LỜI VÀNG Ý NGỌC
Trích dẫn từ tập 7 bộ sách “Con đường đạt đến Nhân Sinh Hạnh Phúc” .
Người giảng: Thầy giáo – Tiến sĩ Thái Lễ Húc
1. Cổ Thánh tiên Hiền nhất định có thể khiến chúng ta thông qua những giáo huấn của họ làm cho gia đình thế kỷ 21 sau này hòa thuận vui vẻ, xã hội an định.
2. Chúng ta cần phải dạy con càng sớm càng tốt bởi vì một khi thói quen đã được hình thành rồi thì rất khó mà sửa được.
3. Trẻ em rất cần sự khích lệ của chúng ta. Có được sự công nhận và cổ vũ thì sẽ kích thích tiềm năng của chúng phát triển.
4. Dạy con thái độ đúng đắn ngay từ nhỏ là rất quan trọng.
5. Khi con trẻ đang học tập lao động và làm việc chưa thuần thục, cha mẹ phải nắm bắt lấy thời cơ để dạy dỗ chúng, nếu không thì sẽ lỡ mất rất nhiều cơ hội tốt. Chúng ta vừa khẳng định tâm hiếu cua con, vừa dạy con cách làm việc.
6. Nếu phụ huynh nói: “Con chỉ cần học hành cho tốt là được rồi, những việc khác đều không cần phải làm”, thì con cái sẽ càng không tin tưởng vào khả năng làm việc của mình, từ đó sẽ càng không dám gánh vác công việc. Càng không gánh vác thì sẽ không có tinh thần trách nhiệm. Đây đều có mối quan hệ chặt chẽ. Chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo.
7. Con trẻ lao động nhiều thì sẽ rất có ích đối với gân cốt của chúng. Chúng chân thật ra sức, chân thật lao động mới biết cảm ân, mới cảm nhận được sự vất vả. Thế nên không thể để trẻ em không lao động, tuyệt đối không thể để chúng tập thành thói quen lười biếng.
8. Những người làm cha mẹ chúng ta phải làm gương cho con cái trong quy tắc đời sống hằng ngày, phải để cho chúng có được ba bữa ăn bình thường. Nên bỏ công sức nhiều một chút, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả một đời con cái chúng ta. Cho dù là vì sức khỏe của chúng hay là để làm gương cho chúng, đối với chúng đều rất quan trọng.
9. “Bách thiện hiếu vi tiên”. Câu nói này sẽ theo chúng ta thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền, sự thể hội của chúng ta sẽ càng ngày càng sâu.
– Ý nghĩa thứ nhất, hiếu đứng đầu trăm điều thiện.
– Ý nghĩa thứ hai, tâm hiếu khai mở, thì trăm thiện tự nhiên sẽ khai mở.
10. Tâm hiếu mà mở thì ngoài việc hiếu kính cha mẹ, sẽ hòa ái với anh em. Một người thật có lòng hiếu thì đối với cha mẹ của người khác họ cũng sẽ có tâm cung kính. Mở rộng ra, họ cũng sẽ hiếu kính đối với tất cả trưởng bối. Vậy họ sẽ không ức hiếp con cái của người khác bởi vì họ biết làm cho con cái người khác bị tổn thương thì cha mẹ của họ sẽ rất đau lòng. Tâm thấu hiểu này của họ cứ thế tự nhiên mở rộng, vươn xa hơn. Cho nên, tấm lòng nhân từ của một người bắt nguồn từ điểm này, từ hiếu đạo này, từ “tình cảm cha mẹ với con cái” mở rộng ra.
11. “Biết ân mới biết báo ân.”
12. “Ân đức của cha mẹ, một đời này của chúng ta không thể báo đáp được”. Chúng ta phải tận tâm tận lực để làm một người con có hiếu đạo.
13. Đạo đức học vấn của một người nhìn từ cử chỉ, lời nói của họ.
14. Thái độ của trẻ khi nói chuyện với cha mẹ đều có ảnh hưởng sâu xa đến chúng. Khi chúng đang hình thành tâm hiếu, tâm cung kính, thì cũng đang chuẩn bị rất tốt nền tảng cho học vấn. Khi chúng không có sự hiếu và kính này, chúng sinh khởi là tâm gì? Có thể là tâm ngạo mạn, có thể là tâm không cung kính, như vậy rất có khả năng sẽ hủy hoại đạo nghiệp một đời của chúng.
