Chia Sẻ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 47) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia.

Tập 47: Hãy dùng tấm lòng rộng lớn mà thực hành Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa. Tâm lượng lớn thì phước sẽ lớn.

Ngày 11 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta trong quãng thời gian này cùng nhau thảo luận học tập các câu kinh trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, từ “trung hiếu hữu đễ, chánh kỷ hóa nhân, căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu, côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (trung hiếu hòa thuận thân ái), sửa mình cho chánh đáng hòng dạy người khác, thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Chớ nên thương tổn côn trùng, thảo mộc). Chúng ta bây giờ đang học tập câu “nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy” (hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm). Cả đoạn kinh văn này điều quan trọng nhất chính là yếu tố cốt lõi của cả nền văn hóa và đức hạnh của chúng ta, đó là trung, hiếu, nhân, nghĩa.

Chữ “hiếu” này, nói như nhà Phật là chân tâm, là tâm chí thành. Trong Khởi Tín Luận có nói tới “trực tâm”, tức là chữ hiếu này. Cho nên một người muốn chân thành, thì họ nhất định phải thật sự hiếu dưỡng cha mẹ. “Thâm tâm” là “trung”, chúng ta xem, cái thâm tâm này là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh thì sẽ không tham chấp, không tự tư tự lợi, mới có thể tận trung. Bình đẳng thì sẽ không ngạo mạn. Con người nếu như không thành kính, không có thái độ cung kính thì họ sẽ không thể nào trung được. Chúng ta ở trong đoàn thể hễ ngạo mạn rồi thì có thể sẽ khiến cho đoàn thể đối lập, bất hòa, vậy sao có thể trung được. Giác ngộ, thanh tịnh bình đẳng giác mới có thể tận trung, mới là thâm tâm, mới là nâng cao cảnh giới của chính mình. Giác ngộ rồi thì tuyệt đối không làm việc theo tâm trạng. Cho nên chúng ta thấy người tu Tịnh tông thật sự sẽ chí công vô tư, thật sự cung kính khiêm nhường, hơn nữa, luôn luôn lấy đại cục làm trọng, sẽ không làm việc theo cảm tính. Trực tâm, thâm tâm, tiếp theo là “tha thọ dụng”, đó là “đại bi tâm”. Còn sự thực hành cụ thể điều này của nhà Nho thì chính là Nhân Nghĩa. Cho nên “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu; côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”, đều là biểu hiện của tâm nhân từ.

Tiếp theo đó “nghi”, chữ “nghi” này tức là nghĩa, “nghi” là việc phải nên làm, thấy nghĩa là làm. Những câu kinh văn tiếp theo đều thuộc về bộ phận đạo nghĩa, người xưa thì thấy nghĩa là làm, dù nước sôi lửa bỏng quyết không từ nan, thậm chí là sát thân thành nhân (bỏ thân để thành tựu đức Nhân), xả thân vì nghĩa. Chúng ta ở trong thời đại này phải nên làm tròn đạo nghĩa gì đối với quốc gia, với dân tộc, với xã hội. Đây là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Ví dụ nói bây giờ tai họa nhiều như vậy, chúng ta tìm một nơi để sống những ngày an vui có được hay không? Đây là vấn đề đáng để suy ngẫm. Bất luận làm việc gì đều không thể trái nghịch “trung, hiếu, nhân, nghĩa”, trái nghịch thì sẽ tổn đức của chính mình, tâm tánh cũng đọa lạc. Đời này tu đạo, căn bản nhất là phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải luôn luôn khởi lên tâm nhân nghĩa, tự tư thì không thể nhân được, tự lợi thì không thể nghĩa được.

Chúng ta ngày nay đọc được câu kinh văn này, “mẫn nhân chi hung”, cái “hung” này bao gồm việc xấu do người ta làm. Họ làm không đúng, chúng ta có nóng giận không? Nếu như đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chữ “nhân” này là bao gồm đạo khoan thứ ở bên trong. Người đời nay, người không học thì không biết, không biết nghĩa, gọi là “người trước không thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, đừng nên trách họ”. Câu nói này chúng ta đều rất quen thuộc, nếu thật sự hiểu rõ câu nói này, thật sự đặt câu nói này trong tâm rồi thì chúng ta sẽ không so đo với bất kỳ ai, sẽ không trách cứ bất kì ai, thậm chí còn thương xót họ.

