CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 5/49: Tùy thuận tánh đức sẽ chiêu cảm đến đời sống mỹ mãn.
Giảng ngày 23 tháng 07 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là đề kinh. Thái Thượng là tôn xưng, tôn xưng Lão Tử, thủy tổ của Đạo giáo. Khi Lão Tử sanh ra đời, tóc ngài đã bạc trắng, đạo đức học vấn của ngài rất tốt, cho nên gọi ngài là Lão Tử. Bổn danh của ngài, họ Lý, tên Nhĩ, hiệu Lão Đam.
Văn hóa truyền thống chúng ta là tam giáo Nho Đạo Thích, giáo huấn của tam giáo đều hết sức tương ứng. Tại sao vậy? Bởi vì giáo huấn của thánh hiền nhân đều hiển lộ từ tánh đức, tương thông với tánh đức. Con người nếu như có phân biệt, chấp trước thì họ sẽ so cao so thấp, sẽ cảm thấy không tương đồng. Vào thời Thanh, hoàng đế Ung Chính nhìn thấy những người học tập Nho Thích Đạo có rất nhiều điểm phân biệt, chấp trước, cho nên đã viết một bài Ung Chính Hoàng Đế Thượng Dụ. Trong đó có nhắc tới: “Tam giáo chi giác dân ư hải nội dã, lý đồng xuất ư nhất nguyên, đạo tịnh hành nhi bất bội”. Giáo huấn của tam giáo đều là tương ứng, lý đều xuất ra từ một nguồn, đều là dạy người đoạn ác tu thiện, những giáo huấn này đều hiển lộ ra từ trong tánh đức của các thánh hiền nhân.
“Thái Thượng” là tôn xưng Lão Tử. “Thái” là chỉ chí đại, lớn không gì bằng; “Thượng” tức là chí cao. Cho nên từ “chí đại chí cao” này thật ra cũng là sự tán thán đối với tánh đức. “Thái Thượng” này chính là sự tôn xưng tự tánh của chúng ta. Cho nên, Thái Thượng là tự tánh của chúng ta, là lúc chân tâm của chúng ta hiển lộ ra, con người chính là đối nhân xử thế như vậy. Nói theo cách nói thông thường thì chân tâm chính là lương tâm, lương tri vốn có của mỗi một người. Cho nên chúng ta tuân theo giáo huấn của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra chính là tùy thuận tánh đức của chính mình; nếu không làm như vậy tức là trái nghịch với tánh đức của chính mình.
Người thế gian đều rất nhấn mạnh phải thông minh một chút, rất nhiều cha mẹ cũng hy vọng dạy con cái mình thông minh một chút. Thật ra con trẻ giữ gìn được sự ngây thơ lại là một chuyện tốt. Bởi vì tục ngữ có nói: “thông minh lại bị thông minh hại”. Cho nên, người được cho là thông minh, nhưng trên thực tế lại có những suy nghĩ trái nghịch tánh đức, trái nghịch Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra đã bị chính mình làm lầm lạc. Bởi vì trái nghịch tánh đức là việc thiệt thòi nhất, sẽ không khôi phục được tánh đức. Cho nên tùy thuận tập khí, làm tổn hại cho người khác thì nhỏ, làm tổn hại cho mình là lớn nhất. Tuân theo giáo huấn của Cảm Ứng Thiên là tùy thuận tánh đức, một niệm thanh tịnh. Khi chúng ta trái nghịch tánh đức, mỗi niệm này là “cảm”, cảnh giới được chiêu cảm đến gọi là “ứng”, cho nên hãy tùy thuận tánh đức, một niệm thanh tịnh sẽ chiêu cảm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Con người đời này điều đáng trân quý, coi trọng nhất, tuyệt đối không thể tơ hào lơ là khinh suất là điều gì? Chính là tinh thần, tư tưởng của chúng ta. Tại sao là tinh thần, tư tưởng? Thật ra nếu dùng đạo lý về cảm ứng thì sự lĩnh hội của chúng ta sẽ càng