15. Trong sách “Đại Học” có câu: “Thời xưa kẻ muốn làm sáng cái đức của mình trong thiên hạ, thì trước hết phải trị được nước của mình; Muốn trị được nước của mình, thì trước tiên phải chỉnh đốn được nhà của mình; Muốn tu sửa thân mình thì tâm mình phải đoan chính”.
16. Trẻ phải thành ý chính/chánh tâm thì chúng mới có thể tu thân, tề gia. Việc trưởng dưỡng sự hiếu và kính của trẻ là chính/chánh cái tâm của chúng.
17. Phải hiểu “cách vật trí tri”. “Cách vật” chính là loại bỏ cái tham muốn của con cái, loại trừ thói quen xấu của chúng như thiếu kiên nhẫn, ngạo mạn. Từ nhỏ có thể chuyển hóa tập tính xấu này của con cái chính là “cách vật trí tri”, thì có thể thành ý chính/chánh tâm. Đại học vấn đều là từ nơi nhỏ mà bắt đầu bén rễ.
18. Trẻ con từ nhỏ phải được dạy lễ phép. Hiện nay chúng ta đã đem tiêu chuẩn hạ thấp xuống, sẽ gây ra hậu quả đời sau không bằng đời trước.
19. Chúng ta làm trưởng bối thì phải làm mô phạm cho con cái xem trước. Khi ông bà nội gọi chúng ta, chúng ta là cha mẹ của chúng, chúng ta nhất định phải hết sức cung kính “biểu diễn” cho chúng xem. Dù bây giờ chúng ta diễn không được cũng phải diễn. Quen rồi sẽ thành tự nhiên. Khi chúng ta làm được thái độ như vậy, tâm hiếu và bầu không khí của sự cung kính sẽ dần dần ảnh hưởng, sẽ dần hình thành nếp sống trong chính gia đình chúng ta.
20. Khi chúng ta bắt đầu thay đổi, cả trái đất cũng sẽ thay đổi theo. Không nên xem thường năng lực của chính mình, học tập phải học một biết mười, phải có thể từ trong nội tâm của chúng ta, gọi là “tâm hành nhất như”.
21. Tâm là căn bản, tất cả những hành vi đều từ trong tâm chúng ta phát ra ngoài. Khi một người mà trong tâm chân thật cung kính, người đó sẽ cung kính đối với tất cả. Vì vậy, trong chương đầu “Lễ Ký – Khúc Lễ”, mở đầu có nói: “Khúc lễ viết, vô bất kính”. Đối với tất cả người, vật, sự việc đều phải cung kính.
22. Một người đối với cha mẹ, anh em, trưởng bối đều cung kính, thì đối với những việc mà cha mẹ giao phó, họ sẽ đều tận tâm tận lực như nhau. Khi họ cung kính với người thì trong tâm sẽ tự nhiên cũng sinh cung kính với vật, với việc.
23. Chúng ta là trưởng bối, con cái là hậu bối. Chúng ta phải để chúng cung kính đối với chúng ta, phải thành toàn tâm cung kính của chúng.
24. Giáo dục rất là quan trọng, phải thận trọng ngay từ đầu.
25. Khi đứa trẻ vừa phạm lỗi, là người làm cha mẹ, chúng ta phải thật nhạy bén, phải nhanh chóng xử trí.
26. Một người có thể cảm nhận sâu sắc ân đức của cha mẹ, thì tâm tình người đó sẽ tự nhiên dịu dàng, tự nhiên cung kính.
27. “Mẹ già một trăm tuổi còn thương con tám mươi”.
28. “Cả một đời này không thể báo đáp hết ân đức của cha mẹ. Phận làm con chúng ta tuyệt đối không thể nói một câu ngỗ nghịch, hay nói một câu bất kính với cha mẹ”. Có được thể hội này, tâm cung kính, tâm hoan hỉ của chúng ta sẽ tự nhiên lưu xuất ra khi ở gần cha mẹ. Cho nên, chúng ta phải luôn nhớ nghĩ ân đức cha mẹ ở trong lòng, “thành ư trung, hình ư ngoại” (trong lòng thành kính thì biểu hiện ra ở ngôn ngữ cử chỉ bên ngoài), thì tự nhiên sự cung kính sẽ biểu lộ trong lời nói và hành vi của chúng ta.