Người ở trong thời đại này đều không có học, chúng ta còn đi trách cứ họ, tục ngữ nói, đó là chấp nhất với người có trình độ kém hơn mình. Trình độ của chúng ta và người ta ngang nhau thì mới đi trách cứ người ta, mới đi sanh sự cãi nhau với người ta được. Cho nên hãy có tâm nhân từ, đều bao dung hết, “người đói mình đói, người chìm mình chìm”. Bây giờ họ làm việc xấu, thật ra họ cũng đang trong tình trạng rất là nguy hiểm, dùng thân người khó được mà làm việc ác trong ba đường ác, làm sao họ không nguy cấp chứ? Phước báo xài hết rồi liền đọa vào ba đường ác. Chúng ta nhìn thấy người làm ác, ngược lại phải thương xót họ mới đúng.

Đối mặt với tai họa ngập tràn hiện nay, thấy nghĩa phải dũng cảm làm, làm sao để hóa giải tai họa này? Chí tâm cầu nguyện có thể đẩy lùi tai họa nhưng muốn giải quyết vấn đề căn bản của tai họa thì nhân tâm vẫn phải chuyển ác thành thiện mới được. Nhân tâm phải chuyển ác thành thiện thì điều then chốt nhất là phải tiếp thu giáo huấn của thánh hiền Phật Bồ-tát. Phân tích tới đây rồi, bây giờ phải làm tròn một phần đạo nghĩa đối với dân tộc, thế giới, công việc quan trọng nhất đó là “dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”, đây là phương pháp thật sự hóa giải căn bản tai họa, thúc tiến hòa bình. Con người nếu như đều hiểu rõ những đạo lý này thì cuộc đời này sẽ làm tròn đạo nghĩa, sẽ không tiếp tục vì danh lợi của mình mà truy cầu nữa. Trước khổ nạn của chúng sanh, chúng ta nhìn mà không thấy thì không cách nào tu Bồ-tát đạo được, lương tâm cũng từng chút một bị vùi lấp đi mất. Phật Bồ-tát có trí huệ, “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Mọi người sợ tai họa, vấn đề là sợ cũng vô ích, sợ thì nó vẫn tới; Phật Bồ-tát giác ngộ rồi nên từ trong nguyên nhân mà giải quyết. Bởi vì tạo tác ác nghiệp mới chiêu cảm tới tai họa, tạo tác thiện nghiệp, có phước báo rồi thì tự nhiên sẽ không chịu tai họa nữa, gọi là người phước ở đất phước. Nhiều tai họa như vậy tức là những khu vực này đều không có phước nữa, ác nghiệp chiêu cảm tới tai họa.

Cho nên phải khiến người ta hiểu lý, đoạn ác tu thiện. Phương pháp cụ thể của đoạn ác tu thiện, sư phụ thường nói đó là, cắm vững ba cái gốc đức hạnh, đó là phải thực hành giáo huấn của Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. Tất cả các thiện hạnh đều không tách rời mười nghiệp thiện: Không tham, không sân, không si, không nói dối, không hai lời, không thêu dệt, không nói ác, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Chúng ta có thể vì hóa giải tai họa, vì chấn hưng Phật pháp mà thực hành mười nghiệp thiện, tâm lượng này rộng lớn thì phước sẽ lớn. Nếu như chúng ta trong khi tu mười nghiệp thiện chỉ nghĩ tới vì chính mình, vì người thân thì tâm lượng này nhỏ, phước báo sẽ nhỏ. Tâm lượng lớn thì phước mới có thể lớn. Cho nên bây giờ “như thuyết tu hành”, y giáo phụng hành, đều phải dùng tâm lượng rộng lớn để thực hành, gọi là “tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Chúng ta tu bằng tâm lượng nhỏ, nghiệp lực lớn như vậy thì không thể chuyển được. Trong Kinh Địa Tạng có nói với chúng ta: “Sức nghiệp lớn như núi Tu-di, sâu như biển cả, làm chướng ngại thánh đạo”. Nghiệp lực lớn như vậy, tâm lượng chúng ta nhỏ thì không chuyển được. Phật Bồ-tát tâm bao thái hư, cho nên các ngài không gặp tai họa, phước báo của các ngài lớn. Chúng ta là đồng tu tu Tịnh tông, những lúc đọc kệ hồi hướng, đều là “tận thử nhất báo thân, đồng sanh Cực Lạc quốc”, đó tức là thỉnh cầu, chúc nguyện tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới đều sanh về Cực Lạc, tấm lòng này sẽ vô cùng rộng lớn.