sâu sắc. Một niệm tịnh sẽ tương ứng với pháp giới Phật, tương ứng với thế giới Cực Lạc, “Phật giới duyên khởi” (cảnh giới Phật theo duyên mà khởi). Chúng ta niệm một câu A-di-đà Phật có cảm ứng không? Có, mặc dù chúng ta bây giờ vẫn không cách nào chứng minh được có cảm ứng gì xảy ra. Trong thời đại này, người thế nào có phước nhất? Người chân thật nghe lời, người tin tưởng giáo huấn của Phật Bồ-tát, người như vậy là có phước khí nhất. Bởi vì đức Phật đã giác ngộ triệt để, ngài nhìn thấy chân tướng của cả vũ trụ nhân sinh, tuy chúng ta vẫn chưa nhìn thấy, nhưng chịu nghe lời làm theo thì sẽ được lợi ích lớn. Thời đại này người có được lợi ích là người có thể tin tưởng lời thánh nhân đã nói, tin tưởng “thánh ngôn lượng”. Tất nhiên, sau khi tin tưởng phải tiến vào giải, hành, thật sự đi thực hành thì bản thân họ cũng sẽ chứng nhập. Cho nên Tổ sư Tịnh Độ Tông chúng ta, Đại sư Liên Trì đã từng nói vào lúc lâm chung rằng ngài đã nhìn thấy thế giới Tây phương Cực Lạc đến mấy lần rồi. Sự cảm ứng đó đã hiện tiền. Trong kinh Phật có nói, người chỉ cần chí tâm niệm câu Phật hiệu này thì thế giới Tây phương Cực Lạc sẽ nở một đóa hoa sen. Quý vị niệm càng chân thiết, hoa sen này sẽ càng lớn. Thưa quý vị đồng nhân, hoa sen hôm qua của chúng ta đã biến lớn hay biến nhỏ rồi? Có cảm ứng đấy, mỗi ngày đều có tăng giảm đấy, là “duy nhân tự triệu” (do người chiêu cảm đến).
Thật sự hiểu được đạo lý về cảm ứng thì người ta đối với khởi tâm động niệm của chính mình sẽ hết sức cẩn thận. Khi nhân duyên của chúng ta đã chín muồi, cơ duyên vãng sanh đã thành tựu thì A-di-đà Phật sẽ cầm đóa hoa sen đó đến rước chúng ta. Cho nên, khi mọi người niệm Phật thì quán tưởng hoa sen càng ngày càng lớn, nếu như chúng ta khởi phiền não, thì quán tưởng hoa sen càng ngày càng nhỏ, hoặc là đã sắp héo tàn. Lúc này, tính cảnh giác sẽ cao lên, càng niệm càng sanh tâm hoan hỉ. Cho nên, một niệm tịnh thì nhân duyên vãng sanh Tây phương sẽ càng ngày càng chín muồi; một niệm nhiễm chấp thì nhân duyên trong chín pháp giới sẽ ứng. Một ý niệm của một người sanh ra chủng tử của mười pháp giới. Điều này bày ra mười con đường trước mắt chúng ta, chúng ta muốn đi con đường nào? Phật Bồ-tát chỉ có thể đem chân lý nói với chúng ta, còn đi con đường nào thì Phật Bồ-tát không quyết định được, là do “duy nhân tự triệu”, việc này phải dựa vào bản thân mình. Tục ngữ có câu: “Sư phụ dẫn vào cửa, tu hành dựa vào chính mình.”
Trong kinh Phật cũng nói hết sức rõ ràng, thường xuyên giữ tâm lục độ sẽ chiêu cảm pháp giới Bồ-tát. “Liễu giải khổ tập diệt đạo, liễu giải nhân ngã không tướng” thì đây là cõi của La-hán, của Thanh Văn. Liễu giải mười hai nhân duyên là cõi của Bích-chi-Phật, là cõi của Duyên giác. Mười hai nhân duyên chính là nói về nguyên nhân vì sao con người lại đi luân hồi. Con người rất dễ sinh tâm “ái”, sau khi ái, sẽ muốn “thủ”, thủ rồi thì chấp trước muốn chiếm hữu, cái này là tâm luân hồi, cứ vậy xoay chuyển không ra được. Cho nên người có thể buông bỏ chiếm hữu, không tham ái thì sẽ không bị trói buộc trong lục đạo nữa. Nhưng mà, năng lực này không hề dễ đâu.
