Chia Sẻ tâm đắc “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” (Tập 8/49) | Thầy Thái Lễ Húc

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Khởi giảng ngày 19 tháng 07 năm 2010

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 8/49: Cẩn thận đối với mỗi lời nói và hành vi,

từng chữ từng câu đều khắc ghi vào tâm.

Giảng ngày 18 tháng 08 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Lúc nãy đọc Đệ Tử Quy, tôi vừa hay có tra từ điển, “vật tiễn quắc, vật bí ỷ”, chữ “bí” này có hai cách đọc, đọc là “bả” có nghĩa là đi đứng không thuận tiện, đi cà nhắc thì gọi là bả; đi nghiêng lệch gọi là “bí”. Cho nên phải đọc là “vật tiễn quắc, vật bí ỷ”. Tại sao tôi nêu ra điều này? Bởi vì chúng ta đọc đúng rồi, sau này mới đọc đúng được, người tiếp xúc với chúng ta hoặc là thế hệ sau mới đọc đúng được. Mặc dù chỉ là một chữ, nhưng vẫn phải cẩn thận. Bởi vì khi tôi chia sẻ với mọi người, có bạn sau khi tan học chạy qua nói chữ này tôi đọc sai rồi, mình đọc sai một chữ có thể ảnh hưởng đến lòng tin của người khác. Thế nên, cẩn thận trong tu thân và hành xử với mọi người là điều cần thiết.

Ngoài ra, lúc nãy mọi người mở máy lạnh, tôi liền mau đi tới chỗ không có máy lạnh. Bởi vì tu đạo, nếu không thể trừ bỏ tập khí thì sẽ không viên mãn hiếu đạo. Luôn luôn nghĩ đến cha mẹ, thực hành hiếu đạo thì có thể buông bỏ rất nhiều tập khí. Cho nên Đệ Tử Quy nói: “Thân bị thương, cha mẹ lo; đức hạnh kém, cha mẹ tủi”, thân thể này của chúng ta bị tổn thương, thường là do chúng ta ưa chứng tỏ mình mạnh mẽ, ưa sĩ diện, “ôi chao người ta không mặc áo khoác, chỉ có mình mặc áo khoác, khó coi quá.” Sĩ diện là quan trọng hay là hiếu đạo là quan trọng? Hai điều này mọi người hãy đặt lên cân một chút, cái nào là quan trọng? Tất nhiên là hiếu đạo quan trọng hơn, người có thể từ việc “thân bị thương, cha mẹ lo, đức hạnh kém, cha mẹ tủi” mà quán chiếu thì họ sẽ cẩn thận đối với từng lời nói hành vi, từng khởi tâm động niệm.

Chúng ta còn nhỏ mà bị người khác nói rằng: “Người này thật không có gia giáo” thì chúng ta đã làm sỉ nhục cha mẹ. Người nếu có hiếu tâm ai mà muốn sỉ nhục cha mẹ của mình, sỉ nhục gia môn của mình? Người mà trong lòng có hiếu tâm thì đối với đoàn thể và doanh nghiệp, họ sẽ không dùng lời nói và việc làm của mình làm ô nhục đoàn thể của mình, người như vậy sao không cẩn thận cho được? Cho nên, tu hành là tu từ căn bản, tu từ trong tâm. Mở rộng ra, chúng ta thân làm con cháu Viêm Hoàng, có ai mà muốn dùng hành vi của mình làm sỉ nhục dân tộc của mình? Cho nên học tập, “việc học quý ở tâm giác ngộ”. Chúng ta có dụng tâm lĩnh ngộ một câu đạo lý nào đó, sau đó chuyển nó thành tâm của chính mình không, chuyển thành nguyên tắc đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta hay không? Việc này rất quan trọng. Nếu mỗi ngày đều có thứ khiến mình cảm ngộ thì tâm linh sẽ được nâng cao; còn như mỗi ngày vô tri vô giác thì tâm linh sẽ thoái lui. Việc học như lái thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi, điều này phải rất cẩn thận.