Chúng ta từ những giáo huấn của Nho gia sẽ biết được cái “nghĩa” này quả thật là bổn phận của chúng ta. Thấy nghĩa phải dũng cảm làm, thấy lợi phải nghĩ đến nghĩa, khi được vật gì cũng phải nghĩ tới nghĩa, không thể hám lợi, nếu không sẽ không phù hợp với đạo nghĩa. Chúng ta sống trong thời đại hiện nay, tai họa nhiều như vậy mà chúng ta vẫn được bình an thuận lợi trong cuộc sống, trong công việc, lại có thể rất an tâm tu học, thật ra mà nói, đây là phước báo rất lớn. Hơn nữa phước báo này cũng là sự tín nhiệm và ủng hộ của đại chúng trong mười phương đối với chúng ta. Cho nên chúng ta phải cảm tạ ân đức của đại chúng, càng phải nên tận tâm tận lực hoằng hộ chánh pháp. Đối mặt với tình hình tai họa ngập tràn hiện nay, người tu đạo chúng ta phải có sự cảnh giác cao độ, thường nhớ vô thường sẽ tới. Bản thân chúng ta có cảm thấy nguy cấp không? Nếu như bây giờ vô thường tới rồi, bản thân chúng ta có chắc chắn là không sợ hãi không? Có chắn chắn đầu óc tỉnh táo, biết được chính mình sẽ đi về đâu không? Điều này rất là then chốt. Nếu như ngày mai tai họa tới rồi, chúng ta có công phu, có năng lực như thế này không? Nếu như có thể nghĩ như vậy thì tai họa sẽ biến thành tăng thượng duyên.

Con người thật ra khi ở trong thuận cảnh, ở trong phước báo, không dễ gì khởi lên được tính cảnh giác, ngược lại khi có những cảm giác nguy cơ này, tính cảnh giác sẽ cao. Người thật sự biết tu hành thì cảnh duyên không tốt xấu, cảnh giới hiện tại này cũng là cảnh giới tốt. Mọi người có cảm giác này không? Những lúc xem xong một số vụ tai họa, một hai ngày đó đặc biệt tinh tấn, có cảm giác như vậy không? Qua một tuần lễ sau, hình như tính cảnh giác lại thấp xuống. Cho nên tại sao sư phụ nói bộ phim “2012” đó phải xem thêm mấy lần, thậm chí những lúc giải đãi, thì mở ra mà xem. Ngày mai nếu như chính là tình hình mà trong bộ phim đó xảy ra, bản thân mình có nắm chắc được không? Cho nên đối với chúng ta, sự nguy hiểm nằm ở đâu? Nguy hiểm ở chỗ là nếu như tai họa xảy ra, chúng ta không thể nào không hoảng sợ, không thể quý trọng cơ hội này mà thoát ly lục đạo, thoát ly thập pháp giới, mà lại luân hồi vào ba đường ác. Điều này chính là những sự nguy hiểm nhất đối với chúng ta. Cho nên “chỉ nhớ vô thường, đừng nên phóng dật”, không thể nào giải đãi, lười nhác nữa mà phải luôn luôn giữ gìn thái độ tinh tấn. Đây là lúc chúng ta đối mặt với tai họa, tai nạn bây giờ khá là nhiều, nên có sự nhắc nhở chính mình.

Từ “mẫn” này là thương xót những người gặp tai họa và những người tạo ác hạnh. Trong sự thương xót này cũng có thể tiến một bước là giúp đỡ hóa giải căn bản tai họa, điều này tức là dùng trí huệ để hành đạo nhân ái. Nếu chúng ta có thể thương xót sự hung ác của người khác thì đây chính là bao dung, là nhân từ, chứ không phải khởi lên tâm sân hận, tâm chỉ trích.