Ngũ giới, cảm cõi người; thập thiện, cảm cõi trời. Sư phụ thường nhắc nhở chúng ta: “Không vãng sanh thì rất nguy hiểm!”. Tại sao rất nguy hiểm? Rất dễ bị đọa lạc. Ngũ giới, cảm cõi người. Vậy chúng ta hãy tĩnh lặng mà suy xét, bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có tương ứng với ngũ giới không? Không giết, không trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Chúng ta học Phật pháp, thâm nhập kinh nghĩa, nhất là đối với Phật pháp Đại thừa, phải trì tâm giới. Ngày nay chúng ta không giết cũng không sát hại người khác. Ở trên tướng thì là không sát hại còn ở trong tâm cũng phải là không não hại chúng sanh. Thật ra, tính cách của chúng ta hết sức nóng nảy, có ý cưỡng chế thì rất khó không não hại chúng sanh.
Cho nên từ tấm gương của Nho gia, chúng ta ghi nhớ lời sư phụ ngài nhấn mạnh rằng: “Học Nho, phải học Khổng Tử”. Khổng Tử là ôn, lương, cung, kiệm, nhượng. Phải giống phong cách của Phu Tử thì mới có thể trì tốt ngũ giới, mới có thể giữ giới không giết. Ôn hòa, lương thiện. Ôn hòa là xử sự nhu nhuyễn. Lương thiện là thấu hiểu ý người, thường không ghi nhớ điều không tốt của người, lưu lại trong tâm đều là ưu điểm và sự cống hiến của người, không so đo lầm lỗi, ân oán của người, “ân phải báo, oán phải quên”, đây là lương thiện. Hơn nữa, chúng ta còn phải đôn hậu, giống như trong Liễu Phàm Tứ Huấn có nói: “Thấy người có lỗi lầm thì bao dung và che đậy, một là giúp họ sửa đổi, một là khiến họ e ngại mà không dám làm càn”. Người lương thiện thì rất đôn hậu, có sự cung kính đối với người, nhất là chúng ta tu đạo, phải bắt đầu bồi dưỡng từ tâm cung kính. Nhà Phật nói “lễ kính chư Phật”, nhà Nho nói “vô bất kính”, đây là cung kính. Phải tiết kiệm, thường xuyên nghĩ rằng tài lực, vật lực tiết kiệm được có thể giúp càng nhiều người thọ dụng. Thật ra, tiết kiệm là gần với tâm nhân từ, họ thường xuyên có thể đặt người khác trong tâm, hy vọng người khác có thể thọ dụng nhiều hơn. Nhượng là khiêm nhường, lễ nhường, thoái nhường, đây là sự tu dưỡng của Khổng Tử.
Cho nên sư phụ nói: “Bên trong tu ngũ đức”, “ngũ đức” tức là lấy sự tu dưỡng của Phu Tử làm gương; “bên ngoài tu lục hòa”, sống chung với người có thể giữ lục hòa kính. Chúng ta khá là quen thuộc lục hòa kính, “kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tranh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân”. Tu lục hòa kính là “cảm”. Nếu thật sự thành tựu được tăng đoàn lục hòa thì việc hóa giải kiếp nạn chính là “ứng”. Cho nên sư phụ nói rằng: “Thế gian này chỉ cần có Tăng đoàn chánh pháp xuất hiện thì thế gian này, khu vực này sẽ không gặp nạn nữa.” Mọi người có tin không? Thật ra đạo lý này không hề phức tạp. Tại sao có Tăng đoàn thật sự lục hòa xuất hiện thì có thể hóa giải tai họa? Bởi vì căn nguyên của tai họa là nhân tâm, nhân tâm được giáo hóa, họ vừa chuyển thành thiện niệm thì tai họa liền được hóa giải. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, con người có thể dạy tốt được, và khi Tăng đoàn này xuất hiện, tức là có trên bốn người y chiếu lục hòa kính mà làm, thật sự làm được, khi người trên thế giới vừa tiếp xúc với những người này, họ sẽ khâm phục, thiện căn của họ sẽ hiển lộ. Cho nên, người thế gian chỉ cần nhìn thấy tấm gương thật sự xuất hiện thì nhân tâm sẽ chuyển đổi. Nếu như không thật sự làm được thì người thế gian sẽ nghĩ đó đều là nói một đường, làm một nẻo. Họ đối với kinh giáo của thánh nhân sẽ không dễ sanh ra lòng tin kiên định.