Phước của chúng ta thật sự rất lớn, trong thời gian này sư trưởng đang ở Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Trung Hoa Malaysia của chúng ta, ngài giảng kinh 56 tiếng đồng hồ, mọi người đều có cơ hội thân cận sư trưởng. Duyên phận có thù thắng hay không không phải do sư phụ quyết định mà do chính mình quyết định. Chúng ta nghe một câu ngài nói thì nên có thái độ giống như thái độ của Nhan Hồi vậy, “đắc nhất thiện, tắc quyền quyền phục ưng, nhi phất thất chi hĩ” (học được một câu giáo huấn hay thì luôn luôn không quên), thực hành trong cuộc sống công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, như vậy thì nghe được một câu liền có thọ dụng rất lớn của một câu. Hơn nữa, lần này nội dung giảng kinh của sư trưởng bao gồm mười loại tâm mà Bồ-tát Di-lặc đã phát, có thể vãng sanh Cực Lạc; còn có sự tu hành thập nguyện Phổ Hiền, người đến lúc mạng chung thì năng lượng thực hành hạnh Phổ Hiền này sẽ đưa chúng ta đến thế giới Tây phương Cực Lạc. Cho đến nội dung trong năm mươi mấy tiếng đồng hồ này đều đang tường thuật hạnh Phổ Hiền, “thảy đều tuân tu đức của Phổ Hiền đại sĩ”. Thưa chư vị đồng nhân, tại sao trong thời gian này sư phụ ngài lại giảng về đức của Phổ Hiền đại sĩ ở trung tâm của chúng ta vậy? Đây là điều ngẫu nhiên sao? Quý vị sao lại nhìn tôi một cách ngây thơ như thế? Người biết trân quý, biết hướng thiện, hay là mê mờ, đọa lạc then chốt là ở chỗ này. Phật Bồ-tát đến giảng Phổ Hiền hạnh nguyện cho chúng ta, chúng ta còn nghe không nhập tâm, phước báo lớn như vậy đã bị chính mình chà đạp mất rồi. Cho nên những khai thị của sư phụ trong quãng thời gian này cho mọi người, mọi người có cơ hội thì lên internet, tập nào đối với quý vị có nhắc nhở hết sức lớn thì phải nghe nhiều lần, phải in sâu những pháp ngữ này vào tâm của chính mình, như vậy mới không chà đạp lời giáo huấn, sự khổ tâm của sư phụ.

Sư phụ ngài lần này là giảng về Tịnh Độ đại kinh, điều quan trọng là khuyên chúng ta phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Vậy quý vị đồng nhân, mọi người có muốn vãng sanh Cực Lạc không? Muốn. Mọi người có nắm chắc phần vãng sanh Cực Lạc không? Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Đạo vô cực thù thắng, dễ mà chẳng người theo”, đường không phải rất khó đi, nhưng tại sao rất ít người đi? Khó là ở ý niệm, sư phụ thường kể về cư sĩ Lưu Tố Vân, thái độ tu học quan trọng nhất của cư sĩ Lưu là lão thật, nghe lời, làm thật. Thế nào là lão thật? Trong đầu không có suy nghĩ của chính mình, tùy thuận giáo huấn của kinh điển, tùy thuận giáo huấn của sư phụ, như vậy gọi là lão thật. Quý vị nói như vậy rất khó sao? Nói nó khó chứ không khó, chịu buông bỏ là được; nói nó đơn giản cũng không đơn giản, bởi không buông bỏ tập khí của chính mình nên việc chuyển ý niệm rất là khó. Sư phụ thường nói làm thế nào để chuyển ý niệm: “Luôn luôn nghĩ đến tất cả chúng sanh, đừng nghĩ đến mình nữa”. Câu nói này chúng ta đọc tới thuộc lòng rồi, nhưng biến thành câu nói nơi chót lưỡi đầu môi hay là chúng ta đã nhập tâm rồi? Chỉ khảo nghiệm trong sự đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta, chúng ta có thật sự thực hành tâm trạng này chưa?