Câu tiếp theo nói rằng: “Lạc nhân chi thiện” (vui với điều thiện người khác làm), nhìn thấy điều ác thì bao dung, nhìn thấy việc thiện có thể tùy hỉ, thậm chí là học tập theo họ, thành tựu việc tốt của họ. Gọi là “quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác” (quân tử thành tựu việc tốt của người, không thành tựu việc ác của người). Cho nên “lạc nhân chi thiện”, từ “lạc” này là vui mừng người khác làm việc tốt, không đố kị.

Đố kị sẽ đọa địa ngục. Tại sao vậy? Đố kị thì chắc chắn sẽ sanh sân hận. Hơn nữa, tâm đố kị nếu không trừ, nếu như làm quan trong triều đình, làm cán bộ trong nhà nước thì nhất định sẽ đi hãm hại người khác. Sau khi đố kị chắc chắn sẽ có một số hành vi khá là gian hiểm xuất hiện, làm chướng ngại một số sự việc tốt, sự việc quan trọng thì ảnh hưởng không tốt sẽ rất lớn. Cho nên tâm đố kị này nếu không tiêu trừ thì nghiệp tạo ra sẽ vô cùng lớn. Kể cả nếu như ở trong đạo tràng, ở trong đội ngũ hoằng pháp lợi sinh, chúng ta đố kị người có đức có tài, làm chướng ngại họ, khiến cho sự nghiệp hoằng pháp gặp phải tổn hại rất lớn, có thể cơ duyên nghe pháp của đại chúng sẽ bị đánh mất. Cho nên mặt ảnh hưởng này rất lớn, tội nghiệp tạo ra cũng lớn.

Sư phụ đã từng giảng Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh. Tại sao lại giảng bộ kinh này? Một điểm rất quan trọng đó là giúp người học Phật chúng ta phải buông bỏ tâm đố kị. Trong kinh văn có nhắc tới, có người nhìn thấy hai vị xuất gia có pháp duyên thù thắng, sanh tâm đố kị hủy báng họ, kết quả khiến những người học tập đánh mất tín tâm, còn họ đều bị đọa vào địa ngục. Từ địa ngục thoát ra còn phải vào đường quỷ, đường súc sanh, sau cùng làm người còn bị ngu si mê muội. Cho nên không thể trồng nhân ác như vậy.

Giữa các đồng đạo, trong khi nói chuyện với nhau, nếu như nhìn thấy đối phương có tâm lượng nhỏ, đang hủy báng, đang đố kị người khác thì hãy mau mau khéo léo nhu hòa mà khiến đối phương rộng mở tâm lượng, có thể nhìn thấy ưu điểm của người khác. Cho nên nếu không tu “lạc nhân chi thiện”, không tu “tùy hỉ công đức” thì đời này niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Thế giới Tây phương Cực Lạc là pháp giới của Bồ-tát Phổ Hiền, tâm niệm của chúng ta hoàn toàn trái nghịch với tần số này thì không thể nào thành tựu được. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử có nhắc tới, quân tử có ba niềm vui: “Thích nói điều tốt của người, thích có nhiều bạn hiền, thích lễ tiết lễ nhạc”. Cho nên “thích nói điều tốt của người” là việc mà quân tử vui mừng nhất.