29. Chúng ta dễ thất hứa với người thân nhất là cha mẹ, thậm chí ngay cả với người thân nhất như chồng hay vợ. Những người thân thích nhất là những người quan trọng nhất và có ân đức nhất với cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta lại rất dễ không giữ được chữ tín. Nguyên nhân là vì với khách hàng không giữ tín thì không kiếm được tiền, nhưng không giữ chữ tín với cha mẹ thì không sao, còn có thể viện cớ gì đó. Cho nên chúng ta phải phản tỉnh suy nghĩ, chúng ta càng phải giữ chữ tín đối với cha mẹ hơn, như vậy mới là thái độ đúng đắn. Đương nhiên, giữ chữ tín với cha mẹ cũng cần phải giữ chữ tín đối với tất cả mọi người.
30. Ngày xưa, rất nhiều người con hiếu không đợi cha mẹ sai bảo, họ đều có thể cảm nhận được cha mẹ đang cần những gì, tự mình chủ động đi làm.
31. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng (Masaru Emoto) của Nhật Bản đã từng nghiên cứu được ý niệm con người có thể ảnh hưởng đến khoáng vật, có thể ảnh hưởng đến nước. Khi con người có ý niệm thiện, nước sẽ kết tinh rất đẹp. Khi người có ý niệm thiện, đến cả nước hồ rất dơ bẩn cũng trở nên sạch sẽ. Cho nên, đại tự nhiên và lòng người rõ ràng có tác động lẫn nhau, hiện rõ động thái.
32. Khi cha mẹ trách mắng, chúng ta đều không cãi lại; Đối với việc hiểu lầm, chúng ta đều có thể bình tâm tĩnh trí mà tiếp nhận. Vậy thì uy tín của chúng ta, sự ghi nhận của cha mẹ đối với chúng ta sẽ được nâng cao. Khi cha mẹ càng ghi nhận và tin tưởng chúng ta thì chúng ta và cha mẹ sẽ càng dễ thấu hiểu nhau, cha mẹ sẽ từ từ hiểu ra chúng ta là người đáng để mình tin tưởng nhất.
33. Học học vấn Thánh Hiền phải biết vận dụng một cách linh hoạt. Cầu học vấn phải học linh hoạt, mỗi niệm đều vì cha mẹ mà nghĩ. Chúng ta phải biết được lúc nào nên tiến – thoái như thế nào cho thỏa đáng.
34. Cha mẹ có trách phạt, thậm chí là đánh, chúng ta cũng phải nên vui vẻ tiếp nhận và suy nghĩ xem tại sao cha mẹ lại giận như vậy, lỗi lầm của chúng ta rốt cuộc là ở chỗ nào.
35. Khi cha mẹ đang trách phạt chúng ta, lúc đang nổi giận quả thật là bản thân cha mẹ đã bị tổn thương rồi. Mỗi lần nổi cơn giận, thì phải cần khoảng ba ngày thân thể mới khôi phục lại như bình thường. Mắng người không tốt với thân thể như vậy, nhưng cha mẹ vẫn phải làm vì muốn chúng ta nhớ kỹ lời dạy bảo, sau này không tái phạm lại những sự việc bất lợi với bản th. Cha mẹ thà rằng nổi cơn giận làm tổn thương thân thể chính mình, chứ không chấp nhận để chúng ta hư hỏng. Chúng ta phải hiểu thiện ý này của cha mẹ. Vì muốn nâng cao đức hạnh và học vấn cho các con, để các con không bị sa ngã nên cha mẹ mới phải dạy các con, trách phạt các con. Chúng ta phải xứng đáng với tâm yêu thương lo lắng của cha mẹ. Cách mà cha mẹ yêu các con, có lúc nói năng nhẹ nhàng, có những lúc lại lớn tiếng với các con nhưng đều là cùng một cái tâm yêu thương các con. Chúng ta phải thể hội, không nên phụ lòng dạy dỗ của cha mẹ, không thể để sự nóng giận của cha mẹ trở nên vô ích, không thể để thân thể cha mẹ tổn thương vô ích. Vì vậy, chúng ta phải nhớ kỹ lần sai phạm này, phải biết sự quở mắng có thể đổi lại được sự tiến bộ. Phải học tập những học trò giỏi của Khổng Lão Phu Tử, đức hạnh của Nhan Uyên là không để phạm lỗi lần hai. Lần này bị cha mẹ trách mắng rồi, nhất định phải nhớ kỹ lần sau không phạm lại việc đó nữa khiến cha mẹ phải nổi giận, phải tổn thương. Khi người con có tâm thái như vậy thì sẽ không còn cảm thấy xui xẻo, điều mà người con nhớ rõ chính là lần sau không thể tái phạm.