Chúng ta hãy hỏi lại chính mình một vấn đề, “mười phương Như lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con”, Phật Bồ-tát thương xót chúng sanh giống như cha mẹ thương yêu con cái vậy. Xin hỏi, con cái muốn về nhà, cha mẹ có thể nào không đón không? Có thể nào không? Không thể nào. Tâm từ bi của Phật Bồ-tát còn hơn cha mẹ rất nhiều, tình thương của cha mẹ đối với chúng ta là một đời một kiếp, còn tình thương của Phật Bồ-tát đối với chúng ta là đời đời kiếp kiếp, không chán không mệt. Lòng từ bi của Phật Bồ-tát to lớn như vậy, nếu chúng ta chịu quay về, đâu có chuyện các ngài không rước? Logic này không phức tạp, nhưng tại sao chúng ta vẫn về không được? Cái gì đã trói buộc chúng ta, cái gì đã khiến chúng ta buông không được? Cái này là trọng điểm mà bản thân chúng ta phải suy ngẫm. Cái này chính là căn nguyên khiến chúng ta đời đời kiếp kiếp không cách nào thoát ly lục đạo. Cho nên tại sao nói tu hành phải bắt tay từ chỗ khó nhất? Nếu không thì chúng ta lại bị bỏ lỡ một pháp duyên trăm ngàn vạn kiếp khó được gặp ngay trước mặt.

Vấn đề này phải dựa vào chính mình, “sư phụ dẫn vào cửa, tu hành dựa chính mình”. Sư phụ giảng kinh đến năm nay là 52 năm. Chúng ta hãy khách quan nhìn lại những giáo huấn của sư phụ trong 52 năm qua, chúng ta đã đặt câu nào trong tâm rồi? Hơn nữa là luôn luôn đặt nó vào trong tâm, bất kì cảnh giới nào cũng đề khởi câu nói này lên được? Một câu là được. Tại sao nói hiếu thuận là căn bản lớn của tánh đức? Muốn hiếu thuận với cha mẹ thì chúng ta không thể chà đạp ơn dưỡng dục, ơn dạy dỗ của cha mẹ. Chúng ta muốn hiếu thuận với sư trưởng, hiếu thuận với Phật Bồ-tát thì không thể chà đạp khổ tâm của các ngài. Tâm chúng ta thật sự phát ra rồi, không đùa cợt, không chà đạp những giáo huấn này, “như kẻ nghèo được của báu, sửa quá khứ tu tương lai, rửa lòng đổi hạnh, tự nhiên cảm giáng, sở nguyện ắt thỏa”, đây đều là lời nhắc nhở hết sức chân thành thiết tha trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Cho nên người muốn thoát ly lục đạo, làm một kẻ thanh lương thì phải hạ đại quyết tâm. Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu. Chúng ta nghe được Phật pháp hiểu được phước báo lớn nhất đó là nghe được Phật pháp, nghe được pháp môn niệm Phật, đời này có thể thành Phật. Chúng ta đã gặp được phước báo lớn nhất trong vũ trụ, “diệu pháp như thế may được nghe, nên thường niệm Phật sanh hoan hỉ”. Mọi người nếu như có tâm trạng không tốt, hãy mau mau đọc câu nói này lên. Nét mặt của quý vị hình như chưa nhận được niềm vui từ câu nói này thì phải? Quý vị chưa dung hòa vào trong câu nói này, quý vị có phải vẫn còn dừng lại trong tâm trạng lúc nãy không? Ôi chao! Thầy Thái hôm nay thật là dữ, mắng mình, mình thật là buồn. Quý vị đồng nhân, tôi dám thề với trời rằng, tôi chưa có mắng một người nào, hơn nữa câu nào của tôi lúc nãy là mắng đâu? Mỗi câu đều là lời của kinh điển, lời của sư phụ, tôi không có mắng người. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói phải nói thiện, nhìn thiện, hành thiện, không được nói ác, nếu như tôi mắng người thì tôi nói ác rồi. Nói ác ba năm trời sẽ giáng họa, tôi đã hiểu rõ phương pháp tích phước này rồi, không thể lại làm những chuyện nói ác, nhìn ác, làm ác nữa.