Chúng ta hãy bình tâm quan sát một chút những người xung quanh, có ai bởi vì trực tiếp nhìn thấy kinh Phật liền sanh ra lòng tin kiên định không đổi dời không? Rất là ít. Chúng ta ngày nay nghe sư trưởng giảng kinh, vô cùng tin tưởng là bởi vì sư trưởng ngài đã làm được rồi. Cho nên giáo hóa muốn sanh ra hiệu quả lâu dài, điều quan trọng nhất vẫn là phải dùng thân giáo, bản thân chúng ta phải làm được. Có đoàn thể như vậy xuất hiện thì ông trời có đức hiếu sanh, cũng sẽ không muốn giáng tai họa. Tại sao ông trời không còn cách nào đành phải giáng tai họa vậy? Bởi vì chúng sanh không quay đầu, ông trời không thể để họ tiếp tục tạo nghiệp được nữa. Cho nên tai họa giáng xuống cũng là từ bi [của ông trời], khiến người ta đừng tạo tiếp tội nghiệp sâu nặng hơn nữa, bởi vì họ chịu không quay đầu. Nhưng nếu như chúng sanh có cơ hội quay đầu, thì tất cả thần linh đều hộ niệm cơ hội đó. Cho nên hôm qua sư phụ dùng cách nói của các tôn giáo mà nói rằng: “Nếu chúng ta thật sự y chiếu kinh điển mà làm thì các thần linh đều sẽ bảo hộ”.
Chuyển biến nhân tâm phải nhờ vào giáo dục, bản thân chúng ta cũng phải hiểu rõ ràng về giáo dục. Trong thời đại này, chúng ta vừa nhắc tới “giáo dục” liền nghĩ rằng mình là sinh viên đại học, mình đã học lớp nghiên cứu, mình tiếp thu không ít giáo dục. Nhưng hàm nghĩa thật sự của giáo dục không phải chỉ là học lực cao mà thôi. Trong thời đại này, học lực chủ yếu là sự truyền thụ tri thức; còn giáo dục thời xưa, điều quan trọng nhất là nâng cao đạo đức. Chữ “giáo” có nghĩa là “trên làm trước, dưới noi theo”; “dục” là “nuôi con, dạy chúng làm thiện”, đều là nhấn mạnh đức hạnh, thiện tâm.
Hơn nữa, nội dung quan trọng nhất của giáo dục có ba phạm trù. Thứ nhất là hiểu rõ quan hệ giữa người và người. Ngày nay, chúng ta chung sống với bạn bè người thân, thường xuyên có đối lập, xung đột, va chạm là do chúng ta không được giáo dục tốt. Ngũ luân đại đạo dạy người và người chung sống hòa hợp thì chúng ta mới hiểu được đạo lý. Cho nên chúng ta trong thời đại này là học giáo dục bổ túc, vì chúng ta đều là người trưởng thành rồi mới bắt đầu học bổ túc khóa học làm người quan trọng này. Thời xưa, họ có truyền thừa luân lý đạo đức, thậm chí có giáo dục gia giáo trong đại gia tộc, từ nhỏ họ đã nhìn thấy từng lời nói, việc làm và hành vi, cử chỉ của cha mẹ, họ liền hiểu được làm thế nào để đối nhân xử thế. Cho nên điều thứ nhất là quan hệ giữa người và người.
Điều thứ hai là [hiểu rõ] quan hệ giữa người và tự nhiên. Chúng ta nếu chưa được nghe sư phụ giảng giải những đạo lý này thì thật sự cả một đời sẽ không thể hiểu rõ ràng rất nhiều việc, thậm chí ngay cả nghĩ cũng không nghĩ tới. Quan hệ giữa người và tự nhiên, đối với người thời đại chúng ta là một vấn đề lớn, bởi vì trái đất này sắp không sinh sống được nữa rồi. Nhưng rốt cuộc tự nhiên và chúng ta có mối quan hệ gì? Chúng ta không đọc kinh nên căn bản không hiểu rằng thiên tai và nhân tâm không tách rời nhau. Cho nên sách Thượng Thư của nhà Nho nói rằng: “Làm thiện giáng trăm điều lành, làm bất thiện giáng trăm điều tai ương”, “trời tạo nghiệt còn tránh được; mình tạo nghiệt thì không thể sống”. Chúng ta đang thảo luận về bảo vệ môi trường, vấn đề môi trường, nếu như không hiểu rõ chân tướng này thì không có cách nào giải quyết. Chúng ta xem, xã hội này đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, đã đưa ra vô cùng nhiều lý luận, thậm chí còn đầu tư lượng lớn tiền của và nhân lực, nhưng lại không có cải thiện. Chúng ta nói về việc bảo vệ môi trường, không biết đã dốc sức trong bao nhiêu năm rồi, cho nên nếu không thể tìm được vấn đề căn bản thì đó là tốn công vô ích.