Trong thời đại này, người hành thiện không nhiều, nếu chúng ta có thể khẳng định, tán thán những người hành thiện thì họ được khích lệ, họ sẽ càng tích cực hành thiện. Tiên sinh Liễu Phàm có một đoạn đối với chúng ta cũng là lời nhắc nhở đặc biệt quan trọng. “Ngô bối xử mạt thế”, chúng ta ở trong thời kì mạt pháp, “vật dĩ kỷ chi thiện nhi hình nhân, vật dĩ kỷ chi đa năng nhi khốn nhân, thu liễm tài trí, nhược vô nhược hư” (đừng lấy cải giỏi của mình mà xét người khác, đừng lấy tài năng của mình mà làm khó người khác, phải thu liễm tài trí, hành xử như người kiến thức tài năng còn nông cạn). Bản thân phải khiêm nhường, thấy người có “vi trưởng khả thủ, tiểu thiện khả lục” (có điều giỏi thì mình noi gương, có việc thiện nhỏ thì ghi chép lại). Thấy người khác có ưu điểm, có thiện hạnh tốt, thì “phiên nhiên xả kỷ nhi tùng chi”, vui mừng họ, tiếp đó cùng làm theo họ, thành tựu họ, điều này khá là quan trọng, như vậy mới có thể khơi dậy phong khí hành thiện. Cho nên Đệ Tử Quy mới nói “khen người thiện, tức là thiện, người khác biết, càng tốt hơn”. Một người hành thiện, thật ra đều là hành thiện trong từng cử chỉ đưa tay, nhấc chân. Chúng ta tán thán người tức là hành thiện, chúng ta hủy báng, hãm hại người tức là đã tạo ác. Chúng ta giúp người một tay là hành thiện, chúng ta đẩy người tức là đã tạo ác; đều là khác biệt ở trong một niệm.

Tiếp theo kinh văn nói: “Tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy”, giúp người khác lúc cấp nạn, cứu giúp người khác lúc nguy hiểm. Từ “cấp” này, thông thường mà nói, ví dụ nói bị bệnh rồi, rất thiếu thuốc thang; ví dụ có người qua đời, đang cần an táng; ví dụ nói thiếu nước, thiếu thực phẩm rồi, điều này cũng rất nguy cấp; điều này đều thuộc về “tế nhân chi cấp”. Kể cả có người thiếu tiền rất khẩn cấp, trong thời xưa phải trả tiền cho nhà nước mà không trả được, có lúc còn phải bán cả con trai, bán cả con gái cũng có.

Thời Tống có một danh tướng tên Vương Tăng, lúc đó ông vào kinh dự thi, trên đường có gặp hai mẹ con nhà nọ, nhìn vẻ mặt của họ hết sức là đau khổ, khóc lóc rất đau lòng, liền hỏi tình hình của họ, là vì sắp phải trả tiền cho nhà nước mà họ không trả được, phải đem con gái mình bán đi. Vương Tăng nói, vậy bà hãy bán con gái cho tôi. Hơn nữa một điểm rất đáng quý của người xưa, tức là những lúc hành thiện, còn nghĩ tới việc an ủi đối phương, còn rất sợ người khác cảm tạ, khen ngợi mình, đều xuất phát từ tâm chân thành. Cho nên ông còn nói với hai mẹ con này, tôi là người làm kinh doanh, sẽ thường xuyên lui tới khu vực này, cho nên con gái bà bán cho tôi, sau này còn có thể thường được gặp lại bà. Khiến bà ấy không lo lắng, khiến bà ấy về mặt tình cảm còn cảm thấy khá là an lòng. Ba ngày sau, tôi tới nhận con gái bà. Liền đem tiền đưa cho bà. Ba ngày sau, ông không tới, sau cùng hai mẹ con này cảm thấy rất kinh ngạc, đi hỏi thăm, sau cùng hỏi thăm được nhà trọ mà Vương Tăng đã ở, vừa hiểu ra, ông sớm đã đi rồi.

Chúng ta xem Vương Tăng ngay cả để người ta đáp tạ, ông cũng cảm thấy đây là việc nên làm, không cần thiết để người cảm tạ. Vương Tăng sau khi đi ứng thí, được tam nguyên cập đệ, tức là thi đậu thứ nhất cử nhân, là giải nguyên; thi hội cũng đậu thứ nhất, là hội nguyên; thi đình cũng đậu thứ nhất là trạng nguyên. Ông liên tiếp đứng đầu ba kì thi, âm đức vô cùng dày. Thật ra Vương Tăng chính là Tăng Tử chuyển thế, cho nên gọi là “Tăng”. Bởi vì mẹ của ông khi sắp sanh ông thì đã nằm mơ thấy Tăng Tử tới nhà mình, tất nhiên đó là do nhà họ có phước dày nên mới chiêu cảm thánh hiền nhân này tới.