Cho nên niệm Phật đời này thành Phật, đây là phước lớn nhất của người trong vũ trụ này, nếu chúng ta vẫn không quý trọng thì sẽ là việc đáng tiếc nhất, hối hận nhất. Sư phụ nói: “Tài sắc danh thực thùy là năm gốc rễ của địa ngục”, tức là những chấp trước, dục vọng này đã trói buộc tay chân chúng ta, chúng ta nhảy không ra khỏi lục đạo luân hồi, không thể vãng sanh thế giới Tây phương Cực Lạc. Cho nên dụng công còn phải bắt tay từ cách vật, bắt tay từ việc trừ bỏ tham sân si.

Trong quá trình tu đạo, quan trọng ở chỗ “sáng suốt biết mình”, không gạt mình, biết được vấn đề của mình nằm ở đâu. Thật ra nói tới cảm ứng, bất kì lúc nào ở đâu cũng có thể chứng minh được sự cảm ứng. Ví dụ quý vị đồng nhân hiện giờ đang ngồi ở bên dưới, các vị đến phục vụ ở trung tâm, quý vị có được cảm ứng không? Ngày nay nếu mọi người không phát tâm “vì các vị thánh trước đây mà kế thừa tuyệt học” thì có ngồi ở đây không? Có người nào mộng du mà tới đây không? Không có phải không, đây chính là cảm ứng, có cảm thì có ứng. Nếu ngày nay mọi người không có cái tâm gánh vác này thì có gặp được hội nghị hòa bình tôn giáo tổ chức vào ngày 3 tháng Tám không? Chúng ta đều đã được gặp rồi, hơn nữa còn có cơ hội đi phục vụ đại chúng, phục vụ đại biểu của các tôn giáo, rộng kết thiện duyên, rộng tu phước điền, những nhân duyên này là do chính tâm của mọi người chiêu cảm tới.

Chúng ta ở cõi Ta-bà, đời này mang thân nghiệp báo cũng là cảm ứng. Tại sao chúng ta lại tới làm người ở cõi Ta-bà? Nghiệp bất trọng bất sanh Ta-bà, ái bất trọng bất sanh Ta-bà. Sư phụ dạo này thường nói “tình chấp nhất định phải nhạt”, tức là chúng ta vì do tình ái, mê hoặc, tạo nghiệp mà thọ báo, mới tới cõi ngũ ác trược này. Chúng ta hiểu rõ tình chấp của mình quá nặng thì phải hạ công phu cho tốt, phải buông bỏ tình ái, nhất là ý niệm khống chế chiếm hữu, phải luyện công phu buông bỏ những điều này ở trong tất cả cảnh duyên của người và sự. Cho nên ở Ta-bà hễ có ái thì cái ái này không hề giảm nhẹ, quý vị tham ái người sự vật gì thì cái ái đó chỉ tăng không giảm, không thể buông được. Có người tham ái vật phẩm, tham người, tham việc cũng có, nếu như sự tham ái này buông không được thì khi lâm chung chúng ta sẽ bị cái ái này dắt đi, sự nỗ lực cả một đời coi như xong. Cho nên làm sao có thể không cẩn thận quán chiếu chính mình cho được, đối với bất kì thứ gì chúng ta cũng không tham ái, phải buông bỏ. Muốn vãng sanh Cực Lạc thì phải “nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật” thì mới được vãng sanh. Cho nên ái bất trọng bất sanh Ta-bà, niệm bất nhất bất sanh Cực Lạc, việc này đều là cảm ứng.