Cho nên, chúng ta cảm thấy hết sức may mắn, chúng ta có thể gặp được giáo huấn thấu triệt nguồn gốc, giáo huấn của tam giáo Nho Đạo Thích. Nhà Phật đã nói rất rõ ràng, tâm tham chiêu cảm nạn nước, tâm sân hận chiêu cảm nạn lửa, ngu si chiêu cảm nạn gió, nhân tâm bất bình chiêu cảm động đất. Mấy năm nay, các vùng trên thế giới tai họa liên miên, chúng ta bình tâm quan sát sẽ thấy rõ, tại sao khu vực đó nhiều nạn nước, tại sao khu vực đó nhiều nạn gió? Căn nguyên là do tham sân si mạn của nhân tâm gây ra. Việc hóa giải tai họa vẫn phải bắt tay từ việc trừ bỏ tham sân si mạn. Sư phụ thường nói rằng: “Xã hội hài hòa, bắt đầu từ tâm ta”, bắt đầu từ bản thân chúng ta. Hiệu ứng nhà kính càng ngày càng nghiêm trọng, nếu như chúng ta ngày nay nổi nóng tức là đã làm trầm trọng thêm một phần hiệu ứng nhà kính. Nếu chúng ta xem thiên hạ là trách nhiệm của mình, không muốn thêm loạn cho thế gian này nữa thì đối với khởi tâm động niệm, đối với việc điều phục tập khí của mình sẽ càng hạ công phu. Quả thật, chúng ta bây giờ và thế giới này là cùng họa cùng phước.
Trọng điểm thứ ba của giáo dục là hiểu rõ quan hệ giữa người và thiên địa quỷ thần, quan hệ giữa người và các sanh mạng trong các chiều không gian khác. Trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có nói: “Trong trời đất có thần giám sát lỗi lầm”, thiện tâm của chúng ta đều có thể tương giao với thiên địa quỷ thần. Cho nên, học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là thật sự nhận được sự giáo dục tốt. Hiểu rõ nhân quả, đoạn ác tu thiện, đây là cơ sở rất quan trọng của đức hạnh.
Lúc nãy tôi có nói với mọi người về “cảm ứng”, mười pháp giới đều là do tâm chiêu cảm. Cống cao ngã mạn, tự đại thì cảm cõi A-tu-la; tâm tham cảm cõi ngạ quỷ; tâm sân hận cảm cõi địa ngục; tâm ngu si thì cảm cõi súc sanh. Chúng ta hiểu rõ những đạo lý cảm ứng này thì bản thân chúng ta sẽ có trách nhiệm với mình, sẽ không oán trời, không trách người. Khi thật sự có quyết tâm đời này thành tựu đạo nghiệp của chính mình, cái tâm này là cảm, có thể cảm được sự gia trì trong vô hình của Phật Bồ-tát, của chúng thần, điều này chính là “ứng”. Nhưng nếu như chúng ta chưa có chí khí này mà lại tùy thuận tham sân si, tham sân si là “cảm”, “ứng” là gì? “Ứng” là yêu ma quỷ quái sẽ gia trì. Cũng giống như một người đã làm việc xấu, người ác tâm bên cạnh liền nói: “Tốt, làm tốt lắm”, đó cũng là ứng. Cho nên nhận được trợ lực hay nhận được những cảm ứng không tốt này, đều là do tâm của chính mình.
Cho nên, tựa đề kinh Thái Thượng Cảm Ứng này đã cho chúng ta sự nhắc nhở rất quan trọng, hãy tuân theo lời dạy của thánh nhân, tùy thuận tánh đức thì sẽ chiêu cảm cuộc đời càng tốt đẹp hơn. Chúng ta đã lập mục tiêu rồi thì hãy y giáo mà phụng hành cho tốt.
Được rồi. Sáng nay tôi trao đổi với mọi người tới đây trước. Cảm ơn mọi người!