Cho nên quý vị đồng đạo, lập gia đình rồi mà vẫn chưa có con thì phải tu cho tốt, chiêu cảm thánh hiền nhân tới nhà quý vị, “cứu nhân nguy cấp” thì sẽ chiêu cảm thánh hiền nhân. Giống như trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói về “Phùng Trác Am thái sử chi phụ” (cha của thái sử Phùng Trác Am). Cha của ông là tú tài, đang đi trên đường thì nhìn thấy một người bị ngất xỉu, hơn nữa trời đang đổ tuyết lớn, chắc chắn sẽ chết cóng, ông liền vội vàng cởi áo bông của mình ra để đắp lên thân của người này, đưa về nhà mau chóng cấp cứu. Chúng ta thấy tâm nhân nghĩa của người xưa chính là ở ngay trong động tác nhỏ này, không nghĩ cho bản thân, liền lập tức cởi áo bông của mình ra. Cho nên buổi tối hôm đó đã mơ thấy thần nói với ông: “Ngươi cứu một mạng người, xuất phát từ tâm chí thành, ta cử Hàn Kỳ làm con trai ngươi”. Cho nên thái sử Phùng Trác Am tên Phùng Kỳ. Tiên sinh Hàn Kỳ là một danh tướng thời Tống. Cho nên cứu người trong cơn nguy cấp, công đức này lớn vô cùng.

“Nguy” là tình hình như thế nào? Thông thường nguy là chỉ sự nguy hiểm đến tánh mạng, ví dụ nói gặp nạn nước, gặp nạn lửa, thậm chí là bị người ta mưu hại, có thể phải gặp họa sát thân, cái này đều thuộc về nguy. Như chúng ta là đệ tử Phật hiểu được Phật pháp, nhìn sự nguy hiểm không chỉ nhìn trước mắt mà còn phải nhìn thấy sự nguy hiểm trong đời sau của mình và người khác, nếu như tiếp tục tạo ác như vậy thì chắc chắn là quả báo ở ba đường ác. Nhìn thấy rõ ràng rồi, tận tâm tận lực giúp đỡ tất cả mọi người, đại chúng có duyên, nhất là bạn bè quyến thuộc của chính mình, có thể chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, nếu không thì họ thật là trong tình trạng quá nguy hiểm, rớt vào ba đường ác đều là vạn kiếp khó ra. Sự nguy cấp này, rất có thể nếu như chúng ta không giúp đỡ họ thì sanh mạng của họ không còn nữa, cả nhà của họ có thể nuối tiếc cả đời.

Có một người vừa hay phát hiện ra ở nơi xa kia có chiếc thuyền của một người bị lật, người đó đã đang chìm chìm nổi nổi ở trên biển. Ông liền mau gọi thuyền cá đi cứu, thuyền cá không chịu, ông lập tức lấy ra mấy chục lượng bạc, bảo họ đi cứu. Kết quả khi cứu được người đó đem vào nhìn lại thì chính là con trai ông. Quý vị xem thiện tâm này đã hóa giải kiếp nạn của con trai chính mình.

Kể cả tôi đã từng nói qua với mọi người, một thương nhân ở tỉnh An Huy tên là Vương Chí Nhân nhìn thấy một người phụ nữ ẵm một em bé nhảy sông tự sát, ông liền cứu cô, thì ra cô không có tiền, bởi vì nợ người ta rất nhiều tiền, đi bán một con heo, kết quả lại nhận về là bạc giả. Mọi người có còn nhớ câu chuyện này không? Âm đức này rất là dày, cứu người lúc nguy cấp. Kết quả vốn dĩ ông có số đoản mệnh, sau cùng tích được phước dày như vậy, người phụ nữ đó cùng chồng của cô nửa đêm đi tìm ông, ông đứng lên mở cửa, bức tường liền ngã xuống đè tan nát cái giường của ông, ông thoát được một kiếp nạn. Về sau hình như sống tới 96 tuổi, sanh được 11 người con trai, thay đổi vận mệnh phải tận tâm tận lực, hành đạo nhân nghĩa.

Được rồi. Sáng nay tôi chia sẻ với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!