Ái bất trọng bất sanh Ta-bà, chúng ta đến cõi Ta-bà tức là sự tham ái của chúng ta nặng, tham ái nặng chính là tâm ích kỉ quá nặng, cái này là căn bản. Tại sao Phật Thích-ca Mâu-ni có hiệu là Thích-ca Mâu-ni Phật? Là vì thông qua danh hiệu này, chỉ ra vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta. Từ trong danh hiệu có thể cảm nhận được sự đại từ đại bi của Phật Bồ-tát. Bất kì pháp gì, dù là danh hiệu cho tới nhất cử nhất động đều là sự dụng tâm lương khổ của Ngài nhằm giáo hóa chúng ta. “Thích-ca” có nghĩa là nhân từ, đối trị sự tự tư tự lợi nghiêm trọng của chúng ta; “Mâu-ni” là tịch diệt, có nghĩa là thanh tịnh, khiến chúng ta đối với tất cả vật, tất cả cảnh giới không tham ái, thường giữ tâm thanh tịnh. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh. Mọi người có cảm nhận được từng câu đều có đạo lý đối với sự cảm ứng hay không? Những câu lúc nãy chúng ta đọc đều không tách rời đạo lý của sự cảm ứng.

“Vãng sanh Cực Lạc mà một niệm không nhất tâm thì đến lúc lâm chung chúng ta sẽ bị niệm này chuyển”, nếu chúng ta còn có những ý niệm tham sân si mạn thì sẽ bị nó chuyển mất, nỗ lực đời này sẽ tốn công vô ích, rất đáng tiếc. Cho nên sư phụ thường khích lệ chúng ta “cắn chặt răng lại, đời này chứng Vô Lượng Thọ”, luôn luôn phải có thể giữ cho Phật hiệu khởi lên, buông bỏ được tham ái, buông bỏ tập khí, điều này rất quan trọng.

Đối với việc “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu. Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, trong quá trình thâm nhập kinh điển, điều quan trọng thật ra chính là sau khi chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật rồi thì sanh khởi lòng tin, ở trong tất cả cảnh giới đều không nghi ngờ những chân lý này trong kinh điển. Thật sự có lòng tin kiên định rồi thì bất kì cảnh duyên nào tới chúng ta cũng không bị chuyển. Gọi là lý đắc tâm an, hiểu rõ đạo lý rồi thì tâm sẽ an định, sẽ không oán trời trách người, sẽ không cam chịu đọa lạc. Duy nhân tự triệu tức là tự mình chịu hoàn toàn trách nhiệm, sẽ không oán trời trách người. Tại sao không cam chịu đọa lạc? Bởi vì hiểu rõ “bổn giác bổn hữu, bất giác bổn vô”, chúng ta có đức tướng trí huệ của Như lai, đây là thứ vốn sẵn có, nhất định có thể khôi phục; phiền não, chấp trước, phân biệt là bất giác, là vọng tâm, nó là thứ không có, nó là thứ hư huyễn, chúng ta không cho nó năng lượng, buông bỏ nó thì nó sẽ không khống chế chúng ta được.

Hiểu rõ những đạo lý này, chúng ta sẽ không cam chịu đọa lạc. Lại biết rằng hư không pháp giới là do một niệm của chính mình biến hiện ra, đã là một niệm biến hiện ra thì sẽ không sợ niệm khởi chỉ sợ giác chậm. Một niệm này chuyển lại được thì cảnh giới chẳng phải hoàn toàn sẽ chuyển lại được sao? Cho nên giữ vững một ý niệm hiện tại này là hết sức quan trọng. Chúng ta hãy tu từ căn bản, đừng nghĩ sự việc quá phức tạp. Bởi vì vũ trụ do một niệm của mình biến hiện ra, thế nên đừng suy nghĩ phức tạp, hãy quay về ý niệm của chính mình, đề khởi chánh niệm, việc này quan trọng nhất. Chánh niệm hiện tiền thì tà niệm tự nhiên sẽ không ô nhiễm [chúng ta] được. Chúng ta khi đối mặt với cảnh giới không khởi lên được lời giáo huấn, còn suy nghĩ rất phức tạp, thì [ý niệm] trong đầu sẽ chuyển thành một đống lớn ý niệm sai lầm, không cần thiết như vậy.

