nhắc đến những giáo huấn của thánh hiền chứ không phải đem đạo lý ra chỉ trích người khác, điều này thật quá hiếm có. Bà cảm thấy bà có trách nhiệm, con trai của bà có trách nhiệm, liền cho đưa người mẹ này đến cùng sống ở bên cạnh mình, sau đó để con trai của bà là Phòng Cảnh Bá, lúc đó là Thái thú trong vùng, phụng sự hai bà mẹ. Sau đó cho con trai của bà ấy đến nhà của họ để coi ông phụng sự mẹ của mình như thế nào, phụng sự mẹ của một lão bá tánh như thế nào.
Mỗi ngày ông đều luôn quạt nồng ấp lạnh, thỉnh an sớm tối, hơn nữa đều luôn hết sức cung kính, thấu hiểu. Con trai của bà xem được mười ngày thì rất là hổ thẹn, sau đó khẩn cầu, đều là lỗi của tôi, tôi không biết hiếu thuận, có thể cho tôi đưa mẹ của mình về nhà không? Cho nên con người thật sự có tánh bổn thiện, nhìn thấy những tác phong mô phạm này sẽ hiển lộ thiện tâm. Phòng mẫu nói rằng, mặc dù anh ta bây giờ có biểu hiện rất là hổ thẹn, nhưng vẫn chưa có cảm động sâu sắc đến tâm anh ta. Bề mặt thì có hổ thẹn rồi, nhưng chưa chắc có thể buông xuống được sĩ diện, đã cảm thấy rất mất mặt rồi, nhưng thật sự từ trong tâm vẫn chưa thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ. Cho nên Phòng mẫu lại giữ người này ở thêm hai mươi ngày nữa, con trai của bà khấu đầu đến nỗi chảy máu, khẩn cầu cho anh ta đưa mẹ mình về nhà phụng dưỡng. Mẹ anh nhìn thấy con trai mình như vậy cũng nước mắt đầm đìa mà thỉnh cầu: “Xin cho tôi và con trai tôi về nhà đi”. Sau đó ông cho bọn họ trở về. Kết quả người dân này về sau đã trở thành hiếu tử. Việc này quả thật là dùng tác phong mô phạm của bản thân để giáo hóa nhân dân của mình. Một người làm quan mà có thể thật sự làm lợi ích cho nhân dân thì đó là thật sự tận trung, không phải đi xu nịnh a dua lãnh đạo, đó không phải là tận trung.
Ngoài ra còn có nhắc tới một đôi anh em tên là Thi Tá và Thi Hựu, anh em đều làm chức Tri châu, chức quan đó cũng không nhỏ. Về sau cáo lão về quê, khởi sự tranh chấp những ruộng đất của gia đình, sau khi chia đất xong, cảm thấy phần đất đó của anh thì tốt hơn, phần đất này của tôi không tốt bằng. Tôi đọc tới đây cũng cảm thấy rất là ái ngại, tại sao vậy? Quý vị là người làm quan, là người có học thức, bản thân lớn tuổi như vậy rồi, hai anh em lại vì đất đai mà phát sinh xung đột, không thỏa đáng rồi. Hơn nữa bạn bè người thân muốn giúp họ hòa giải, cũng không hòa giải được.
Trong huyện ấp đó có một vị tiên sinh tên Nghiêm Phụng rất có đức hạnh, ông nổi danh hiếu đễ, “sự huynh như phụ”, phụng sự anh mình giống như cha mình vậy, vô cùng thấu hiểu yêu thương, “vô sở bất chí”, vô cùng thấu hiểu. Có một ngày ông đi chung thuyền với Thi Hựu, Thi Hựu là em của Thi Tá. Thi Hựu đã nói tới câu chuyện giữa mình với anh trai mình, có thể cũng đang càm ràm, cảm thấy anh trai mình rất quá đáng, anh coi thế này thế này, thế kia thế kia. Nghiêm Phụng là người rất cung kính anh trai của mình, nghe thấy liền chau mày mà nói rằng, anh trai của tôi khá là yếu đuối, nếu như anh trai của tôi giống như anh trai của anh thì tôi chắc chắn sẽ đem ruộng đất cho anh ấy hết, tôi còn mong sao anh trai tôi tới lấy đi. Ông vừa nói vừa chảy nước mắt, những thứ này tôi đều cho anh trai tôi hết, đây là việc mà tôi vui sướng nhất. Thi Hựu nghe xong thì thấy rất hổ thẹn, rất cảm động, liền dẫn tiên sinh Nghiêm Phụng đi tới nhà anh trai của mình, rồi quỳ xuống khấu đầu với anh trai mình, sau đó sám hối, nói anh cảm thấy mình làm rất là không đúng, liền đem đất ra nhường cho anh trai mình. Anh trai ông lúc đó cũng bị cảm động, hai anh em liền ở ngay đó, vốn dĩ là tranh nhau giờ biến thành lễ nhường nhau.
Người thật sự hiếu đễ thì chánh kỷ có thể hóa nhân, bởi vì lời nói của họ đều xuất phát từ đáy lòng, từ sự chí thành. Từ những công án này chúng ta cũng có thể lĩnh hội được, tâm chí thành cùng cực khiến đá vàng cũng phải nứt. Cho nên người tu hành điều rất quan trọng là nhất định giữ được cái tâm chân thành này. “Phát Bồ-đề tâm”, tâm chân thành là thể, tâm từ bi là dụng.
Hôm nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!