Cho nên chúng ta hiểu rõ chân tướng “họa phước vô môn, duy nhân tự triệu” này rồi thì sẽ không mê tín nữa. Sư phụ có nhắc rằng, Phật Bồ-tát mặc dù hết sức từ bi, nhưng không thể cho người ta thêm một chút phước, cũng không thể thay người ta chịu một chút tội, càng không thể miễn trừ cho người ta một chút tội nghiệp. Cầu Phật Bồ-tát gia hộ, cầu thần minh đặc xá tội lỗi cho mình, điều này đều là mê tín, không đúng với nguyên lý cảm ứng. “Tất cả phước điền không rời tấc lòng này”, vẫn là do cái tâm của mình tạo tác nên. Cả hư không pháp giới này chính là một nhân duyên quả báo vĩ mô. Bất luận là một người, một nhà, một nước nào vẫn không tách khỏi nguyên tắc “họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. Cho nên, ở trong sự tướng, những lời Phật Bồ-tát đã giáo huấn không tách khỏi hai chữ nhân quả.

Ngày nay xã hội động loạn, thế giới bất an đều là do cộng nghiệp chiêu cảm, làm sao hóa giải những kiếp nạn này? Chỉ cần mọi người đoạn ác tu thiện, “duy nhân tự triệu”, đó là tâm chiêu cảm tới. Cho nên chúng ta muốn cứu vãn kiếp nạn thế giới, điều quan trọng nhất vẫn là đoạn ác tu thiện. Đoạn ác tu thiện phải dựa vào giáo dục thì người dân mới biết được cái gì là thiện, cái gì là ác, mới biết sửa sai hướng thiện.

Quả thật như vậy, trước khi gặp được kinh điển, khái niệm về thiện ác của rất nhiều người đều bị lệch lạc. Cho nên Liễu Phàm Tứ Huấn nói với chúng ta: “Không có chánh pháp thì làm sao xây dựng trời đất, làm sao tải bồi vạn vật, làm sao thoát ly trần nhiễm, làm sao kinh thế xuất thế?”. Nghĩa lý Liễu Phàm Tứ Huấn giảng hết sức hay, mọi người đã nghe qua giáo huấn 20 tập của sư phụ, hy vọng mọi người mỗi tuần ít nhất đọc hai lần, khi học tập những thứ chúng ta lĩnh ngộ được trước đây sẽ càng sâu sắc thì 20 tiếng đồng hồ đó sẽ không uổng phí, sẽ sanh ra năng lượng càng lớn đốc thúc chính mình, nâng cao chính mình.

Sư trưởng mấy ngày sau đó có nói giáo hóa chúng sanh phải có phương tiện thiện xảo. Phương tiện thiện xảo rất quan trọng. Trong phương tiện này, cái thứ nhất là giúp đỡ chúng sanh xây dựng lòng tin. “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, người ta không thể xây dựng lòng tin, họ sẽ không cách nào có thành tựu. Bất luận là đạo nghiệp hay sự nghiệp, thậm chí là gia nghiệp, nếu không có lòng tin thì ai cũng không giúp đỡ họ được. “Trời giúp kẻ tự giúp chính mình, trời bỏ kẻ từ bỏ chính mình”. Cho nên từ đây sẽ thấy lòng tin rất quan trọng.

Vậy điều thứ nhất, trước hết bản thân chúng ta có xây dựng lòng tin 100% đối với kinh điển chưa? Điều này phải hỏi bản thân chúng ta. Bản thân chúng ta lòng tin còn chưa đủ, giảng cho người khác nghe sẽ khó khiến họ sanh ra lòng tin kiên định. Chúng ta “ở địa vị nào thì hãy làm công việc đó”, chúng ta bây giờ đang ở trong một tổ chức hoằng dương văn hóa truyền thống, chính mình còn không có lòng tin, danh không hợp với thực. Muốn vào đây làm công việc này thì mình phải có lòng tin, có sứ mệnh mà vào làm, nếu không thì những lời chúng ta nói ra sẽ làm ảnh hưởng tới lòng tin của người khác, điều này là không thỏa đáng. Cho nên nếu lòng tin của chúng ta không đủ thì nhất định phải mau mau hạ công phu, “tâm có nghi thì chép lại, học hỏi người, mong chính xác”, phải có thái độ chủ động này. Chính mình còn không cảm thấy có lòng tin, không cảm thấy đây là việc quan trọng thì trong công việc chúng ta sẽ không thể tận tâm tận lực mà làm, sẽ không tận trung. Việc này là hưởng phước, tổn phước. Người tu đạo chỉ hy vọng đời này sống có đạo nghĩa, không phải là hưởng phước, không phải là tổn phước. Cho nên, điều thứ nhất là chính mình phải có lòng tin.

Điều thứ hai, chúng ta phải hiểu, muốn cho đại chúng sanh khởi lòng tin đối với văn hóa truyền thống thì phải có tấm gương xuất hiện. Chúng ta suy nghĩ, tôi có thể làm ra tấm gương gì cho chúng sanh? Đây là thói quen suy nghĩ của chúng ta, đối với mỗi đạo lý, sau cùng nhất định chúng ta phải bắt tay vào làm, nếu không thì là nghe uổng phí, là đùa cợt Phật pháp. Đọc qua một lần, [cảm thấy] không có một chút liên quan gì tới mình, đây là chà đạp giáo huấn của Phật Bồ-tát. Chúng ta đã hiểu rõ, bản thân tôi phải cho chúng sanh lòng tin, tôi là trang nam tử, tấm gương của trang nam tử là gì? Là gánh vác, không thoái lui, đáng để tín nhiệm chứ không phải yếu đuối. Tấm gương của người nữ là gì? Là nhu hòa, là đức dày tải vật, chứ không phải cưỡng thế, chứ không phải khống chế. Hiện tại chúng ta đều có thể thực hành giáo huấn của Phật Bồ-tát, trong gia đình, trong mỗi một vai trò chúng ta đang diễn, chúng ta đều có sứ mệnh làm ra gương tốt cho thế giới.

Thời đại này, căn tánh của chúng ta đều không tốt, làm sao ra khỏi lục đạo? Chỉ có dựa vào nguyện lực của mình mà vượt qua nghiệp lực, niềm tin này rất là quan trọng. Nguyện lực phải lớn, phải làm “đại tâm phàm phu” (phàm phu có tâm lớn) thì mới khế cơ, nhất cử nhất động đều làm ra gương tốt cho người thế gian xem, đây chính là tâm lớn, đây chính là nguyện lực. Nhất là quần áo chúng ta mặc đại diện cho văn hóa, đại diện cho trung tâm của chính chúng ta. Chúng ta kì vọng lẫn nhau, nhất cử nhất động đều phải đúng mực, đừng tùy thuận thói quen xấu, khiến người ta nhìn vào, người ở trung tâm văn hóa truyền thống này, nhất cử nhất động đều tùy tiện như vậy, thô lỗ như vậy, ngạo mạn như vậy, thô tục như vậy, thì rất là không tốt. Không có ai muốn tới trung tâm để tạo nghiệp, chỉ có sự cẩn thận thì chúng ta mới có thể giữ gìn sự tu hành của mình, có thể giữ gìn lòng tin rất khó gây dựng của đại chúng đối với chúng ta. Lòng tin quá quan trọng, chúng ta phải xứng đáng với lòng tin của đại chúng đối với chúng ta, và đối với đoàn thể này. Hy vọng mọi người cùng nhau hộ niệm nhân duyên hiếm có này, hình tượng hiếm có này, vì chúng sanh, vì chánh pháp, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa.

Tốt rồi, sáng nay xin trao đổi với mọi người tới đây. Cảm ơn mọi người!